Ngày 13/4/2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp với UBND huyện Thới Bình tổ chức Hội thảo kết hợp với Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp huyện thường niên Lần thứ 5 với chủ đề “Giải pháp để nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản, đặc thù của các địa phương”.
Có 80 đại biểu tham dự Hội nghị gồm: Ban Giám đốc Sở KH&CN cùng lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở; Đại diện lãnh đạo Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Thới Bình; Đại diện phòng Kinh tế & Hạ tầng các huyện, thành phố Cà Mau, Các xã, các phòng ban thuộc huyện Thới Bình; Ban Kinh tế Ngân sách – Hội đồng nhân dân tỉnh; Đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và một số sở, ngành cấp tỉnh.
Hội nghị đã nghe báo cáo Hoạt động KH&CN cấp huyện năm 2017 và thực trạng xây dựng, quản lý và phát triển sở hữu trí tuệ ở các địa phương. Giải pháp phát triển trong thời gian tới của Sở KH&CN; báo cáo tham luận của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và 05 địa phương trong tỉnh xoay quanh chủ đề của Hội thảo. Đồng thời Hội thảo cũng đã nghe 9 ý kiến phát biểu trao đổi về việc đẩy mạnh quảng bá và phát triển các thương hiệu, nhãn hiệu đã được bảo hộ trong thời gian qua, cũng như tiếp tục xây dựng các sản phẩm của các địa phương trong thời gian tới.
Qua hội thảo cho thấy, hoạt động KH&CN của tỉnh luôn có sự đổi mới, đi vào chiều sâu. Công tác quản lý đã có nhiều thay đổi và nhận thức về KH&CN của cộng đồng được nâng cao. Thời gian qua, với nguồn lực còn hạn chế, nhưng trong hoạt động KH&CN cấp tỉnh, cấp huyện có nhiều nỗ lực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh nói riêng.
Năm 2017, cấp huyện đã triển khai thực hiện 31 dự án ứng dụng KH&CN, đã tổ chức nghiệm thu 8 dự án, với nhiều mô hình sau khi nghiệm thu được địa phương tiếp tục nhân rộng trên địa bàn; tổ chức 152cuộc tập huấn/hội thảo phổ biến thông tin KH&CN, với 6.178 lượt người tham dự; cử 20 lượt cán bộ KH&CN đi học tập các mô hình sản xuất có hiệu quả ngoài tỉnh, một số mô hình sau khi đi học tập được các địa phương đưa vào kế hoạch triển khai thực hiện năm 2018. Các huyện, thành phố phối hợp với đơn vị có liên quan thực hiện kiểm định tổng số 7.584 phương tiện đo theo phân cấp (đạt 97% kế hoạch năm); Tăng cường công tác tổ chức quản lý, xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu các sản phẩm đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, tiếp tục thực hiện các dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc thù của địa phương. Nhìn chung, năm 2017 cấp huyện triển khai hoạt động KH&CN đảm bảo kế hoạch. Kinh phí KH&CN cấp huyện sử dụng đạt trung bình 98% kế hoạch năm.
uy nhiên, qua ý kiến đánh giá, thảo luận của đại biểu cho thấy hoạt động KH&CN cấp huyện của tỉnh Cà Mau vẫn còn nhiều hạn chế:
- Việc chọn lựa, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất ở các địa phương còn dàn trải, chưa sát với lợi thế cạnh tranh về các điều kiện tự nhiên của địa phương (đất đai, nguồn nước, thủy văn,...).
- Các sản phẩm chủ lực của từng địa phương chưa được quan tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN để tạo giá trị gia tăng trong sản phẩm, chưa phát triển sản xuất tập trung thành hàng hóa lớn nên thị trường còn hạn hẹp, “được mùa, mất giá”, vì vậy hoạt động sản xuất chưa thật sự mang lại hiệu quả kinh tế.
- Nhiều mô hình ứng dụng KH&CN có hiệu quả nhưng quy mô còn nhỏ, thiếu tính đột phá; tỷ lệ thâm canh hóa, cơ giới hóa còn thấp.
- Việc ổn định chất lượng và quản lý thương mại các sản phẩm đặc thù của địa phương đã được chứng nhận nhãn hiệu còn nhiều bất cập, chưa hình thành được chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nên chưa tạo niềm tin cao đối với người tiêu dùng.
- Công tác định hướng và tổ chức sản xuất cho người dân chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, vì vậy người dân sản xuất thường theo kiểu tự phát với tính rủi ro cao và tạo ra sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, khó thâm nhập vào thị trường.
- Công tác tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật chưa sát theo yêu cầu của người dân, còn mang nặng tính lý thuyết nên việc nắm bắt, áp dụng của người dân chưa cao.
- Cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX, Tổ hợp tác để đầu tư trang thiết bị hiện đại sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao chưa được các ngành, các cấp quan tâm.
Những hạn chế trong công tác triển khai ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống nêu trên xuất phát từ các nguyên nhân sau:
- Xuất phát điểm KH&CN của tỉnh Cà Mau còn thấp, chậm phát triển các nguồn lực KH&CN của tỉnh còn hạn chế; khả năng huy động nguồn vốn, xã hội hóa trong ứng dụng tiến bộ KH&CN chưa cao.
Hội nghị giao ban KH&CN cấp huyện năm 2018
Để ngành KH&CN thật sự góp phần đắc lực trong việc hỗ trợ các địa phương xây dựng và phát triển trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Ông Phan Tấn Thanh - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Cà Mau có những kết luận sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin KH&CN, tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và hành động của toàn thể cán bộ và nhân dân trong hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất.
- Đẩy mạnh việc tìm kiếm và ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học để phát triển các sản phẩm thuộc ngành hàng chủ lực và phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương; đồng thời tiếp tục chọn lựa các đối tượng cây trồng, vật nuôi; các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai của từng vùng, từng địa phương, ít bị tác động bởi biến đổikhí hậu và xâm nhập mặn,... có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định để triển khai nhân rộng, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất.
- Quan tâm công tác định hướng, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân, thông qua các hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã để nông dân được trao đổi, chia sẽ kinh nghiệm và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
- Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác KH&CN có đủ trình độ, khả năng tiếp thu và vận dụng sáng tạo các tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Trong đó, coi trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ KH&CN cơ sở.
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực, hiệu quả tham mưu, tư vấn của Hội đồng KH&CN cấp huyện trong định hướng phát triển KH&CN của các địa phương.
- Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động chuyển giao KH&CN vào sản xuất, kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
Đối với cấp huyện
- Chủ động nắm bắt nhanh các tiến bộ KH&CN, chọn lựa các đối tượng, các mô hình sản xuất phù hợp để chuyển giao áp dụng, nhân rộng phục vụ phát triển ngành hàng chủ lực và tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Thực hiện tốt đề án phát triển bền vững ngành hàng tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đưa Cà Mau trở thành tỉnh sản xuất và chế biến tôm hàng đầu của Việt Nam.
- Tăng cường đầu tư, xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn, vùng nguyên liệu tập trung để thúc đẩy các hình thức liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
- Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kiểu tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất để các tổ chức này có đủ khả năng cung cấp dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân, hạn chế tình trạng thương lái độc quyền, ép giá đối với người sản xuất,...
- Tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để nâng cao uy tín đối với các sản phẩm đặc sản, đặc thù của địa phương đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Tiếp tục đăng ký bảo hộ để phát triển thêm các sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm của địa phương trên thị trường.
Đối với các Sở, ngành, Đoàn thể cấp tỉnh
- Tăng cường sự phối hợp, tư vấn, hướng dẫn cho các địa phương chọn lựa và chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá xúc tiến thương mại để các sản phẩm đặc sản, đặc thù của các địa phương ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ.
- Ưu tiên nguồn vốn, nguồn nhân lực và lồng ghép việc triển khai ứng dụng tiến bộ KH&CN trong các nội dung của các Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện tại địa phương.
- Tăng cường kinh phí cho hoạt động KH&CN cấp huyện để các địa phương có điều kiện xây dựng và thực hiện các định hướng ứng dụng KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển, góp phần làm cho đời sống người dân vùng nông thôn ngày càng tốt hơn.
- Ban hành cơ chế, chính sách nhân rộng các mô hình ứng dụng KH&CN có hiệu quả để phát triển sản xuất thành hàng lớn tại các địa phương.
- Tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển tiềm lực KH&CN của tỉnh để đáp ứng yêu cầu hội nhập trong cuộc cách mạng 4.0.
Đối với các phòng, đơn vị trực thuộc Sở
- Giao Phòng Quản lý Chuyên ngành nghiên cứu, tham mưu xin chuyển đổi một số nhãn hiệu tập thể sang nhãn hiệu chứng nhận. Đề xuất các tổ chức quản lý và khai thác có hiệu quả các nhãn hiệu đã được bảo hộ, các sản phẩm sau khi được chứng nhận; Tiếp tục xây dựng và đăng ký bảo hộ các sản phẩm đặc sản của các địa phương; Tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn trong các hoạt động sáng tạo, sáng kiến, sáng chế cho các địa phương.
- Giao Phòng Quản lý KH&CN cơ sở tìm kiếm thông tin các mô hình ứng dụng KH&CN vào sản xuất có hiệu quả, nhất là các mô hình thành công từ các địa phương trong và ngoai tỉnh, giới thiệu để các địa phương khác có điều kiện tương đồng áp dụng, nhân rộng.
- Giao Phòng Quản lý Khoa học liên hệ với các Công ty Cơ khí trong và ngoài tỉnh tìm kiếm thông tin máy gặt đập liên hợp phù hợp với vùng sản xuất lúa – tôm, mời trình diễn nếu đạt yêu cầu thì đặt hàng để hỗ trợ cho các huyện.
- Giao Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN sớm xúc tiến tổ chức Hội thảo kết nối cung cầu về công nghệ trong tháng 5/2018 để giới thiệu các công nghệ máy gặt đập liên hợp phù hợp với vùng sản xuất lúa – tôm như yêu cầu của các huyện: Thới Bình, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau.
- Hội nghị giao ban KH&CN cấp huyện Lần thứ 6, năm 2019 được tổ chức tại huyện Ngọc Hiển.
Đình Văn