1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ba khía (Sesarma mederi) được xem là đối tượng có tiềm năng phát triển rất lớn do chúng sống chủ yếu ở rừng ngập mặn và các bãi bồi ven biển, ba khía có giá trị kinh tế và là món ăn đặc sản của miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên với nhu cầu ngày càng tăng ở thị trường nội địa, việc khai thác nguồn lợi ba khía trong tự nhiên ngày càng được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dẫn đến nguồn lợi ba khía tự nhiên ngày càng giảm sút. Mô hình nuôi ba khía ở rừng ngập mặn được thực hiện thí điểm tại ấp Giồng Kè xã Bình Giang, huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang với diện tích 1.100 ha rừng phòng hộ đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, 2014). Tuy nhiên nguồn giống ba khía hiện nay đa phần là giống được đánh bắt tự nhiên và đang dần cạn kiệt cho nên nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo ba khía cần được đẩy mạnh phát triển. Cho đến nay đã có các nghiên cứu bước đầu xác định được độ mặn thích hợp cho ương ấu trùng ba khía là 20 ‰ (Trần Ngọc Hải và Châu Tài Tảo, 2017), nghiên cứu xác định được mật độ ương tốt nhất cho ấu trùng ba khía từ Zoea-1 đến Zoea-4 là 300 con/L, từ Zoea-4 đến ba khía 1 là 100 con/L (Nguyễn Nghi Lễ và Châu Tài Tảo, 2017). Tuy nhiên các nghiên cứu về ương giống ba khía chưa được thực hiện, và mỗi đối tượng ương nuôi đều có mật độ khác nhau cho từng giai đoạn để tăng trưởng và tỉ lệ sống cao nhất. Do đó “Nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của ba khía (Sesarma mederi) giai đoạn ương giống” được thực hiện nhằm xác định được mật độ ương tốt nhất để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Thời gian và địa điểm nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 01 - 02 năm 2021 tại Trại thực nghiệm nước lợ, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ.
2.2. Vật liệu nghiên cứu
2.2.1. Nguồn nước thí nghiệm
Nước ót có độ mặn 80‰, được chuyển về từ khu ruộng muối huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, sau đó pha với nước ngọt (nước máy thành phố) để được độ mặn 20‰, xử lý bằng chlorine với nồng độ 50 g/m3, sục khí cho hết chlorine rồi bơm qua ống vi lọc 1µm trước khi sử dụng ương giống ba khía.
2.2.2. Nguồn ba khía giống
Ba khía giống được sản xuất tại trại thực nghiệm nước lợ Khoa Thủy Sản Trường Đại học Cần Thơ có chất lượng tốt.
2.3. Phương pháp nghiên cứu
2.3.1. Bố trí thí nghiệm
Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần, cách bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, bể ương có thể tích 1m3, độ mặn 20‰, thức ăn con ruốc (rửa sạch bằm nhỏ con ruốc rồi cho ba khía ăn). Giá thể bằng lưới thời gian thực hiện thí nghiệm là 30 ngày.
+ Nghiệm thức 1: Mật độ 1.000 con/m2
+ Nghiệm thức 2: Mật độ 1.200 con/m2
+ Nghiệm thức 3: Mật độ 1.400 con/m2
+ Nghiệm thức 4: Mật độ 1.600 con/m2
Hình 1: Ba khía giống và hệ thống thí nghiệm
2.3.2. Chăm sóc và quản lý
- Lượng thức ăn cho ba khía tùy theo nghiệm thức và được quan sát hàng ngày để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Mỗi ngày cho ba khía ăn 4 lần (6h, 11h, 16h và 20h).
- Định kỳ 3 ngày siphon và thay nước một lần và mỗi lần thay 20% nước bể ương.
- Dùng giá thể bằng lưới cho vào bể ương để cho ba khía bám (2m2 lưới nhựa/m2 diện tích đáy bể).
2.3.3. Các chỉ tiêu theo dõi ương giống ba khía
- Các chỉ tiêu theo dõi môi trường nước như:
Nhiệt độ, pH được đo 2 lần/ngày vào lúc 8:00 và 14:00 giờ bằng bút đo pH và nhiệt độ (máy HANA); chỉ tiêu TAN, NO2-, độ kiềm được đo 1 tuần/lần bằng testkit.
- Các chỉ tiêu theo dõi ba khía gồm:
+ Tăng trưởng về chiều rộng mai và khối lượng được thu mẫu 7 ngày/lần, mỗi lần thu ngẫu nhiên 30 con/bể.
+ Tỷ lệ sống và năng suất của ba khía được xác định khi kết thúc thí nghiệm.
2.3.4. Phương pháp xử lý số liệu
Các số liệu thu thập được tính toán các giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, bằng phần mềm Microsoft Excel của Office 2013. So sánh sự khác biệt giữa các nghiệm thức theo phương pháp phân tích ANOVA với phép thử Duncan bằng phần mềm SPSS 20.0 ở mức ý nghĩa p<0,05.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Các yếu tố môi trường nước
Trong quá trình thí nghiệm nhiệt độ trung bình của các nghiệm thức dao động trong ngày từ 26,53-29,17°C, pH của các nghiệm thức dao động trong ngày từ 8,5-8,62. Độ kiềm trung bình của các nghiệm thức từ 115,8±1,4 mg CaCO3/L đến 126±1,4 mgCaCO3/L. Hàm lượng TAN trung bình của các nghiệm thức dao động từ 0,49 mg/L đến 2,58 mg/L, TAN cao nhất là ở nghiệm thức mật độ 1.600 con/m2 (2,58±0,02 mg/L) khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với các nghiệm thức còn lại và thấp nhất là nghiệm thức mật độ 1.000 con/m2 (0,49±0,06 mg/L). Qua kết quả thống kê cho thấy hàm lượng NO2- trung bình của các nghiệm thức từ 0,65 mg/L đến 0,98 mg/L. Cao nhất ở nghiệm thức bố trí mật độ 1.600 con/m2 (0,98±0,06) khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với các nghiệm thức còn lại và thấp nhất là ở nghiệm thức mật độ 1.000 con/m2 (0,65±0,01). Trong quá trình thí nghiệm có thay nước định kỳ nên hàm lượng TAN và NO2- ở các nghiệm thức ở mức thấp. Theo Trần Ngọc Hải và ctv (2017), các chỉ tiêu môi trường trên nằm trong khoảng thích hợp cho các loài giáp xác sinh trưởng và phát triển tốt.
Bảng 1. Các chỉ tiêu môi trường của các nghiệm thức
Chỉ tiêu | Nghiệm thức | ||||
1.000 con/m2 | 1.200 con/m2 | 1.400 con/m2 | 1.600 con/m2 | ||
Nhiệt độ (oC) | Sáng | 26,53±0,05a | 26,53±0,02a | 26,53±0,03a | 26,53±0,04a |
Chiều | 29,14±0,03a | 29,12±0,05a | 29,11±0,05a | 29,17±0,02a | |
pH | Sáng | 8,50±0,02a | 8,53±0,01b | 8,57±0,01c | 8,60±0,02c |
Chiều | 8,52±0,02a | 8,55±0,01a | 8,58±0,01b | 8,62±0,03c | |
Độ kiềm (mgCaCO3/L) | 126,7±1,4c | 122,5±2,5b | 117,5±2,5a | 115,8±1,4a | |
TAN (mg/L) | 0,49±0,06a | 0,71±0,04a | 1,44±0,40b | 2,58±0,02c | |
NO2- (mg/L) | 0,65±0,01a | 0,71±0,01a | 0,82±0,03b | 0,98±0,06c |
Các số liệu trong cùng một hàng có kí tự chữ cái khác nhau thì khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05)
3.2 Tăng trưởng về chiều rộng mai (mm) của ba khía
Tăng trưởng về chiều rộng mai của ba khía qua các đợt thu mẫu
Chiều rộng mai của ba khía lúc bố trí thí nghiệm là 1,04 mm, sau 8 và 15 ngày ương, chiều rộng mai của ba khiá lớn nhất ở nghiệm thức mật độ 1.000 con/m2 nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) so với các nghiệm thức còn lại. Đến 22 ngày ương chiều rộng mai ba khía lớn nhất ở nghiệm thức 1.000 con/m2, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với nghiệm thức mật độ 1.600 con/m2 nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với 2 nghiệm thức còn lại. Đến khi kết thúc thí nghiệm chiều rộng mai ba khía lớn nhất ở nghiệm thức 1.000 con/m2 khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với các nghiệm thức còn lại.
Hình 2: Chiều rộng mai ba khía ở các nghiệm thức qua các lần thu mẫu
Tốc độ tăng trưởng về chiều rộng mai
Sau 30 ngày ương chiều rộng mai của ba khía giữa các nghiệm thức khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05), chiều rộng mai của ba khía lớn nhất ở mật độ 1.000 con/m2, nhỏ nhất là ở nghiệm thức mật độ 1.600 con/m2. Tốc độ tăng trưởng chiều rộng mai tuyệt đối của ba khía ở nghiệm thức mật độ 1.600 con/m2 nhỏ nhất (0,13 mm/ngày) khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với nghiệm thức mật độ 1.000 con/m2 và 1.200 con/m2, nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với nghiệm thức mật độ 1.400 con/m2. Tốc độ tăng trưởng chiều rộng mai tương đối của ba khía ở nghiệm thức mật độ 1.000 con/m2 lớn nhất khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với các nghiệm thức còn lại.
Bảng 2. Tăng trưởng về chiều rộng mai (mm) của ba khía
Chỉ tiêu | Nghiệm thức | |||
1.000 con/m2 | 1.200 con/m2 | 1.400 con/m2 | 1.600 con/m2 | |
Lđ | 1,04±0,01a | 1,04±0,01a | 1,04±0,01a | 1,04±0,01a |
Lc | 6,03±0,11d | 5,63±0,09c | 5,17±0,19b | 4,88±0,08a |
DLG (mm/ngày) | 0,17±0,01c | 0,15±0,01b | 0,14±0,01a | 0,13±0,01a |
SRGL (%/ngày) | 5,85±0,06d | 5,62±0,06c | 5,33±0,13b | 5,14±0,06a |
Các số liệu trong cùng một hàng có kí tự chữ cái khác nhau thì khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05).
3.3 Tăng trưởng về khối lượng của ba khía
Tăng trưởng về khối lượng của ba khía qua các lần thu mẫu
Khối lượng trung bình của ba khía lúc bố trí thí nghiệm là 0,004g. Sau 8 và 15 ngày ương khối lượng của ba khía giữa các nghiệm thức khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Đến 22 ngày ương khối lượng của ba khía nhỏ nhất ở nghiệm thức mật độ 1.600 con/m2, khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) so với nghiệm thức mật độ 1.400 con/m2, nhưng khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với 2 nghiệm thức còn lại. Đến 30 ngày ương khối lượng của ba khía lớn nhất ở nghiệm thức mật độ 1.000 con/m2 khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) so với nghiệm thức mật độ 1.200 con/m2, nhưng khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với 2 nghiệm thức còn lại.
Hình 3: Khối lượng của ba khía ở các nghiệm thức qua các lần thu mẫu
Tốc độ tăng trưởng của ba khía
Qua bảng 3 ta thấy khối lượng của ba khía tăng đáng kể sau 30 ngày ương. Với các mật độ khác nhau thì tốc độ tăng trưởng về khối lượng của ba khía có sự chênh lệch giữa các nghiệm thức. Cụ thể là tốc độ tăng trưởng về khối lượng tuyệt đối và tương đối của ba khía ở nghiệm thức mật độ 1.000 con/m2 cao nhất khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) so với nghiệm thức 1.200 con/m2, nhưng khác biệt có ý nghĩa thống kê so với các nghiệm thức còn lại.
Bảng 3. Tốc độ tăng trưởng của ba khía
Chỉ tiêu | Nghiệm thức | |||
1.000 con/m2 | 1.200 con/m2 | 1.400 con/m2 | 1.600 con/m2 | |
Wđ | 0,004±0,001a | 0,004±0,001a | 0,004±0,001a | 0,004±0,001a |
Wc | 0,273 ±0,007b | 0,262 ±0,014b | 0,236 ±0,012a | 0,222 ±0,009a |
DWG (g/ngày) | 0,0090±0,0002b | 0,0086±0,0005b | 0,0077±0,0004a | 0,0073±0,0003a |
SRGW (%/ngày) | 14,08±0,09b | 13,94±0,17b | 13,59±0,18a | 13,39±0,12a |
Các số liệu trong cùng một hàng có kí tự chữ cái khác nhau thì khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05)
3.4. Tỷ lệ sống và năng suất của ba khía
Sau 30 ngày ương tỷ lệ sống của ba khía ở nghiệm thức mật độ 1.000 con/m2 cao nhất khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với các nghiệm thức còn lại, tỷ lệ sống của ba khía giảm dần khi tăng mật độ ương, tỷ lệ sống của ba khía thấp nhất là ở nghiệm thức mật độ 1.600 con/m2.
Năng suất của ba khía ở nghiệm thức mật độ 1.200 con/m2 lớn nhất nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) giữa các nghiệm thức.
Bảng 4. Tỷ lệ sống và năng suất của ba khía
Chỉ tiêu | Nghiệm thức | |||
1.000 con/m2 | 1.200 con/m2 | 1.400 con/m2 | 1.600 con/m2 | |
Tỷ lệ sống (%) | 80,2±1,2d | 73,6±3,9c | 62,8±4,7b | 49,9±2,6a |
Năng suất (con/m3) | 802±12a | 883±47a | 879±66a | 798±41a |
Các số liệu trong cùng một hàng có kí tự chữ cái khác nhau thì khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05)
4. Kết luận và đề xuất
4.1. Kết luận
Các yếu tố môi trường như nhiệt độ, pH, độ kiềm, hàm lượng TAN và NO2- của các nghiệm thức đều nằm trong ngưỡng cho phép để ương giống ba khía.
Tăng tưởng, tỷ lệ sống và năng suất của ba khía ở nghiệm thức mật độ 1.000con/m2 là tốt nhất.
4.2 Đề xuất
Ứng dụng ương giống ba khía ở mật độ 1.000 con/m2 vào thực tế sản xuất.
Châu Tài Tảo và Lý Văn Khánh - Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ