Ảnh hưởng của thức ăn và mật độ lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá nâu (Scatophagus argus) ương trong hệ thống lọc tuần hoàn

Giới thiệu

Ở Ðồng bằng Sông Cửu Long với 805.460 ha mặt nước có thể phát triển nuôi trồng thủy sản; 732km bờ biển, nhiều sông lớn, nhiều cửa sông, bãi triều rộng, rừng ngập mặn; có trên 150 đảo lớn nhỏ, tập trung ở biển Tây là tiềm năng lớn phát triển nuôi trồng thủy sản ở cả 3 hình thức: ngọt, lợ và mặn. Theo Trần Ngọc Hải và ctv. (2017) ở ĐBSCL có lợi thế trong nuôi cá nước lợ và cá biển, với nhiều hệ thống nuôi có thể áp dụng như: nuôi kết hợp với tôm (tôm rừng, tôm lúa, tôm quảng canh cải tiến), nuôi lồng, nuôi bể…Trong số các loài cá nước lợ mặn thì cá nâu (Scatophagus argus) là đối tượng có giá trị kinh tế cao, được thị trường trong nước ưa chuộng. Cá nâu có nhiều ưu điểm như dễ nuôi, rộng muối, có sức sống cao và là loài ăn tạp thiên về thực vật như mùn bã hữu cơ, tảo, rong biển (Barry và Fast, 1992. Trích dẫn bởi  Nguyễn Thị Ngọc Anh và ctv., 2017). Vì thế, cá nâu được nuôi nhiều trong các mô hình quảng canh kết hợp hoặc nuôi luân canh với các đối tượng thủy sản khác ở vùng nước lợ. Đặc biệt, những năm gần đây có nhiều nghiên cứu nuôi kết hợp cá nâu và rong biển trong vuông tôm  có hiệu quả cao. Do cá nâu có giá trị kinh tế và triển vọng nuôi ghép với các đối tượng thuỷ sản khác, tuy nhiên số lượng cá nâu giống chưa đáp ứng được nhu cầu người nuôi. Con giống chủ yếu thu được ngoài tự nhiên và phụ thuộc lớn vào mùa vụ. Vì thế, người nuôi cá thường bị động về thời gian, hơn nữa giá thành con giống thường cao gây khó khăn trong việc phát triển nuôi đối tượng này tại một số vùng nước lợ mặn của tỉnh nhà.

Vấn đề khó khăn lớn hiện nay trong khâu sản xuất giống và ương nuôi cá nâu giống một phần là do khâu xử lý nguồn nước cho hệ thống nuôi, cũng như chưa lựa chọn được hệ thống ương nguồn thức ăn phù hợp cho việc ương nuôi cá giống. Việc không quản lý nước và thức ăn không phù hợp ở giai đoạn này sẽ làm tăng tỷ lệ hao hụt của cá giống. Xuất phát từ thực tế về nhu con giống phục vụ cho người nuôi, nên việc nghiên cứu “Ảnh hưởng thức ăn và mật độ lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá nâu (Scatophagus argus)” được thực hiện tại Cơ sở 2 Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau. Mục tiêu đề tài là  tìm ra được nguồn thức ăn tốt và mật độ ương nuôi cá nâu giống phù hợp trong hệ thống lọc tuần hoàn. Từ đó sẽ đưa ra được quy trình ương nuôi để có con giống chất lượng tốt, tỷ lệ sống cao đáp ứng được con giống phục vụ cho nghề nuôi cá vùng nước lợ mặn.

2. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Thời gian và địa điểm thực hiện

Thí nghiệm được tiến hành từ tháng 4/2022 đến 7/2022, tại trại thực hành, thực nghiệm Nuôi trồng thuỷ sản,  Cở sở 2 trường Cao đẳng Cộng Đồng Cà Mau (Quốc lộ 63, phường Tân Xuyên, Thành phố Cà Mau, Tỉnh Cà Mau).

2.2. Dụng cụ, trang thiết bị

Bồn chứa, thùng nhựa, máy sục khí oxi, hệ thống dây dẫn khí, bộ dụng cụ test chlorin, đo độ mặn, đo pH, đo nhiệt độ, kính hiển vi, lame, máy bơm chìm, hạt kaldnes, phụ kiện ông, dây hơi...

2.3. Vật liệu thí nghiệm

* Nguồn cá giống: Cá nâu giống được thu mua từ thiên nhiên (trọng lượng cá giống trung bình là 0,35 g/con với chiều dài là 14 mm/con).

* Thức ăn cho cá ăn

+ Thức ăn nổi cho cá (Thức ăn hỗn hợp cho cá rô phi 40% đạm)

+ Thức ăn chìm chậm (Thức ăn hỗ hợp cho cá giống 50% đạm)

+ Cám thái (49% đạm, trong thành phần có chứa Artermia khô, nên cám mịn và ít chìm trong nước)

+ Hỗn hợp tảo tươi được thu từ bể nuôi cá rô phi

Hình 2. Các loại thức ăn dùng cho cá nâu ăn

* Các loại hoá chất: Hoá chất xử lý nước: thuốc tím, chlorin, natrithiosunfat, formol, men vi sinh, Canxi-bicacbonat.

2.3.  Phương pháp thí nghiệm

2.3.1. Quy trình xử lý nước ương nuôi cá nâu

Nước có độ mặn (26 ‰) được lấy từ sông về cho bơm vào bể chứa (3m3) và tiến hành xử lí nước bằng thuốc tím với nồng độ 5ppm, khuấy đều, và lắp sục khí 30 phút sau đó để lắng sau 24 giờ. Tiếp tục xử lí bằng chlorin với nồng độ 50ppm, sục khí 30 phút sau đó tắt sục khí để nước lắng trong. Sau khi nước trong tiến hành bơm nước trong sang bể khác, thử chlorine nếu còn thì dùng natritthiosunfat để trung hoà chlorine với nồng độ 50ppm, sục khí mạnh đến khi hết chlorine thì nước sẵn sàng được sử dụng.

Nước ao (0 ‰) được lấy từ ao xung quanh trại, nước này cũng được tiến hành xử lý theo quy trình trên. Và pha với nước có độ mặn 26 ‰ trên để hạ độ mặn về 10 ‰ để ương cá nâu. Sau khi nước đã sẵn sàng để sử dụng thì tiến hành đo độ kiềm, nếu độ kiềm thấp chưa đạt thì tiến hành sử dụng bicacbonate để nâng kiềm, với liều lượng cứ 22g/m3 sẽ nâng được 17,9 mg kiềm.

2..3.2. Quy trình gây nuôi tảo từ bể cá rô phi

Nguồn gốc tảo tươi dùng để cho cá nâu ăn là thu từ bể nước xanh nuôi cá rô phi. Cá rô phi giống (20-30 g/con) được thả nuôi với mật độ 12 con/bể chứa 500-600 lít nước. Hằng ngày cho cá thức ăn viên nổi thì sau 5-7 ngày nước sẽ có màu xanh đọt chuối. Dùng vợt phiêu sinh thực vật để vớt tảo trong bể cá rô phi để thu phần tảo cô đặc cho vào bể cá nâu ăn hằng ngày. Mật độ tế bào tảo cô đặc là 11 triệu tế bào tảo/ml.

2.3.3. Bố trí hệ thống nuôi

Hệ thống ương cá là sử dụng hệ thống lọc tuần hoàn gồm 12 bể composite  (30cmx40cmx30cm) kết nối với bể lọc tuần hoàn (thùng nhựa 90 lít, có chứa hạt kadlnes, và giữa có máy bơm chìm). Nước trong thùng lọc được bơm lên các bể thông qua ống nhựa (phi 27) có khoan 3 lỗ nhỏ để nước chảy vào mỗi bễ nước chạy vào mỗi bể (lưu lượng nước đo được là 500 ml/30 giây). Bên dưới mỗi bể ương có đường nước chảy ra thùng lọc. Nước được tuần hoàn liên tục trong hệ thống nuôi.

Thể tích nước trong bể ở thí nghiệm 1 được cấp vào mỗi bể là 32 lít nước, ở thí nghiệm 2 về mật độ thì nâng nước trong bể lên 35 lit/bể.

 

Thí nghiệm 1 (Ảnh hưởng của thức ăn lê tỷ lệ sống và tăng trưởng cá nâu)

Cá giống mua từ tự nhiên về được thuần nước tại trại với độ mặn 10‰ (bằng với nước trong bao chứa cá giống). Sau đó tắm cho cá bằng formol (200ppm) trong 10 phút để loại bỏ các vi sinh vật, mầm bệnh bám trên cá. Cá được tiến hành bố trí thí nghiện như sau:

Cá nâu được bố trí vào bể (25 con/bể) với ba nghiệm thức, mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần với các loại thức ăn khác nhau

- Nghiệm thức 1: Cá ăn cám thái với khẩu phần ăn 7% khối lượng thân.

- Nghiệm thức 2: Cá ăn thức ăn nổi với khẩu phần ăn 7% khối lượng thân.

- Nghiệm thức 3: Cá ăn hỗn hợp tảo tươi cộng với thức ăn chìm chậm, với khẩu phần là 5% trọng lượng thân cộng với 1ml tảo/bể.

Bể cá nâu cần phải bố trí thêm giá thể vào cho cá trú vào giá thể.

Thí nghiệm 2 (Ảnh hưởng của mật độ lên tỷ lệ sống và tăng trưởng cá nâu)

Sau khi kết thúc và thu số liệu thí nghiệm 1, lựa chọn được loại thức ăn phù hợp với cá nâu (Cá phát triển tốt và tỷ lệ sống cao) sẽ được bố trí nuôi với ba nghiệm thức, mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần với các mật độ như sau:

-Nghiệm thức 1: Mật độ ương nuôi 15 con bể/35 lít (1 con/2,3 L).

-Nghiệm thức 2: Mật độ ương nuôi 25 con bể/35 lít (1 con/1,4 L).

-Nghiệm thức 3: Mật độ ương nuôi 35 con bể/35 lít (1con/ 1L).

Bể cá nâu cần phải bố trí thêm giá thể vào cho cá trú vào giá thể.

* Chăm sóc cá nâu:

Cho cá ăn 4 lần/ngày, vào lúc 7 giờ 30 phút; 10 giờ 30 phút; 13 giờ 30 phút và 16 giờ 30 phút. Với mỗi nghiệm thức có số lượng thức ăn và tảo được cho ăn khác nhau và trước khi cho ăn phải nghiền thức ăn cho vừa kích thước của miệng cá nâu. Khi cho ăn tắt hệ thống lọc tuần hoàn khoảng 30 phút để cho cá ăn sau đó thì mở lại.

Mỗi ngày hút thức ăn thừa ở đáy bể khi cho ăn sau khi rút hết thức ăn thừa ở bể thì ta bắt đầu thêm nước mới vào theo mức nước ban đầu rồi tiến hành cho cá ăn sau khi xi phông.

2.3.4.  Phương pháp thu các số liệu của thí nghiệm

 - Đo chỉ tiêu môi trường nước của trung bình mỗi nghiệm thức như sau:

+ Nhiệt độ và pH đo 2 lần/ngày (lúc 7 giờ 15 phút và 15 giờ 00 phút), nhiệt độ đo bằng nhiệt kế thuỷ ngân, pH đo bằng máy điện tử cầm tay.

+ Các thông số kiềm, NH3-/NH4+, NO2- cách 3 ngày đo 1 lần. (Đo bằng bộ test SERA của Đức).

-   Các chỉ tiêu theo dõi cá:

+ Số lượng cá chết được ghi nhận hàng ngày.

+ Đo chiều dài và cân khối lượng cá (trước và khi kết thúc thí nghiệm).

+ Tốc độ tăng trưởng khối lượng theo ngày (mg/ngày)

DWG = (W2-W1)/T

+ Tốc độ tăng trưởng chiều dài theo ngày (mm/ngày)

DLG = (L2-L1)/T

Trong đó: L1, L2 là chiều dài cá (mm) ở thời điểm đầu và cuối.

       W1, W2 là khối lượng cá (mg) ở thời điểm đầu và cuối.

       T: Thời gian ương cá (ngày)

     + Tỷ lệ sống (%) = (số cá thể cuối /số cá thể đầu) x 100

2.4. Phương pháp xử lý số liệu và trình bày báo cáo

Các số liệu thu thập được tính toán các giá trị trung bình, độ lệch chuẩn bằng phần mềm Excel của Office phiên bản 2013 và phân tích thống kê (One-way ANOVA với phép thử Duncan) để tìm ra sự khác biệt giữa các nghiệm thức bằng phần mềm SPSS phiên bản 20.0 ở mức ý nghĩa p<0,05.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Kết quả thí nghiệm  1 về ảnh hưởng của thức ăn

3.1.1. Các chỉ tiêu về môi trường nước

          Thí nghiệm ảnh hưởng của thức ăn lên tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá nâu được tiến hành trong hệ thống lọc nước tuần hoàn liên tục, kết quả sau 14 ngày ương nuôi được thể hiện qua giá trị trung bình các chỉ tiêu môi trường nước được thể hiện sau:

Bảng 3.1. Biến động các yếu tố môi trường nước trong hệ thống lọc tuần hoàn

pH

Nhiệt độ (0C)

Kiềm
(mg/L)

NH3/NH4
(mg/L)

NO2-
(mg/L)

Sáng

Chiều

Sáng

Chiều

8,28±0,3

8,15 ±0,17

27,98 ±0,5

30,4±0,7

96,66±32,5

0,07±0,08

3,2±2,49

Ở bảng 3.1 cho thấy trong thời gian thí nghiệm, nhiệt độ nước ở các nghiệm thức trung bình dao động giữa buổi sáng và chiều trong khoảng 27,98 – 30,4 0C; Theo Boyd (1990), nhiệt độ tối ưu cho sự phát triển của cá từ 26 – 300C. Như vậy, ở thí nghiệm này nhiệt độ phù hợp cho sự phát triển của cá nâu.

Chỉ tiêu pH biến động từ 8,28 – 8,15. Sự biến động pH trong cùng một nghiệm thức giữa buổi sáng và chiều đều nhỏ hơn 0,5. pH thấp hay quá cao cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng và sinh sản của động vật thuỷ sản. pH thích hợp từ 6,5 – 9,0  (Nguyễn Thị Tiên, 2014).  Như vậy, ở thí nghiệm này pH thì phù hợp cho sự phát triển của cá giống.

Các chỉ tiêu kiềm và NH3-/NH4+ ở trong mức thích hợp lần lượt là 96,66±32,52 mg/L và  0,07±0,08 mg/L, Theo Trần Ngọc Hải và ctv. (2017) thì chỉ tiêu từ 80-120 mg/L, và chỉ tiêu NH3/NH4 <0,1 mg/L là phù hợp đối với trại sản xuất giống cá nước lợ mặn. Như vậy đối với 2 chiêu tiêu này là phù hợp cho cá nâu phát triển.

Riêng chỉ tiêu NO2- trung bình trong thí nghiệm này là 3,2±2,49 mg/L, thì cao hơn so với yêu cầu của nước trong trại sản xuất giống thuỷ sản, thì chỉ tiêu này  là <0,1 mg/L (Trần Ngọc Hải và ctv., 2017) và theo Trương Quốc Phú (2006) trong môi trường nuôi tôm, cá có hàm lượng NO2- thích hợp nhỏ hơn 0,3 mg/L và gây độc khi lớn hơn 2 mg/L. Tuy nhiên, trong thí nghiệm 1 này thời gian nuôi là 14 ngày nên cá có khả năng chịu được, cá vẫn sống do thức ăn thừa được xi phong hàng ngày và nước được luân chuyển liên tục nên tỷ lệ sống của cá tốt (Thể hiện qua hình 3.1).

3.1.2. Chỉ tiêu về tăng trưởng của cá

* Tăng trưởng của cá về khối lượng
Sau 14 ngày ương nuôi trong hệ thống lọc tuần hoàn thì cá được thu để cân khối lượng và đo chiều dài để tính tốc độ tăng trưởng của cá.

Hình 3.1: Cân khối lượng và đo chiều dài của cá nâu sau thí nghiệm 1

* Tăng trưởng về khối lượng của cá

Tốc độ tăng trưởng của cá về khối lượng của cá sau 14 ngày ương, và tốc độ tăng trưởng tuyệt đối theo ngày (g/ngày) của cá ở các nghiệm thức được thể hiện qua bảng 3.2 như sau:

Bảng 3.2: Tốc độ tăng trưởng về khối lượng của cá nâu sau 14 ngày ương nuôi

Nghiệm thức

Cá lúc đầu (g)

Cá sau TN  (g)

DWG (g/ngày)

Cám thái

0,27±0,04

0,41±0,19a

0,01±0,01

Thức ăn nổi

0,27±0,04

0,39±0,41a

0,01±0,02

Tảo+Thức ăn chìm

0,27±0,04

0,35±0,083a

0,01±0,00

Các giá trị trong cùng một cột có ký tự giống nhau thì khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05)

Ở bảng 3.2 trên cho thấy, tốc độ tăng trưởng khối lượng và tăng trưởng theo ngày của cá nhanh nhất ở nghiệm thức cho cá ăn bằng cám thái là 0,41±0,19 g. Cá tăng trưởng về khối lượng thấp nhất là ở nghiệm thức cá ăn hỗn hợp tảo cộng với thức ăn chìm có tốc độ tăng trưởng 0,35±0,083 g. Ở thí nghiệm này thời gian ương nuôi chỉ 14 ngày nên, sự tăng trưởng của cá ở 3 nghiệm thức này khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

So với nghiên cứu nuôi cá nâu (khối lượng cá lúc bố trí là 1,7 g/con) của Lý Văn Khánh và ctv. (2010). Cá được nuôi trong bể 200 lít (30 con/bể) cá được cho ăn thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 35%. Các được bố trí ở các nghiệm thức khác nhau về độ mặn là 0‰, 5‰, 15‰, 20‰, 25‰ cà 30‰, Ở nghiệm thức 5‰ cá có tốc độ tăng trưởng tuyệt đối ở tháng đầu tiên là 0,07 g/ngày. Như vậy so về tốc độ tăng trưởng tuyệt đối thì cá nâu ở thí nghiệm 1 này có tốc độ tăng trưởng tuyệt đối thấp hơn so với thí nghiệm của nhóm tác giả trên. Có thể do kích thước cá ở thí nghiệm này nhỏ nên có tốc độ tăng trưởng chậm hơn giai đoạn cá kích thước lớn.

* Tăng trưởng về chiều dài của cá

Tốc độ tăng trưởng của cá về chiều dài của cá sau 14 ngày ương, và tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài theo ngày (mm/ngày) của cá ở các nghiệm thức được thể hiện qua bảng 3.3 như sau:

Bảng 3.3: Tốc độ tăng trưởng về chiều dài của cá nâu sau 14 ngày ương nuôi

Nghiệm thức

Cá lúc đầu (mm)

    Cá sau thí nghiệm (mm)

DLG (mm/ngày)

Cám thái

14,5±0,5

23±2,0

0,6±0,15

Thức ăn nổi

14,5±0,5

24±1,0

0,8±0,08

Tảo+Thức ăn chìm

14,5±0,5

                  23±0,75

              0,6±0,06

       

Các giá trị trong cùng một cột có ký tự giống nhau thì khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05)

Ở bảng 3.3, nhận thấy chiều dài của cá sau 14 ngày ương đạt từ 23-25 (mm) chiều dài của cá ở nghiệm thức thức ăn nổi dàì nhất là 24 mm với tộ tăng trưởng tuyệt đối là 0,8±0,08 (mmg/ngày). Tuy nhiên so với 2 nghiệm thức còn lại thì  khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p >0,05).

3.1.3. Tỷ lệ sống của cá

          Số cá chết được ghi nhận hằng ngày, số liệu trung bình về tỷ lệ sống của từng nghiệm thức được thể hiện qua Hình 3.2 sau:

 

Hình 3.2: Tỷ lệ sống (%) của cá nâu ở thí nghiệm 1

Hình 3.2. trên cho thấy cá nâu có tỷ lệ sống cao ở cả 3 nghiệm thức, cụ thể ở nghiệm thức cá ăn tảo tươi kết hợp thức ăn chìm chậm có tỷ lệ sống cao nhất (97,33 ±2,31%), kế đến là nghiệm thức cá ăn thức ăn nổi, có tỷ lệ sống là 94,67±2,31%. Nghiệm thức có tỷ lệ sống thấp nhất là cá cho ăn cám thái, với tỷ lệ sống là 89,33±6,11%. Ở thí nghiệm 1 này là khảo sát về tỷ lệ sống của cá nên thời gian ngắn (14 ngày), là cơ sở để khảo sát tiếp ảnh hưởng của mật độ ương cá trong hệ thống lọc tuần hoàn. Dựa vào kết quả về tỷ lệ sống của 3 nghiệm thức trên khác biệt không có ý nghĩa thống kê (P>0,05). Ty nhiên ở 2 nghiệm thức cá ăn thức ăn nổi và ăn tảo tươi cộng với thức ăn chìm sẽ được chọn cho cá ăn ở thí nghiệm 2.

3.2. Kết quả thí nghiệm 2 (Ảnh hưởng của mật độ lên sự tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá)

3.2.1. Các chỉ tiêu về môi trường nước

Thí nghiệm ảnh hưởng của mật độ ương lên tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá nâu được tiến hành trong hệ thống lọc nước tuần hoàn liên tục, kết quả sau một tháng ương nuôi được thể hiện qua giá trị trung bình các chỉ tiêu môi trường nước được thể hiện qua Bảng 3.4 sau:

Bảng 3.4. Biến động các yếu tố môi trường nước trong hệ thống lọc tuần hoàn

pH

Nhiệt độ (0C)

O2
(mg/L)

NH3-/NH4+
(mg/L)

NO2-(mg/L)

Sáng

Chiều

Sáng

Chiều

8,62±0,12

8,6±0,1

29,16±0,97

30,91±1,03

2,0±0,0

0,9±0,03

5,0±0,0

Trong thời gian thí nghiệm, nhiệt độ nước ở các nghiệm thức trung bình dao động giữa buổi sáng và chiều trong khoảng 29,16 - 0,91 0C. Theo Boyd (1990) nhiệt độ tối ưu cho sự phát triển của cá từ 26 - 300C. Như vậy nhiệt ở thí nghiệm 2 này, nhiệt độ vào buổi chiều cao hơn ngưỡng cho phép đối với cá là 0,910C. Tuy nhiên trong bể nuôi cá có bố trí các giá thể để cho cá trú ẩn và có dòng nước tuần hoàn liên tục vì thế cá vẫn sống được trong bể.

Yếu tố pH trong thí nghiệm biến động từ 8,62 – 8,6. Sự biến động pH trong cùng một nghiệm thức giữa buổi sáng và chiều đều nhỏ hơn 0,5. pH thấp hay quá cao cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng và sinh sản cá, pH thích hợp từ 6,5 – 9,0 (Trương Quốc Phú, 2006). Như vậy, pH ở thí nghiệm này thì phù hợp cho sự phát triển của cá giống.

Yếu tố độ kiềm, NH4+/ NH3- cũng nằm ở mức phù hợp để nuôi cá. Tuy nhiên oxy hoà tan thì thấp và hàm lượng NO2- trung bình cao hơn so với mức cho phép do thức ăn dư thừa và các hoạt động trao đổi chất của cá, có thể khắc phục NO2- cao bằng cách tiến hành xi phông thức ăn dư thừa và thay nước, cấp nước mới có độ mặn phù hợp vào hệ thống nuôi mỗi ngày trước khi cho ăn.

3.2.2. Tăng trưởng của cá về chiều dài và trọng lượng sau 1 tháng nuôi

* Tăng trưởng về khối lượng của cá

Tốc độ tăng trưởng của cá về khối lượng của cá sau một tháng ương, và tốc độ tăng trưởng tuyệt đối theo ngày (g/ngày) của cá ở các nghiệm thức được thể hiện qua Bảng 3.5 như sau:

Bảng 3.5: Tốc độ tăng trưởng về khối lượng của cá nâu sau thí nghiệm 2

Nghiệm thức

Cá lúc đầu (g)

Cá sau thí nghiệm (g)

DWG (g/ngày)

Mật độ 15 con/bể

0,38±0,03

0,57±0,18a

0,006±0,001

Mật độ 25 con/bể

0,38±0,03

0,61±0,25a

0,007±0,001

Mật độ 35 con/bể

0,38±0,03

0,59±0,32a

0,007±0,002

Các giá trị trong cùng một cột có ký tự giống nhau thì khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

Về khối lượng của cá nâu ở thí nghiệm 2 cho thấy tốc độ tăng trưởng của bể mật độ 25 con/bể có sự  tăng trưởng nhiều hơn 2 bể còn lại. Qua đó cho thấy tốc độ tăng trưởng của cá nâu phát triển tốt nhất khi nuôi ở mật độ là 25 con/bể. Tuy nhiên sự tăng trưởng của cá nâu ở các nghiệm thức khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p >0,05).

 

Hình 3.3: Cân khối lượng và đo chiều dài của cá nâu sau thí nghiệm 2

* Tăng trưởng về chiều dài của cá

Tốc độ tăng trưởng của cá về chiều dài của cá sau một tháng ương, và tốc độ tăng trưởng tuyệt đối theo ngày (mm/ngày) của cá ở các nghiệm thức được thể hiện như sau:

Bảng 3.6: Tốc độ tăng trưởng về chiều dài của cá nâu sau thí nghiệm 2

Nghiệm thức

Cá lúc đầu (mm)

Cá sau thí nghiệm (mm)

DLG (mm/ngày)

Mật độ 15 con/bể

24,33±1,15

25,77±2,50a

0,05±0,032

Mật độ 25 con/bể

24,33±1,15

26,01±3,82a

0,06±0,089

Mật độ 35 con/bể

24,33±1,15

25,40±4,63a

0,034±0,12

Các giá trị trong cùng một cột có ký tự giống nhau thì khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05)

Kết quả nhận thấy chiều dài của cá một tháng ương đạt từ 25,40-26,01 (mm). Chiều dài của cá ở nghiệm thức 25 con/bể dài nhất là 26,01 mm với tộ tăng trưởng tuyệt đối là 0,06±0,089 (mm/ngày), tuy nhiên so với 2 nghiệm thức còn lại thì  khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p >0,05).

3.2.3. Sự phân cỡ của cúa nâu sau 1 tháng nuôi

* Sự phân cỡ về khối lượng của cá

Sau thời gian 1 tháng ương nuôi cá nâu trong hệ thống lọc tuần hoàn thì tiến hành cân trọng lượng từng cá thể, kết quả về khối lượng cá phân theo cỡ như  sau

Hình 3.4: Sự phân cỡ về khối lượng (g) cá nâu sau 1 tháng nuôi

 Kết quả cho thấy nâu sau 1 tháng ương nuôi có khối lượng khoảng 0,4-06 g/con chiếm tỷ lệ cao nhất. Nghiệm thức 15 con/bể tỷ lệ cá có khối lượng đều hơn nghiệm thức 25 con và 35 con/bể. Kết quả này là do cá nâu có nguồn gốc thu ngoài tự nhiên nên tính đồng đều về kích thước ban đầu chỉ mang tính tương đối. Đồng thời khi nuôi ở mật độ cao thì các cá thể mạnh khoẻ sẽ cạnh tranh về không gian sống và cạnh tranh thức ăn nên dẫn đến sự phân cỡ cá về khối lượng.

3.2.4. Tỷ lệ sống của cá nâu sau 1 tháng nuôi

Số cá chết được ghi nhận hằng ngày, số liệu trung bình về tỷ lệ sống của từng nghiệm thức được thể hiện qua hình 3.6 sau:

Hình 3.5: Tỷ lệ sống (%) của cá nâu ở thí nghiệm 2

Hình 3.5 trên cho thấy tỷ lệ sống của cá nâu ở TN2 cho thấy mật độ nuôi cá 15 con 1/bể có tỷ lệ sống cao (71,11%) hơn mật độ 25 con và 35 con làn lượt là 54,67% và 47,62%.

Qua kết quả của thí nghiệm 2 cho thấy cá nâu có thể thích nghi sống ở môi trường nước có NO2- tăng cao (5 ppm). Tuy nhiên, so với kết quả nuôi cá nâu ở giai đoạn cá lớn trong bể thể tích lớn, mật độ thấp hơn thì tỷ lệ sống của cá nâu đạt trên 87% (Lý Văn Khánh, 2017). Như vậy ương cá nâu mật độ nuôi càng dày thì có hiện tượng phân đàn làm cho và giảm tỷ lệ sống của cá.

4. Kết luận và đề xuất

4.1. Kết luận

Sử dụng thức ăn dùng trong ương nuôi cá nâu cho tỷ lệ sống cao, tăng trưởng tốt và chi phí thức ăn phù hợp là sử dụng tảo kết hợp với thức ăn chìm chậm (97,33%), kế đến là thức ăn nổi (94,67%).

Ương nuôi cá nâu trong hệ thống lọc tuần hoàn thì cá nâu phát triển tốt hơn ở mật độ nuôi 15 con/bể vì có tỷ lệ sống cao nhất (71,11%) và có hệ số FCR thấp hơn khi ương nuôi ở mật độ cao hơn là 25 con/bể và 35 con/bể.

4.2. Đề xuất

Để tăng tỷ lệ sống và giảm hệ số FCR thì khi ương nuôi con giống cá nâu nên sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp với bổ sung và loài thuỷ sinh vật để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá nâu ăn và tạo giá thể là nơi cư trú cho cá.

Ương cá nâu với quy mô lớn thì cần phải phân đàn để tránh trường hợp cá lớn sẽ cạnh tranh thức ăn dẫn đến kích thước cá không đồng đều.

Phạm Thanh Hương –Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau