Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của sản phẩm và doanh nghiệp

Ảnh. Tác giả

       “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này” đây là yếu tố hữu hình đầu tiên của sản phẩm tạo ra sự hấp dẫn đối với người tiêu dùng. Ngoài những đặc điểm chức năng bên trong của sản phẩm thì kiểu dáng công nghiệp cũng đóng vai trò quyết định thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt trong trường hợp đối với nhiều sản phẩm có cùng chức năng thì sản phẩm nào có kiểu dáng đẹp, bắt mắt hơn sẽ dễ dàng thu hút người tiêu dùng cân nhắc trong việc lựa chọn sản phẩm hàng hóa. Kiểu dáng công nghiệp còn giúp cho các công ty phân biệt sản phẩm của mình với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, từ đó có sự đầu tư cải thiện nâng cao hình ảnh sản phẩm của họ. Tuy vậy, do tính chất “vô hình” của tài sản trí tuệ mà việc thực hiện các quyền sở hữu đối với tài sản diễn ra khó khăn hơn. Tài sản trí tuệ luôn đứng trước một nguy cơ xâm phạm rất lớn, trong các đối tượng được Luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ thì kiểu dáng công nghiệp là một trong đối tượng dễ bị đánh cắp nhất và cũng thường xuyên bị bắt chước nhất. Vì vậy, việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là nhân tố quyết định sự thành công của sản phẩm và doanh nghiệp.

       Từ cuối thế kỷ XIX, khái niệm về kiểu dáng công nghiệp đã xuất hiện, gắn liền với quyền sở hữu công nghiệp. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ và các sáng tạo trong kinh doanh, kiểu dáng công nghiệp ngày càng phổ biến và không ngừng thay đổi. Ở Việt Nam khái niệm kiểu dáng công nghiệp được biết đến khá muộn, lần đầu được đề cập trong Bộ luật dân sự 1995 “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó, có tính mới đối với thế giới và dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp”. và được ghi nhận cụ thể tại khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này”. Theo đó có thể hiểu, kiểu dáng công nghiệp đơn thuần là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, hay là hình dáng bên ngoài của sản phẩm kết hợp cả họa tiết, màu sắc, chỉ đề cập đến các khía cạnh thẩm mỹ hoặc hình dáng bên ngoài của sản phẩm chứ không thể hiện các đặc điểm kỹ thuật hoặc chức năng bên trong của sản phẩm, cách ghi nhận này có nét tương đồng với khái niệm của các nước trên thế giới khi khẳng định kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm và luôn gắn liền với sản phẩm.

       Kiểu dáng công nghiệp là vấn đề liên quan đến hầu hết các doanh nghiệp và rất nhiều sản phẩm công nghiệp. Bất kể sản phẩm nào, từ quần áo thời trang, đồ thủ công mỹ nghệ, dụng cụ, thiết bị kỹ thuật đến đồng hồ, trang sức đắt tiền, từ đồ gia dụng, đồ gỗ, đồ chơi, các công trình kiến trúc xây dựng… đến bao bì, vật đựng và kiểu cách hình dạng sản phẩm. Ngày nay, kiểu dáng công nghiệp đang phát triển mạnh với nhiều sản phẩm, ý tưởng mới, các công nghệ mới được liên kết, cụ thể là internet và phương tiện truyền thông xã hội đã kích hoạt việc tạo ra các loại kiểu dáng công nghiệp mới như giao diện người dùng đồ họa và biểu tượng vượt xa những giới hạn truyền thống. Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm với hình dáng bên ngoài khác biệt đều được bảo hộ, mà các kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu chung, cụ thể theo Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ quy định “Có tính mới; có tính sáng tạo; có khả năng áp dụng công nghiệp” và không thuộc các trường hợp loại trừ không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp như: Hình dáng bên ngoài được quyết định hoàn toàn bởi chức năng của sản phẩm; hình dáng bên ngoài của các công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp; hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm. Mặc dù kiểu dáng công nghiệp không đề cập đến các đặc điểm kỹ thuật hoặc chức năng của sản phẩm, tuy nhiên, kiểu dáng công nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng đối với sản phẩm vì nó là cái nhìn đầu tiên của người tiêu dùng về sản phẩm, thực hiện chức năng chính là phân biệt hình dáng, màu sắc giữa các sản phẩm cùng loại, kiểu dáng công nghiệp còn có chức năng thẩm mỹ, hấp dẫn thị hiếu người tiêu dùng thông qua những hình dáng và màu sắc đặc trưng riêng của sản phẩm đó, đây cũng là yếu tố quan trọng trong việc góp phần nâng cao tiện ích của sản phẩm, giúp cho sản phẩm được sử dụng thuận lợi và phổ biến.

       Có thể thấy rằng mỗi kiểu dáng công nghiệp mới được ra đời đều là kết quả của sự sáng tạo và là tài sản hết sức có giá trị của doanh nghiệp, việc có được các quyền về kiểu dáng đối với hình dáng hay kiểu cách của một sản phẩm có thể cho doanh nghiệp nhiều lợi thế cần thiết trong cạnh tranh. Trong nền kinh tế thị trường hàng hóa như hiện nay, bản thân một kiểu dáng sáng tạo bắt mắt có thể giúp doanh nghiệp lôi cuốn một nhóm đông đảo khách hàng có nhu cầu, do đó các doanh nghiệp đã không ngần ngại đầu tư một lượng thời gian và nguồn nhân lực đáng kể nhằm mục đích gia tăng sự háp dẫn về hình thức của sản phẩm, xem đây là một chiến lược kinh doanh quan trọng của bất cứ doanh nghiệp nào để tồn tại và phát triển. Ở hầu hết các nước trên thế giới và kể cả Việt Nam việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp chỉ có thể được thực hiện thông qua đăng ký và chỉ có hiệu lực bảo hộ trên lãnh thổ quốc gia nơi đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Thời hạn được bảo hộ ở các quốc gia khác nhau, thông thường là 15 năm, một số quốc gia chỉ quy định bảo hộ 10 năm, trong khi có quốc gia lại cho phép bảo hộ thậm chí tới 25 năm được độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Việc được bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp trong một khoảng thời gian dài có thể mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp ở hiện tại lẫn trong tương lai, là bước đệm quan trọng cho doanh nghiệp tiếp cận bền vững với các hoạt động thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và hội nhập kinh tế hiệu quả.

       Ngày nay, khi đời sống xã hội phát triển thì tư duy của người tiêu dùng cũng phát triển thẩm mỹ của con người cũng được nâng cao, thói quen tiêu dùng cũng thay đổi, đa số người tiêu dùng rất coi trọng kiểu dáng, hình thức, mẫu mã sản phẩm, bởi hầu hết các kiểu dáng sản phẩm công nghiệp hiện nay còn chịu sự ảnh hưởng chi phối của xu hướng, trào lưu khác có liên quan. Kiểu dáng công nghiệp không chỉ đơn thuần là lớp vỏ bao bọc bên ngoài sản phẩm mang đến nhiều công dụng hữu ích giúp sản phẩm đẹp hơn, bảo quản lâu, tránh va đập, hỏng hóc... mà đó còn là gợi nhớ một cách sâu sắc về một sản phẩm mang thương hiệu. Đây là những ấn tượng thương hiệu đầu tiên với khách hàng, ấn tượng đó có thể là tốt hoặc xấu, nếu tốt sẽ mang lại cảm giác yêu mến còn ấn tượng xấu thì khách hàng sẽ nhanh chóng bị lãng quên hoặc có thể làm khách hàng cảm thấy sản phẩm không còn thu hút nữa. Kiểu đáng công nghiệp còn khơi gợi khách hàng nhu cầu tìm hiểu sản phẩm một khi đã có ấn tượng ban đầu tốt đẹp với kiểu dáng, sẽ suy nghĩ tới việc thử tìm hiểu xem liệu sản phẩm này có đặc tính gì đáng sử dụng hay không và lợi ích mà họ nhận được khi sử dụng sản phẩm, tự thuyết phục mình dẫn đến việc ra quyết định mua sản phẩm của họ. Để tăng khả năng tiếp thị của sản phẩm đối với khách hàng yêu cầu đặt ra cho doanh nghiệp là phải không ngừng cải tiến, sáng tạo ra những sản phẩm có kiểu dáng mới lạ, đẹp mắt trong quá trình kinh doanh không thể sử dụng những kiểu dáng cũ, những kiểu dáng kém thẩm mỹ cho người tiêu dùng vào trong những không gian phong cách hiện đại, mặt khác kiểu dáng công nghiệp còn mang lại tác động tới ý định quay trở lại mua sản phẩm, đối với sản phẩm có kiểu dáng đẹp, có sự kết hợp hài hòa giữa chức năng và hình dáng thì cả hai yếu tố đó sẽ cùng góp phần tạo nên giá trị của sản phẩm khiến khách sẵn sàng quay trở lại với sản phẩm của doanh nghiệp vào những lần tiếp theo.

Kiểu dáng công nghiệp của Coca Cola không ngừng thay đổi và đa dạng – Hình ảnh: ccamatil (Sưu tầm)

       Đối với doanh nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp có thể hỗ trợ doanh nghiệp từ mọi khía cạnh của việc phát triển kinh doanh và xây dựng chiến lược cạnh tranh. Văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp sẽ trở thành tài sản kinh doanh bởi chúng là một phần của danh mục tài sản trí tuệ của doanh nghiệp và có thể làm tăng giá trị cũng như giá trị thị trường của các sản phẩm. Việc các doanh nghiệp thực hiện đăng ký bảo hộ sản phẩm trí tuệ cũng góp phần tăng doanh thu cho doanh nghiệp khiến các nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào doanh nghiệp. Sau khi được bảo hộ và độc quyền Kiểu dáng công nghiệp trong thời hạn, Chủ sở hữu có quyền sử dụng các biện pháp hợp pháp để ngăn ngừa hoặc ngăn chặn người khác khai thác thương mại, sao chép, bắt chước kiểu dáng công nghiệp của mình và trong trường hợp xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp nào đăng ký tài sản sở hữu trí tuệ sẽ được Nhà nước đứng ra bảo hộ. Trong thực tế việc nhiều sản phẩm của nhiều doanh nghiệp khác nhau có cùng kiểu dáng, chỉ khác nhau về nhãn hiệu hay màu sắc thường xuyên xảy ra, bằng việc độc quyền kiểu dáng công nghiệp, doanh nghiệp có thể thâm nhập vào các thị trường mà theo cách thức khác doanh nghiệp không thể làm được. Một kiểu dáng được bảo hộ cũng có thể được chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc bán cho người khác để thu phí. Các quyền lợi có được từ việc đăng ký kiểu dáng góp phần thu hồi các khoản đầu tư cho việc sáng tạo và tiếp thị sản phẩm có liên quan, từ đó nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp. Độc quyền kiểu dáng công nghiệp có thể củng cố thương hiệu và danh tiếng của doanh nghiệp, tăng thêm giá trị tiếp thị cho sản phẩm và giúp chúng nổi bật giữa các sản phẩm cùng loại. Ngoài ra, việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp góp phần khuyến khích hoạt động cạnh tranh công bằng và thương mại trung thực, cũng như thúc đẩy việc sản xuất các sản phẩm có tính thẩm mỹ cao.

       Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp thường tiếp thị sản phẩm ra thị trường sau đó mới tiến hành làm thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp để quan sát hiệu ứng của sản phẩm, một khi đã công bố sản phẩm ra thị trường thì tình trạng bắt chước, sao chép rất dễ diễn ra, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chứng minh tính mới lạ của sản phẩm. Thậm chí ở các doanh nghiệp lớn luôn chú trọng việc bảo mật các sản phẩm sở hữu trí tuệ trước khi đăng ký nhưng vẫn có khả năng bị rò rỉ thông tin, xảy ra tình trạng sao chép tràn lan và dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp sáng tạo kiểu dáng công nghiệp bị tố ngược vì bị cho rằng có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Do vậy, các doanh nghiệp phải chú trọng việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp và lưu ý vấn đề bảo mật thông tin trước khi đăng ký nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ. Mặt dù pháp luật có chế tài rõ ràng đối với hành vi xâm phạm quyền tại Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ chỉ rõ: “Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu; thì bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp…” Tuy nhiên để bảo hộ tốt quyền sở hữu trí tuệ nói chung và độc quyền kiểu dáng công nghiệp nói riêng các doanh nghiệp ngoài việc tập trung cho công tác nghiên cứu, phát triển và mở rộng hệ thống tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp thì các doanh nghiệp cũng cần phải chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ cho sản phẩm trí tuệ của doanh nghiệp.

       Trong nền kinh tế cạnh tranh ngày càng khốc liệt, để có thể đứng vững và cạnh tranh với các đối thủ khác, các doanh nghiệp phải không ngừng đầu tư cải tiến sản phẩm của mình, bên cạnh cạnh tranh về chất lượng thì kiểu dáng bên ngoài của sản phẩm cũng quan trọng không kém “diện mạo” hoặc hình thức của sản phẩm có thể đóng một vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng, thúc đẩy thị hiếu sự lựa chọn của người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm hoạt động tốt và đồng thời có cả yếu tố thẩm mỹ, đẹp mắt, bởi khi xét về khía cạnh của nhà sản xuất chân chính, họ luôn muốn ghi dấu ấn độc nhất của mình vào sản phẩm mà họ cung cấp, theo đó, người tiêu dùng chỉ cần nhìn thấy thương hiệu hoặc hình thức thể hiện bên ngoài là đã có thể chọn đúng sản phẩm của nhà sản xuất đó. Người xưa có câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, tuy nhiên trong xu hướng phát triển mới của thị trường thì “tốt gỗ phải tốt cả nước sơn”, tốt cả về công năng và hình thức do đó các doanh nghiệp cũng dần ý thức được tầm quan trọng của kiểu dáng sản phẩm và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Các doanh nghiệp cần tiến hành nghiêm túc công tác đăng ký kiểu dáng công nghiệp và các tài sản trí tuệ tác động trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của sản phẩm, đến uy tín và doanh thu của chính doanh nghiệp – Trích lời Craig Briggs, giám đốc điều hành khu vực của công ty Thiết kế & Thương hiệu: Desgrippes Gobé nói “Nếu việc thiết kế kiểu dáng sản phẩm là nền tảng trong chiến lược phát triển thương hiệu của bạn thì khi bạn sáng tạo ra một mẫu sản phẩm mới thành công cũng có nghĩa là bạn đã gửi thông điệp đến khách hàng, đối thủ cạnh tranh và tất cả khách hàng mục tiêu của bạn rằng – Bạn đang vượt lên” để khẳng định về tầm quan trọng của kiểu dáng công nghiệp đối với sự thành công của sản phẩm và doanh nghiệp.

Thảo Đang