Cà Mau là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, đặc biệt là những sản phẩm du lịch gắn liền với thiên nhiên, du lịch sinh thái rừng ngập mặn và rừng ngập ngọt (Khu du lịch sinh thái Mũi Cà Mau và Vườn quốc gia U Minh Hạ).....Tuy nhiên, so với tiềm năng du lịch sẵn có, việc phát triển vẫn chưa được như kỳ vọng. Thực trạng này đòi hỏi tỉnh Cà Mau cần có giải pháp khắc phục phát triển nhanh và bền vững hệ sinh thái, để ngành du lịch Cà Mau sớm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp cho phát triển kinh tế địa phương.
1. Giới thiệu
Nhìn chung sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước ta những năm qua, ngành du lịch Việt Nam nói chung và nhiều địa phương nói riêng đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Ngành du lịch đã đóng góp trực tiếp khoảng 4,3% trong GDP của cả nước năm 2014, thu hút hơn 1,5 triệu lao động (WTTC, 2015). Đến năm 2016, con số này lần lượt là 6,8% và hơn 2,3 triệu lao động. Du lịch phát triển đã góp phần thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế khác, nâng cao thu nhập, cải thiện phúc lợi cho nhiều vùng và địa phương. Trong đó, DLST đang là hoạt động rất phát triển tại nhiều địa phương trong cả nước.
Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn 184, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển. Ảnh sưu tầm
Tỉnh Cà Mau có diện tích 5.294km2. Nơi đây có hai hệ sinh thái rừng ngập mặn và ngập ngọt đại diện bởi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ, thuộc địa phận Huyện Ngọc Hiển và Huyện U Minh, được xếp vào Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Đây là cơ sở để tỉnh phát triển nhanh và bền vững những sản phẩm du lịch gắn liền với thiên nhiên, hướng đến loại hình du lịch sinh thái bền vững. Ngày 14/4/2017 UBND tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND tỉnh Cà Mau thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW ngày 10/10/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XV về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến 2020 và định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó,Thủ Tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt quy hoạch số 744/QĐ-Tg ngày 18 tháng 6 năm 2018, về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Mũi Cà Mau đến 2030. Ngoài ra tỉnh cũng sở hữu những tiềm năng du lịch nhân văn như: Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc, những truyện cười của Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (Bác Ba Phi), nhiều di tích văn hóa - lịch sử có khả năng khai thác đưa vào các chương trình tham quan, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của tỉnh nhằm phát triển doanh thu ngành du lịch cho tỉnh Cà Mau. Trong những năm gần đây (2010-2016) du khách đến Cà Mau tăng tính từ năm 2010 toàn tỉnh có đến 760.000 lượt khách, đến 2016 con số này tăng lên 1.069.200 lượt khách (trong đó, lượng khách quốc tế năm 2016 đạt 23.120 lượt khách, tăng 1,5 lần so với năm 2010, khách nội địa 1.046.080 lượt người, tăng 1,88 lần so với năm 2010). Doanh thu năm 2010 đạt 192 tỷ đồng, đến 2016 đạt 488 tỷ đồng, theo kế hoạch tính đến năm 2020 sẽ đón 1,7 triệu lượt khách, trong đó 50.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu khoảng 2.600 tỷ đồng và đến 2030 đón 2,8 triệu lượt khách, trong đó 110.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu ướt đạt 7.200 tỷ đồng (UBND tỉnh Cà Mau, 2017). Trong năm 2017, du lịch của Cà Mau vẫn giữ đà phát triển, trong 6 tháng đầu năm, đã có trên 633.000 lượt khách tham quan du lịch, đạt gần 95% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế đạt trên 12.000 lượt. Tuy nhiên, chỉ có 02 điểm tham quan du lịch là Khu du lịch Khai Long và Mũi Cà Mau lượng khách tăng, còn lại các điểm khác đều giảm (Trúc Đào, 2017).
2. Quan điểm về phát triển bền vững
Lý thuyết “Phát triển bền vững” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn Thế giới (công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế - IUCN) với nội dung rất đơn giản: “Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học”. Khái niệm này được phổ biến rộng rãi vào năm 1987 trong Báo cáo Brundtland của Ủy ban môi trường và Phát triển Thế giới – WCED (nay là Ủy ban Brundtland). Báo cáo này ghi rõ: “Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai…” (Đậu Thị Liên, 2016). . Cùng với đó tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững là sự bền vững về mặt kinh tế, bền vững về mặt xã hội và bền vững về mặt môi trường. Mối quan hệ đó được thể hiên qua hình vẽ sau:
Mối quan hệ trong phát triển bền vững - Nguồn : (Đào Thị Bích Nguyệt, 2012)
3. Các tiêu chí đánh giá phát triển bền vững
Về mặt kinh tế, tính bền vững thể hiện ở các chỉ số như: tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng sản phẩm quốc gia (GNP), cơ cấu GDP và GNP, GDP/người, GNP/người.... Theo tiêu chuẩn quốc tế thì chỉ tiêu GDP/người phải ở mức 5% mới được coi là phát triển bền vững và cơ cấu GDP mạnh là cơ cấu có tỷ lệ đóng góp của công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu phải cao hơn tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp trong cơ cấu.
Về mặt xã hội, có các chỉ tiêu đánh giá như: chỉ số phát triển con người (HDI), hệ số bất bình đẳng thu nhập, giáo dục, y tế, văn hoá...HDI là chỉ tiêu đánh giá tổng hợp sự phát triển của con người vì vậy muốn phát triển bền vững thì yêu cầu đặt ra đối với chỉ tiêu này là phải tăng trưởng và đạt đến mức trung bình. Về mặt môi trường các chỉ tiêu đánh giá như : Mức độ ô nhiêm (không khí, nguồn nước...), mức độ che phủ rừng.... là những chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá tính bền vững của môi trường. Môi trường bền vững là môi trường luôn thay đổi nhưng vẫn làm tròn ba chức năng : Không gian sinh tồn; là nơi cung cấp nguồn tài nguyên cần thiết cho cuộc sống và hoạt động sản suất của con người; là nơi chứa đựng, xử lý chất thải.
4. Một số giải pháp
Để có thể phát triển tốt ngành công nghiệp không khói du lịch sinh thái bền vững Cà Mau, thời gian tới Tỉnh cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần xây dựng một chiến lược marketing địa phương đúng đắn. Cà Mau cần sớm bắt tay vào triển khai xây dựng chiến lược marketing địa phương đúng đắn để thu hút khách du lịch đến Cà Mau. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp cần “ngồi lại” để tìm hướng đi cho ngành du lịch của Cà Mau, sớm đưa ngành “du lịch không khói” này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh.
Thứ hai, cần khẩn trương nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của địa phương. Theo đó, Cà Mau cần tập trung phát triển các loại hình du lịch theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự, thân thiện, mang nét đặc trưng riêng biệt, độc đáo để hấp dẫn đối với du khách đến với vùng Đất Mũi. Đồng thời, Tỉnh nên ưu tiên phát triển các loại hình du lịch mới, phù hợp với đặc thù sinh thái địa phương gắn với làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử - văn hóa để cải thiện sản phẩm đặc thù của Cà Mau. Đặc biệt, tại các khu, điểm du lịch cần quan tâm đầu tư cho hoạt động vui chơi, giải trí đa dạng, hấp dẫn để níu chân du khách.
Thứ ba, cần xây dựng chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Cà Mau cần tăng cường đầu tư phát triển đồng bộ hơn nữa cơ sở vật chất hạ tầng, hệ thống giao thông đầu mối để kết nối các điểm, các khu du lịch. Đặc biệt, Tỉnh cần xây dựng chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án lớn để phát triển du lịch, như: đầu tư, xây dựng nhà hàng, khách sạn và khu vui chơi tại các điểm du lịch.
Thứ tư, cần chú trọng đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cà Mau cần chú trọng khâu đào tạo đội ngũ quản lý, nhân viên ngành du lịch chất lượng cao. Tiếp tục nâng cao trình độ nhân viên: từ nhân viên tạp vụ, đầu bếp, trang trí đều phải chuẩn mực. Đặc biệt, đội ngũ nhân viên lễ tân, hướng dẫn viên, những người trực tiếp giao tiếp, hướng dẫn du khách phải có trình độ cao, chuyên nghiệp, thì mới tạo được sự hài lòng đối với du khách. Bởi vì, đối với du lịch, khách hàng cảm nhận rõ nhất về chất lượng dịch vụ qua con người, cơ sở vật chất, sau đó mới là quang cảnh.
Thứ năm, cần đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến quảng bá du lịch của Tỉnh. Cà Mau cần tăng cường quảng bá du lịch trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng; đưa ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, nhất là internet nối mạng toàn cầu vào hoạt động marketing, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm theo hướng hiện đại. Ngoài ra, cần tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch ở trong nước và quốc tế, để giới thiệu rộng rãi tiềm năng du lịch tỉnh Cà Mau, kích thích nhu cầu du lịch trong nước và quốc tế.
Thứ sáu, Cà Mau nên xây dựng và thiết kế các chuỗi du lịch liên kết nội vùng để thúc đẩy phát triển du lịch. Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa các khu du lịch, điểm du lịch với các tỉnh lân cận, hình thành các tuyến du lịch, các tour du lịch theo vùng.
Thứ bảy: Phát triển nhanh và bền vững du lịch sinh thái ngoài việc thu hút du khách, phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đều quan trọng nhất là phát triển trồng rừng bảo vệ môi trường, chống sạt lở đê biển, tạo phù sa cho hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt, để phát triển bền vững.
Ngoài ra, Cà Mau phải đẩy lùi tình trạng “chặt chém”, du khách. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn cần niêm yết công khai và thực hiện bán đúng giá niêm yết, tránh tình trạng làm cho du khách mặc cảm với du lịch tỉnh nhà./.
ThS. Nguyễn Phước Hoàng