Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và hội nhập hiện nay, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trở nên đặc biệt quan trọng và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu trong các quan hệ kinh tế quốc tế. Việc Việt Nam ký kết nhiều Hiệp định thương mại song phương, đa phương,… mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tiêu thụ được nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, hàng hoá, dịch vụ của ta cũng bị cạnh tranh gay gắt và ngay cả trên thị trường nội địa. Đặc biệt các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản.
Tuy nhiên, nông sản, thực phẩm không an toàn đang là vấn nạn đối với ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm của Việt Nam hiện nay. Thực tế này, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng mà còn dẫn đến nguy cơ mất cân bằng trong cơ cấu phát triển nông nghiệp, kém hiệu quả cả về giá trị kinh tế và ý nghĩa nhân văn. Với mức sống của người dân ngày càng tăng cao, đi kèm với đó là những đòi hỏi ngày càng khắt khe đối với sự an toàn của các loại thực phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống hằng ngày. Nhận biết được nhu cầu đó, trong những năm gần đây, một loạt các thương hiệu thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ… ra đời để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Với tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu, thời tiết đặc thù, đã biến điều kiện vùng đất tại một số địa phương của Cà Mau thành lợi thế phát triển, gắn việc phát triển nông nghiệp sinh thái với phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương là cách quảng bá tốt nhất để thu hút đầu tư, hợp tác kinh doanh, đồng thời phát triển đời sống người dân...
Ông Phan Ngân Sơn - Phó cục trưởng cục sở hữu trí tuệ trao giấy chứng nhận "Lúa sinh thái Cà Mau"
Để xây dựng chiến lược thương hiệu của địa phương, các ngành chức năng cần phối hợp, tổ chức xây dựng thương hiệu cho đặc sản Cà Mau bằng việc phối hợp ba yếu tố: xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến quảng bá các sản phẩm và bảo vệ nhãn hiệu đã được bảo hộ. Bên cạnh đó là quy hoạch phát triển của các ngành chức năng, của địa phương trong việc sản xuất, tổ chức phát triển để sản phẩm đặc sản có nhiều cơ hội vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Để bảo vệ uy tín cho sản phẩm đặc sản của địa phương và để gia tăng giá trị sản phẩm của nó trên thị trường trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu hội nhập, việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Lúa sinh thái Cà Mau” là hết sức cần thiết. Nó không chỉ để bảo vệ có hiệu quả quyền Sở hữu trí tuệ, mà việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm này còn tạo điều kiện để người dân sản xuất có hiệu quả, nâng cao đời sống.
Từ tháng 8 năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức tuyển chọn đơn vị xây dựng dự án Nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sinh thái Cà Mau”. Đến nay, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho chủ sở hữu là Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cà Mau cho sản phẩm sinh thái đặc trưng của các huyện: U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời, Cái Nước và thành phố Cà Mau. Ngày 18/9/2020, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức buổi Lễ công bố và trao Nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sinh thái Cà Mau”. Với việc được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ, thương hiệu “Lúa sinh thái Cà Mau” sẽ tiếp tục nâng cao giá trị hàng hóa, đem lại thu nhập nhiều hơn cho người dân. Chủ sở hữu là Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, có nhiều kinh nghiệm trong quản lý các sản phẩm nông nghiệp, cho nên quản lý, khai thác và phát triển thương hiệu cho sản phẩm này là rất thuận lợi và phù hợp với thực tiễn.
Các hộ sử dụng nhãn hiệu bước đầu số lượng tham gia còn ít (5 thành viên). Vì vậy, thời gian tới, chủ sở hữu sẽ sàng lọc lại các điều kiện tham gia theo Quy chế sử dụng và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận thêm các thành viên mới đáp ứng yêu cầu, nhằm đáp ứng yêu cầu khi thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng; kết hợp với cơ quan chuyên môn tập huấn cho các hộ tham gia về sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm góp phần nhãn hiệu phát triển lan rộng. Chủ sở hữu có vận hành tốt thì mới có nhiều thành viên tham gia. Sản phẩm sản xuất ổn định về số lượng và chất lượng, xúc tiến tham gia thị trường, chiến lược quảng bá sản phẩm tốt… sẽ thúc đẩy việc sản xuất “Lúa sinh thái Cà Mau” phát triển.
Để nhãn hiệu chứng nhận thật sự phát triển sau đăng ký chứng nhận và đem lại hiệu quả cho người dân 05 huyện, thành phố nêu trên còn một chặng đường rất dài ở phía trước mà chúng ta cần nỗ lực bước tiếp. Do đó, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ, theo dõi, giám sát chủ sở hữu nhãn hiệu trong việc cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, quản lý và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu; hỗ trợ, theo dõi, giám sát người sử dụng nhãn hiệu trong việc tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu; hỗ trợ giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng, khai thác nhãn hiệu. Đồng thời, đề nghị các ngành, các cấp hỗ trợ với nhiều hình thức để cho Nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sinh thái Cà Mau” ngày càng phát triển bền vững./.
Sở Khoa học và Công nghệ