Cà Mau có dân số chung của tỉnh là 1.235.912 người, 298.075 hộ; có 14 dân tộc cùng sinh sống, có 13 dân tộc thiểu số (DTTS) khoảng 53.272 người, 11.448 hộ. Đồng bào DTTS đông nhất của tỉnh là dân tộc Khmer với khoảng 9.671 hộ, 44.989 người; tiếp đến là dân tộc Hoa với 1.531 hộ, 7.053 người; còn lại là 11 DTTS khác có 246 hộ, 1.230 người. Dân cư trên địa bàn tỉnh Cà Mau sống ở khu vực thành thị là 70.007 hộ, có 2.562 hộ DTTS và khu vực nông thôn là 228.068 hộ, có 8.886 hộ DTTS.
Những giải pháp cơ bản sau để thực hiện trong thời gian tới
Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác tuyên truyền, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế của từng địa phương; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về công tác tuyên truyền.
Đổi mới các hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến sao cho thật sự phong phú, đa dạng; nội dung ngắn gọn, súc tích phù hợp với từng đối tượng; thu hút sự quan tâm, chú ý của người dân.
Tăng cường công tác tuyên truyền không tách rời với việc nâng cao trình độ dân trí và cải thiện đời sống cho nhân dân; trang bị cho người dân thói quen tự tìm hiểu về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới là một nhiệm vụ quan trọng của ngành công tác dân tộc.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TT,PB,GDPL) và vận động đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn và khu vực biên giới đã góp phần làm chuyển biến về nhận thức, tuân thủ pháp luật, văn hoá, pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo cơ sở bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Tuy nhiên, mặt công tác này vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Đó là việc vận dụng các hình thức TT,PB,GDPL chưa thật sự phù hợp với điều kiện sống của đồng bào dân tộc thiểu số; các hình thức, biện pháp TT,PB,GDPL chưa được đổi mới; phương pháp thiếu sáng tạo, chưa phù hợp với từng đối tượng và điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương.
2. Về những nguyên nhân của hạn chế
Do đội ngũ làm công tác TT,PB,GDPL một bộ phận chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng tuyên truyền còn hạn chế, nhận thức chưa đầy đủ vị trí, vai trò của công tác TT,PB,GDPL; mặt khác, chưa có nhiều hình thức, phương pháp TT,PB,GDPL phù hợp. Trong khi đó, ngôn ngữ, văn phong, nội dung của các văn bản pháp luật mang tính chuyên ngành rất cao, nên đồng bào dân tộc thiểu số thường rất khó tiếp cận hoặc hạn chế trong việc tự tìm hiểu, tra cứu và áp dụng.
Hơn nữa, do sự vận động nhanh chóng của các quan hệ kinh tế - xã hội, mà các văn bản quy phạm pháp luật phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung, khiến những người ít nghiên cứu và áp dụng pháp luật thường xuyên gặp không ít khó khăn trong nắm bắt những vấn đề pháp lý, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Mặt khác, ở các vùng này có địa bàn rộng, phức tạp; đồng bào ở phân tán, trình độ nhận thức còn hạn chế; cơ sở vật chất, kỹ năng TT,PB,GDPL của cán bộ làm công tác dân tộc ở cơ sở, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nên hiệu quả TT,PB,GDPL chưa cao.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương, Cà Mau cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
3. Những giải pháp cụ thể
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, các cơ quan làm công tác dân tộc cần tích cực đa dạng hóa các hình thức TT,PB,GDPL cho phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị và cán bộ tại các ấp, xã nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số phải căn cứ vào tình hình, đặc điểm cụ thể của từng đối tượng, địa bàn để sử dụng nhiều hình thức TT,PB,GDPL, như: tuyên truyền miệng thông qua mở các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề hoặc lồng ghép trong buổi họp của ấp, khóm; tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng lưới truyền thanh ở cơ sở, mạng Internet, các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; phát huy vai trò của Trưởng ấp, khóm, Bí thư chi bộ, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, trong dòng họ với việc thực hiện các phong tục, tập quán, nhất là các luật tục, quy ước, hương ước của đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án ở từng địa phương..., căn cứ vào tình hình cụ thể, có thể lựa chọn một hoặc nhiều hình thức TT,PB,GDPL khác nhau, song cần chú ý đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau:
Thứ nhất, bám sát đặc điểm của đối tượng để TT,PB,GDPL:
Đối tượng TT,PB,GDPL của ngành công tác dân tộc chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, có đời sống văn hoá, phong tục, tập quán khác nhau; đời sống kinh tế gặp rất nhiều khó khăn; có biểu hiện tự ti và thụ động trong giao tiếp, ứng xử xã hội. Điều đó, làm hạn chế đến khả năng tiếp cận thông tin về pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế cho thấy, khi hình thức TT,PB,GDPL không phù hợp với đối tượng tiếp nhận thì kết quả thường rất thấp; đồng bào chẳng những không hiểu hoặc hiểu không đúng và không vận dụng được các kiến thức pháp lý đã truyền đạt vào cuộc sống, mà có khi còn tỏ thái độ không tốt với pháp luật và cơ quan thực thi pháp luật. Nắm vững đặc điểm đó, mỗi cán bộ làm công tác dân tộc các cấp ở Cà Mau cần lựa chọn các hình thức TT,PB,GDPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; gắn công tác TT,PB,GDPL với truyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách về dân tộc, tôn giáo và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, để đồng bào biết và không mắc phải những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của chúng. Lực lượng dân quân, cán bộ xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, công tác TT,PB,GDPL có thể kết hợp tuyên truyền miệng (hình thức truyền thống) với tổ chức đọc sách, báo, tạp chí; mở các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền lồng ghép khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội tại địa phương. Đối với các tầng lớp dân cư ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, lấy tuyên truyền miệng là chính, kết hợp với sử dụng mạng truyền thanh ở cơ sở, thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức chiếu phim tài liệu. Đặc biệt, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, trong dòng họ, gia đình là hình thức cần được áp dụng rộng rãi.
Thứ hai, hình thức và nội dung TT,PB,GDPL phải phù hợp với nhau:
Hình thức, phương pháp phù hợp với nội dung là một trong những yêu cầu cơ bản cần được cán bộ làm công tác tuyên truyền của ngành dân tộc, cán bộ ấp, xã nghiên cứu, quán triệt trước khi tiến hành TT,PB,GDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số. Điều quan trọng là phải làm cho nội dung pháp luật được truyền đạt một cách ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc TT,PB,GDPL không nhất thiết phải truyền đạt đầy đủ các nội dung của mỗi văn bản pháp luật, mà cần tuyên truyền những nội dung trọng tâm, cơ bản, thiết thực nhất liên quan trực tiếp đến việc thực hiện pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số ở một lĩnh vực cụ thể và cách thức thực hiện các nội dung đó. Như, tập trung làm rõ để đồng bào dân tộc thiểu số nắm được các quyền và nghĩa vụ trong cư trú, đi lại, mua bán, trao đổi hàng hóa; sản xuất, khai thác tài nguyên, chăn, thả gia súc, gia cầm; quản lý và thực hiện chính sách được thụ hưởng; Luật bình đẳng giới; Luật Hôn nhân gia đình; Tình trạng tảo hôn, Hôn nhân cận huyết thống; cách thức thực hiện quyền và nghĩa vụ với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng khác trong quá trình thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó. Đồng thời, làm rõ các hành vi nào bị ngăn cấm, hạn chế; các hành vi nào là vi phạm pháp luật (hành vi của công dân, của cơ quan, đơn vị, lực lượng quản lý); cách thức giải quyết của cán bộ ấp, khóm, xã...; quyền khiếu nại, tố cáo của công dân về các vấn đề đó... Quá trình TT,PB,GDPL cần lựa chọn một số tình huống có thật trên thực tế, kết hợp với xây dựng các tình huống mang tính chất giả định, nhưng phải gắn bó chặt chẽ với nội dung cần tuyên truyền, phổ biến để tăng tính hấp dẫn, thu hút sự chú ý, hiểu nhanh, nhớ lâu và xây dựng kỹ năng thực hiện pháp luật cho đồng bào theo lối “chỉ việc, đặt tay”. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu các phong tục, tập quán trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số để so sánh với các quy định của pháp luật hiện hành; từ đó, xây dựng các phương án xử lý tình huống, rút ra ưu điểm, nhược điểm của các phương án đó và kết luận phương án đúng, nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp nhận các thông tin pháp lý… Trên cơ sở đó, đồng bào sẽ so sánh với phong tục, tập quán để rút ra những cái tốt đẹp, phù hợp với các quy định của pháp luật mà phát huy; khắc phục những tập quán lạc hậu, những suy nghĩ và hành động đi ngược lại lợi ích chung, ngăn cản sự tiến bộ… Để công tác TT,PB,GDPL đạt yêu cầu đề ra, các cơ quan đơn vị có thể phối hợp với các cơ quan báo chí, đặc biệt là Đài truyền hình để xây dựng các phim tài liệu có nội dung TT,PB,GDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với đài truyền thanh cấp cơ sở, các nhà văn hoá, câu lạc bộ văn hoá ở địa phương để xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền; soạn thảo hệ thống câu hỏi thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức trắc nghiệm khách quan; thông qua các hoạt động hòa giải ở cơ sở và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của công dân phát sinh tại địa bàn.
Thứ ba, phát huy tối đa các điều kiện, phương tiện của các cơ quan, đơn vị:
TT,PB,GDPL rất cần có các phương tiện, nguồn lực về con người, về tài chính và thời gian. Trong điều kiện khó khăn về công tác đảm bảo vật chất, kinh phí cho hoạt động, các đơn vị cơ sở cần linh hoạt sử dụng các hình thức TT,PB,GDPL sao cho phù hợp,... Các hình thức TT,PB,GDPL cần được kết hợp chặt chẽ với việc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất ma túy. Ngoài ra, thực hiện “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương” với đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một điều kiện tốt để TT,PB,GDPL có hiệu quả.
Thứ tư, nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng các hình thức TT,PB,GDPL cho cán bộ tuyên truyền các cấp:
Những hạn chế trong thực hiện các hình thức TT,PB,GDPL của cán bộ làm công tác tuyên truyền các cấp, trước hết là do một bộ phận cán bộ nhận thức không đầy đủ vấn đề đa dạng hóa hình thức TT,PB,GDPL và chưa có nhiều kỹ năng cần thiết để kết hợp sử dụng nhiều hình thức TT,PB,GDPL. Để nâng cao hiệu quả hoạt động này, các đơn vị cần tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ những kiến thức cơ bản về các hình thức TT,PB,GDPL; nắm vững đặc điểm, phong tục, tập quán của đồng bào; rèn luyện các kỹ năng cần thiết, như: kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, làm việc nhóm, tổ chức cuộc họp, các sinh hoạt tập thể, tư vấn, hòa giải, xử lý các tình huống vi phạm pháp luật... Đồng thời, mời các chuyên gia có uy tín trên các lĩnh vực khoa học, các tuyên truyền viên pháp luật có kinh nghiệm để tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo hoặc nói chuyện chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm, nhằm xây dựng kỹ năng tiến hành các hình thức TT,PB,GDPL cho cán bộ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả TT,PB,GDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tình hình mới.
Nắm chắc các yêu cầu trên, cán bộ làm công tác tuyên truyền sẽ có cơ sở để thực hiện đa dạng hình thức TT,PB,GDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác TT,PB,GDPL thời gian tới.
ThS. Nguyễn Phạm Gia