Cần nhân rộng mô hình xây dựng vùng nguyên liệu liên kết sản xuất và tiêu thụ chuối xiêm sinh thái ở Cà Mau

KHÁI QUÁT VỀ PHƯƠNG ÁN XÂY DỰNG VÙNG NGUYÊN LIỆU LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ CHUỐI XIÊM SINH THÁI

- Tên phương án: “Hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu liên kết sản xuất và tiêu thụ chuối Xiêm sinh thái cho các Hợp tác xã và Doanh nghiệp”.

- Đơn vị chủ quản và đầu tư: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau.

- Đơn vị thực hiện: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau.

- Đơn vị phối hợp: Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện U Minh, UBND xã Khánh Thuận

- Quy mô: 102 ha, trồng hai loại chuối Xiêm đen và chuối Xiêm trắng, có 62 nông dân tham gia.

- Địa điểm: ấp 15, ấp 16 và ấp 18, xã Khánh Thuận

- Thời gian: Từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2020.

- Đối tượng tham gia: HTX Đồng Thuận, nông dân trực tiếp sản xuất chuối Xiêm.

- Nguồn kinh phí: Kế hoạch thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2020”.

- Mục tiêu phương án:

- Điều tra thực trạng; phân tích mẫu đất, mẫu nước tưới đánh giá mức độ an toàn của vùng trồng, độ phì nhiêu của đất sản xuất chuối Xiêm tại HTX Đồng Thuận.

- Hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu chuối Xiêm sinh thái tại HTX Đồng Thuận với quy mô khoảng 102 ha.

- Tư vấn hướng dẫn thực hiện và thẩm định cấp giấy chứng nhận cho HTX Đồng Thuận sản xuất, kinh doanh nông sản đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Xây dựng nhãn hiệu và mã QR truy xuất nguồn gốc cho HTX Đồng Thuận; đăng ký khai thác và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Chuối Xiêm sinh thái Cà Mau” phục vụ cho sản xuất và kinh doanh sản phẩm chuối Xiêm sinh thái của HTX Đồng Thuận.

- Mời gọi công ty, doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất, bao tiêu, thu mua sản phẩm chuối Xiêm sinh thái của nông dân.

- Nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân tham gia từ 10 - 15% so với sản xuất bình thường.

 KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Các nội dung thực hiện

- Điều tra thực trạng canh tác chuối và phân tích các chỉ tiêu kim loại nặng, vi sinh vật và thành phần dinh dưỡng trong đất, nước tưới.

- Tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất chuối Xiêm sinh thái.

- Tư vấn thực hiện và đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm

- Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và khai thác sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Chuối Xiêm sinh thái Cà Mau”

- Tổ chức hội thảo đánh giá kết quả và tuyên truyền nhân rộng.

2. Kết quả thực hiện:

2.1. Điều tra thực trạng canh tác chuối và phân tích các chỉ tiêu kim loại nặng, vi sinh vật và thành phần dinh dưỡng trong đất, nước tưới.

2.1.1. Điều tra thực trạng canh tác chuối

Đã điều tra, thu thập thông tin của 70 hộ nông dân đang canh tác chuối tại ấp 16 và ấp 18, xã Khánh Thuận. Thông qua công tác điều tra đã nắm bắt được quy trình sản xuất chuối Xiêm của nông dân, những bất cập trong sản xuất, là cơ sở để tác động khoa học kỹ thuật giúp giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chuối Xiêm. Một số yếu tố chưa phù hợp điển hình trong quá trình sản xuất như một số vườn khoảng cách trồng chuối hơi dày 2 – 2,5 m; phương pháp tỉa chồi chưa phù hợp; để cây chuối sau khi thu hoạch tại chổ; thiếu quan tâm chăm sóc, chỉ chăm sóc, cắt tỉa khi chuối có giá; một số vườn kích thước liếp lớn nhưng không có rãnh thoát nước; thu hoạch còn để sản phẩm trực tiếp xuống đất; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa phù hợp để trừ sâu bệnh;... đã hướng dẫn khắc phục trong quá trình hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu.

2.1.2. Kết quả phân tích các chỉ tiêu kim loại nặng, vi sinh vật và thành phần dinh dưỡng trong đất, nước tưới.

a) Kết quả phân tích mẫu đất

- Kết quả phân tích kim loại nặng: Kết quả phân tích 06 kim loại nặng trong đất gồm Asen (As), Cadimi (Cd), Đồng (Cu), Chì (Pb), Kẽm (Zn) và Crom (Cr) cho thấy tất cả 06 kim loại nặng đều dưới mức giới hạn cho phép theo QCVN 03-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của một số kim loại nặng trong đất, đặc biệt là nguyên tố Cadimi (Cd) không có hiện diện trong đất. Điều này chứng minh rằng vùng đất canh tác tại Ấp 16, ấp 18, xã Khánh Thuận, huyện U Minh là đất an toàn, phù hợp cho việc canh tác chuối Xiêm sinh thái.   

Bảng 1: Kết quả phân tích hàm lượng kim loại nặng trong mẫu đất

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Kết quả

Mức giới hạn cho phép (*)

Chênh lệch

1

Asen (As)

mg/kg

10,36

15

- 4,64 (31%)

2

Cadimi (Cd)

mg/kg

KPH

1,5

-

3

Đồng (Cu)

mg/kg

21,82

100

- 78,18 (78,18%)

4

Chì (Pb)

mg/kg

15,86

70

- 54,14 (77,34%)

5

Kẽm (Zn)

mg/kg

93,56

200

- 106,44 (53,22%)

6

Crom (Cr)

mg/kg

23,10

150

- 126,9 (84,6%)

 

Ghi chú: *QCVN 03-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của một số kim loại nặng trong đất. KPH: Không phát hiện.

- Kết quả đo pH đất và phân tích thành phần dinh dưỡng: vùng đất tại Ấp 16, ấp 18, xã Khánh Thuận tương đối nhiễm phèn ít, pH 5,43; hàm lượng chất hữu cơ, đạm, lân và Kali ở mức trung bình đến thấp, do đó để nâng cao năng suất, chất lượng chuối Xiêm, trong quá trình tư vấn đã hướng dẫn nông dân nên bón phân vôi, lân để nâng pH đất, sử dụng các phụ phẩm chuối sau khi thu hoạch như thân, lá ủ đem ủ hoai mục để bón lại cho chuối giúp cải thiện hữu cơ trong đất và giảm được bệnh sùng.

Bảng 2: Kết quả phân tích thành phần dinh dưỡng và pH trong đất

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Kết quả

Thang đánh giá chất lượng đất

1

pH

-

5,43

Đặc biệt chua < 3,5

Chua nhiều 3,5 – 4,5

Chua 4,5 – 5,5

Ít chua 5,5 – 6,5

Không chua > 6,5

2

Chất hữu cơ

%

2,37

Rất cao > 6%

Cao 4,3 – 6%

Trung bình 2,1 – 4,2%

Thấp 1 – 2%

Rất thấp < 1%

3

Axít humic

%

0,71

Đất rất giàu > 8%

Đất giàu 4 – 8%

Trung bình 2 – 4%

Nghèo 1 – 2%

Rất nghèo < 1%

4

Phospho tổng số

%

0,09

Rất nghèo <0,03%

Nghèo       0,04 – 0,06%

Trung bình 0,061 – 0,08%

Khá 0,081 – 0,13%

Giàu > 0,13%

5

Phospho dễ tiêu

%

0,01 (10 mg/100g)

Giàu > 15 mg/100g đất

Trung bình 10 – 15 mg/100g đất

Nghèo 5 – 10 mg/100g đất

Rất nghèo < 5mg/100g đất

6

Kali tổng

mg/kg

5.180,77 (0,52%)

Giàu > 2%

Trung bình 1 – 2%

Nghèo < 1%

7

Kali dễ tiêu

mg/kg

134,77

Giàu > 15 mg/100g đất

Trung bình 10 – 15 mg/100g đất

Nghèo < 10mg/100g đất

8

Nitơ tổng

mg/g

1,11

Giàu > 2 mg/g

Khá 1,5 – 2 mg/g

Trung bình 0,8 – 1,5 mg/g

Nghèo < 0,8 mg/g

 

 

b) Kết quả phân tích mẫu nước

Kết quả phân tích 04 kim loại nặng trong nước tưới gồm Asen (As), Thủy ngân (Hg), Cadimi (Cd), Chì (Pb) và vi khuẩn E. coli cho thấy tất cả 04 kim loại nặng và vi khuẩn E. coli không có hiện diện trong nước.

Bảng 3: Kết quả phân tích hàm lượng kim loại nặng trong mẫu nước

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Kết quả

Mức giới hạn cho phép (*)

Chênh lệch

1

Asen (As)

mg/lít

KPH

0,05

-

2

Thủy ngân (Hg)

mg/lít

KPH

0,001

-

3

Cadimi (Cd)

mg/lít

KPH

0,01

-

4

Chì (Pb)

mg/lít

KPH

0,05

-

5

E. coli

cfu/250 ml

0

100

-

 

Ghi chú: *QCVN: 08-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. KPH: Không phát hiện.

Điều này chứng minh rằng nước tưới tại ấp 15, ấp 16, ấp 18, xã Khánh Thuận, huyện U Minh là an toàn, phù hợp cho việc canh tác chuối Xiêm sinh thái.   

3.2. Tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất chuối Xiêm sinh thái

Đã tổ chức tập huấn 02 ngày hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác chuối Xiêm sinh thái, nội dung gồm: Chọn giống, kỹ thuật canh tác chuối Xiêm sinh thái, cải tạo vườn chuối; Thu hoạch, vận chuyển, bảo quản chuối; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chuối (kiểm soát dư lượng đạm Nitrat, dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng và vi sinh vật gây hại).

Thông qua 02 ngày tập huấn nông dân đã nắm cơ bản các kiến thức trong trồng mới, cải tạo vườn chuối và vận dụng có hiệu quả vào sản xuất; sản xuất chuối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, khuyến khích nông dân tận dụng đất trống dưới tán chuối, đất ven các bờ kênh trồng xen rau màu, cây ăn trái, cây dược liệu để góp phần cải thiện bữa ăn gia đình và tăng thêm thu nhập cho nông hộ.

3.3. Tư vấn thực hiện và đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm

Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm chuối Xiêm của HTX, là cơ sở để chứng minh sản phẩm của HTX là an toàn thực phẩm và là điều kiện cần thiết để đăng ký vào sản phẩm OCOP của xã. Thông qua hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu đã tập huấn, trang bị kiến thức về an toàn thực phẩm cho Ban giám đốc HTX và các thành viên tham gia sản xuất; cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho Hợp tác xã là 30 người. HTX đã đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất chuối và được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thẩm định và cấp Giấy chứng nhận theo số 07/2020/NNPTNT-CM ngày 10/12/2020.

3.4. Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và khai thác sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Chuối Xiêm sinh thái Cà Mau”

- Hợp tác xã Đồng Thuận được Chi cục Phát triển nông thôn và Liên Minh HTX tỉnh Cà Mau hỗ trợ Nhãn hiệu và thiết kế bao bì nên Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật không thực hiện nội dung này. Bên cạnh đó năm 2019, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã hỗ trợ cho HTX Đồng Thuận 43.000 tem gồm logo và mã QR truy xuất nguồn gốc.

- Hỗ trợ HTX giao kết “LI-XĂNG” (Quyền khai thác, hưởng hoa lợi, lợi tức từ sản phẩm Quyền sở hữu trí tuệ) Nhãn hiệu chuối Xiêm sinh thái Cà Mau: Ban quản lý Nhãn hiệu “ Chuối Xiêm sinh thái – Cà Mau” ra Quyết định số 02/QĐ-NHCHCX ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lương Chất lượng tỉnh Cà Mau về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “ Chuối Xiêm sinh thái – Cà Mau” cho HTX Đồng Thuận được phép sử dụng, người đại diện ông Hứa Văn Tới, địa chỉ ấp 15, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau và có hiệu lực 03 (ba) năm kể từ ngày 30/12/2020 (có thể gia hạn).

3.5. Kết quả sản xuất

- Kỹ thuật canh tác: Các hộ nông dân đều tuân thủ áp dụng đúng quy trình trồng chuối Xiêm theo hướng dẫn: Thường xuyên cắt tỉa lá già, lá ủ, tỉa chồi để vườn thông thoáng; áp dụng biện pháp tỉa chồi hợp lý để giảm công lao động; đối với các vườn trồng tương đối dày 2 – 2,5 m thực hiện tỉa cây con hoặc tỉa bỏ bụi giữa, khi trồng mới nên trồng khoảng cách thưa hơn khoảng 4 m. Cây chuối sau khi thu hoạch đã được nông dân thu gom đặt đúng quy định, một bộ phận nông dân bước đầu sử dụng lá ủ từ cây chuối, các thân chuối sau khi thu hoạch ủ làm phân hữu cơ bón lại cho vườn chuối. Một bộ phận nông dân đã định kỳ vô gốc chuối, xẻ rãnh thoát nước cho vườn chuối phát trển tốt hơn. Đa số nông dân áp dụng quản lý sâu bệnh cho vườn chuối bằng biện pháp tổng hợp, đặc biệt đối với bệnh sùng lấy ngăn ngừa là chính thông qua áp dụng biện pháp canh tác như cắt tỉa chồi, lá ủ, vô gốc, xẻ rãnh thoát nước, điều chỉnh khoảng cách trồng, bón vôi cho vườn chuối,... Bên cạnh đó, một bộ phận nông dân đã áp dụng trồng xen rau màu, cây ăn trái trong vườn chuối góp phần cải thiện bữa ăn và gia tăng thu nhập.

- Tình hình sâu bệnh và biện pháp phòng trừ: Do áp dụng đúng biện pháp canh tác nên sâu bệnh trong vườn chuối Xiêm rất ít, chủ yếu là bệnh đốm lá do nấm Mycophaerella gây ra, nông dân phòng trừ bằng cách cắt tỉa các lá già, lá ủ, lá bị bệnh loại khỏi vười tiêu hủy, một số nông dân sử dụng nước vôi để phun trừ. Ngoài ra, một số vườn có xuất hiện sâu ăn lá, bệnh sùng gây hại cục bộ, đã áp dụng biện pháp thủ công chặt bỏ cây bệnh ra khỏi vườn.

3.6. Hiệu quả kinh tế

Qua tổng hợp kết quả sản xuất của các hộ dân đánh giá năng suất hiệu quả kinh tế đạt được như sau:

                                 Cây chuối giúp cuộc sống người dân vùng đất U Minh đổi thay

Hình ảnh: Thu hoạch Chuối.

Bảng 4: Hiệu quả kinh tế cho 1 ha sản xuất chuối Xiêm

STT

Nội dung

Số lượng

Đơn giá (đồng)

Thành tiền

I

Chi phí sản xuất

 

 

20.700.000

1

Phân bón các loại (Vôi, lân, Urea, NPK, DAP,...)

600.000

2

Công lao động

 

 

20.100.000

2.1

Vệ sinh vườn chuối (tỉa lá ủ, tỉa chồi, làm cỏ)

30 ngày

250.000

7.500.000

2.2

Thu hoạch

68ngày

150.000

10.200.000

2.3

Khác

24 ngày

100.000

2.400.000

II

Tổng thu

 

 

83.724.000

1

Trái chuối

14.124 kg

5.000 đ/kg

70.620.000

2

Bắp chuối

1.872 kg

7.000 đ/bắp

13.104.000

III

Lợi nhuận

 

 

63.024.000

IV

Giá thành

 

 

1.466

V

Lợi nhuận/vốn

 

 

2,41

      

Kết quả Bảng 4 cho thấy chi phí sản xuất chuối Xiêm trung bình khoảng 20.7 triệu đồng/ha/năm, chi phí chủ yếu công chăm sóc vườn như làm cỏ, tỉa chồi, đánh lá ủ, công thu hoạch và một ít nông dân có sử dụng lượng nhỏ phân hóa học. Thu nhập bình quân trên 63 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với trước khi thực hiện hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu trên 22 triệu đồng/ha, cao hơn 153%, đạt kế hoạch đề ra. Giá thành sản xuất khoảng 1.466 đồng/kg, lợi nhuận/đồng vốn khoảng 2,41 lần.

 ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC, NHỮNG THUẬN LỢI VÀ HẠN CHẾ VÀ KHUYẾN CÁO

1. Đánh giá kết quả đạt được

- Đã hỗ trợ xây dựng được vùng nguyên liệu chuối Xiêm sinh thái với quy mô 102 ha cho 62 hộ dân.

- Tất cả nông dân tham gia xây dựng vùng nguyên liệu đều được trang bị kiến thức về quy trình sản xuất chuối Xiêm sinh thái, kiến thức về an toàn thực phẩm trong sản xuất chuối.

- Đã cấp giấy xác nhận kiến thức, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Quyền khai thác Nhãn hiệu chứng nhận “ Chuối Xiêm sinh thái – Cà Mau” cho HTX và và hộ dân tham gia xây dựng vùng nguyên liệu.

- Hiệu quả bước đầu thành công trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chuối Xiêm sinh thái như sau:

+ Hiệu quả kinh tế: Thu nhập bình quân trên 63 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 153% so với trước khi thực hiện hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu.

+ Hiệu quả môi trường và xã hội: Sản xuất chuối Xiêm sinh thái không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng rất ít phân hóa học, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ và các sản phẩm sinh học do đó không gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên đất đai, nguồn nước hợp lý. Sản phẩm chuối Xiêm sinh thái có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất và sơ chế biến do đó mang lại sức khỏe tốt cho cộng đồng.

2. Thuận lợi và hạn chế

2.1. Thuận lợi

- Vùng nguyên liệu chuối Xiêm sinh thái có vị trí thuận lợi cho việc giao thương cả đường bộ và đường thủy.

- Chính quyền địa phương, các ngành đoàn thể rất quan tâm và phối hợp chặt chẽ với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cà Mau thực hiện hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu chuối Xiêm sinh thái.

- Nông dân trong vùng phần lớn đều có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất chuối Xiêm.

2.2 Những khó khăn hạn chế

- Thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến năng suất chuối

- Địa bàn sản xuất tương đối bị nhiễm phèn, đây cũng là yếu tố giới hạn năng suất chuối.

3. Đề xuất tới

Đây là mô hình xây dựng vùng nguyên liệu liên kết sản xuất và tiêu thụ chuối Xiêm sinh thái cho HTX Đồng Thuận, xã Khánh Thuận, huyện U Minh năm 2020 cần được nhân rộng ở những vùng có điều kiện tương tự./.

Kỹ sư Dương Khoa Văn và cộng sự