Chuyển đổi số ngành nông nghiệp tại tỉnh Cà Mau hướng đi phù hợp và hiệu quả.

       Chuyển đổi số (Digital transformation) một khái niệm được ra đời trong thời đại bùng nổ Internet là việc vận dụng tính luôn đổi mới, nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật để giải quyết vấn đề trong cách thức hoạt động của toàn doanh nghiệp một cách mạnh mẽ và toàn diện ở tất cả những khía cạnh như cung ứng, sản xuất, hợp tác, mối quan hệ khách hàng hoặc thậm chí là tạo ra những doanh nghiệp mới với cách thức hoạt động mới mẻ hoàn toàn. Chuyển đổi số không chỉ tác động đến những tổ chức hay doanh nghiệp mà còn tác động đến những nhóm đối tượng khác xoay quanh như là khách hàng, đối tác, nguồn nhân lực, kênh phân phối, ...Ngày nay chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của mỗi quốc gia, doanh nhiệp ở hầu khắp các lĩnh vực. Chính phủ Việt nam cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giao cho Bộ Thông tin & Truyền thông xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia. Trong đó nông nghiệp là một trong những lĩnh vực “trung tâm”tiến hành đổi mới sáng tạo và tiên phong, bởi nông nghiệp nước ta đã tồn tại khá lâu nhưng chất lượng hàng hóa, hiệu sức lao động và sức cạnh tranh chưa cao, nông dân chưa có nhiều hiểu biết về thị trường cũng như còn mơ hồ về sản xuất, bên cạnh đó mô hình sản xuất còn nhỏ lẽ, thiếu sự liên kết chuỗi giá trị hàng hóa, việc chuyển đổi số nền nông nghiệp sẽ xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, hiệu quả và bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nông thôn thông minh trên nền tảng chính phủ số và nông dân số.

       Việc chuyển đổi số ngành nông nghiệp được thực hiện căn bản đổi mới, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã và người nông dân trên nền tảng hệ sinh thái nông nghiệp số an toàn, thống nhất và hiệu quả, phù hợp với lộ trình chuyển đổi số và xây dựng kinh tế số, xã hội số của quốc gia. Trong nông nghiệp, chuyển đổi số giúp kết nối hàng triệu hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, thương mại, các doanh nghiệp cung cấp đầu vào cho sản xuất và đặc biệt quan trọng là mở ra kênh tiêu thụ mới giúp rút ngắn khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng, minh bạch hóa các giao dịch thương mại, tạo nên một môi trường kinh doanh nông sản lành mạnh.

        Là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau cũng đã nhanh chóng bắt kịp nhịp độ triển khai thực hiện áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, số hoá trong nhiều lĩnh vực, ngành hàng chủ lực của tỉnh và mang lại những kết quả khả quan đặc biệt là chuyển đổi số trong nông nghiệp và thủy sản. Theo báo cáo số 1802/SNN-KHTC ngày 27/5/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc báo cáo nông nghiệp – thủy sản công nghệ cao và chuyển đổi số trong nông nghiệp và thủy sản, tỉnh Cà Mau đã ứng dụng chuyển đổi số trong nhiều hoạt động như: Sử dụng phần mềm Nhật ký sản xuất điện tử và Hạch toán chi phí sản xuất - kế toán trong sản xuất, quản lý doanh nghiệp, HTX; Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu ngành nông nghiệp và trong công tác quảng bá, kết nối sản phẩm nông nghiệp, cụ thể:

       Vận động doanh nghiệp, HTX sử dụng phần mềm Nhật ký sản xuất điện tử và Hạch toán chi phí sản xuất - kế toán trong sản xuất, quản lý doanh nghiệp, HTX: Phối hợp với Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế Hợp tác (CCD) thuộc Trường Cán bộ Quản Lý Nông nghiệp và PTNT II lựa chọn 25 HTX tham gia thử nghiệm 02 phần mềm, do Công ty Sorimachi Việt Nam cung cấp, gồm: Nhật ký sản xuất điện tử (FaceFarm) và Hạch toán chi phí sản xuất - kế toán (WACA). Phần mềm Nhật ký sản xuất (FaceFarm): Có 10 đơn vị đăng ký, đến nay có 03 đơn vị: Công ty TNHH TMDV Du Lịch sinh thái U Minh Hạ Huỳnh Quốc Sơn, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hùng Khánh, HTX Tài Thịnh Phát Farm đã tạo QRCode. Phần mềm Hạch toán chi phí sản xuất - Kế toán (WACA): Có 10 đơn vị đăng ký, đến nay có 02 đơn vị đã áp dụng sử dụng: HTX Ba Khía Đầm Dơi, HTX dịch vụ nông nghiệp thủy sản Dân Phát. Dự kiến trong tháng 6/2022, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với Công ty tổ chức các lớp tập huấn cho 25 HTX.

       Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quảng bá, kết nối sản phẩm nông nghiệp: Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục cập nhật thông tin số liệu của 77 sản phẩm OCOP đã được công nhận, các văn bản chỉ đạo, thông tin về Chương trình OCOP lên Website OCOP tỉnh Cà Mau. Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện, website OCOP đã thu hút gần 2.000 lượt truy cập; kết nối thành công hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP của Chương trình OCOP quốc gia (ocopvietnam.gov.vn,) nhằm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, giám sát sản phẩm sau khi được công nhận, hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại và tra cứu thông tin về các sản phẩm. Tuyên truyền, vận động 39 chủ thể OCOP tham gia các lớp tập huấn online, nhằm hỗ trợ các kiến thức, kinh nghiệm quản lý, phát triển, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Cà Mau cũng đã phối hợp chặt chẽ với Tổ Công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ số như trang web, zalo vào kết nối cung cầu cho người dân.

       Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu ngành nông nghiệp: Công tác thu thập thông tin, xử lý thông tin một cách tự động hóa, để thông tin kịp thời đến với người dân là một nhiệm vụ cấp thiết đối với ngành nông nghiệp hiện nay; vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai Dự án “Xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành và phát triển ngành Nông nghiệp và PTNT”. Dự án được xem là sản phẩm số hóa đầu tiên của ngành Nông nghiệp và PTNT Cà Mau, là công cụ cung cấp, quản lý dữ liệu nội bộ trong ngành, cập nhật nhanh chóng thông tin chỉ đạo điều hành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời, cung cấp nhiều tiện ích cho người dân như: thông tin về thiên tai, dịch bệnh, hạn hán xâm nhập mặn; bệnh trên cây trồng, vật nuôi; thông tin giao dịch nông sản;… Phần mềm nông nghiệp Cà Mau đã phát huy được nhiều hiệu quả hữu ích, công tác khuyến nông, dự báo thời tiết, mùa vụ, thiên tai đều được ngành Nông nghiệp cập nhật kịp thời để bà con nông dân áp dụng vào điều kiện sản xuất một cách nhanh chóng, hiệu quả. Ngoài ra, phần mềm cũng hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc cập nhật giá cả thị trường, để người dân nắm bắt, thu hoạch kịp thời, tránh tình trạng ứ đọng cục bộ hàng hóa nông sản.

       Đại dịch COVID-19 một mặt khiến nông sản nước ta nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiêu thụ, song mặt khác lại mở ra con đường tiêu thụ mới với chi phí thấp, hiệu quả cao là giao thương trên nền tảng số. Theo thống kê, mỗi ngày các ứng dụng công nghệ số này đã kết nối thành công hàng trăm tấn hàng hóa nông sản và tỉnh Cà Mau cũng đã kết nối được nhiều thị trường đầu ra thông qua ứng dụng số này trong thời điểm dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp. Hiện nay Chính phủ cũng đang trong quá trình lấy ý kiến dự thảo Đề án “Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nếu đề án được thông qua đây sẽ là nền tảng số nông nghiệp theo hướng thuận tiện, linh hoạt và dễ dàng phổ biến trên phạm vi rộng, giảm chi phí đầu tư và cho phép nhiều đối tượng có thể tham gia sử dụng ngay, tăng khả năng kết nối, liên thông, có tính tổng thể, liên kết vùng và mang lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân. Bên cạnh đó Chuyển đổi số các ngành hàng, chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp chủ lực, các ngành hàng có tính đặc thù, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và ứng dụng công nghệ số tự động hóa các quy trình quản lý, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp,... những điều này sẽ tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiêp”.  Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng tạo ra những mâu thuẫn, thay đổi cơ bản với mô hình nông nghiệp sản xuất, kinh doanh truyền thống, do đó đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và các mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và bắt kịp phát triển.

Tô Thảo Đang - Trung tâm thông tin và ƯDKHCN tỉnh Cà Mau