Ngày 06/12/2015, đài truyền hình Cà Mau thông báo các diện tích sản xuất lúa trong mô hình tôm – lúa của tỉnh Cà Mau bị thiệt hại nặng nề, nguyên nhân chính là do nguồn nước bị nhiễm mặn. Vậy giải pháp nào để không bị lặp lại tình trạng tương tự trong các năm tiếp theo?
Năm 2015, sản xuất lúa trong mô hình lúa – tômgặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chính được cho là nguồn nước cho sản xuất lúa bị nhiễm mặn. Tuy nhiên, để có cái nhìn căn cơ và lâu dài cần đánh giá nguyên nhân chính gây nhiễm mặn các vùng sản xuất tôm – lúa của tỉnh để có những giải pháp quản lý phù hợp, nhằm hạn chế những thiệt hại tương tự trong tương lai.
Đứng về quy hoạch, hiện nay các vùng sản xuất tôm – lúa của tỉnh Cà Mau chưa triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống ô thủy lợi khép kín, cho nên chưa có trang thiết bị để quản lý và điều tiết nước phù hợp cho từng đối tượng sản xuất theo từng thời điểm khác nhau, do đó sản xuất lúa trên nền đất tôm – lúa của tỉnh Cà Mau hoàn toàn phụ thuộc vào lượng mưa hàng năm, thời điểm dứt mưa và biên độ triều vào các kỳ triều cường sau tháng 9 âm lịch hàng năm. Năm 2015, lượng mưa thấp và các kỳ triều cường từ sau tháng 9 âm lịch với biên độ cao đã gây nhiễm mặn các khu vực canh tác tôm – lúa của tỉnh, thời điểm này các trà lúa đã được 60 – 70 ngày khi bị nhiễm mặn trên 5‰ sẽ bị thiệt hại là điều tất nhiên. Trong khi đó, do chưa có ô thủy lợi khép kín nên người sản xuất cũng như nhà quản lý chỉ có thể “đứng nhìn” mà không thể có giải pháp phù hợp để giảm thiểu thiệt hại các trà lúa đang phát triển, nhất là lúa trong mô hình tôm – lúa, do bị nhiễm mặn.
Trước mắt, không thể hoàn thành đầu tư nhanh quy hoạch ô thủy lợi khép kín cho khu vực tôm – lúa của tỉnh, tuy nhiên cần nhất quán trong chủ trương tiếp tục cho phép đầu tư quy hoạch này. Thời gian qua, một số khu vực đã được đầu tư ô thủy lợi khép kín nhưng chưa phát huy hết tác dụng của công trình, một số nơi còn ảnh hưởng đến sản xuất, hậu quả là làm cho chủ trương quy hoạch ô thủy lợi khép kín từng là chủ trương đúng đắn đã bị hạn chế đầu tư và chuyển sang kêu gọi nên giữ nguyênthủy lợi tự nhiên như hiện nay trên các diễn đàn nông nghiệp – thủy sản của tỉnh, từ đó việc đầu tư hệ thống ô thủy lợi khép kín đã khó khăn lại càng gặp nhiều khó khăn hơn. Muốn hạn chế lúa trong mô hình tôm – lúa bị thiệt hại như năm 2015, ngành nông nghiệp và các nhà quản lý cần bình tĩnh xem xét những hạn chế của các khu vực đã đầu tư hệ thống ô thủy lợi khép kín để đề xuất các giải pháp khắc phục phù hợp nhằm phát huy hiệu quả của các công trình này, tuy nhiên vẫn là phải tiếp tục ủng hộ chủ trương đầu tư ô thủy lợi khép kín để khi có lượng nước mặn ào ạt đổ về các vùng sản xuất tôm – lúa người sản xuất cũng như cơ quan quản lý sản xuất tại địa phương mới có đầy đủ trang thiết bị để hạn chế bị nhiễm mặn, nếu giữ nguyên hệ thống thủy lợi tự nhiên như hiện nay, khi có lượng lớn nước mặn đổ về thì người sản xuất và cấp quản lý vẫn tiếp tục “đứng nhìn” các trà lúa bị thiệt hại do nhiễm mặn mà không thể có giải pháp phù hợp.
Đứng trên góc độ kỹ thuật, hiện nay trong mô hình tôm – lúa, tôm sú vẫn là đối tượng chínhmà nông hộ vẫn tiếp tục thả nuôi trong khi canh tác lúa (mặc dù ngành chuyên môn không khuyến cáo) với hy vọng tăng thêm thu nhập trong mùa mưa ở các khu vực sản xuất tôm – lúa. Do tôm sú là đối tượng mặn lợ nên sẽ hạn chế sinh trưởng và phát triển trong môi trường có độ mặn dưới 5‰. Với mong muốn tạo điều kiện tốt cho tôm sú phát triển, nhiều hộ tham gia trồng lúa nhưng không mặn mà lắm với các bước rửa mặn ban đầu, trong quá trình trồng lúa vẫn cố gắng dùng các giải pháp để duy trì độ mặn trên 5‰, đây chính là nguyên nhân làm cho sản xuất lúa trong mô hình tôm – lúa dễ bị thiệt hại do bị nhiễm mặn vào các thời điểm thời tiết bất lợi, lượng mưa thấp, dứt mưa sớm và nguồn nước mặn theo biên độ thủy triều đổ về nhiều và sớm ở các vùng tôm – lúa.
Về kỹ thuật, giải pháp tốt nhất để giúp nông dân tăng thu nhập ở các vùng nuôi tôm sú-trồng lúa (gọi tắt là mô hình tôm – lúa) là giới thiệu cho người dân ở đây một đối tượng thuỷ sản mới có hiệu quả bằng hoặc hơn nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh là đối tượng có thể đáp ứng được yêu cầu này. Khi phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh không những giúp cho những người đang trồng lúa ở vùng ngọt có thể tăng thêm nguồn thu nhập mà còn giúp cho nông dân trong mô hình tôm (sú, thẻ) – lúa lấy nước mặn muộn hơn, kéo dài thời gian nước ngọt cho lúa phát triển đến kỹ thu hoạch, việc phát triển nuôi tôm càng xanh làm cho đất ít nhiễm mặn để tiếp tục trồng lúa và nuôi tôm. Tuy nhiên, tôm càng xanh thông thường, với nhược điểm chính là sự phân đàn đực cái khoảng 50% cho nên giá trị kinh tế chưa thật sự hấp dẫn người sản xuất trong mô hình tôm – lúa. Hiện nay, với kỹ thuật mới tôm càng xanh đã được sản xuất và cung cấp giống tôm càng xanh toàn đực với thời gian nuôi ngắn hơn, tôm đực lớn nhanh và có giá trị kinh tế cao phù hợp với việc phát triển ở các khu vực tôm – lúa. Với lợi thế nhất định, năm 2015 một số hộ ở khu vực Thới Bình (Cà Mau) và Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đã thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực và mở ra cơ hội phát triển thêm đối tượng mới phù hợp điều kiện canh tác và tăng thu nhập bằng cách kết hợp trồng lúa và thả tôm càng xanh toàn đực.
Để tránh điệp khúc diện tích sản xuất lúa trong mô hình tôm – lúa bị thiệt hại nặng nề với nguyên nhân chính là do nguồn nước bị nhiễm mặn, các ngành quản lý cần phải tiếp tục đầu tư hệ thống ô thủy lợi khép kín và tạo điều kiện để phát triển trồng lúa kết hợp tôm càng xanh toàn đực ở các ứng dụng mô hình tôm – lúa. Hy vọng các khu vực tôm – lúa sẽ ngày phát triển và tăng thu nhập nhiều hơn cho nông hộ bằng các giải pháp quy hoạch cũng như kỹ thuật phù hợp.
ThS.Đỗ Văn Hoàng& KS.Ngô Minh Lý
Phân Viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu