Thành lập Hội đồng Quốc gia về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 177/QĐ-TTg ngày 14/2/2024 thành lập Hội đồng Quốc gia về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Hội đồng). Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là Phó Chủ tịch Hội đồng.
Các Ủy viên Hội đồng gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Tài chính; 01 lãnh đạo Bộ Nội vụ; 01 lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; 01 lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông; 01 lãnh đạo Bộ Công Thương; 01 lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 01 lãnh đạo Bộ Công an; 01 lãnh đạo Bộ Quốc phòng; 01 lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; 01 lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; 01 lãnh đạo cấp Vụ, Văn phòng Chính phủ là Tổng Thư ký; một số chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất (baochinhphu.vn).
Giáo sư Võ Tòng Xuân được trao giải thưởng VinFuture
Lễ trao giải VinFuture mùa ba diễn ra tối ngày (20/12) tại nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương Việt Nam và đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế. GS Võ Tòng Xuân, cha đẻ của nhiều giống lúa Đồng bằng sông Cửu Long, vừa được vinh danh tại giải thưởng VinFuture năm 2023. Đây là lần đầu tiên một nhà khoa học Việt Nam được xướng tên tại giải thưởng khoa học và công nghệ giá trị nhất hành tinh với sứ mệnh phụng sự nhân loại. Đặc biệt, lễ trao giải có sự tham dự của hơn 50 nhà khoa học kiệt xuất thế giới, là chủ nhân của những giải thưởng khoa học danh giá như Nobel, Millennium Technology, A.M. Turing. GS Võ Tòng Xuân cùng người đồng nghiệp - GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn) là hai nhà khoa học được vinh danh ở hạng mục Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Hai ông được vinh danh vì những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.
GS Gurdev Singh Khush là người tiên phong trong việc tạo ra các giống lúa với khả năng kháng nhiều loại sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn và cho năng suất cao như IR36, IR64. Trong đó, IR64 và các thế hệ con cháu đã được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia như Philippines, Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ. Tại Việt Nam, giống lúa IR36 được trồng phổ biến tại các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long nhờ nỗ lực quan trọng của GS Võ Tòng Xuân.
Hội đồng giải thưởng VinFuture đánh giá, GS Xuân đã đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến. Nhờ các sáng kiến này, GS Xuân đã thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận với hạt giống lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại. Những đóng góp của GS Võ Tòng Xuân trong suốt gần nửa thế kỷ qua ở Việt Nam cũng được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam từ một quốc gia thiếu lương thực trở thành một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới (tienphong.vn).
Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau khảo sát mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh an toàn sinh học
Sáng 21/2, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải; Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cùng đoàn công tác đã đến khảo sát để triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học tại ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước. Theo đó, đoàn đã đến khảo sát thực tế tại hộ ông Huỳnh Thái Nguyên tham gia Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học tại tỉnh Cà Mau”. Đến thời điểm hiện nay, hộ ông Huỳnh Thái Nguyên đã thực hiện đến vụ nuôi thứ 5 (bắt đầu thả giống vụ nuôi thứ nhất từ tháng 6/2023 đến nay). Mặc dù dự án chưa kết thúc (theo kế hoạch nghiệm thu vào tháng 4/2024), nhưng đến nay đã có 6 hộ ở xã Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước), xã Lợi An (huyện Trần Văn Thời) ứng dụng công nghệ này vào nuôi tôm siêu thâm canh.
Dự án đã ứng dụng quy trình công nghệ tuần hoàn dinh dưỡng không xả thải, nuôi tôm 3 giai đoạn (mật độ nuôi giai đoạn 1: 3.000 con/m³, giai đoạn 2: 500 con/m³, giai đoạn 3: 250 con/m³); thời gian nuôi trung bình 90 ngày/vụ, kích cỡ đạt 40-26 con/kg, năng suất trung bình đạt 60 tấn/ha/vụ (diện tích ao nuôi); lợi nhuận trung bình từ 30.000-40.000 đồng/kg. Chất lượng tôm nuôi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; chất lượng nước thải đạt tiêu chuẩn xả thải theo quy định (100% hệ thống nuôi không xả thải ra môi trường bên ngoài hệ thống). Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đánh giá, bước đầu mô hình đạt hiệu quả, thành công về quy trình nuôi, nhưng hạn chế về thiết kế ao nuôi, chi phí đầu tư cống lọc thải cao. Ông Lê Văn Sử đề nghị, Sở Khoa học và Công nghệ, với vai trò quản lý nhà nước, lấy ý kiến các sở ngành liên quan để xem xét tổng kết mô hình. Ngành nông nghiệp rút kinh nghiệm về xây dựng ao đầm, vấn đề cần lưu ý để phổ biến cho các địa phương và người dân hiểu thêm về quy trình nuôi. Qua khảo sát thực tế mô hình, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải lưu ý, để hướng đến tính hiệu quả, cần nghiên cứu đầu tư, tính toán, hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng bằng các chính sách hỗ trợ để đạt chất lượng cao, giá thành thấp, hạn chế rủi ro, tình trạng ô nhiễm môi trường (baocamau.vn/).
Chiết xuất hợp chất quý từ cây quao nước trị tiểu đường
Các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu và chiết xuất thành công hợp chất irinoid sử dụng làm nguyên liệu tạo chế phẩm điều trị bệnh tiểu đường.
Quao nước là loài cây ngập mặn có tên khoa học là Dolichandrone spathacea (L.f) K. Schum. thuộc họ quao (Bignoniacea). Tại Việt Nam cây mọc phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, khu vực có rừng sác, sú vẹt và dọc các cửa sông. Các hợp chất phân lập được từ loài quao nước chủ yếu thuộc nhóm iridoid (có tác dụng hạ đường huyết, giảm đau, chống viêm, chống co thắt, chống sưng tấy, chống virus, nhuận tràng). Theo đó trong dân gian thường sử dụng làm thuốc nhuận gan, tiêu độc, chữa dị ứng, khử trùng. Hoa và trái non của cây quao có thể ăn được.
Từ năm 2020 nhóm nghiên cứu tại Viện Hóa học đã nghiên cứu quy trình chiết xuất các hợp chất irinoid từ cây quao nước và tổng hợp một số dẫn xuất để tạo chế phẩm hạ đường huyết. Các nghiên cứu đã chứng minh iridoid có hoạt tính hạ đường huyết mạnh. Các nghiên cứu của nhóm cho thấy lớp chất iridoid chiếm hàm lượng lớn trong cây ở cả vỏ, cành và lá quao nước. Theo Viện Hóa học, lần đầu tiên 3 chất được phân lập từ loài này và 5 dẫn xuất iridoid bán tổng hợp mới được chiết xuất thành công. Đây cũng là lần đầu tiên nghiên cứu đánh giá hoạt tính ức chế enzyme α- glucosidase của các dẫn xuất và các iridoid phân lập được từ cây quao nước. Kết quả nghiên cứu được hội đồng khoa học đánh giá xuất sắc, triển vọng tạo chế phẩm chứa irinoid có tác dụng hạ đường huyết, ứng dụng vào thực tế (vnexpress.net).
Hữu Nghị (tổng hợp)