Dự án lắp đặt camera chuyên dụng để quản lý, bảo vệ rừng, biển và khu vực bãi bồi Vườn quốc gia Mũi Cà Mau

       1. Đặt vấn đề
       Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có địa hình phức tạp, có hệ thống sông ngồi, kênh rạch chằng chịt thông ra biển, gây khó khăn cho việc quản lý tài nguyên thiên nhiên rừng và biển. Mặc dù lực lượng quản lý rừng và biển của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có nhiều cố gắng, nhưng nguồn lực về con người và kinh phí tuần tra, kiểm soát có hạn. Mặc khác, di chuyển trên địa phận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau để tuần tra, kiểm soát chủ yếu bằng phương tiện thủy, mỗi lần di chuyển khó khăn, chậm và chi phí rất lớn so với lưu thông bằng các phương tiện trên đường bộ, nên việc tuần tra, kiểm soát không thể thực hiện   xuyên suốt 24/24 được. Do vậy, người dân chặt phá cây rừng, khai thác nguồn lợi thủy sản tuy có giảm, nhưng vẫn còn xảy ra. 
Đối với camera chuyên dụng có độ phân giải cao và quan sát được xa (bán kính từ 3 đến 5 km), nên khi kết nối với tivi và điện thoại thông minh sẽ truyền hình ảnh, dữ liệu về tivi và điện thoại di động thông minh để giám sát, quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng, biển và khu vực bãi bồi; thông qua tivi và điện thoại thông minh, phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc khai thác thủy sản trái phép, chặt phá cây rừng khu vực ven bãi bồi trên địa phận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; theo dõi, giám sát lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ; việc quản lý tài nguyên thiên nhiên rừng và biển thông qua hệ thống camera giám sát sẽ giảm nguồn lực về con người, chi phí quản lý, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh trật, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng khu vực biển; mặt khác, thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong công tác quản lý, nhất là quản lý tài nguyên thiên nhiên rừng và biển. 
       Xuất phát từ thực tiễn nêu trên và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 1421/UBND ngày 01/4/2021 về việc lắp đặt Camera chuyên dụng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; Công văn số 3643/UBND-NNTN ngày 15/6/2022 về việc thực hiện dự án lắp đặt camera chuyên dùng phục vụ công tác giám sát, quản lý, bảo vệ khu vực bãi bồi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, nên việc xây dựng “Dự án lắp đặt camera chuyên dụng để quản lý, bảo vệ rừng, biển và khu vực bãi bồi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau” là rất cần thiết.
           Mục tiêu tổng quát của dự án
       Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật để lắp đặt camera chuyên dụng phục vụ công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên rừng, biển và khu vực bãi bồi thuộc địa phận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; truyền hình ảnh, dữ liệu về tivi và điện thoại di động thông minh để giám sát, quản lý, bảo vệ; thông qua tivi và điện thoại thông minh, phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc khai thác thủy sản trái phép, chặt phá cây rừng; tiết kiệm nguồn lực, kinh phí quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên địa phận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
           Mục tiêu cụ thể của dự án
       (i) Xây dựng 07 trụ, mỗi trụ có chiều cao khoảng 40 m, trong đó 06 trụ lắp đặt camera và 01 trụ hỗ trợ truyền dữ liệu. Địa điểm xây dựng các trụ không có cây rừng;
      (ii) Lắp đặt 6 camera chuyên dụng trên địa phận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và các trang thiết bị hỗ trợ để hoạt động giám sát, quản lý tài nguyên thiên nhiên rừng và biển;
       (iii) Các camera quan sát được bán kính từ 3-5 km, quay 360 độ, nên quan sát được đường kính từ 6 đến 10 km;
      (iv) Địa điểm quan sát từ đầu Kênh Ranh thuộc xã Đất Mới, huyện Năm Căn đến Rạch Trương Phi, thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, quan sát chủ yếu dọc theo khu vực bãi bồi, diện tích quan sát, quản lý trên địa phận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau từ 10.000 ha trở lên.
       2. Nội dung thực hiện 
       Dự án thực hiện tất cả 06 nội dung, cụ thể như sau: Khảo sát địa điểm để xây dựng trụ lắp đặt camerea; xây dựng các trụ để lắp đặt camera; mua sắm thiết bị camera và một số phụ kiện; lắp đặt camera, đường truyền và các phụ kiện hỗ trợ; theo dõi hoạt động của camera, ghi chép số liệu và xây dựng báo cáo nghiệm thu; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật phục vụ thực hiện dự án. 
       3. Kết quả và thảo luận
       3.1. Kiểm tra và theo dõi phạm vi hoạt động của camera
       Sau khi các camera đã được lắp đặt hoàn thành và hoạt động tốt, nhóm thực hiện dự án đã tiến hành theo dõi và kiểm tra phạm vi hoạt động của camera. Phương pháp thực hiện được xác định bằng cách một nhóm sử dụng phương tiện cano để di chuyển đến các khu vực có camera và một nhóm ở trung tâm điều khiển camera để xem mức độ quan sát ở các cấp độ: thấy rõ mặt người, thấy rõ người và phương tiện, thấy phương tiện,…. Sau đó nhóm ngoài thực địa bấm tọa độ tại vị trí để tính khoảng cách quan sát của camera.
       Qua kết quả kiểm tra phạm vi hoạt động camera cho thấy, phạm vi hoạt động của camera là khá lớn, với bán kính trung bình là 8km (camera quay 360 độ, nên quan sát được đường kính trung bình 16km), ở bán kính này camera cho phép quan sát rõ phương tiện đang hoạt động và thấy người trên phương tiện. 
       3.2. Kết quả quan sát diện tích rừng và biển của các camera
       Qua kết quả xác định phạm vi hoạt động của các camera như đã nêu trên, phần diện tích rừng và biển camera cho phép quan sát được cụ thể như sau:

Tên

Cam1

Cam2

Cam4

Cam5

Cam6

Rừng

Biển

Rừng

Biển

Rừng

Biển

Rừng

Biển

Rừng

Biển

Diện tích

1.797

1.716

3.872

5.904

5.559

2.729

5.166

7.205

5.199

2.345

 Hình. Diện tích quan sát trên biển, rừng 

       Qua hình trên ta thấy, phần diện tích màu trắng là phần diện tích camera quan sát trên đất rừng và phần màu vàng là phần diện tích quan sát được trên biển, bãi bồi. Tổng diện tích quan sát được khoảng 29.043 ha, trong đó: diện tích trên đất rừng là 12.072 ha và trên biển là 16.971 ha, vượt 19.043 ha so với ước tính theo thuyết minh dự án. Từ đó, cho thấy được phạm vi hoạt động camera khá lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quan sát, theo dõi, quản lý tài nguyên thiên nhiên trên biển.
       Ngoài ra, camera được ứng dụng giải pháp công nghệ cao Trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý, xử lý, phân tích hình ảnh và cảnh báo giải pháp, công cụ hỗ trợ con người, thay thế một phần phương pháp tuần tra giám sát thủ công; cho phép thiết lập hàng rào ảo thông qua camera giám sát theo hướng do người dùng chỉ định, hệ thống sẽ tự động cảnh báo khi có đối tượng xâm nhập hoặc có phương tiện tàu thuyền đi vào vùng cần giám sát bảo vệ thông qua còi báo động hoặc thông qua App di động, gửi gmail có trích xuất hình ảnh kèm theo.
       Tuy nhiên, đối với diện tích trên rừng do tán cây rừng dầy nên việc nhìn xuyên qua tán rừng là vô cùng hạn chế do camera không trang bị tia hồng ngoại chỉ quan sát được những khu vực gần và nhưng khu vực ven biển, ven con rạch lớn; mặc dù không quan sát thấy được dưới tán rừng, nhưng chặt cây rừng bị ngã đỗ có thể quan sát được.
       3.3. Theo dõi camera, phát hiện đối tượng vi phạm tài nguyên thiên nhiên
       Sau khi các hoạt động lắp đặt camera, kiểm tra hoạt động đã ổn định, nhóm thực hiện dự án tiến hành theo dõi chặt chẽ hoạt động của camera thông qua điện thoại di động cá nhân và màn hình tivi được lắp tại trung tâm và 03 Đội quản lý, bảo vệ để quản lý tài nguyên thiên nhiên trên lâm phần; ghi nhận số liệu vi phạm về tài nguyên thiên nhiên rừng và biển do các camera phát hiện tại trung tâm và tại màn hình giám sát của các Đội gửi về để tổng hợp báo cáo, xử lý.
Các ứng dụng xem camera được cài cho tất cả các thành viên nhóm thực hiện dự án, Ban Giám đốc, Trưởng phòng và Phụ trách các Đội quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên để trực tiếp theo dõi.
       Qua kiểm tra, theo dõi đã phát hiện tổng số vụ vi phạm trong lĩnh vực thủy sản từ tháng 5 năm 2023 đến tháng 9 (đến thời điểm hiện tại) năm 2023 là 27 vụ. Riêng trong khoảng từ tháng 5 năm 2023 đến tháng 7 năm 2023, thông qua camera đã phát hiện hơn 2.382 phương tiện với hơn 4.088 người khai thác nghêu giống trái phép tại khu vực từ Hang Mai đến Trương Phi trên địa phận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
 


Ảnh chụp từ camera hình ảnh khai thác nghêu giống trái phép

       Thông qua màn hình giám sát camera đặt tại Trung tâm và các Đội quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tiến hành đếm số lượng, ghi hình ảnh để báo cáo và trực tiếp ra đến hiện trường để tiến hành vận động, tuyên truyền và xử lý theo quy định của pháp luật. Từ đó, giúp lực lượng của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chủ động hơn trong công tác quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giảm được lực lượng và chi phí đi tuần tra, kiểm tra tài nguyên thiên nhiên.

       4. Kết luận và kiến nghị
       4.1. Kết luận
       Thông qua quá trình thực hiện dự án “Lắp đặt camera chuyên dụng để quản lý, bảo vệ rừng, biển và khu vực bãi bồi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau” với thời gian 12 tháng (tháng 9/2022 đến tháng 9/2023) tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã đảm bảo được các nội dung trong mục tiêu thuyết minh dự án, cụ thể như sau:
       - Xây dựng 07 trụ, mỗi trụ có chiều cao khoảng 40 m, trong đó 06 trụ lắp đặt camera và 01 trụ hỗ trợ truyền dữ liệu. Địa điểm xây dựng các trụ không có cây rừng;
       - Lắp đặt 06 camera chuyên dụng trên địa phận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và các trang thiết bị hỗ trợ để hoạt động giám sát, quản lý tài nguyên thiên nhiên rừng và biển;
       - Các camera quan sát được bán kính trung bình 8 km, quay 360 độ, nên quan sát được đường kính 16km;
       - Địa điểm quan sát từ đầu Kênh Ranh thuộc xã Đất Mới, huyện Năm Căn đến Rạch Trương Phi, thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, quan sát chủ yếu dọc theo khu vực bãi bồi và biển, diện tích quan sát, quản lý trên địa phận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau từ 29.000 ha trở lên.
       4.2. Kiến nghị
       - Camera mang lại hiệu quả thiết thực, quan sát được phương tiện và người rất xa, quản lý tài nguyên thiên nhiên biển rất tốt, có thể ứng dụng, nhân rộng để triển khai thực hiện những khu vực khác ngoài địa phận của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
       - Trang bị thêm hệ thống phát thanh để cảnh báo nhằm tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các đối tượng vi phạm khi quan sát phát hiện qua các camera;
       - Các nhà cung cấp thiết bị hệ thống camera và lập trình phần mềm, cần nghiên cứu bổ sung định vị GPS để xác định tọa độ khu vực phát hiện vi phạm,  để làm cơ sở tính pháp lý củng cố hồ sơ xử lý vi phạm.
       - Để nhận dạng rõ khuôn mặt người và tuyên truyền đối tượng vi phạm không khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép, đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ cho thực hiện dự án lắp đặt các flycam tại 06 trụ, để bay ghi hình ảnh (củng cố hồ sơ xử lý vi phạm) và tuyên truyền khi các camera phát hiện đối tượng vi phạm.

                                                                                              Lê Văn Dũng, Tiêu Minh Luân, Tô Thanh Huỳnh, Lê Trần Anh Hùng