Dự án nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo quy trình công nghệ Semi – Biofloc tại huyện Phú Tân.

       Năm 2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau giao làm chủ trì thực hiện dự án nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo quy trình công nghệ Semi – Biofloc. Dự án được triển khai từ nguồn vốn chương trình Ứng dụng kết quả nghiên cứu thử nghiệm vào sản xuất và đời sống; được triển khai tại hộ ông Lữ Quốc Việt, ấp Thanh Đạm xã Tân Hải huyện Phú Tân tỉnh Cà Mau.

       Với diện tích ao nuôi 1.000m2, sau thời gian nuôi hơn 3 tháng, tiến hành thu hoạch được 3,8 tấn. Lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Qua thời gian triển khai dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực. Bài viết này xin tóm tắt quy trình kỹ thuật nuôi như sau:

       1. Chuẩn bị ao nuôi

       Thiết kế ao nuôi:

       - Ao nuôi được thiết kế dưới dạng hình vuông bo tròn 4 góc.

       - Độ sâu của ao từ 1,5 – 1,8m; độ sâu mực nước khi hoạt động là từ 1,0 – 1,3m; khoảng lưu không cần đảm bảo ở mức 30 – 50 cm.

       - Lót bạt HDPE toàn bộ đáy và bờ ao. Nhất thiết phải có hệ thống ống thoát khí và thu gom nước bên dưới bạt để bạt đáy không bị phồng gây khó khăn trong quá trình nuôi.

       - Hố siphon được thiết kế giữa ao, diện tích 1,2m2 có hệ thống ống dẫn chất thải ở giữa ao và dẫn ra ao xử lý chất thải.

        Thiết kế ao ương:

       - Dùng để ương tôm post khoảng 20 ngày trước khi chuyển sang nuôi ao thương phẩm.

       - Ao ương được thiết kế hình trụ tròn, có mái che, diện tích 50m2.

       Thiết kế ao lắng xử lý:

       - Diện tích ao xử lý là 2.000 m2.

       - Ao lắng xử lý được thiết kế có dạng hình chữ nhật, độ sâu đảm bảo cung cấp đủ nước cho ao sẵn sàng trong suốt quá trình nuôi.

       Thiết kế ao lắng sẵn sàng:

       - Diện tích ao lắng sẵn sàng là 1.000m2.

       - Được thiết kế có dạng hình chữ nhật, độ sâu đảm bảo cung cấp đủ nước cho ao nuôi, ao ương trong suốt quá trình nuôi.

       - Dùng để chứa nước đã qua công đoạn lọc. Tại đây nước được xử lý diệt khuẩn và bổ sung vôi, khoáng tạo độ kiềm và độ pH phù hợp trước khi sử dụng để cấp hoặc bù nước cho ao ương, ao nuôi.

       - Lắp 1 giàn quạt từ 15 cánh quạt nhằm trộn đều khoáng dưỡng trước khi cấp vào ao ương, ao nuôi.

       Thiết kế ao siphon:

       - Được thiết kế có dạng hình chữ nhật, diện tích 200m2, với độ sâu đảm bảo khả năng lưu trữ lượng chất thải của ao nuôi. Tại đây được bố trí hố Biogas có dạng hình chữ nhật và diện tích khoảng 80m2, nước sau khi siphon sẽ được đưa vào đây.

       Thiết kế hệ thống cung cấp ôxy và quạt nước:

       - Đây là quy trình nuôi theo công nghệ Biofloc nên hệ thống oxy là quan trọng nhất. Nếu hệ thống oxy không đảm bảo sẽ làm cho Biofloc sụp ảnh hưởng tới môi trường và tôm nuôi.

       - Cung cấp ôxy, tạo Biofloc, giúp floc duy trì, không bị lắng, giải phóng khí độc (NH­3, H2S, NO2,...), trong quá trình nuôi.

       - Tạo dòng chảy và gom mùn bã hữu cơ, vật chất lơ lửng gom tụ vào giữa ao để siphon ra ngoài.

       - Số lượng cánh quạt trong ao nuôi:  90 cánh.

       - Số lượng vĩ ôxy trong ao nuôi: 120 vĩ ôxy.

       Thiết kế ao xử lý nước thải:

       - Được thiết kế có dạng hình chữ nhật, diện tích 5.750m2. Trong ao xử lý nước thải có thể thả các sinh vật ăn mùn bã hữu cơ, tảo để làm sạch nước như cá rô phi, nhiễm thể hai mãnh vỏ,...

       Các bước thực hiện

       1.1. Vệ sinh ao ương, nuôi:

       Tháo cạn nước ao, dùng máy bơm nước cao áp (loại dùng để rửa xe máy) xịt rửa bờ ao, nền đáy cho thật sạch. Phơi nắng từ 3-7 ngày.

       1.2. Lọc nước:

       -  Nguồn nước  phục vụ nuôi tôm nên có trữ lượng đủ lớn, đảm bảo cho toàn bộ vụ nuôi, xa nguồn ô nhiễm và tương đối trong sạch.

       - Độ mặn thích hợp để áp dụng mô hình này là 15-35ppt, lý tưởng nhất là ở mức 20 ppt.

       - Bơm nước từ nguồn hoặc ao lắng qua túi vải lọc 300µm vào ao lắng để cấp cho ao xử lý cấp bù.

       1.3. Xử lý nước:

       - Cấp nước từ vuông nuôi tôm quảng canh qua ao lắng xử lý để yên khoảng 2-3 ngày mới tiến hành diệt khuẩn.

       - Tiếp theo, diệt khuẩn bằng chlorine với liều lượng 30ppm. Thời điểm diệt khuẩn là vào buổi chiều (15h-16h) khi nhiệt độ nước thường đạt mức cao nhất. Độ pH của nước càng thấp, hiệu quả diệt khuẩn của chlorine càng cao; cao nhất ở pH < 7,5. Chạy quạt nước để đảm bảo chlorine phát tán tốt.

       - Chạy quạt mạnh liên tục trong 3 ngày (72 giờ) để loại bỏ hết dư lượng chlor trong nước.

       - Ngày thứ 4 bơm sang ao sẵn sàng. Tại ao sẵn sàng kiểm tra độ kiềm, nếu độ kiềm thấp có thể dùng dolomite CaMg(CO3)2 để tạo độ kiềm, độ kiềm lý tưởng là 120 mg/l. Chạy quạt để dolomite phát tán đều trong ao.

       - Ngày thứ 7 kiểm tra các yếu tố môi trường (pH: 7,8 – 8,2, độ kiềm: 120 – 160mg/l, độ trong: 30 – 40cm, nhiệt độ: 28 – 300C, độ mặn: 15 – 25‰) và điều chỉnh cho phù hợp. Cấp nước từ ao sẵn sàng sang ao ương hoặc ao nuôi.

       1.4. Nuôi cấy vi sinh tạo floc:

       - Tạo biofloc trong thùng phuy nhựa 200 lít, sục khí mạnh bằng các nguyên liệu sau:

TT

Nguyên liệu cần thiết

Liều lượng

Ghi chú

1

Nước ao (hoặc nước nguồn đã xử lý)

150 lít

 

2

Thức ăn số 0

300g

Chỉ cần 7 ngày đầu, sau đó giảm dần. 100g từ ngày 15

3

Mật rỉ đường

12 lít

 

4

Vi sinh tạo biofloc (BKT  hoặc các dòng vi sinh khác…)

250g

Có thể tăng nếu cần tạo nhanh một lượng biofloc lớn

       - Sau 24h sục khí mạnh, khi thấy bọt trắng nổi đầy mặt thùng và mùi mật rỉ không còn nặng như trước thì trộn thêm 10-12 lít mật rỉ nữa rồi bơm hỗn hợp xuống ao. Liều lượng áp dụng là mỗi ao một thùng. Làm liên tục 3-4 ngày hoặc cho đến khi thấy biofloc và kiểm tra chất lượng nước phù hợp thì có thể thả tôm postlarvae.

       - Khi biofloc đã phát triển tốt ở trong ao nuôi thì liều lượng bổ sung hỗn hợp này có thể giảm dần đi (1 thùng 150 lít có thể dùng cho 2 hoặc 3 ao). Từ ngày thứ 30 trở đi, áp dụng 2-3 ngày/lần tùy thuộc vào điều kiện thực tế.

       1.5. Chọn giống và thả giống: 

       Chọn giống:

       - Kích cỡ PL12

       - Tôm giống phải được xét nghiệm bằng PCR trước khi thả nuôi, chỉ chọn lô tôm giống được chứng nhận sạch các loại bệnh do virus: Đốm trắng, đầu vàng, Taura,….

       b. Mật độ nuôi: 250 con/m2.

       Thời điểm thả tôm giống tốt nhất vào lúc chiều mát.

       1.6. Ương tôm post (pha 1)

       - Khi nước trong ao ương đã có màu tốt và các thông số môi trường đều nằm trong khoảng thuận lợi thì tiến hành thả tôm.

       - Mật độ ương khoảng 5.000 PL/m2.

       - Biofloc càng phát triển, độ pH của nước ao càng ổn định và tiến dần đến mức 7,2-7,5. Nước có màu nâu khaki. Khi múc lên bằng ly thủy tinh hoặc phễu lắng Imhoff sẽ thấy nhiều hạt nhỏ lơ lửng trong nước. Kích thước của những hạt này tăng dần theo thời gian nuôi, tương ứng với mật độ vi khuẩn tạo biofloc. Theo qui trình Chính Floc, mật độ biofloc cần duy trì là từ 2-5 mL/lít nước ao. Trong giai đoạn ương có thể đẩy mật độ này lên cao hơn. Khi mật độ này có dấu hiệu giảm, cần tăng thêm lượng mật rỉ đường và bổ sung thêm nguồn biofloc nuôi cấy trong thùng xuống ao.

       - Khi biofloc đã phát triển trong ao ương, tôm sẽ sử dụng biofloc là chính. Vì thế, lượng thức ăn đưa vào ao cần được hiệu chỉnh cho phù hợp, tối đa là bằng lượng thức ăn thông thường cho lượng thức ăn đã sử dụng để cấy biofloc trong thùng phuy (3-5kg).

       - Vận hành hệ thống sục khí đáy và chạy 1 giàn quạt nước 24/24. Hàng ngày bổ sung biofloc (lúc 09:00- 10:00) và khoáng liều lượng 5 kg/ao (lúc 16:30). Từ ngày ương thứ 6 trở đi, tiến hành siphon ao ương vào mỗi buổi sáng. Định kỳ kiểm tra các thông số môi trường, đo pH và độ kiềm hàng ngày để kịp thời điều chỉnh.

       - Giai đoạn ương kéo không quá 25 ngày tôm đạt cỡ 1.000-12.000 con/kg. Lúc này có thể tiến hành thu để chuyển qua các ao nuôi.

       1.7. Nuôi thương phẩm (pha 2)

       Chuyển tôm sang ao nuôi:

       - Khoảng một tuần trước khi chuyển tôm, tiến hành bơm nước đã xử lý từ ao nuôi vào ao ương đang có tôm. Sau một ngày, bơm ngược 30-40% nước ao ương trở lại ao nuôi. Đưa biofloc đã nuôi cấy trong thùng phuy xuống ao nuôi. Chạy quạt và sục khí để biofloc phát triển. Có thể thực hiện vài lần cho đến khi môi trường giữa ao nuôi và ao ương đã tương đồng. Ngoài biofloc cần chú ý đến các yếu tố môi trường khác là nhiệt độ, pH, độ kiềm và độ mặn. Cần đảm bảo không có sự khác biệt đáng kể giữa 2 môi trường.

       - Đợi tôm lột xác, cứng vỏ xong thì tiến hành chuyển. Tạt Vitamin C hoặc chất có khả năng chống stress xuống cả 2 môi trường. Kiểm tra sức khỏe của tôm. nếu tôm có thể búng nhảy trong lòng bàn tay khoảng 30-40 giây mà không bị đục cơ, không chết là được.

       - Rải thức ăn để dẫn dụ rồi dùng lưới mắt nhỏ gom tôm lại một góc ao. Vớt tôm bằng vợt mềm. Cân tôm để tính trọng lượng và tỷ lệ sống trong thời gian ương.

       Quản lý chất lượng nước:

       Trong toàn bộ qui trình nuôi, ở bất cứ giai đoạn nào việc quản lý chất lượng nước cần được quan tâm hàng đầu. Nước có chất lượng tốt, tôm mới mau lớn, không bị stress, bị bệnh. Cần làm tốt các công việc sau:

       - Duy trì vận hành hệ thống cấp oxy, khuấy đảo nước theo hướng dẫn. Cường độ cấp oxy, khuấy đảo nước được điều chỉnh theo thời gian. Càng về cuối vụ càng tăng dần và duy trì liên tục ở mức cao.

       - Siphon chất thải 1 lần/ngày (hoặc nhiều hơn khi cần thiết) và cấp bù nước đã qua xử lý, chuẩn pH và độ kiềm. Nên siphon bằng tay để có thể kiểm tra khu vực nền đáy tại hố thu chất thải.

       - Nuôi cấy biofloc trong thùng và bổ sung vào ao 2-3 ngày một lần cùng với mật rỉ đường theo tỉ lệ 20-30% lượng thức ăn sử dụng sau khi đã siphon và cấp bù nước vào buổi sáng (tầm 9-10h). Bổ sung 10 kg Zeolite mỗi khi thấy mật độ floc có chiều hướng suy giảm.

       - Hàng ngày kiểm tra lượng và thành phần chất thải được siphon ra. Nếu thấy thức ăn thừa, ngay lập tức giảm khẩu phần ăn. Nếu thấy xác tôm chết còn tươi với số lượng đáng kể (50-100 con hoặc hơn), cần kiểm tra các thông số môi trường như oxy hòa tan, độ kiềm, khí độc H2S hay NH3, hàm lượng NO2- và quan sát tình trạng sức khỏe của tôm trong nhá, trong ao để kịp thời khắc phục. Khi kiềm thấp hơn 100mg CaCO3/l thì dùng NaHCO3 để nâng nhanh, sau đó bổ sung dolomite liên tục một vài ngày cho đến khi ổn định. Từ ngày nuôi thứ 45 trở đi, cần giám sát chặt chẽ sự hình thành của khí độc trong ao nuôi, tăng cường siphon và bổ sung EMG để xử lý H2S khi cần thiết.

       - Tạt khoáng xuống ao mỗi ngày vào lúc 18h. Liều lượng là 5 kg/1500 m2, có thể tăng lên 10-20 kg/ngày vào thời điểm tôm chuẩn bị hoặc đang lột xác.

       Cách tạo Biofloc và duy trì Biofloc hàng ngày:

       - Đây là công nghệ nuôi Biofloc nên hàng ngày chúng ta cần kiểm tra phát triển của Biofloc (03-05 giờ một lần) để điều chỉnh Biofloc cho phù hợp tránh tình trạng biofloc phát triển quá mức làm ảnh hưởng đến môi trường và tôm nuôi. Đặc biệt không được sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh để diệt khuẩn trực tiếp vào ao nuôi vì nó sẽ ảnh hưởng đến các sinh vật (Biofloc) trong hệ thống nuôi.

       - Cách duy trì Biofloc: Trong quá trình nuôi, hàng ngày bổ sung mật đường kết hợp vi sinh nhằm ổn định biofloc cho ao nuôi; lượng mật rỉ đường tối thiểu cần bổ sung thêm cho một ao (trước khi bơm chuyển hỗn hợp xuống) là 30% tổng lượng thức ăn sử dụng của ngày hôm trước. Ví dụ: ao nuôi sử dụng 65 kg thức ăn/ngày sẽ cần bổ sung 65x30% =19,5 lít mật rỉ.

       Cho ăn:

       - Tôm được cho ăn bằng máy tự động cho đến khi thu hoạch. Khẩu phần ăn hàng ngày được ước tính theo % sinh khối của đàn tôm và điều chỉnh thông qua hoạt động kiểm tra nhá. Lập chương trình để máy ném thức ăn trong 10 giây (khoảng 2 kg thức ăn) và nghỉ 20 phút. Kiểm tra nhá sau khoảng 15-18 phút. Nếu trong nhá không còn thức ăn, tăng thời gian ném lên 15 giây. Nếu trong nhá còn thức ăn thì giảm thời gian ném xuống còn 5 giây. Để đảm bảo không cho ăn thừa, nên sử dụng một nhá thứ 2, cho thức ăn và kiểm tra nhá giống như khi cho ăn bằng tay. Đồng thời kết hợp giám sát chặt chẽ lượng thức ăn thừa khi siphon ao hàng ngày.

       - Nên trộn men hỗ trợ tiêu hóa (và thảo dược phòng bệnh) hoặc EMG đã ủ vào thức ăn, áo bằng chuối hoặc sản phẩm áo thức ăn chuyên dụng. Từ ngày nuôi thứ 50 trở đi tăng liều lên gấp 2-3 lần.

       - Dùng sàng để kiểm tra lượng thức ăn và sức khỏe của tôm.

       - Trước khi chuyển số thức ăn cần thay đổi từ từ hoặc trộn thức ăn nhỏ - to với tỷ lệ 7:3, 5:5, 3:7. Chuyển đổi thức ăn hợp lý sẽ giúp tôm sử dụng thức ăn tốt hơn, đặc biệt tránh hiện tượng tôm phân đàn, tranh giành thức ăn.

       Quản lý sức khỏe tôm nuôi:

       - Thường xuyên kiểm tra sức khỏe của tôm nuôi gan tụy, đường ruột, các phụ bộ, màu sắc thân tôm, độ trong và mỏng của vỏ, hoạt động bơi lội.

       - Định kỳ chài để kiểm tra tình trạng sức khỏe, tăng trưởng và đánh giá tỷ lệ sống của tôm trong ao nuôi.

       - Kiểm tra các yếu tố môi trường hằng ngày, khi phát hiện yếu tố nào không phù hợp thì điều chỉnh ngay.

Ảnh: Ông Lữ Quốc Việt thu hoạch tôm

       3. Thu hoạch

       Khi tôm nuôi đạt kích cở hoặc kích cở theo yêu cầu của công ty thì tiến hành thu hoạch.

       Một số kinh nghiệm rút ra từ dự án

       - Nước trước khi cấp từ ao sẵn sàng vào ao ương, ao nuôi phải trong (độ trong nhìn tới đáy ao), nếu nước chưa trong, lợn cợn vật chất lơ lửng, màu nước có tảo...sử dụng chất lắng tụ P.A.C của công ty CP, thuốc tím (3kg/1.000 m3) hoặc vôi nóng của Công ty CP (sử dụng lúc 12-2 giờ đêm).

       - Luôn luôn duy trì mật độ floc thích hợp, nhất là ở giai đoạn tôm dưới 1 tháng tuổi. Khi tôm lớn >45 ngày tuổi mật độ floc phát triển nhanh, giai đoạn này cần điều chỉnh tăng lượng men vi sinh, giảm nhiều mật đường hoặc nếu phát triển quá mức thì thay nước.

       - Tuân thủ theo khung lịch thời vụ của ngành chuyên môn.

KS. Trần Thanh Đông