1. Đặt vấn đề:
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, du lịch đã trở thành một nhu cầu tất yếu của xã hội, là ngành kinh tế mũi nhọn và là ngành kinh tế tổng hợp, là cầu nối giao lưu giữa các quốc gia, các dân tộc và các vùng miền trong một đất nước. Du lịch từ lâu đã được xem như là “con gà đẻ trứng vàng” hay “ngành công nghiệp không khói”, đóng góp rất lớn vào GDP cũng như tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương. Thành công trong kinh doanh du lịch nói chung và tại các điểm tham quan du lịch nói riêng phụ thuộc vào việc thấu hiểu các yếu tố làm thỏa mãn du khách. Sự thỏa mãn đó sẽ hấp dẫn du khách có ý định thăm viếng trở lại và du khách sẽ giới thiệu cho người khác đến tham quan. Thông qua đó làm gia tăng lợi thế cạnh tranh và tạo ra doanh thu và lợi nhuận bền vững cho các điểm tham quan du lịch. Các yếu tố làm thỏa mãn du khách chính là chất lượng dịch vụ.
- Nhu cầu của du khách về chất lượng dịch vụ ngày càng cao trong khi lòng trung thành của họ suy giảm. Có rất nhiều chứng cứ xác đáng chứng minh rằng: để duy trì được lòng trung thành của du khách, cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các điểm đến.
- Cạnh tranh giữa các điểm đến ngày nay đã mở rộng phạm vi và chất lượng dịch vụ du lịch trở thành yếu tố trong cạnh tranh giữa các điểm đến. Khi nhu cầu khách hàng thay đổi, kéo theo cuộc cạnh tranh để giành giật khách hàng diễn ra theo quy mô ngày càng lớn. Để duy trì được lượng khách hàng, các điểm đến du lịch đã chào mời các chương trình du lịch hấp dẫn, với chất lượng dịch vụ vượt trội khác biệt.
- Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, việc tìm kiếm thông tin về một điểm đến của khách hàng cực kỳ dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả. Khách hàng chỉ bỏ tiền ra khi một điểm đến nào đó cung cấp một dịch vụ có chất lượng vượt trội, khác biệt. Từ các yếu tố trên dẫn đến một thực tế là cuộc cạnh tranh giữa các điểm đến du lịch là cuộc cạnh tranh về chất lượng dịch vụ.
Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ tại Mũi Cà Mau
Do đó, việc xác định rõ các yếu tố cấu thành chất lượng dịch vụ du lịch làm cơ sở để xây dựng các lợi thế cạnh tranh trở thành vấn đề sống còn trong chiến lược phát triển du lịch của Cà Mau.
2. Các yếu tố thu hút du khách đến với Cà Mau
2.1 Yếu tố thuộc về tự nhiên, sinh thái
Đây là yếu tố then chốt tạo nên ngành công nghiệp du lịch của Cà Mau, cũng là yếu tố đặc thù nhất tạo nên sự khác biệt của các điểm đến tại Cà Mau so với các địa phương khác. Sự khác biệt và nổi tiếng của Cà Mau là nơi “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”. Cà Mau có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái. Cảnh quan thiên nhiên hoang dã nguyên sinh rất thơ mộng và du lịch văn hóa lâu đời đã hấp dẫn nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và khám phá.
Là vùng cực Nam Tổ quốc, Cà Mau có ba mặt giáp biển, bờ biển bao bọc từ phía đông sang bờ biển phía tây vịnh Thái Lan với sự tương tác mạnh mẽ của động lực sông - biển hình thành nhiều bãi bồi đầm lầy ven biển, tạo nên các hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm ngập nước trong lục địa, hệ sinh thái nông nghiệp canh tác tự nhiên truyền thống lâu đời với năng suất sinh học cao và tính đa dạng sinh học rất phong phú, điển hình cho vùng đất ngập nước của vùng ĐBCSL…Ngoài ra còn có hệ thống biển đảo khá phong phú với các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc với các sinh cảnh hữu tình, thiên nhiên hoang dã và gắn liền với những chứng tích lịch sử.
Đến với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là đến với cột mốc ghi dấu điểm cuối của Tổ quốc, đến với bạt ngàn thảm rừng ngập mặn xanh thẳm vươn xa ra phía biển và bãi triều lấn biển hoang sơ với rất nhiều loại động thực vật cùng sinh sống. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Bãi Bồi Cà Mau là nơi giao thoa của hai chế độ triều biển Đông và biển Tây vịnh Thái Lan, chi phối và bồi đắp nên theo diễn thế hình thành đất, diễn thế biến đổi môi trường nước và diễn thế nguyên sinh phát triển rừng ngập mặn đã tạo ra nguồn lợi vô cùng phong phú và đa dạng, chứa đựng tiềm năng to lớn về kinh tế, sinh thái, những bí ẩn khoa học cần được nghiên cứu và khám phá ở đây. Năm 2003, khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi được chuyển thành “Vườn quốc gia Mũi Cà Mau”, nhằm mục tiêu bảo tồn lâu dài mẫu chuẩn sinh thái quốc gia và quốc tế, phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, bảo vệ đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng.
Khu vực rừng tràm U Minh Hạ đã được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái “Vườn quốc gia U Minh Hạ”, nhằm mục tiêu bảo tồn, tái tạo cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù rừng tràm trên đất than bùn; bảo tồn tái tạo nguồn gien các loài động, thực vật quý hiếm; sử dụng bền vững tài nguyên rừng, các sản phẩm dưới tán rừng, đồng thời phục vụ cho nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, căn cứ địa của chiến khu U Minh trong chiến tranh cứu nước với nhiều chiến công oai hùng, cũng là vùng có sắc thái bản địa truyền khẩu huyền thoại Bác Ba Phi lạc quan, yêu đời và trào phúng ở Cà Mau.
Đến với Cà Mau, du khách có thể thưởng ngoạn bãi biển Khai Long sóng vỗ hiền hòa, hoang sơ cát mịn. Ở đây còn ẩn dấu huyền thoại Khai Long, nơi gặp nhau của biển, trời và đất để sinh ra Rồng của vùng biển hoang sơ. Cụm đảo Hòn Khoai vừa là một thắng cảnh thiên nhiên hữu tình trên biển, vừa là một di tích lịch sử cách mạng với khởi nghĩa Hòn Khoai của nhà cách mạng Phan Ngọc Hiển oai hùng.
Khu du lịch sinh thái Lâm ngư trường 184, Lâm ngư trường Kiến Vàng… là những khu bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế với các mô hình phát triển lâm nghiệp nguyên sinh và tái sinh, có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch sinh thái. Cà Mau với 2 sân chim, 15 vườn chim … có các sinh cảnh thơ mộng, thanh bình, hấp dẫn du khách và các nhà nghiên cứu sinh học. Đặc biệt, Lâm viên Cà Mau còn có vườn chim nhân tạo và các loài chim ngập nước bay về trú ngụ ngay trong lòng thành phố, trở thành điểm vui chơi giải trí cho người dân đô thị gần gũi với thiên nhiên với các cảnh quan đặc trưng của tỉnh.
Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của tỉnh Cà Mau là rất đa dạng và phong phú, có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH của địa phương. Phát triển du lịch sinh thái sẽ nâng cao giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng tràm ngập úng và các hệ sinh thái nông nghiệp truyền thống đặc thù. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển du lịch nói chung và du lịch sinh thái nói riêng, chúng ta cần quan tâm đến các vấn đề môi trường để hoạch định các kế hoạch phát triển bền vững. Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, các dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái cần phải triệt để tuân thủ quy trình lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đánh giá và giám định xã hội các dự án phát triển kinh tế có thể tác động đến các hệ sinh thái đất ngập nước và đa dạng sinh học trong khu vực để có các giải pháp hữu hiệu xử lý các tác động môi trường. Với tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, Cà Mau có thể tập trung vào phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, vừa khai thác được các yếu tố có sẵn vừa tạo ra các lợi thế cạnh tranh vững chắc trong phát triển du lịch và thu hút du khách.
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau (trong khuôn viên Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ)
2.2. Các yếu tố thuộc về di tích lịch sử, văn hóa
Thế mạnh thứ hai cũng là yếu tố quan trọng tạo ra các tiền đề để Cà Mau có thể phát triển du lịch đột phá, đó là yếu tố lịch sử, văn hóa. Với bề dày lịch sử hơn 300 năm mở đất, những cuộc đấu tranh cách mạng đã tạo cho Cà Mau một hệ thống di tích lịch sử văn hóa hào hùng: Bến Vàm Lũng (điểm cuối của đường Hồ Chi Minh trên biển); di tích Hòn Đá Bạc (Trung tâm Kế hoạch phản gián CM12); di tích đảo Hòn Khoai với cuộc khởi nghĩa của thầy giáo Phan Ngọc Hiển; di tích căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước; di tích Hồng Anh Thư Quán, di tích Trung ương Cục, Làng rừng…. Mỗi di tích đều là một nét chạm khắc tinh thần yêu nước của các thế hệ cha ông trong lịch sử đấu tranh gian khổ chống giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó còn có các kiến trúc nghệ thuật của hơn 100 đình, chuad, đền thờ, nhà thờ, thánh thất của người Việt, Hoa và Khmer.
Du khách có thể đến với Khu du lịch Mũi Cà Mau để tham quan cột mốc tọa độ quốc gia, biểu tượng mũi Cà Mau, Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ Âu Cơ, ngắm cảnh biển từ vọng lâu đài, thăm khu mô phỏng làng rừng kháng chiến. Ngoài ra còn có Khu du lịch Hòn Ðá Bạc, vườn sưu tập động vật hệ sinh thái rừng tràm Lâm ngư trường sông Trẹm, khu du lịch Lý Thanh Long, vườn chim trong lòng thành phố Cà Mau. Cách bờ không xa là cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Sao, Hòn Ðồi Mồi, Hòn Quy, Hòn Ðá Lẻ... Trên đảo Hòn Khoai là ngọn đèn biển cổ có kiến trúc khá hùng vĩ, là chứng nhân của sự kiện Nam Kỳ Khởi nghĩa năm 1940. Ðảo là một thắng cảnh đẹp của Cà Mau với hệ thực vật đa dạng có nhiều thảm rừng hoang bên các vườn cây ăn quả và dược liệu quý hiếm cùng những lối đá dốc mòn vắt vẻo bên các triền cát vàng.
Tại xã Tân Thành, Tắc Vân loại hình du lịch tâm linh kết hợp sinh thái đã và đang phát triển, hứa hẹn một mô hình phát triển du lịch mới cho Cà Mau. Tại đây không chỉ phát triển các loại hình cây ăn trái, nuôi cá nước ngọt, duy trì và phát triển làng nghề dệt chiếu, cùng với sự hiện diện của Đình Thần, chùa Thiền Lâm… mà từ lâu đã trở thành địa chỉ du lịch tâm linh của hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh vào dịp lễ, tết hằng năm..
Vườn dâu Cái Tàu (xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) từ lâu vốn hấp dẫn nhiều du khách với trái dâu đặc sản của vùng Đất Mũi và độc nhất vô nhị ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có bề dày lịch sử hơn 100 năm. Hằng năm, từ tháng Tư cho tới hết tháng Sáu là mùa dâu chín rộ là cao điểm mùa du lịch, là thời điểm các nhà vườn mở cửa đón khách tham quan. Đến vườn dâu, du khách có thể mắc võng nằm dưới tán dâu xanh mướt, nhấm nháp những trái dâu chín mọng thơm phức, nghe đờn ca tài tử và thưởng thức những món ăn đồng quê như cá lóc nướng trui, cá trê chiên, cá rô kho tộ… rất hấp dẫn.
Cà Mau là điểm dừng chân cuối cùng của người Việt trong hành trình mở cõi, vì vậy nó chất chứa trong lòng cả một di sản văn hóa sông nước vừa đậm chất bản địa, vừa mang dấu ấn của những người con lưu hương. Những lễ hội: Nghinh Ông, Vía bà Thiên Hậu, Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer… Tất cả vừa toát lên nét tín ngưỡng văn hóa đặc trưng, vừa thể hiện sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc Kinh - Hoa - Khmer.
Sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và di sản văn hóa lịch sử của con người nơi đây từ thời khai khẩn lập ấp, đã tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn mà không phải địa phương nào ở đồng bằng sông Cửu Long cũng có được như Cà Mau
2.3. Các yếu tố thuộc về con người, nhân văn
Chất lượng phục vụ du lịch, một sản phẩm không thể thiếu là các món ăn hấp dẫn, mới lạ tại một vùng đất mỗi khi du khách đến. Do vậy, văn hóa ẩm thực là một yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng phục vụ của các điểm tham quan tại Cà Mau.
Ẩm thực tạo thêm dấu ấn đối với du khách, ẩm thực ẩn chứa những giá trị văn hóa phi vật thể cốt lõi của điểm đến và thông qua việc thưởng thức chúng, du khách có thể khám phá, cảm nhận rõ nét bản sắc văn hóa chính thống của người dân địa phương. Khi có cơ hội thưởng thức các món ăn mới lạ và hấp dẫn trong chuyến đi của mình, du khách sẵn sàng đón nhận, bởi lẽ đó là một trong những hoạt động trải nghiệm thú vị nhất gắn với tâm lý và sinh hoạt hàng ngày của mỗi con người. Bên cạnh các yếu tố có thể làm thỏa mãn nhu cầu khách như thời tiết, dịch vụ lưu trú, phong cảnh tham quan… thì ẩm thực góp phần gia tăng đáng kể giá trị cho chuyến đi của khách du lịch cũng như tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về điểm đến. Đồng thời, ngoài việc là yếu tố tạo sức hấp dẫn, ẩm thực còn đóng vai trò vô cùng quan trọng, tạo dấu ấn khác biệt giữa vùng miền, quốc gia. Bởi lẽ, bên cạnh bản sắc độc đáo của hương vị và nghệ thuật chế biến tinh tế của từng món ăn, khi quảng bá, chúng thường được đi kèm với tên thương hiệu của mỗi quốc gia, ví dụ như: Ẩm thực Trung Quốc, Ẩm thực Pháp, Ẩm thực Mexico. Điều này giúp dễ dàng khắc sâu vào tâm trí của du khách, dù đã từng hay chưa được trải nghiệm, nhưng cũng khiến họ phải quan tâm tìm hiểu và lưu giữ được những cảm nhận ban đầu khó quên về điểm đến du lịch, qua đó góp phần tạo thêm động lực để họ quyết định đi thăm cũng như quay trở lại điểm đến du lịch.
Cà Mau với nhiều điều kiện ưu đãi của thiên nhiên nên ẩm thực cũng rất phong phú đa dạng: Gỏi nhộng ong U Minh, bồn bồn, cá lóc nướng trui, ba khía Rạch Gốc, tôm tít, chả trứng mực đất Mũi, vọp nướng chấm muối tiêu... Thương hiệu mật ong U Minh không những nổi tiếng cả nước mà nhiều khách quốc tế cũng biết đến vì được lấy từ phương pháp thủ công nên có mùi thơm bông tràm rất đặc trưng. Lẩu mắm nơi đây cũng đã làm ngây ngất lòng nhiều du khách, khi được nấu bằng mắm cá sặc, cùng với cá đồng, rau rừng… là những món ăn rất hấp dẫn, khác biệt của Cà Mau trong phụ vụ du lịch.
Con người Cà Mau chất phác, mến khách, trọng nghĩa tình; giàu tình yêu quê hương đất nước, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Đến với Cà Mau là đến với vùng đất ẩn chứa biết bao nhiêu giai thoại, mẩu chuyện hào hùng về những con người Đất Mũi đã làm nên những chiến công oanh liệt.
3. Kết luận
Cà Mau là một tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, trong những năm gần đây, mặc dù có nhiều chủ trương và chính sách của tỉnh nhằm hỗ trợ và khuyến khích phát triển du lịch.
Trong xu thế ngày càng gia nhập sâu vào nên kinh tế trong khu vực và thế giới, sức ép cạnh tranh về du lịch trong và ngoài nước ngày càng lớn, sự vươn lên của các địa phương trong việc thu hút khách du lịch gây một áp lực ngày một lớn. Để du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, và ngành kinh tế tổng hợp đóng góp ngày càng nhiều vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương, bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiểm soát giá cả, phát triển nhiều loại hình sản phẩm du lịch, Cà Mau cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm tham quan du lịch.
Vì vậy, xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng du lịch tại tỉnh Cà Mau trong chiến lược phát triển du lịch nhằm xây dựng hình ảnh du lịch của Cà Mau ngày càng tốt hơn nhằm thu hút du khách. Cùng với du lịch sinh thái Cà Mau cần xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, nhất là sản phẩm du lịch văn hoá, tâm linh, du lịch thể thao, giải trí, nhằm tăng sức hấp dẫn cho du lịch Cà Mau.
ThS. Nguyễn Quang Thuần - Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau