Du lịch Cà Mau chuyển mình.

          Nhu cầu du lịch ngày càng cao. Ở mức sống nghèo khó thì vấn đề kinh tế là mục tiêu ưu tiên; khi mức sống cải thiện thì đời sống tinh thần nâng dần thứ bậc. Điều này là quy luật tự ngàn xưa. Du lịch thuộc khái niệm đời sống tinh thần. Du lịch phát triển sẽ kéo theo nhiều hệ quả khác như: tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các vùng miền, các dân tộc, trong nước và ngoài nước, bổ sung văn hóa cho nhau làm cuộc sống hoàn mỹ, tốt đẹp hơn.

          Bất cứ nơi nào cũng có cái đẹp, cái hay riêng của mình. Cái quen của người này lại là cái mới lạ của người khác. Khi đến Trung du cảnh núi non hùng vĩ ta thấy lòng mình xúc cảm xôn xao; khi bạn đến ta thấy đồng lúa bạt ngàn, rừng ngập xanh mênh mông thì không ai tránh khỏi tình cảm dạt dào sâu lắng. Bên cạnh cái đẹp có cái không đẹp; vấn đề quan trọng là biết chuyển hóa nó thành bức tranh hấp dẫn. Các địa phương ở Việt Nam, các nước đều xem trọng du lịch; có nơi du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

          Điều kiện ở Cà Mau tạo nên tính đặc thù dễ đi vào lòng người. Mũi Cà Mau vùng đất cực Nam của Tổ quốc là “độc nhất vô nhị”, như nhạc sĩ Hoàng Hiệp kêu lên “… Ơi! Đất Mũi Cà Mau nên thơ và đẹp giàu…Ơi! Đất Mũi Cà Mau trăm thương ngàn mến…”.; không đâu có rừng tràm, rừng đước  như bức thảm xanh mênh mông luôn gắn bó với dân tộc suốt hai cuộc kháng chiến cứu nước và trong công cuộc xây dựng hôm nay. Nhớ năm 1998, trên đường đi Đất Mũi, Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhìn dãy rừng xanh, những con kênh lượng qua chạy dài, tàu thuyền tấp nập, ông nói với những người cùng đi là “đất nước mình đẹp lắm, không nhất thiết phải đi du lịch nước ngoài”. Rừng không chỉ mang vẻ đẹp hùng vĩ, trái lại là thâm thúy sâu lắng. Nhiều lắm những cái đẹp trên vùng đất này. Chẳng những người Việt Nam mà cả khách quốc tế ai cũng ao ước được đến Mũi Cà Mau để tiếp thêm cái thú vị cho cuộc đời.

         Nhận ra thế mạnh riêng, lãnh đạo tỉnh Cà Mau có nhiều chủ trương phát triển du lịch. Ủy ban nhân dân tỉnh có Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 24/7/2017 về “Thực hiện Kế hoạch số 50-KH/TU ngày 6/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Quyết định số 1363/QĐ-UBND ngày 14/9/2015 của Ủy ban nhân dân “Về việc phê duyệt Đề án xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch Đất Mũi giai đoạn 2015 – 2020”…là những văn bản chỉ đạo có tính kế thừa thành chuỗi liên tục.

          Mục tiêu chung của các chương trình, kế hoạch là đến năm 2020 hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch cơ bản hoàn chỉnh; đón 1,7 triệu lượt khách, trong đó có 50.000 lượt khách quốc tế; tạo việc làm cho 26.000 lao động; doanh thu khoảng 2.600 tỉ đồng. Năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật du lịch đồng bộ; đón 2,8 triệu lượt khách; tạo việc làm cho 53.000 lao động; doanh thu khoảng 7.200 tỉ…

          Ngành văn hóa, Thể thao và Du lịch kịp thời triển khai thực hiện những chỉ đạo ấy để du lịch thật sự đi vào cuộc sống. Hàng năm ngành văn hóa có các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch để thực hiện các mục tiêu trên. Ngành cũng đã và đang xúc tiến lập các quy hoạch cụ thể: Quy hoạch phát triển thể dục - thể thao tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Năm Căn đến năm 2030; Quy hoạch Văn hóa; Quy hoạch Tượng đài Tranh hoành tráng; Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Quy hoạch phân khu xây dựng du lịch Khai Long…Đây là sự cố gắng của ngành tạo những bước đi cơ bản, nề nếp, ổn định để phát triển du lịch.

          Có định hướng đúng, giải pháp sát thực tế, quyết tâm cao nên phát triển du lịch ngày càng tốt. Trong năm 2017 lĩnh vực du lịch đạt nhiều kết quả trực tiếp và từ những hoạt động phụ trợ tạo thành thế hỗ tương ngày càng vững.

          Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tổng số du khách tăng 11,3% so cùng kỳ (kể cả khách quốc tế); doanh thu tăng 35,86%% so cùng kỳ. Các con số này cho ta thấy chiều hướng phát triển du lịch tốt, dù năm nay thời tiết bất lợi. Cũng có thể nói là kết quả của những hoạt động tổng hợp như sau đây.

          Quảng bá du lịch thực hiện xuyên suốt và nhiều hình thức như: bano, áp fic, kênh truyền hình, các trang báo, sổ tay, tờ rơi hướng dẫn, lòng ghép vào các cuộc hội chợ; phải nói đến lực lượng tuyên truyền viên hiệu quả nhất là hướng dẫn viên du lịch làm cho những du khách khi giả từ nơi đây vẫn nặng lòng lưu luyến không chỉ vì vẻ đẹp tự nhiên mà là văn hóa, phẩm cách của người Cà Mau.  

          Để hài lòng và thu hút du khách ngày càng tốt, tỉnh có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế cùng nhà nước đầu tư nâng cấp các điểm du lịch và kết nối thành tuyến như Khu Phủ thờ Bác tại thành phố Cà Mau (Lâm viên) nối với Năm Căn, Khai Long, Đất Mũi; nối với Vồ Dơi, hòn Đá Bạc…, trên các tuyến này cũng hình thành một số điểm du lịch với quy mô doanh nghiệp nhỏ, hộ hoặc liên hộ.

          Dịch vụ tại các điểm du lịch cũng phát triển theo nhu cầu như các cửa hàng ăn với những món ăn đặc sản mang hương vị Cà Mau; các quầy bán hàng lưu niệm, chủ yếu là sản xuất tại Cà Mau. Có thể nói hàng hóa chưa phong phú song cũng đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho khách du lịch. Tại thành phố Cà Mau và các huyện lỵ đều có điểm lưu trú cho khách đặc biệt và phổ thông như nhà hàng 5 sao Mường Thanh đến khách sạn, nhà nghỉ... Nơi nghỉ đa dạng ứng với nhu cầu khách đa dạng và khả năng tiếp nhận hàng nghìn khách cùng lúc.

          Nhiều hoạt động hỗ trợ như: Đăng cai tổ chức thành công hội nghị Cụm thi đua Tây Nam bộ và chương trình liên kết phát triển du lịch; Hội thi ẩm thực “Món ăn ngon Cà Mau”; Cuộc thi “Ảnh đẹp du lịch Cà Mau”; tham gia nhiều hội chợ, triển lãm quảng bá du lịch Cà Mau. Phối hợp các ngành, địa phương thanh tra, kiểm tra, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển du lịch và tạo thuận lợi để họ hoạt động kinh doanh đúng quy định và hiệu quả. Tổ chức thành công các sự kiện chính trị phục vụ các ngày lễ lớn. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, cổ động, triển lãm; các hoạt động nghệ thuật; bảo tồn, bảo tàng…

          Kết quả trên là sự quan tâm của tỉnh; định hướng đúng; ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cố gắng và có các chương trình, kế hoạch hoạt động du lịch hợp lý; được nhân dân đồng tình; vừa khai thác được thế mạnh vốn có và khắc phục biến khó khăn thành thuận lợi.

           Tuy nhiên hạn chế còn nhiều. Quy mô, hình thức tổ chức chưa phong phú, còn khiêm tốn; huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho du lịch còn thấp; quan tâm của các địa phương chưa đúng mức; kết cấu hạ tầng du lịch chưa đạt yêu cầu; liên kết trong tỉnh cũng như khu vực chưa đạt mong muốn; các khu du lịch trọng điểm thiếu sức hấp dẫn; du lịch cộng đồng phát triển chậm; chưa phát huy tốt các hình thức du lịch và gắn kết các hình thức để hỗ trợ nhau; các sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn Cà Mau còn nghèo nàn…        

             Để phát triển du lịch tốt hơn cần:

          Chuyển biến mạnh mẽ nhận thức trong nội bộ và nhân dân về sự quan trọng, yêu cầu, mục tiêu, nội dung nhiệm vụ cụ thể và các giải pháp cơ bản về phát triển du lịch như Quyết định số 65/KH-UBND và các văn bản nói trên. Các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở các cấp, các ngành nên có nội dung về du lịch; ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch giữ vai trò nòng cốt trong các hoạt động phối hợp. Nội bộ và nhân dân nổ lực biến nhận thức thành quyết tâm, thành hoạt động cụ thể; chẳng những khai thác hết những điều kiện thuận lợi mà còn linh hoạt sáng tạo biến thách thức thành cơ hội phát triển.

          Cập nhật thông tin để điều chỉnh chương trình, kế hoạch phù hợp; cũng cần rà soát lại nội dung Quy hoạch phát triển du lịch tại Quyết định số 1062/QĐ-UBND ngày 24/7/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh “Về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Từ sau năm 2012 đến nay tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh, trong nước và quốc tế có nhiều biến đổi theo chiều hướng thuận lợi; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh có các chỉ thị, nghị quyết…chỉ đạo đưa ra nhiều quan điểm, nhiệm vụ mới; dù ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm cụ thể hóa nhưng cũng mang tính tình thế. Việc điều chỉnh, xây dựng quy hoạch tổng thể du lịch mới là hết sức cần thiết để ghép nối từng mảng thành hệ thống hoàn thiện.

          Thực hiện liên kết tốt hơn. Liên kết giữa các thành phần kinh tế, sẽ huy động được sức mạnh xã hội. Cần có doanh nghiệp mạnh làm hạt nhân ở từng điểm du lịch và liên kết với các tổ chức, cá nhân khác kinh doanh dịch vụ. Có cơ chế thuận lợi tạo điều kiện và thúc đẩy các hình thức, các mối liên kết hình thành một cách tự nhiên nhưng trong tầm kiểm soát. Liên kết giữa các chủ thể tại điểm, tuyến du lịch, liên kết vùng, xây dựng các tua du lịch đi, đến cấp vùng, Bắc - Nam, trong nước và quốc tế hấp dẫn hơn.    

          Đào tạo kỹ năng du lịch cho cán bộ, nhân viên và những ai tham gia hoạt động du lịch đủ tầm; có thể tổ chức các cuộc thi hướng dẫn viên để tuyển chọn người không chỉ có kỹ năng niềm nở ứng xử tốt mà còn có hiểu biết về đất nước và con người Cà Mau; họ là người diệu dàng dễ mến, nói cười duyên dáng gieo cho du khách những dấu ấn tốt đẹp về truyền thống cách mạng và giàu tình người ở vùng đất này, như nhạc sĩ Thanh Sơn nói “…đến Cà Mau là thấy thương em rồi”.

          Phát triển nhiều hơn sản phẩm lưu niệm sao cho phong phú chủng loại, mẫu mã hấp dẫn, chất lượng tốt, giá cả hợp lý; nên chăng phát động hội thi hàng năm hoặc hai năm một lần về sáng tạo sản phẩm du lịch mang dấu ấn Cà Mau; quy mô tổ chức không nhất thiết “hoành tráng” mà tùy sự hưởng ứng của nhân dân. Khuyến khích các cửa hàng quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương và liên kết với các nơi khác để thị trường rộng hơn.

          Xem phát triển du lịch là trách nhiệm chung của Đảng bộ và nhân dân vì vậy các ngành, các cấp chung tay với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tùy điều kiện mỗi tổ chức, mỗi nơi mà lòng ghép hoạt động du lịch, ví dụ tạo điều kiện và khuyến khích khách đến làm việc có yêu cầu đi tham quan, đầu tư hoàn thiện giao thông nối các tuyến du lịch, quảng bá qua các kênh thông tin đại chúng…

          Cà Mau không có những danh lam thắng cảnh hoành tráng như Quảng Ninh, Quảng Bình… song có con người Cà Mau, có Đất Mũi, có vẻ đẹp riêng hồn nhiên như câu hát: “...Bạt ngàn rừng xanh giữ đất quê hương; biển nặng tình người sao quá yêu thương...”. Dù khó khăn của ta không ít nhưng với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; chủ công thực hiện của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân tin rằng bức tranh du lịch của tỉnh nhà sẽ sáng đẹp như mong muốn./.

                                                                                                Phan Văn Đức