Giải pháp hạn chế bệnh trên cua nuôi Do giáp xác chân tơ gây nên trên địa bàn tỉnh cà mau

Theo báo cáo của Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu và Chi cục Thú Y tỉnh Cà Mau, cua bệnh chết nhiều từ cuối năm 2019 đến nay là do ký sinh trùng giáp xác chân tơ ký sinh trong xoang và thân cua, xâm nhập vào mô cơ, gan, tim, mang của cua. Với tỷ lệ cảm nhiễm bệnh lên trên 90%, cường độ cảm nhiễm cao nhất là 17 ký sinh/cá thể cua. Bên cạnh đó cũng theo hai cơ quan trên và Đại học Quốc gia Hà Nội vi khuẩn V. alginoliticus, A harveyi và V.parahaemolyticus là tác nhân cơ hội thứ 2 hiện diện trong nước nuôi, cơ, gan cua với mật độ khá cao, là tác nhân có nguy cơ gây bệnh cho cua nuôi và nguy cơ gây bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi cùng môi trường.

Qua kết quả khảo sát giáp xác chân tơ gây chết trên cua nuôi phát triển trong điều kiện độ mặn cao (> 15‰) và chủ yếu tập trung Vùng Nam Cà Mau và giai đoạn cua nuôi từ 1,5-2,5 tháng tuổi và trọng lượng > 150 gram trở lên. Vì thế, để nuôi cua đạt hiệu quả và hạn chế bệnh do nhóm giáp xác chân tơ gây nên chúng ta cần phải tác động khoa học kỹ thuật và áp dụng quy trình kỹ thuật phù hợp, bởi vì nhóm giáp xác chân tơ này kí sinh trong cơ thể cua và gây chết cua phải qua một thời gian và quá trình sinh trưởng, phát triển kéo dài khoảng 50 - 60 ngày, chính vì thế chúng ta ngay ban đầu của quá trình nuôi chúng ta nên hạn chế tối đa để cua tiếp cận với mầm bệnh bằng giải pháp ương, nuôi cua 02 giai đoạn.

Quá trình ương cua trong ao sẽ tách biệt được với vuông nuôi, trong điều kiện ao ương với diện tích nhỏ (1.000-2.000 m2) để dễ xử lý mầm bệnh, đồng thời chúng ta nuôi trong ao ương khoảng 45- 60 ngày cua đạt trọng lượng > 150 gram mới chuyển sang vuông nuôi như thế sức đề kháng của cua tốt hơn, đồng thời hạn chế tối đa đương các mầm bệnh xâm nhập, mặt khác trước khi chuyển ra vuông nuôi chúng ta kiểm tra được mầm bênh trên cua (giáp xác chân tơ) để xử lý. Nếu trong thời gian nuôi cua bị giáp xác chân tơ xâm nhập và kí sinh thì thời gian để gây bệnh trên cua phải qua khoảng >2 tháng, khi đó cua nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm và có thể thu hoạch an toàn và hiệu quả.

Để giải pháp ương nuôi đạt hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đề xuất một số vấn đề trong kỹ thuật nuôi như sau:

I. GIAI ĐOẠN ƯƠNG

1. Thiết kế ao ương

- Hệ thống ao ương

+ Ao ương có diện tích từ 1.000-2.000 m2.

+ Rào lưới, tol, bạt,… xung quanh bờ bao của ao ương tránh các ký chủ trung giang mang mầm bệnh vào trong ao ương.

+ Sàng ăn: 5-10 sàng ăn/1.000m2.

- Ưu điểm của ao ương

+ Ao ương có tác dụng dễ cải tạo, tách biệt với môi trường bên ngoài, xử lý hạn chế thấp nhất mầm bệnh gây thiệt hại cho cua nuôi, ương cua giống kích cỡ lớn >50 gram) trước khi đưa ra vuông.

+ Nâng cao tỉ lệ sống, kiểm soát được lượng con giống trước khi thả ra ngoài vuông nuôi, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất. 

2. Xử lý nước cho ao ương

- Tháo cạn nước ao ương, bón vôi CaCO3, liều lượng 50kg/1.000 m2 nhằm ổn định pH cho vuông nuôi.

- Phơi đầm 5-7 ngày để khoáng hóa nền đáy, giải phóng khí độc và diệt một số mầm bệnh trong quá trình nuôi đồng thời quá trình phơi đầm giúp cho quá trình cải tạo, gây thức ăn tự nhiên được thuận lợi hơn.

- Cắm thêm các ụ trà mấm khô, lá dừa khô, rơm cuộn,… tỷ lệ các ụ trà khoảng 10-20 ụ (1m2)/1.000 m2.

- Cấp nước vào ao ương đạt mức nước 0.4-0.6m, để 4 ngày sau đó tiến hành diệt khuẩn cho ao ương:

+ Ngày thứ nhất: Xử lý diệt khuẩn: Vikon A, BKC, thuốc tím,… liều lượng theo nhà sản xuất (khuyến cáo sử dụng liều lượng khoảng 35-40ppm).

+ Ngày thứ 4: Sử dụng phân sinh học (bả mía đường, phân trùn chỉ,…) để gây nuôi thức ăn tự nhiên, liều lượng 20 kg/1.000m2, tạt cho ao ương vào lúc 8-9 giờ sáng.

+ Ngày thứ 6: Sử dụng chế phẩm sinh học để ổn định môi trường, làm sạch nền đáy cho ao ương trước khi thả giống (100-150 gam/1.000m3 nước), hòa nước tạt vào ao ương lúc 8-9 giờ sáng.

+ Kiểm tra các yếu tố môi trường: pH: 7.5-8.5, độ kiềm: 80-160mg/l, độ mặn: 10-25‰, độ trong 30-40cm, màu nước: nâu nhạt hoặc xanh võ đậu thì tiến hành thả giống.

3. Ương giống

- Chọn giống

+ Chọn cơ sở sản xuất giống có uy tín, chất lượng,…

+ Cua giống phải đều cỡ, cơ thể khỏe mạnh, không thương tích, thân và phần phụ đầy đủ và hoạt động linh hoạt.

Cua có chiều rộng vỏ cỡ 10-12 mm.

- Cho ăn:

+ Thức ăn có thể sử dụng thức ăn công nghiệp, thức ăn chế biến và cá tạp. Để hạn chế chi phí và thuận lợi trong quá trình ương cua giống được cho ăn bằng thức ăn cá tạp băm nhỏ, các loại tôm, cá nhỏ, liều lượng cho ăn 0.2-0.5 kg/1.000 con giống (tùy vào điều kiện phát triển của động vật phù du có trong ao ương), mỗi ngày tăng từ 5 - 10% lượng thức ăn.

+ Thức ăn cho trực tiếp vào sàng ăn, sau 2-3 tiếng cho ăn thì kiểm tra lượng thức ăn dư thừa để loại bỏ ra khỏi ao ương tránh làm ô nhiễm môi trường nước.

+ Mỗi ngày cho ăn 1-2 lần, tùy thuộc vào điều kiện thực tế mà có thể bố trí số lần cho ăn cho phù hợp.

4. Quản lý môi trường, sức khỏe

- Định kỳ 10 - 15 ngày sử dụng chế phẩm sinh học để ổn định và làm sạch môi trường nước trong vuông nuôi.

- Định kì khoảng 15-30 ngày/lần sử dụng phân hữu cơ sinh học (tùy vào lượng thức ăn tự nhiên có trong vuông nuôi) để tạo thức ăn tự nhiên cho cua nuôi.

- Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường của vuông nuôi như: pH, nhiệt độ, độ trong, độ kiềm,...

- Thường xuyên kiểm tra bờ bao, cống cấp và thoát nước để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Hàng ngày kiểm tra trạng thái hoạt động, sức khỏe của cua thông qua các sàng cho ăn, đồng thời lựa chọn một số con kiểm tra xem có nhiễm giáp xác chân tơ hay không, nếu cua tốt, phát triển bình thường thì tiến hành chuyển cua ương sang vuông nuôi.

5. Thời gian ương

- Mật độ ương: 5 con/m2.

- Thời gian ương: Cua được ương từ 1,0 - 2,5 tháng tuổi, đạt trọng lượng > 50gram thì tiếng hành chuyển ra vuông nuôi.

- Thu chuyển cua ương: Dùng lợp hoặc lú để chuyển cua sang vuông nuôi, trước khi chuyển cua cần cắt ko cho ăn 1 ngày để quá trình thu cua chuyển được nhanh hơn. Tốt nhất nên chuyển cua lúc chiều mát, tránh cua bị say sát.

II. GIAI ĐOẠN NUÔI

1. Hệ thống vuông nuôi

- Vuông nuôi: Tùy thuộc vào điều kiện thực tế.

- Diện tích mương: Khoảng 30% trên diện tích vuông nuôi.

- Độ sâu mực nước: Trên trảng ≥ 0,5m.

2. Chuẩn vuông nuôi

- Dọn sạch cây, cỏ, rong trên mặt trảng, sên vét kênh mương, tu sửa cống bọng, gia cố bờ bao, diệt tạp.

- Bón vôi CaCO3 liều lượng 250kg/ha.

- Cấp nuớc: Nước cấp vào vuông nuôi qua túi lọc, đạt mực nước > 0,5m trên mặt trảng.

- Xử lý nước:

- Ngày thứ 1: Diệt khuẩn bằng Iodine, BKC,… liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Ngày thứ 4: Gây màu nước: Dùng phân hữu cơ sinh học (phân gà, bã mía đường, phân trùng quế,…), liều lượng: 2-3 bao/01ha rải đều khắp vuông nuôi buổi sáng khi trời nắng (8-9h).

- Ngày thứ 6: Sử dụng chế phẩm sinh học để ổn định môi trường, làm sạch nền đáy, kiểm tra các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp:

- Ngày thứ 7: Kiểm tra các yếu tố môi trường: pH: 7.5-8.5, độ kiềm: 80-160mg/l, độ mặn: 10-25‰, độ trong 30-40cm, màu nước: nâu nhạt hoặc xanh võ đậu thì tiến hành chuyển cua từ giai đoạng ương sang.

3. Quản lý môi trường, thức ăn

- Quản lý môi trường:

+ Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường để xử lý kịp thời. (pH: 7,5-8,5; độ mặn: 10-25‰; độ kiềm: 80-160mg/lít; độ trong: 30-40cm; màu nước: xanh vỏ đậu hoặc nâu nhạt,…).

+ Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học (10-15 ngày một lần) để làm sạch nền đáy và ổn định môi trường.

+ Đối với mùa mưa: Bổ sung vôi 03 bao vôi CaCO3 kết hợp với 02 bao vôi Dolomite/tháng/ha; để tăng cường khoáng cho môi trường nước giúp loài nuôi cứng vỏ và phát triển tốt.

- Quản lý thức ăn:

+ Thức ăn trong hệ thống nuôi này chủ yếu là thức ăn tự nhiên (Nguyên sinh động vật, động vật thân mềm, giun nhiều tơ, ít tơ, giáp xác nhỏ,…), các loại thức ăn này đều giàu dinh dưỡng, rất tốt cho sự sinh trưởng cho các đối tượng nuôi (tôm, cua, sò huyết).

+ Bổ sung ốc, cá tạp, 2 mảnh vỏ làm thức ăn cho cua, tránh hiện tượng thiếu thức ăn (cua ăn sò huyết), kẹp nhau làm ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả kinh tế của loại hình nuôi.

+ Hằng ngày quan sát các hoạt động bắt mồi và sức khỏe của cua trong ao, xem biểu hiện các bên ngoài thông qua màu sắc, phụ bộ,… để có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường và đưa ra hướng xử lý kịp thời.

 

Kỹ sư: Lê Thi Thơ, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau.