Kinh tế tập thể nòng cốt là hợp tác xã (HTX) trong thời gian qua đã thể hiện vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế quốc dân, là xu thế phát triển tất yếu của nền kinh tế nhất là ở khu vực nông thôn; phát triển kinh tế tập thể nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa đảm bảo nguồn cung liên tục theo yêu cầu của khách hàng và nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Phát triển kinh tế tập thể đã trở thành chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước.
Ảnh TG
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng đó, Nhà nước đã có nhiều chính sách, tạo động lực thúc đẩy HTX phát triển và bước đầu đã mang lại kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực và thống nhất trong nhận thức về quan điểm phát triển kinh tế tập thể, HTX. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng, đòi hỏi tổ hợp tác (THT), HTX cần đổi mới mạnh mẽ để thích ứng và phát triển theo hướng thị trường khu vực và quốc tế. Theo đó, người lao động trong THT, HTX là một trong những yếu tố then chốt, khâu đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa.
Tổng số HTX hiện có toàn tỉnh là 271 HTX. Trong đó 228 HTX đang hoạt động, 43 HTX ngưng hoạt động. Tổng số thành viên 4.362 thành viên, số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 4.602 người. Riêng lĩnh vực phi nông nghiệp: có 81 HTX, trong đó có 56 HTX đang hoạt động (Xây dựng 06 HTX; giao thông vận tải 14 HTX; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp 8 HTX; thương mại – dịch vụ 22 HTX, quỹ tín dụng 02 quỹ, Môi trường 03 HTX, HTX 01 khác), ngưng hoạt động 25 HTX. Lãi bình quân của 01 HTX là 90 triệu đồng/6 tháng đầu năm. Doanh thu bình quân của HTX là 300 triệu đồng/6 tháng đầu năm. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX 18 triệu đồng/6 tháng đầu năm.
Về tổ hợp tác toàn tỉnh hiện có 1.091 THT với 20.026 thành viên, trong đó 993 THT nông nghiệp và 98 THT phi nông nghiệp.
Doanh thu bình quân của 01 HTX đạt 01 tỷ đồng/HTX.
Thu nhập bình quân 01 HTX đạt 300 triệu đồng/năm.
Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX 50 triệu đồng/năm.
Như vậy số lao động trong THT, HTX của tỉnh có gần 24.000 lao động, đây là lực lượng lao động khá lớn, là lao động chủ lực trong làng nghề tạo ra những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh nhà, chiếm 2/3 số lượng sản phẩm đăng ký OCOP của tỉnh.
THT, HTX thành lập mới ngày càng đông, phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhất là ở địa bàn nông thôn; hoạt động ngày càng thực chất hơn, nhiều THT, HTX hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị đem lại hiệu quả thiết thực cho thành viên. Mô hình HTX tham gia chuỗi liên kết phát triển khá trên các ngành hàng chủ lực của tỉnh, một số THT, HTX bắt đầu hỗ trợ cho các thành viên áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất và bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương có thu nhập ổn định, bình quân từ 03 triệu đến 07 triệu đồng/tháng/người, điển hình như HTX Tân Phát Lợi, HTX Tôm giống Đồng Khởi huyện Ngọc Hiển, HTX Bồn Bồn Đông Hưng, HTX NTTS Cái Bát huyện Cái Nước, HTX Bánh phồng tôm Hàng vịnh, HTX cua giống Cái Trăng huyện Năm Căn...
Một số THT, HTX đã thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để tham gia vào các chương trình sản xuất công nghệ cao, sạch, an toàn để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt như HTX DVNN Kinh Dớn xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, HTX Ông Muộn xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau...từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên, tăng đầu tư, tích lũy cho HTX.
Từ năm 2016 đến nay, Liên minh HTX phối hợp với các ngành đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố mở được 114 lớp tập huấn truyền nghề cho thành viên và người lao động trong HTX, THT với tổng cộng có 5.160 lượt người dự, nội dung tập huấn hướng dẫn thành viên, người lao động trong THT, HTX về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt theo ngành nghề THT, HTX hoạt động.
Thực hiện Kế hoạch số 22/KH-UBND, ngày 28/3/2017 của UBND tỉnh về triển khai, thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg, ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020”, đến nay tỉnh đã tiến hành hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với 29 HTX với tổng kinh phí: 16,3 tỷ đồng và đã hỗ trợ nguồn nhân lực cho nhiều HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã hỗ trợ cho 85 dự án, với tổng số tiền giải ngân là 21,330 tỷ đồng, bình quân 251 triệu đồng/dự án; Trong điều kiện HTX khó tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại, nhiều HTX được vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn, giúp HTX duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho hàng ngàn thành viên và người lao động trong lĩnh vực THT, HTX.
Tuy nhiên, trên bình diện chung, các THT, HTX còn khó khăn về nhiều mặt: quy mô nhỏ lẻ; kiến thức và kinh nghiệm của cán bộ quản trị, điều hành còn hạn chế, nhiều HTX sau nhiều năm hoạt động vẫn chưa có trụ sở giao dịch, chưa hội đủ điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, chưa làm tốt chức năng liên kết nội bộ thành viên với các doanh nghiệp trong việc tổ chức các dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ thành viên.
Do đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế tiến đến xây dựng các THT, HTX kiểu mới, tạo việc làm cho người lao động tại địa phương. Tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
1. Tiếp tục quán triệt cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quan điểm về Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về phát triển kinh tế tập thể; Kết luận 70-KL/TW ngày 09/3/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về phát triển kinh tế tập thể; Luật HTX 2012; Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 22/5/2018 về việc tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật HTX 2012... để thấy được việc phát triển HTX là biện pháp quan trọng trong tổ chức lại sản xuất, trong khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún hiện nay.
2. Tiếp tục tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ, củng cố HTX hiện có hoạt động theo Luật HTX năm 2012, kiên quyết giải thể các HTX hoạt động hình thức không hiệu quả, nhất là các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã trong diện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới.
3. Vận động thành lập HTX mới phải gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tập trung vào 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh; chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm; Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm về chính sách HTX, xây dựng phát triển HTX gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp; khuyến khích thành lập Liên hiệp hợp tác xã tạo điều kiện cho hợp tác xã thành viên tăng quy mô, tạo việc làm cho người lao động.
4. THT, HTX quan tâm đến ứng dụng chuyển giao khoa học - công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là các hàng hóa chủ lực của tỉnh, thế mạnh của địa phương. Tập trung vào những HTX đang có dự án tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới và thực hành VietGAP.
5. Tăng cường hỗ trợ, tư vấn, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho HTX: Phân loại HTX hoạt động có hiệu quả và yếu kém để có biện pháp hỗ trợ, tư vấn cho HTX huy động nguồn lực thực hiện phương án tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị; coi phát triển kinh tế tập thể, HTX là một trong những nhiệm vụ và chỉ tiêu kinh tế - xã hội thể hiện trong nghị quyết của địa phương.
6. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ cho lĩnh vực KTTT, HTX như: Đất đai; thuế, cơ sở hạ tầng; thành lập mới; đào tạo, bồi dưỡng; nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học, công nghệ… tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ HTX để kịp thời tháo gỡ các khó khăn,vướng mắc, tạo điều kiện để THT, HTX phát triển bền vững; qua đó tạo sự thống nhất giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương.
7. Công tác kiểm tra, giám sát HTX thực hiện thường xuyên, giúp HTX hoạt động tuân thủ điều lệ, Luật HTX 2012 và pháp luật về HTX. Thúc đẩy phát triển THT, HTX đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống vật chất tinh thần của thành viên và dân cư ở địa phương. Gắn với các mô hình HTX kiểu mới, tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng nông thôn mới, tích cực chủ động hội nhập quốc tế./.
ThS. Nguyễn Chánh Nhân - Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau.
Trần Văn Mân Liên Minh Hợp Tác Xã tỉnh Cà Mau.