Hiệu quả mô hình nuôi cua bán thâm canh hai giai đoạn.

       Cà Mau có diện tích nuôi cua lớn nhất nhì của Đồng bằng sông Cửu Long. Hình thức nuôi chủ yếu hiện nay là kết hợp với nuôi tôm sú với hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh. Quy trình kỹ thuật nuôi cũng tiến bộ hơn như kiểm soát môi trường, chăm sóc sức khỏe cua, bổ sung thức ăn trong ao nuôi, cải tiến phương pháp thu hoạch… Trong các loại hình nuôi thì nuôi kết hợp có tính bền vững và chất lượng sản phẩm tốt. Hiệu quả nhất phải kể đến mô hình nuôi cua bán thâm canh 2 giai đoạn đang được triển khai nhân rộng trong thời gian gần đây.
       Mô hình nuôi cua bán thâm canh 2 giai đoạn là mô hình mới, được triển khai tập trung nhiều ở các huyện như: Năm Căn, Thới Bình, kết quả năng suất cua nuôi rất khả quan dao động từ 350 đến 470 kg/ha/vụ nuôi. Tháng 3/2023, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Cà Mau triển khai nhân rộng mô hình này thông qua dự án khoa học và công nghệ câp tỉnh trên địa bàn xã Đầm Dơi. Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Đầm Dơi còn khá nhiều các ao nuôi tôm thâm canh đã cũ, canh tác kém hiệu quả do nuôi nhiều vụ nên ao đã bị nhiễm mầm bệnh, phần lớp người dân tận dùng để làm ao lắng, ao chứa thải hoặc bỏ hoang. Để tận dụng các ao nuôi nói trên vào nuôi cua thương phẩm là công việc phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. Mô hình được triển khai cho 9 hộ dân trên địa bàn xã Tân Duyệt. Mỗi hộ được đầu tư khoảng 30 triệu đồng. Trong đó có hỗ trợ khoa học kỹ thuật, con giống, thức ăn; đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật, cải tạo. 

Hình 1. Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cua không sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh bị cấm (Tg).

       Hộ ông Đào Minh Tân, ấp Đồng Tâm A là hộ được đầu tư mô hình nuôi cua bán thâm canh 2 giai đoạn cho biết mô hình này không đòi hỏi diện tích rộng, thời gian nuôi ngắn và mang lại hiệu quả khá cao. Ông Tân cũng cho biết: ''Mô hình này không đòi hỏi diện tích rộng. Như gia đình tôi có 17.000m2, tôi dành 2.000m2 để làm ao vèo nuôi cua ở giai đoạn 2. Vì giai đoạn 2 thời gian nuôi ngắn với mình thu hoạch tỉa nên không chiếm diện tích với mình cho ăn cũng dễ dàng hơn''.
       Hiện mô hình này đang bắt đầu cho thu hoạch, từ khi thả nuôi đến khi thu hoạch tầm 7 tháng đến 7 tháng rưỡi. Tuy nhiên, theo các hộ dân cho biết nếu biết cách nuôi thì có thể thả nối đôi theo tỷ lệ lượng cua trong vuông để năm làm được nhiều vụ và canh đúng thời gian thu hoạch ngay Tết Nguyên đán hằng năm, vừa được mùa, được giá.

Hình 2. Ông Ngô Minh Tám “khoe” sản phẩm sau 7 tháng nuôi (Tg)

       Ông Ngô Minh Tám, ấp Tân Long phấn khởi chia sẻ: ''Mô hình nuôi cua bán thâm canh 02 giai đoạn mang lại hiệu quả rất cao. Khi mình thả nuôi lan ra vuông tới khi cua được bằng cua tứ thì bắt thả vào ao vèo. Ao vèo này được bao kín tiện cho ăn với kiểm soát được đầu con thả vào. Hiện tại tôi đã thả vào ao vèo được 500 con, hiện cua đang ở lứa 03 con/ kg đã xuất bán được, nếu bán hết lứa cua này thì tôi thu được khoảng trên 20 triệu đồng, nhưng còn ở ngoài vuông chưa sang vào nữa. Tính ra rất đạt đầu con. So với cách nuôi truyền thống thì nuôi cua bán thâm canh 02 giai đoạn hiệu quả hơn rất nhiều''.
       Nuôi cua bán thâm canh 02 giai đoạn các hộ dân tận dụng được diện tích các ao nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả để sản xuất nhầm tăng thu nhập cho người nuôi. Trong quy trình nuôi có sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ, không sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh bị cấm, nên cua thương phẩm có chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chế phẩm sinh học còn giúp cải thiện chất lượng môi trường, hạn chế dịch bệnh phát sinh, làm cho mô hình nuôi cua biển phát triển bền vững. Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình còn áp dụng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong vùng từng bước thay đổi tập quán sản xuất, tận dụng, khai thác tiềm năng đất đai có hiệu quả. 
       Cụ thể, ở giai đoạn một, con cua sẽ được thả lan ngoài vuông, đến khi cua bằng cua tứ thì người nuôi sẽ bắt thả vào ao vèo và cũng là bước vào giai đoạn 2. Ở giai đoạn này sẽ bắt đầu cho cua ăn thức ăn để cua được chắc thịt hơn. Thức ăn chủ yếu là con vẹm đất, người dân quen gọi là con vòm, loài này phát triển khá phổ biến trong các ao lắng nước, đầm nuôi tôm thâm canh, các tuyến kênh, rạch hoặc các cửa sông, cửa biển... Theo phân tích thành phần dinh dưỡng, trong thịt vẹm chứa 53,5% protein, 17,6% glucid, 8,6% chất tro. Chính những thành phần dinh dưỡng này của con vẹm rất tốt và phù hợp với điều kiện phát triển của cua biển, giúp con cua nhanh phát triển, chắc thịt hơn.
       Tuy nhiên, để tìm được nguồn vẹm đủ để nuôi cua cũng là một điều khó khăn của người dân. Vì từ khi biết được giá trị kinh tế của vẹm đất thương lái về địa phương thu mua nhiều, vận chuyển ra các tỉnh miền trung để làm thức ăn cho tôm hùm dẫn đến vấn đề nguồn vẹm tại địa phương còn khá ít. ''Nếu người dân có thể tự nuôi được con vẹm để tạo nguồn thức ăn cho cua thì  tốt, nếu không thì mình cũng có thể thay thế cá phi làm thức ăn, giá cá phi cũng ổn định nên người nuôi có thể tận dụng cá có sẳn trong vuông hay mua thêm thức ăn cũng không tốn nhiều chi phí'', ông Nguyễn Quốc Thới, Kỹ sự nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Cà Mau cho biết thêm.
       Kết quả của mô hình là cơ sở khoa học, ứng dụng có hiệu quả vào việc quy hoạch, định hướng phát triển bền vững mô hình sản xuất, góp phần tạo sự ổn định về thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân trong tương lai, đồng thời mở ra hướng sản xuất mới cho các hộ dân có các ao nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả và tận dụng được nguồn thức ăn tại chổ để sản xuất, tăng thu nhập.
       Ở Việt Nam có nhiều tỉnh nuôi cua, song số lượng và chất lượng không bằng ở Cà Mau. Thị trường cua thương phẩm khá tốt, thương lái tìm đến tận nơi sản xuất thu mua với giá cạnh tranh. Cua tiêu thụ trong nước khoảng hơn 60%, còn lại xuất khẩu sang nhiều nước. Cua Cà Mau luôn luôn không đủ cung cho thị trường trong nước và nước ngoài. Sản phẩm cua từ mô hình này có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, không bị nhiễm các loại hóa chất, thuốc kháng sinh cấm, cua chắc thịt, ngon, mẫu mã đẹp, góp phần giữ vững thương hiệu cua Cà Mau, đồng thời là cơ sở để tạo cơ hội phát triển ngành hàng cua biển Cà Mau trong thời gian tới

Hà Giang – Thảo Đang