Hiệu quả nhờ quản lý thức ăn.

       Quản lý thức ăn hiệu quả giúp tăng năng suất, giảm chi phí từ đó làm tăng lợi nhuận cho người nuôi.
       Chất lượng thức ăn
       Việc chọn loại thức ăn chất lượng tốt sẽ giúp tăng trưởng trung bình hàng ngày, tỷ lệ sống và chuyển đổi thức ăn tốt hơn. Bởi, không phải tất cả các loại thức ăn đều được sản xuất và có công thức như nhau. Để thức ăn có chất lượng giúp tôm tiêu hóa tốt và đạt hiệu quả cao, thức ăn cần đạt được những tiêu chí sau: Đồng đều về kích thước, hình dạng và màu sắc, ít bụi, bề ngoài mịn, có mùi thơm hấp dẫn, không rã trong nước sau 2 giờ, không chứa tạp chất, nấm mốc, ẩm ướt… Thức ăn phải thu hút tôm bắt mồi, chỉ nên cho ăn khi tôm thật sự muốn ăn.
Thức ăn hư hỏng và có nấm mốc phát triển cũng là những yếu tố có thể làm lãng phí thức ăn. Tình trạng này xảy ra phổ biến nhất với các nguồn thức ăn không được xử lý thích hợp. Đặc biệt, ở những vùng nhiệt đới có khí hậu nóng, ẩm ướt như nước ta là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm mốc trong thức ăn.
       Phụ gia thức ăn
       Phụ gia thức ăn chứa những chất tăng cường sức khỏe đường ruột, đó là các hoạt chất kháng khuẩn tự nhiên được cung cấp một cách hợp lý trong mỗi giờ ăn vào đường ruột tôm. Những thức ăn này là một thành phần chủ yếu của nhiều chiến lược ngăn ngừa dịch bệnh, đặc biệt khi vi khuẩn cơ hội là một nguyên nhân chính gây chết. Tuy nhiên, thành công của phương pháp này còn tùy thuộc vào hiệu lực của chất tăng cường sức khỏe đường ruột được lựa chọn. Thức ăn bổ sung điều chỉnh đường ruột lý tưởng phải bền nhiệt để có thể dễ dàng tích hợp vào thức ăn trong nhà máy sản xuất và có mặt trong mỗi giờ ăn từ khi bắt đầu cho ăn mà không yêu cầu sự thay đổi lớn về các hình thức sản xuất tại trại ương hay trang trại.

Thức ăn hư hỏng, nấm mốc có thể ảnh hưởng đến ao nuôi

       Các thức ăn bổ sung tự nhiên tổ hợp các cơ chế hoạt động khác nhau như khả năng trực tiếp tiêu diệt/kìm hãm vi khuẩn hay như khả năng ức chế giao tiếp vi khuẩn tại nồng độ dưới mức MIC (nồng độ ức chế tối thiểu), có nhiều hứa hẹn để giảm thiểu các tác động từ những bệnh do vi khuẩn như vi khuẩn Vibrio.
       Khả năng tải
       Các ao khác nhau có khả năng chứa khác nhau. Ví dụ, ao mới có thể sản xuất 1.000 kg tôm/hp sục khí. Trong khi đó, đối với các ao có đáy cũ và bẩn chỉ có thể sản xuất được 400 kg/hp sục khí. Khả năng tải được quyết định bởi các yếu tố như mức công nghệ áp dụng tại cơ sở, phương pháp xây dựng ao (ví dụ: ao đất, ao lót nhựa hoặc ao bê tông) và lượng sục khí có sẵn. Khi đạt tới khả năng có thể tải của ao thì sẽ phát sinh các vấn đề như mức ôxy hòa tan thấp, tăng trưởng chậm, bệnh tật và tỷ lệ chết. Vào những thời điểm này, tốt nhất là thu hoạch một phần hoặc toàn bộ ao để đảm bảo việc bảo toàn vốn.
       Kiểm tra thức ăn qua sàng
       Khoảng 15 ngày sau khi thả giống, sàng thức ăn nên được sử dụng để theo dõi xem lượng thức ăn có đúng không. Biện pháp này rất quan trọng trong nuôi tôm thâm canh, vì chất lượng nước có thể thay đổi đột ngột, bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết và đầu vào thức ăn chăn nuôi. Thông qua giám sát tỉ mỉ các khay thức ăn, người nuôi có thể phát hiện sự suy giảm trong việc cho ăn và điều chỉnh lượng thức ăn, do đó tăng cường sức khỏe của tôm.
       Người nuôi nên thiết kế một tấm rào cản nước có kích thước 90x120 cm, đặt ở vị trí ngược dòng cách sàng ăn 15 - 30 cm để đảm bảo rằng không có thức ăn bị cuốn trôi do ảnh hưởng từ dòng điện mạnh của thiết bị sục khí.
       Chất lượng nước
       Kinh nghiệm thực tiễn đã khẳng định người nuôi tôm sẽ thành công hơn nếu thực hành được nguyên tắc cốt lõi “nuôi tôm là nuôi nước”. Bất kỳ đầu vào nào đối với hệ thống có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng nước trong một lượng nhỏ nước ao. Bởi vậy, người nuôi phải luôn luôn tiếp cận toàn diện trong việc quản lý ao, cần theo dõi kỹ chất lượng nước và vệ sinh đáy ao.
       Hai trong số các thông số chính ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của tôm là amoniac (NH3) và nồng độ hydrogen sulfide (H2S). Sự hiện diện của NH3 và H2S gia tăng nhanh chóng nếu cho ăn quá mức. Ngoài ra, trong các ao nuôi tôm thâm canh hạn chế thay nước hoặc độ mặn thấp, các khoáng chất như magiê, kali và canxi có thể bị thiếu do sự hấp thu trực tiếp của tôm từ nước. Vì vậy, các yếu tố này cần phải được theo dõi định kỳ để đảm bảo mức tối ưu cho sự sinh trưởng của tôm.
       Kiểm soát dịch bệnh
       Không nên bỏ qua những ảnh hưởng của dịch bệnh đối với việc sử dụng thức ăn. Theo kết quả của các nhà nghiên cứu, hiệu quả thức ăn giảm đi đáng kể khi tôm bị bệnh. Người nuôi thường sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm và dùng quá liều kháng sinh khi trị bệnh giảm khả năng chuyển hóa thức ăn của tôm. Do đó, các chương trình phòng bệnh hiệu quả nên được xem xét toàn diện về tất cả mọi mặt để tôm có sức khỏe tốt, hiệu suất cao và mang lại lợi nhuận tốt hơn.
       Máy cho ăn tự động
       Trong thập niên vừa qua, công nghệ cho ăn tự động đã được ứng dụng rộng rãi tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á, mang lại nhiều lợi ích cho nghề nuôi tôm. Việc sử dụng máy cho ăn tự động được xem là một cách mạng khoa học của ngành tôm. Theo kinh nghiệm từ xưa, người ta cho rằng thức ăn phải được rải đều trong ao để tất cả tôm có thể ăn ở mức tối ưu. Nhưng với những chiếc máy cho ăn tự động, tôm sẽ tìm đến những máy cho ăn khi chúng đói. Máy cho ăn tự động sẽ phân tán một lượng nhỏ thức ăn ngắt quãng trong vài phút. Và phần lớn thức ăn được tôm ăn trước khi chìm xuống đáy. Thức ăn không có thời gian để mất chất dinh dưỡng hoặc nhiễm vi khuẩn gây bệnh từ đáy ao.

Thái Thuận-thuysanvietnam.com.vn