Hiệu quả từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.

       Nhằm giúp nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, thông qua nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2018, huyện Phú Tân đã hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư thực hiện các mô hình, bước đầu mang lại hiệu quả cao, khuyến khích nông dân phát huy thế mạnh của từng mô hình sản xuất.
       Các mô hình gồm: Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo công nghệ semibiofloc ở xã Phú Thuận (áp dụng tại 2 hộ nuôi); nuôi tôm thâm canh trong ao trải lưới mành ở xã Tân Hưng Tây, tổng nguồn vốn đầu tư trên 750 triệu đồng. Hộ ông Trần Tấn Nhã và hộ ông Lý Văn Tệt (ấp Đất Sét, xã Phú Thuận) được đầu tư thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo công nghệ semi-biofloc, với diện tích mỗi hộ 1.400m2, mật độ 250 con/m2, tổng nguồn vốn dự án đầu tư gần 400 triệu đồng. Sau hơn 80 ngày thả nuôi, ông Lý Văn Tệt thu hoạch trên 6 tấn, lợi nhuận trên 400 triệu đồng; ông Trần Tấn Nhã tổng thu hoạch khoảng 9 tấn, lợi nhuận trên 700 triệu đồng.
       Ông Nhã chia sẻ: “Thành quả này tạo động lực rất lớn cho tôi phấn đấu, vì được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cộng thêm nguồn vốn, tôi mạnh dạn đầu tư, cơ sở thiết bị được nâng cấp hơn, cho nên năm nay nuôi thành công cao hơn những năm trước”.
       Kỹ sư Trần Thanh Đông (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Tân) cho biết: “Năm 2018, UBND huyện Phú Tân giao Phòng chủ trì nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh tại xã Phú Thuận. Qua thời gian triển khai, mô hình rất hiệu quả, thứ nhất là nuôi theo công nghệ này giảm thay nước, giảm hệ số thức ăn… Từ đó, tăng lợi nhuận và giảm các chất thải ra môi trường”.

Hộ ông Trần Tấn Nhã (ấp Đất Sét, xã Phú Thuận) thu hoạch tôm, lợi nhuận trên 700 triệu đồng.

       Nhằm phát huy hiệu quả bước đầu của mô hình, vừa qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Tân tổ chức hội thảo về dự án nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo công nghệ semibiofloc tại hộ ông Trần Tấn Nhã. Hội thảo dành nhiều thời gian để các đại biểu trao đổi, chia sẻ về quy trình áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, kinh nghiệm thực tiễn rút ra trong quá trình sản xuất và giải đáp những thắc mắc có liên quan trong quá trình thực hiện.
       Ông Trần Quốc Yên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Tân, cho biết: “Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo công nghệ biofloc từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự phấn khởi trong nhân dân. Chúng tôi tổ chức hội thảo tại hộ nuôi đạt hiệu quả, người dân đến tham gia rất đông. Hội thảo lần này không chỉ tạo điều kiện để các hộ nuôi tôm nắm vững các giải pháp quản lý, tổ chức sản xuất, quy trình kỹ thuật nuôi tôm mới, mà còn giúp bà con nông dân có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về việc xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Từ đó áp dụng vào thực tiễn để phát triển nghề nuôi tôm theo hướng ổn định và bền vững.

ANH PHAN-baoanhdatmui.vn