Hòn đá bạc - di sản văn hóa và tiềm năng du lịch Của cà mau

1.  Đặt vấn đề:

Cà Mau là vùng đất trẻ, có nhiều khu căn cứ của cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vì vậy Cà Mau còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử - văn hoá danh lam thắng cảnh có sức thu hút du khách như: Mũi Cà Mau, hòn Đá Bạc, rừng tràm U Minh Hạ, bãi biển Khai Long ... Một trong những địa điểm có sức thu hút du khách đến Cà Mau là hòn Đá Bạc. Nơi đây không chỉ là mãnh đất địa đầu cực nam của Tổ quốc mà là còn hấp dẫn khách du lịch nhờ có vẻ đẹp thiên nhiên hoà quyện với cuộc sống con người.

Nằm ở giữa biển trời bao la, từ trong kinh Hòn nhìn ra Hòn Đá Bạc ta thấy ba hòn đảo đó là Hòn Ông Ngộ, Hòn Trọi và hòn Đá Bạc nằm sát nhau tạo nên một cụm đảo sinh đẹp. Từ thành phố Cà Mau đến hòn Đá Bạc khoảng 50km, khu du lịch này thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, có tổng diện tích gần 6,4 ha, nơi rộng nhất của hòn là 170m, cao nhất 50m so với mặt nước biển. Nếu đến hòn Đá Bạc bằng thuyền bạn sẽ thấy bức tranh sơn thuỷ hữu tình hiện ra trước mắt với trời mây bát ngát, biển rộng bao la, từng đàn chim bay lượn trên những cây xanh thẳm và đâu đó những khóm hoa dại khoe đủ sắc màu với ánh nắng mặt trời… dường như thiên nhiên đã kỳ công tạo nên thắng cảnh dành tặng riêng cho hòn Đá Bạc nói riêng và Cà Mau nói chung.

Hòn Đá Bạc là một di sản thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này “vô cùng” quý giá, đặc biệt nó còn gắn liền với nhiều chiến tích lịch sử của địa phương. Hầu như mỗi vùng du lịch văn hóa lịch sử sinh thái đều có một nét độc đáo riêng biệt, nếu như ở Kiên Giang nổi tiếng với du lịch sinh thái Mũi Nai, hay Bạc Liêu với du lịch vườn nhãn, vườn chim cả nước biết đến, thì ở Cà Mau lại thu hút khách du lịch đến với hòn Đá Bạc. Chúng tôi cho rằng sự khác biệt của Đá Bạc mà các nơi khác không có được đó là nơi này là một khu du lịch sinh thái nhưng có yếu tố văn hóa tâm linh, với những dấu ấn lịch sử được trong và ngoài nước biết đến đã tạo một vùng đất có nét văn hóa lịch sử độc đáo. Trên hòn là một khu du lịch sinh thái lý tưởng, cảnh hoang thiên nhiên nơi đây còn mang nét hoang sơ, thích hợp với những chuyến dã ngoại, đốt lửa trại, du ngoạn và nghiên cứu cho du khách,… và khách du lịch đến tham quan sẽ càng ngạc nhiên hơn khi bạn thấy tận mắt những tảng đá có hình thù ngộ nghĩnh nằm chồng lên nhau một cách tự nhiên được bào mòn bởi từng đợt sóng vỗ, đan xen giữa những khe đá là những cây dại mọc xanh tươi cố nhô mình lên để tìm sức sống mới, dọc hai bên đường là những thân bàng, bồ đề cổ thụ vươn những tán lá xanh mát làm bóng râm che mát cho lữ khách dừng chân.

2. Thực trạng vấn đề:

Trước đây, khi hệ thống giao thông nông thôn của tỉnh Cà Mau chưa phát triển nhưng Hòn Đá Bạc vẫn đủ sức chào mời mọi người trong và ngoài tỉnh. Năm 1995, Hòn Đá Bạc còn rất hoang sơ, nhưng những ngày lễ, tết người dân từ các nơi đổ về, phương tiện xuồng chèo đậu kín cả kinh hòn. Đến Đá Bạc khi đó niềm vui thường không trọn vẹn vì xuồng máy không có người trông giữ mà phải cử một thành viên trong đoàn ở lại trông chừng. Bây giờ cụm đảo đẹp nằm sát bờ biển, trên đảo có nhiều cảnh đẹp và có hệ sinh thái thực vật phong phú.

Hiện nay, Hòn Đá Bạc đã được đầu tư tôn tạo, xây chiếc cầu với hai làn đường nối liền với hòn đảo sinh đẹp, trải qua con đường dài từ thành phố Cà Mau đến tận cổng Hòn Đá Bạc đã được trãi nhựa phẳng lỳ. Hòn Đá Bạc đã thực sự trở thành niềm tự hào của bà con ngư dân vùng biển xã Khánh Tây Huyện Trần Văn Thời và là tiềm năng du lịch sinh thái tiêu biểu của Cà Mau.

Đến với Hòn Đá Bạc, ấn tượng điều đầu đối với du khách khi dạo quanh Hòn Đá Bạc hòa mình với thiên thiên dưới những tán rừng xanh um để nghe sóng biển rì rào. Rừng và biển như hòa quyện với nhau làm lòng du khách thêm thanh thản. Quanh hòn Đá Bạc, thiên nhiên kỳ thú đã ban tặng cho con người hàng ngàn viên đá granit đủ mọi kích cỡ nằm chồng nên nhau với nhiều hình thù kỳ lạ mà theo cách gọi của dân gian bàn tay, bàn chân Tiên với các giếng Tiên, sân Tiên, cầu Tiên… trên đỉnh đối diện là đền thờ cá ông, nơi trưng bày bộ xương cá voi khá lớn. Đến Hòn Đá Bạc lúc nào cũng nghe rì rào tiếng sóng biển xa ru. Được thế là nhờ Hòn Đá Bạc vẫn lưu giữ được những mảng rừng và thảm thực vật nguyên sinh quý hiếm, ở đây du khách còn có thể đi xem người dân xứ biển cạy hàu, hoặc câu cá nâu một đặc sản của Hòn Đá Bạc.

Năm 2009, Hòn đá Bạc đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định công nhận Hòn Đá Bạc là di tích lịch sử cấp quốc gia, là một trong những danh thắng và di tích lịch sử quan trọng của tỉnh Cà Mau. Di tích này gắn với những câu chuyện huyền thoại và hội tụ nhiều giá trị tâm linh của người dân miền biển, với Lăng ông ghi lại câu chuyện huyền bí về cá ông cứu người bị nạn trên biển. Trên đỉnh hòn có một ngôi đền thờ cá Ông với bộ xương cá dài khoảng 12m. Theo tín ngưỡng của người dân ven biển, “Ông” luôn phù hộ cho ngư dân gặp nhiều may mắn trong những chuyến ra khơi. Hằng năm cứ vào ngày 23-5 âm lịch, ngư dân trong vùng cũng như các tàu đang đánh bắt cá ngoài biển khơi gần đó và khách du lịch các nơi lại đổ về hòn Đá Bạc dự lễ Nghinh Ông. Có dịp ra hòn Đá Bạc những đêm trăng sáng, du khách sẽ tận mắt chứng kiến những đàn cá đối đùa giỡn dưới trăng lấp lánh ánh bạc, sẽ thấy trăng treo trên biển, trăng xuyên qua rừng.

Hòn Đá Bạc không chỉ có vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên, mà còn là nơi hội tụ nhiều giá trị tâm linh của người dân vùng biển của xóm Kinh Hòn và chính nơi đây còn viết nên trang sử hào hùng trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đó là ngày 07/12/1971 quân và dân xã Khánh Bình Tây đã bức rút một trung đội pháo binh với cụm pháo 105ly đặc biệt trên Hòn của địch, góp phần đánh bại âm mưu bình định của địch và giải phóng hoàn toàn Hòn Đá Bạc. Đặc biệt hơn, sau năm 1975 Hòn Đá Bạc là nơi diễn ra chuyên án CM12 kéo dài 4 năm (1981- 1984) của lực lượng vũ trang tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau) đánh bại cuộc nhập biên phá hoại của bọn lưu vong nước ngoài cấu kết với các thế lực thù địch trong nước do tên Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Trên đảo còn bia kỷ niệm chiến tích của quân và dân Khánh Bình Tây anh hùng, vẫn còn cụm tượng đài chiến thắng “Kế hoạch CM12” và Nhà truyền thống khu di tích đặt trên Hòn Đá Bạc được Bộ Công an và tỉnh Cà Mau khởi công xây dựng năm 2009 và đã đưa vào hoạt động và phục vụ du khách. Thắng lợi Kế hoạch CM12 còn mang tầm chiến lược không chỉ về mặt nghiệp vụ mà còn có giá trị lịch sử rất quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, là một trong những chiến công điển hình, một mốc son chói lọi, tô đậm truyền thống anh hùng, vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam.

Đến Hòn Đá Bạc du khách có thể nghỉ tại khách sạn Hòn Đá Bạc phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi, phía dưới khách sạn còn có một nhà hàng có sức chứa khoảng 300 khách với các món hải sản tươi sống ngon miệng như: mực hấp gừng, cá nâu kho, cá ngác nấu cơm mẻ, … được nhúng bằng các loại lá hái trên đồi ở các hòn.

Từ giữa trưa đến chiều tối, du khách sẽ được tận mắt nhìn ngư dân bơi thuyền ra biển câu mực, cá nâu, lặn xuống biển để đục lấy những con hào,…tuyệt vời hơn khi ngư dân bán hải sản tươi sống còn mang theo cả lò than để nướng hào, cá nâu, tôm tích để du khách thưởng thức.

Không to lớn như những đảo biển khác trong nước, Hòn Đá Bạc là hòn đảo có diện tích khiêm nhường nằm ở ngoài khơi tỉnh Cà Mau. Hòn Đá Bạc có vị trí quan trọng trong việc khai thác biển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và nhất là khai thác du lịch, chính vì thế mà từ nhiều năm nay Hòn Đá Bạc là tiếng gọi hấp dẫn thu hút khách tìm về khi đến Cà Mau tham quan những điểm du lịch sinh thái khác.

Tuy nhiên, làm sao Hòn Đá Bạc có thể phát huy những được thế mạnh của mình để có thể là một khu du lịch sinh thái với những nét thật đặc trưng mà du khác không thể nhầm lẫn với rất nhiều khu du lịch sinh thái khác có nét tương đồng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long? Và để du khách cứ mỗi lần đến với Đá Bạc lại khám phá những điều bất ngờ, thú vị mà chuyến đi trước họ chưa được trải nghiệm là cả một vấn đề đặt ra cần suy nghĩ và cần một một giải pháp, nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho khu du lịch hòn Đá Bạc.

Mặc dù tiềm năng du lịch hòn Đá Bạc có nhiều lợi thế nhưng hoạt động du lịch Hòn Đá Bạc vẫn còn nhiều hạn chế. Hoạt động du lịch chủ yếu dựa trên cơ sở khai thác các tài nguyên sẵn có, đầu tư cơ sở vật chất còn ở mức khiêm tốn, thiếu đồng bộ nên chưa có sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn và thu hút du khách.

Khách du lịch đến Cà Mau chủ yếu là khách trong nước, với đặc thù là khách tham quan, khách đi lễ hội, khách đi nghiên cứu các di tích lịch sử văn hoá và chưa phải là điểm dừng chân lưu trú của du khách. Kết cấu hạ tầng cho du lịch đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa có hệ thống xử lý môi trường.

Các dịch vụ vui chơi giải trí và các hoạt động tiêu khiển khác cho du khách hầu như chưa có. Do đó, chưa đủ sức hấp dẫn thời gian lưu lại của khách. Qua thực tế khách đến Đá Bạc tương đối đông thời gian họ đi và về trong ngày. Mặc dù đội ngũ cán bộ nhân viên đã được bồi dưỡng chuyên môn trong những năm qua, nhưng nhìn chung nguồn nhân lực du lịch ở Đá Bạc chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Những hạn chế về quản lý, nghiệp vụ, ngoại ngữ và nhận thức về công tác du lịch đã làm giảm chất lượng phục vụ khách của khu du lịch.

3. Giải pháp

Để xây dựng khu du lịch hòn Đá Bạc trở thành khu du lịch trọng điểm của du lịch Cà Mau thì trên cơ sở phát huy các nguồn lực sẵn có đồng thời cần tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hoá lịch sử. Phát triển du lịch theo hướng du lịch văn hoá lịch sử, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù độc đáo mang sắc thái riêng của khu du lịch hòn Đá Bạc.

3. 1 Bài toán về nhân sự

Qua khảo sát thực tế, nguồn nhân lực cho khu du lịch Hòn Đá Bạc chưa được đào tạo bài bản, do đó trước tiên là ban quản lý khu du lịch sinh thái Đá Bạc cần tính toán thật kỹ số lượng nhân sự cho từng bộ phận của khu du lịch để đưa đi đào tạo: số lượng nhân viên phục vụ, hướng dẫn viên...  Xác định được số lượng nhân sự cần đủ cho từng bộ phận nhằm đảm bảo hoạt động của khu du lịch đạt hiệu quả và có thể tiết kiệm quỹ lương  – một trong những chi phí đáng kể trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong tình hình như hiện nay. Bên cạnh đó, việc rà soát lại để đảm bảo mỗi một vị trí từ quản lý đến nhân viên cần có bảng mô tả công việc thật cụ thể để người lao động biết và hiểu rõ công việc họ cần thực hiện cũng rất là cần thiết; đảm bảo mỗi đầu công việc cần có một người đảm trách, tránh tình trạng có những công việc không có ai phụ trách. Cần có một kế hoạch dài hơi, ban quản lý cũng cần vạch ra được chiến lược nhân sự cho khu du lịch 3- 5 năm để làm tiền đề cho việc lập kế hoạch tuyển dụng và đào tạo cho đội ngũ này theo hằng năm. Từng bộ phận cần có trưởng nhóm; họ cần được đầu tư và phát huy vai trò quản lý và giám sát bộ phận của mình.

3.2. Đào tạo đội ngũ

Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển của ngành du lịch nói chung, khu du lịch hòn Đá Bạc nói riêng, trong đó trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ của công nhân viên trong ngành là rất quan trọng. Do đó, việc đào tạo và đào tạo lại cán bộ, công nhân viên làm công tác du lịch là hình thức đầu tư đặc biệt, quyết định sự phát triển và tính bền vững trong hoạt động kinh doanh du lịch.

Để cạnh tranh được với các khu du lịch có nét tương đồng về tài nguyên cũng tạo sự khác biệt, Hòn Đá Bạc cần phải có điểm vượt trội về chất lượng dịch vụ và cần đặt trọng tâm về điểm này để phát huy thế mạnh của mình. Rõ ràng là, muốn phát huy thế mạnh về dịch vụ thì đội ngũ nhân viên phải được qua đào tạo. Thực tế đơn vị đầu tư kinh phí rất hạn chế cho việc đào tạo đội ngũ nhân sự vì nhiều nguyên nhân: một là kinh phí đầu tư, hai là sau khi đầu tư đào tạo thì nhân sự có thể xin nghỉ việc để chuyển đổi đến các đơn vị khác ... Tuy nhiên, chúng tôi thiết nghĩ rằng, việc đầu tư cho công tác đào tạo là hết sức cần thiết để đảm bảo chất lượng phục vụ của bất kỳ một khu du lịch nào.

Khu du lịch Hòn Đá Bạc đã có lợi thế đội ngũ nhân viên rất thân thiện, chân thành, nhiệt tình, mộc mạc, với nét phóng khoáng của con người miền sông nước. Các nhân viên trẻ trung, thân thiện đã để lại những ấn tượng khó phai trong lòng du khách. Bên cạnh đó, một trong những nét đặc sắc nhất của Đá Bạc là văn hóa ẩm thực đậm chất miền Tây nam bộ với cháo hàu, cá nâu nướng muối ớt và các loài hải sản khác v.v. đó là những điều đọng lại khi chúng tôi phỏng vấn các du khách đến với Hòn Đá Bạc. Tuy vậy, đội ngũ phục vụ nhà hàng cần được đào tạo bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn những vẫn phải giữ được nét “thuần khiết Nam bộ”. Vậy thì vấn đề được đặt ra ở đây là công tác đào tạo cần được tổ chức ngay tại đơn vị để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của khu du lịch, tiết kiệm chi phí và nhân viên được cầm tay chỉ việc.

Các chuyên đề đào tạo cần được chọn lựa nội dung kỹ lưỡng cho từng đối tượng: đội ngũ hướng dẫn viên (kiến thức nghiệp vụ hướng dẫn, kỹ năng thuyết minh, kỹ năng xử lý tình huống), tăng cường kiến thức về pha chế các loại nước giải khát, đội ngũ phục vụ bàn (kỹ năng phục vụ chuyên nghiệp), chăm sóc khách hàng, tâm lý du khách v.v. Thời gian đào tạo ngắn gọn, vừa đủ; hình thức đào tạo tập trung liên tục; phần lý thuyết chiếm tỷ trọng thấp (khoảng 30%), phần thực hành chiếm tỷ trọng cao (khoảng 70%); đội ngũ giảng viên cần là những người có kinh nghiệm trong ngành và hiểu biết về con người và vùng đất Cà Mau.

Chủ đề về môi trường sinh thái, bảo vệ các cảnh quan tự nhiên, bảo vệ môi trường, đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững cũng không thể thiếu trong chương trình đào tạo cho đội ngũ nhân sự của khu du lịch. Chủ đề này không những chỉ giáo dục cho đội ngũ nhân sự của khu du lịch Hòn Đá Bạc mà còn tác động cho cả du khách đến tham quan. Hiện nay, đến với khu du lịch Hòn Đá Bạc, du khách còn than phiền vệ sinh môi trường chưa tốt, thiếu cây xanh bóng mát, vệ sinh kém. Muốn khắc phục việc này phải là sự chung tay đồng lòng của du khách lẫn nhân viên khu du lịch… Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng như nhà vệ sinh cũng còn là điểm khiếm khuyết cần khắc phục.

Ban quản lý khu du lịch hòn Đá Bạc cần xác định rõ vai trò cũng như quyền lợi của mình trong việc đưa đi đào tạo hoặc đào tạo tại chỗ cho cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn; gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của cán bộ công nhân viên để tạo sự liên kết chặt chẽ trong hoạt động quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp, với phương châm làm ăn lâu dài. Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý du lịch đủ năng lực điều hành các hoạt động kinh doanh du lịch, có chính sách thu hút nhân tài phục vụ cho ngành du lịch.

3.3.  Xây dựng hệ thống và qui trình quản lý

Để cho đội ngũ nhân sự của khu du lịch hòn Đá Bạc hoạt động hiệu quả, không chồng chéo nhau, ban quản lý cần xây dựng qui trình hoạt động, cẩm nang chi tiết cho từng bộ phận, qui trình phối kết hợp giữa các bộ phận, qui trình kiểm tra, kiểm soát, giám sát của lãnh đạo. Nếu một đơn vị kinh doanh mà không có hệ thống qui trình hoạt động đầy đủ, thì chắc chắn guồng máy vận hành sẽ bị trục trặc, gây phiền hà và khó chịu cho du khách. Ví dụ qui trình phối kết hợp giữa khâu phục vụ bàn với yêu cầu gọi món của thực khách và khu vực bếp là hết sức cần thiết, đặc biệt là khi phải phục vụ một lượng khách đoàn đông; hoặc qui trình kiểm soát nguyên vật liệu...

Khu du lịch giữ vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của du khách là việc làm khó, cần sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp cùng các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý và cần nguồn vốn đầu tư lớn.

Kết nối với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh để làm tiền đề cho phát triển du lịch lâu dài, bền vững đảm bảo khai thác tốt và bảo tồn tài nguyên du lịch. Để phát triển du lịch hòn Đá Bạc đạt hiệu quả kinh tế xã hội cao, cần xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh nhưng gắn liền với việc bảo vệ và tôn tạo cảnh quan, môi trường sinh thái góp phần tích cực trong việc giữ gìn môi trường tự nhiên và xã hội, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp hệ thống giao thông bến bãi để phục vụ du khách. Tăng cường sự hợp tác giữa các điểm du lịch, quảng bá du lịch có tính chuyên nghiệp hơn, chủ động xây dựng chiến lược, xúc tiến, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các doanh nghiệp hoạt động du lịch.

Để thực hiện những định hướng phát triển du lịch Hòn Đá Bạc bền vững, cơ quan chức năng cần xây dựng những chính sách đầu tư và quy hoạch dự án phù hợp nhằm mang lại những tác động tích cực đối với công tác bảo tồn sinh thái và môi trường sống của cộng đồng dân cư. Để đạt được điều đó, trước hết cần có những biện pháp bảo vệ môi trường một cách hợp lí; thực hiện cam kết bảo vệ mội trường thiên nhiên, tăng cường trồng cây xanh khu vực đảo, không phá rừng phòng hộ.

4. Kết luận:

Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi cho một địa hình hết sức tự nhiên và phong phú, có rừng, biển, đảo, đầm nhưng tiềm năng du lịch sinh thái của hòn Đá Bạc vượt trội cho sự phát triển kinh tế du lịch Cà Mau. Xác định chất lượng dịch vụ là nét đặc trưng của khu du lịch sinh thái hòn Đá Bạc vì vậy chiến lược trong vấn đề đầu tư cho con người – một trong những yếu tố quyết định để phát triển dịch vụ khu du lịch hòn Đá Bạc – chắc chắn nơi đây sẽ trở thành địa chỉ du lịch thân thuộc trên bản đồ du lịch của Việt Nam nói chung và đồng bằng song Cửu Long nói nói riêng. Du lịch Cà Mau đang trên đà phát triển mạnh mẽ từng ngày trong công cuộc đổi mới toàn diện theo xu hướng hội nhập. Vì vậy quá trình khai thác và phát triển các tiềm năng du lịch hòn Đá Bạc cần có sự kết hợp của các ngành, liên kết giữa các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, có chiến lược lâu dài để phát triển du lịch hòn Đá Bạc tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình.

Khu du lịch hòn Đá Bạc có nhiều tiềm năng so với các khu du lịch khác trong tỉnh, trong vùng để hấp dẫn du khách và cũng là nơi có tốc độ tăng trưởng về lượng khách đến cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên nguồn nhân lực phục vụ cho khu du lịch này vẫn còn “mỏng và yếu”, đội ngũ nhân viên làm việc trong đơn vị được qua đào tạo bài bản chưa cao, chất lượng sản phẩm du lịch vẫn còn thua xa nhiều tỉnh, thành khác trong nước. Đây là thách thức lớn của khu du lịch trong "cuộc chiến" cạnh tranh thu hút du khách đến với hòn Đá Bạc.

Ngoài việc xây dựng đội ngũ nhân viên có tính chuyên nghiệp và tạo ra các sản phẩm du lịch và dịch vụ có chất lượng nhằm tạo điều kiện thu hút du khách đến với hòn Đá Bạc nhiều hơn, hình ảnh Cà Mau nói chung, hòn Đá Bạc nói riêng có để lại ấn tượng đẹp hay không trong lòng du khách, trong đó phần lớn là của các nhân viên du lịch nơi này. Vì vậy, chất lượng nguồn nhân lực chính là yếu tố giúp cho khu du lịch hòn Đá Bạc nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo cơ hội việc làm tốt hơn cho người lao động./.

 

Cụm tượng đài Bảo vệ an ninh Tố quốc trên hòn Đá Bạc

Bản sao Bằng xếp hạng di tích quốc gia in trên tảng đá

Thiên nhiên kỳ thú tại hòn Đá Bạc

Ths. Nguyễn Quang Thuần - Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau