Thời gian qua, hoạt động đăng ký, bảo hộ, đối với các sản phẩm đặc thù, đặc sản dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận trong tỉnh Cà Mau đã được khởi xướng và triển khai khá mạnh mẽ, toàn diện, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh nói chung. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 10 nhãn hiệu tập thể[1] và 05 nhãn hiệu chứng nhận[2] (gọi chung là nhãn hiệu) được cấp văn bằng bảo hộ. Bảo hộ đặc sản của địa phương được pháp luật công nhận là bước đi rất quan trọng để giữ gìn và phát huy, nâng cao giá trị của từng nhãn hiệu thời hội nhập, đây là điều kiện rất thuận lợi để chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị đối với sản phẩm được bảo hộ.
Nhìn chung, sau khi được cấp văn bằng bảo hộ và được sự hỗ trợ có hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các sản phẩm đặc sản của Cà Mau không ngừng tăng lên về quy mô sản xuất và giá trị gia tăng; hầu hết các sản phẩm được thương mại khắp các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt có một số sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài như: tôm, cua, cá khoai,…mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho doanh nghiệp và người dân vùng mang nhãn hiệu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc phát triển các sản phẩm đặc sản Cà Mau còn gặp không ít khó khăn, người dân và doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm đặc sản chưa được hưởng lợi nhiều, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng mang nhãn hiệu được bảo hộ,.… Một số nguyên nhân chính có thể kể đến gồm: (i) Sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, chưa có nhiều ứng dụng công nghệ, chưa có sức cạnh tranh trên thị trường, các sản phẩm đặc sản chủ yếu được bán ở các chợ nhỏ theo phương thức truyền thống ở địa phương; (ii) Quy trình sản xuất, nhãn mác, đóng gói, hạn chế trong ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chất lượng sản phẩm chưa thật sự được quan tâm nhiều cũng như thiếu các kênh phân phối và phương thức truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm; (iii) Sản phẩm đặc sản của Cà Mau chưa có tính thương mại hoá cao, thị trường nhỏ hẹp và chủ yếu mang tính địa phương, người tiêu dùng ở ngoài tỉnh chưa được biết đến hoặc biết đến chưa nhiều; (iv) Thiếu tính liên kết, đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng chuỗi các sản phẩm; (v) Hầu như các sản phẩm đặc sản của Cà Mau chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu vào các siêu thị lớn.
Để khắc phục những hạn chế đã nêu, trên cơ sở tham mưu của Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 929/QĐ-UBND ngày 05/6/2019 về việc phê duyệt Phương án Hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2019 – 2020. Phương án có 02 mục tiêu chính: (i) Hỗ trợ Ban quản lý nhãn hiệu, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh được quyền khai thác và sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ và (ii) Xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Cà Mau, trong đó có chuyên mục giao dịch các sản phẩm đặc sản được bảo hộ; tổ chức tập huấn, hội thảo để cập nhật và nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ, kinh doanh online,…góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm đặc sản trong tỉnh.
Năm 2019, Phương án Hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã triển khai và đạt được một số kết quả quan trọng sau:
- Thành lập Tổ quản lý và phát triển: Tổ quản lý và phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau được Sở Khoa học và Công nghệ ban hành theo Quyết định 109/QĐ-SKHCN ngày 05/7/2019, Tổ gồm 08 thành viên đang công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp. Tổ quản lý và phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ có nhiệm vụ hỗ trợ phát triển nhãn hiệu các sản phẩm đặc sản đã được bảo hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau, nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh, chất lượng các sản phẩm, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng, mở rộng thị trường đến người tiêu dùng trong cả nước, tăng thu nhập cho các hộ dân và các cơ sở tham gia sản xuất sản phẩm đặc sản Cà Mau, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Tập huấn quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ và khai thác các nhãn hiệu đã được bảo hộ
- Nâng cao năng lực quản lý và hoạt động các chủ thể liên quan đến nhãn hiệu: Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Văn phòng 2 – Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 02 lớp tập huấn gồm: (i) Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và khai thác các nhãn hiệu đã được bảo hộ đối với đặc sản của địa phương và (ii) Nâng cao hiệu quả mô hình quản lý các nhãn hiệu đã được bảo hộ đối với đặc sản của địa phương, với 110 đại biểu tham dự. Lớp tập huấn đã trang bị những kiến thức cần thiết, bổ ích đối với các chủ thể liên quan đến nhãn hiệu quản lý và khai thác đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
- Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất: Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan hỗ trợ 04 nhãn hiệu đã được bảo hộ gồm: Tôm khô Rạch Gốc, Mật ong U Minh Hạ, Cua Năm Căn, Bồn bồn Cái Nước.
+ Đối với nhãn hiệu Tôm khô Rạch Gốc: Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân Chí Tâm công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; xây dựng mã số mã vạch; in 10.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; kiểm mẫu, phân tích giám sát chất lượng sản phẩm; thiết kế nhãn hàng hóa cho sản phẩm nhằm đáp ứng quy định về ghi nhãn hàng hóa; đầu tư thiết bị sấy năng lượng mặt trời.
+ Đối với nhãn hiệu Mật ong U Minh Hạ: Hỗ trợ cơ sở Mật Ong Hương Rừng và Mật Ong Nguyệt Đỉnh in 20.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; kiểm mẫu, phân tích giám sát chất lượng sản phẩm; thiết kế nhãn hàng hóa cho sản phẩm nhằm đáp ứng quy định về ghi nhãn hàng hóa.
+ Đối với nhãn hiệu Cua Năm Căn: Hỗ trợ Ban quản lý và thành viên sử dụng 2.000 mét dây trói cua có in logo, tên nhãn hiệu; in 18.925 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm kết hợp với dây rút.
+ Đối với nhãn hiệu Bồn bồn Cái Nước: Hỗ trợ Cơ sở sản xuất dưa bồn bồn Minh Duy xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; kiểm mẫu, phân tích giám sát chất lượng sản phẩm, xây dựng mã số mã vạch, thiết kế bao bì và ghi nhãn sản phẩm.
- Xây dựng video quảng bá sản phẩm: xây dựng hoàn thành video quảng bá sản phẩm, hình ảnh, chất lượng đặc sản của tỉnh Cà Mau với thời lượng 60 phút gồm các nhãn hiệu: tôm khô Rạch Gốc, mật ong U Minh Hạ, cua Năm Căn, cá khoai Cái Đôi Vàm, bồn bồn Cái Nước, mắm lóc Thới Bình, bánh phồng tôm Mũi Cà Mau, cá khô bổi U Minh, cá chình – cá bống tượng Tân Thành, chuối khô Trần Hợi và 3 nhãn hiệu chứng nhận gạo Một bụi lùn, gạo Tép hành, gạo Tài nguyên đục. Tất cả các video được đưa lên trang thông tin điện tử của sở, ngành tỉnh, youtube, facebook,…để quảng bá, xúc tiến thương mại được tốt hơn trong thời gian tới.
Nhìn chung, kết quả năm 2019 trong Phương án Hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2019 – 2020 còn khá hạn chế về nội dung và số lượng nhãn hiệu được hỗ trợ do nhiều nguyên nhân khác nhau, nguyên nhân chính là thời gian phê duyệt Phương án và kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, với kết quả bước đầu nêu trên đã góp phần nâng cao được hình ảnh, thương hiệu, giá trị sản phẩm đối với từng nhãn hiệu được hỗ trợ; là bước đệm để các sở, ngành có liên quan và Tổ quản lý phương án có những điều chỉnh, thay đổi để xây dựng kế hoạch và triển khai Phương án hiệu quả, phù hợp hơn trong năm 2020.
[1] Mật ong U Minh Hạ, cá khô bổi U Minh, tôm khô Rạch Gốc, cua Năm Căn, mắm lóc Thới Bình, cá chình – cá bống tượng Tân Thành, bồn bồn Cái Nước, cá khoai Cái Đôi Vàm, chuối khô Trần Hợi, bánh phồng tôm Mũi Cà Mau.
[2] gạo Một bụi lùn, Tép hành, Tài nguyên đục - Cà Mau, chuối Xiêm sinh thái – Cà Mau; lúa sạch Thới Bình.
thS.Đinh Hùng Anh