Kết quả dự án: “Nhân rộng mô hình nuôi sò huyết kết hợp trong vuông tôm”.

       I. ĐẶT VẤN ĐỀ

       Năm 2015, tại xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau thực hiện dự án “Nuôi sò huyết (Anadara granosa) thương phẩm tại bãi triều ven biển” là một dự án cần thiết, từng bước để nhân dân tiếp cận, nâng cao nhận thức trong sản xuất nuôi trồng thủy sản, từ đó hình thành nghề mới cho người dân địa phương, nhằm phát huy hết tiềm năng, điều kiện tự nhiên của huyện. Hiệu quả của dự án giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, giải quyết việc làm mới tạo thu nhập ổn định, bền vững cho một bộ phận hộ dân có thu nhập thấp, hộ không có đất sản xuất đang sinh sống tại địa bàn xã Lâm Hải.

       Vì vậy, thực hiện dự án “Nhân rộng mô hình nuôi sò huyết (Anadara granosa) kết hợp trong vuông tôm” là một trong những giải pháp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện.

       Thành công của dự án sẽ là mô hình điểm nhằm nhân rộng trên địa bàn huyện; tận dụng tham gia sản xuất trên cùng 1 diện tích, từ đó nâng cao thu nhập của người dân, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại chỗ, thúc đẩy phát triển thế mạnh của địa phương, góp phần giữ gìn an ninh, trật xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Sò huyết nuôi trong vuông tôm. Ảnh TG

       II. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

       2.1. Thời gian: 12 tháng (Từ tháng 6/2016 đến tháng 5/2017).

       2.2. Địa điểm:

       - Ấp Chống Mỹ, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn: Với 5 hộ tham gia thực hiện dự án, tổng diện tích là 10 ha.

       - Ấp Biện Trượng, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn: Với 4 hộ tham gia thực hiện dự án, tổng diện tích là 10 ha.

       2.3. Phương pháp nghiên cứu:

       2.3.1. Điều kiện vuông nuôi

       - Mô hình được thực hiện tại 2 xã Hàm Rồng và Lâm Hải, huyện Năm Căn, 2 xã này có điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu ,thổ nhưỡng tương đối giống nhau như: Chất đáy là bùn mềm, độ dày của lớp bùn đáy trung bình khoảng 10 cm, nguồn nước giàu phù sau.

       - Vuông nuôi cần giữ độ sâu mực nước tối thiểu đạt 1,2 – 1,5m trở lên, mặt nước trên mặt trảng phải đảm bảo từ 0,5 m trở lên (vì nuôi tôm kết hợp với nuôi sò huyết, nếu mực nước cạn sẽ làm tôm chậm phát triển).

       - Các yếu tố môi trường trước khi thả giống tại xã Hàm Rồng như: pH: 8.0; Độ mặn: 18‰; Nhiệt độ nước 280C; Độ kiềm: 90mg/l; Hàm lượng Oxy hòa tan trong nước: 4 ppm; Độ trong: 25 cm.

       - Các yếu tố môi trường trước khi thả giống tại xã Lâm Hải như: pH: 8.2; Độ mặn: 20‰; Nhiệt độ nước 290C; Độ kiềm: 110mg/l; Hàm lượng Oxy hòa tan trong nước: 4 ppm; Độ trong: 22 cm.

       2.3.2. Chọn giống và vận chuyển giống

       - Giống được mua từ Hợp tác xã ương, nuôi sò huyết Minh Chiến, cơ sở trên địa bàn huyện, các yếu tố môi trường tương đối giống nhau và hạn chế được thời gian vận chuyển nên tỉ lệ hao hụt sẽ thấp.

       - Giống đồng cỡ, có màu trắng hồng, sạch sẽ, không lẫn đối tượng khác; tại xã Hàm Rồng thả giống với trọng lượng 350 con/kg; xã Lâm Hải thả giống với trọng lượng 330 con/kg.

       - Tránh chọn, thả giống có mùi hôi hoặc lẫn các sinh vật địch hại như cua, ốc,...

       - Trong quá trình vận chuyển con giống tránh để sò huyết tiếp xúc với nước ngọt đặc biệt là nước mưa, thời gian vận chuyển con giống không quá 6 giờ, sò giống được đựng trong bao bố, để nơi thoáng mát vận chuyển bằng xuồng, thường xuyên tưới nước biển lên các bao đựng sò giống để sò dễ hô hấp.

       2.3.3. Kỹ thuật thả giống

       - Thả giống lúc trời mát. Tốt nhất dùng xuồng bơi rãi sò huyết đều trên mặt diện tích nuôi.

       - Tránh thả giống khi nước chảy mạnh vì sò huyết dễ bị cuốn trôi theo dòng nước làm cho mật độ phân bổ không đều.

       - Sò giống nếu thả quá dày thì lượng thức ăn cung cấp cho sò không đủ làm hạn chế tốc độ sinh trưởng, ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.

       - Thả giống lúc trời mát. Dùng xuồng bơi rãi sò huyết đều trên mặt diện tích nuôi, thả sò huyết phía trên nhiều hơn phía ngoài vì sò huyết có xu hướng di chuyển theo hướng thủy triều rút. Nên thả sò cách xa cống xổ vuông (cống lộ thiên) khoảng 50m, vì khi lấy nước vào sò huyết gần cống dễ tiếp xúc trực tiếp nguồn nước mới nên dễ bị sốc và chết.

       2.3.4. Chăm sóc, quản lý

       - Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường, đặc biệt là đối với những ngày có mưa, nếu môi trường có sự biến động lớn như pH, kiềm,... nên bón vôi CaCO3 hạ phèn và ổn định môi trường. Vào mùa mưa các vùng cửa sông và trong vuông độ mặn thường giảm, ảnh hưởng đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của sò, do đó cần tiến hành xả nước tầng mặt (vì tầng mặt là tầng nước mưa).

       - Thường xuyên kiểm tra vuông nuôi để kịp thời phát hiện những bất thường xảy ra đối với tôm và sò huyết. Phát hiện những địch hai của tôm, sò huyết để tiêu diệt như vẹm, ốc, rong tảo, cua, cá chẽm...

       2.3.5. Thu hoạch:

       - Sau thời gian 09 tháng nuôi, kiểm tra thấy sò huyết đạt kích cỡ thương phẩm,  từ 60 – 70 con/kg thì tiến hành thu hoạch toàn bộ sản phẩm.

       - Ta tiến hành xả 1/3 lượng nước trong vuông nuôi và chia nhỏ khu vực để mò hết lượng sò nuôi.

       III. KẾT QUẢ DỰ ÁN

       3.1. Kết quả thực hiện dự án

       - Mô hình được thực hiện tại 2 xã Hàm Rồng và Lâm Hải thuộc huyện Năm Căn, do đó đặc điểm tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu tương đối giống nhau; tỷ lệ sống của 2 mô hình nuôi sò nhìn chung gần như nhau, tỷ lệ sống trung bình tại xã Hàm Rồng là 81,4%, xã Lâm Hải là 81,25%; trọng lượng trung bình có sự khác nhau, trọng lượng trung bình sò huyết thương phẩm tại xã Hàm Rồng là 60,6 con/kg, xã Lâm Hải là 57,5 con/kg. Qua đó ta thấy nếu thả sò có kích cỡ lớn khoảng 300 con/kg, thì tốc độ tăng trưởng của sò huyết sẽ nhanh hơn và tỷ lệ sống cao hơn. Đặc biệt nên chú trọng mật độ thả, nếu thả quá dày tốc độ tăng trưởng của sò huyết sẽ chậm.

       - Sau 09 tháng thực hiện dự án “Nhân rộng mô hình nuôi sò huyết kết hợp trong vuông tôm” hiệu quả mang lại từ dự án cao hơn so với thuyết minh dự án, cụ thể lợi nhuận theo thuyết minh dựa án là 1.586.915.200 đồng. Với chi phí đầu tư cho dự án là 540.000.000 đồng, tổng thu của dự án là 2.139.500.000 đồng, lợi nhuận mang lại từ dự án là 1.599.509.200 đồng.

       3.2. Thuận lợi

       - Nguồn sò giống được cơ sở ương, nuôi trên địa bàn huyện nên rất thích hợp với môi trường các hộ thực hiện mô hình. Các hộ rất tâm huyết thực hiện mô hình nuôi.

       - Chế độ thủy triều rõ rệt, nguồn nước tự nhiên của vùng rất giàu phù sa, đây là các yếu tố thuận lợi cho sò huyết phát triển.

       3.3. Khó khăn

       Còn phụ thuộc vào con giống từ tự nhiên và thời vụ thả giống.

       IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

       4.1. Kết Luận

       - Điều kiện tự nhiên của huyện Năm Căn nhìn chung rất thuận lợi cho sự phát triển của sò huyết. Ưu điểm của việc thực hiện mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm dễ nuôi, dễ chăm sóc, quản lý, là tốc độ tăng trưởng nhanh, giá trị kinh tế cao, không sử dụng hóa chất, kháng sinh, thức ăn,... nên chi phí đầu tư sản xuất ban đầu không cao.

       - Tuy nhiên để nuôi sò huyết có hiệu quả chủ nhiệm dự án cũng khuyến cáo nên thả đúng thời vụ đó là khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm khi nguồn nước ổn định bắt đầu thả giống, nên chọn nguồn giống có tại địa phương, kiểm tra độ mặn trong ao và nơi ương gièo giống phải thích hợp trên lệch không quá 5‰.

       - Trong suốt quá trình nuôi cần tuân thủ và đảm bảo các yếu tố môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển của sò huyết. Sau khi thực hiện dự án kinh nghiệm cho thấy rằng nên thả giống ở kích cỡ từ 300 – 350 con/kg vì ở kích cỡ này sò huyết ít hao hụt do sức đề kháng với môi trường cao và có khả năng lẫn tránh địch hại. Nên thả sò giống đều trên bề mặt đất, thả cách cống sổ tôm (cống lộ thiên) khoảng 50m để hạn chế hao hụt do môi trường nước thay đổi từ việc lấy nước vào vuông tôm.

       - Kết quả của mô hình giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, từ đó năng cao đời sống kinh tế cho người dân. Bên cạnh đó, sò huyết là loài dễ mẫn cảm với môi trường nên nhược điểm rất lớn của mô hình nuôi sò huyết là thời tiết, nếu thời tiết thay đổi đột ngột, mưa kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ sống và sản lượng sò huyết.

       - Đây là mô hình nuôi đơn giản, dễ thực hiện chỉ cần lựa chọn con giống tốt, vùng nuôi thích hợp cho sự phát triển của sò huyết, thời tiết phù hợp và khâu quản lý tốt sẽ mang đến hiệu quả cao.

       - Dự án “Nhân rộng mô hình nuôi sò huyết (Anadara granosa) kết hợp trong vuông tôm” sẽ mở ra một hướng đi mới trong đa dạng hóa loài nuôi thủy sản, tăng sản lượng trên cùng một diện tích, hạn chế chi phí sản xuất, tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống của người dân, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho những lao động nhàn rỗi, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế ổn định và bền vững (kèm theo phụ lục kỹ thuật nuôi sò huyết trong vuông tôm).

Mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm của anh Trương Minh Đảm, ở ấp Kênh Lớn, xã Đông Thới, huyện Cái Nước thu nhập trên 60 triệu đồng/đợt nuôi 6 tháng - Ảnh: ST

       4.2. Kiến nghị

       - Cần tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng những mô hình nuôi kết hợp, để tận dụng hiệu quả sử dụng đất đai, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, mang tính bền vững, lâu dài đối với nghề nuôi trồng thủy sản.

       - Tận dụng các nguồn vốn vay, quỹ hỗ trợ nhân dân để tiếp tục phát huy và nhân rộng mô hình có hiệu quả.

       - Nên thành lập Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã nuôi sò huyết thương phẩm để dễ dàng liên kết được bốn nhà, làm tăng hiệu quả sản xuất, thị trường tiêu thụ dễ dàng, ổn định. Từ đó từng bước đưa nghề nuôi sò huyết thương phẩm phát triển hơn.

       - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau cần có những đề tài nghiên cứu sản xuất giống sò huyết nhân tạo để chủ động trong vấn đề nuôi.

Tô Minh Việt