Ngày 29/3/2019, tại huyện UBND huyện Ngọc Hiển, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp với UBND huyện tổ chức Hội thảo kết hợp với Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ (KHCN) cấp huyện thường niên Lần thứ 6 với chủ đề “Ứng dụng khoa học và công nghệ góp phần phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới”.
Thành phần tham dự gồm: Ban Giám đốc Sở KH&CN và lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở; đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật, Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã, Tỉnh Đoàn Cà Mau, Chi cục Phát triển nông thôn, cơ quan Báo, Đài; đại diện lãnh đạo UBND huyện Ngọc Hiển; Chủ tịch UBND các xã; các phòng chuyên môn, các đoàn thể thuộc huyện Ngọc Hiển; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, lãnh đạo Phòng kinh tế và Hạ tầng, Phòng Kinh tế và chuyên viên phụ trách KHCN các huyện, thành phố Cà Mau.
Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ cấp huyện năm 2019 tại huyện Ngọc Hiển
Sau khi nghe báo cáo Kết quả hoạt động KHCN cấp cơ sở năm 2018, kế hoạch năm 2019; 08 báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu của các ngành, địa phương trong tỉnh liên quan đến chủ đề của Hội thảo, ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ có ý kiến kết luận như sau:
Trong năm 2018, được sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của các đơn vị có liên quan, nên hoạt động KHCN cấp huyện đạt kết quả khá tốt. Công tác thông tin KHCN đã tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và năng lực ứng dụng KHCN vào đời sống sản xuất của người dân; công tác ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống đã góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả; công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng được các địa phương chú trọng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng triển khai tích cực, góp phần ngăn chặn các hiện tượng gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công tác quản lý, khai thác nhãn hiệu các sản phẩm được bảo hộ đã được các địa phương quan tâm phối hợp với các ngành chức năng trong quá trình tổ chức thực hiện…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KHCN cấp huyện vẫn còn những hạn chế nhất định, cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới, cụ thể như: Công tác triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình ”Mỗi xã một sản phẩm” còn lúng túng trong việc xác định các sản phẩm chủ lực của từng địa phương; việc xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất còn chậm, quy mô nhỏ lẻ; thiếu giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao đối với các sản phẩm chủ lực của từng địa phương để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; việc ứng dụng KHCN để tạo giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế, nên hiệu quả sản xuất chưa cao; cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX, Tổ hợp tác trong đầu tư trang thiết bị tiên tiến, hiện đại để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao còn hạn chế; các cơ quan được giao quản lý chủ sở hữu các nhãn hiệu chưa có nhiều kinh nghiệm để quản lý khai thác, phát triển và quảng bá thương hiệu; liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa được chú trọng đúng mức; công tác xây dựng, triển khai kế hoạch hoạt động khoa học công nghệ hàng năm của một số huyện còn trễ; việc xác định nhiệm vụ chưa sát với thực tế nên phải thay đổi, điều chỉnh kế hoạch…, làm ảnh hưởng đến tiến độ và tỷ lệ giải ngân kinh phí đã được phân bổ; do khó khăn về ngân sách cấp huyện, nên hầu hết các huyện chưa đầu tư kinh phí hỗ trợ nhân rộng các mô hình có hiệu quả trên địa bàn; công tác quản lý và sử dụng các nhãn hiệu tập thể hiệu quả chưa cao; việc liên kết sản xuất, hợp tác đầu tư, hình thành các HTX, THT sản xuất gắn liên kết chuỗi giá trị trong khai thác, sử dụng và phát triển nhãn hiệu tập thể còn nhiều bất cập; công tác đảm bảo vệ sinh ATTP, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì, mẫu mã, dán tem truy xuất nguồn gốc, xúc tiến đầu tư…chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng tranh chấp nhãn hiệu đã được bảo hộ còn xảy ra, nhưng việc phối hợp giải quyết còn chậm...
Trong thời gian tới, để vai trò KHCN thật sự góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ các địa phương phát triển Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng nông thôn mới, hoạt động KHCN cấp huyện cần tập trung triển khai thực hiện một số nội dung chủ yếu sau đây:
Tăng cường công tác thông tin KHCN, tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân trong hoạt động ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, góp phần phát triển mỗi xã một sản phẩm đạt hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn trong tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng KHCN có hiệu quả, tạo tính lan tỏa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống cho người dân.
Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, ưu tiên đối với các ngành hàng chủ lực của tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh.
Chú trọng thực hiện tốt công tác tổ chức lại sản xuất, liên kết chuỗi giá trị nhằm khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm hàng hóa.
Từng bước xây dựng đội ngũ làm công tác KHCN có đủ trình độ, khả năng tiếp thu và vận dụng sáng tạo các tiến bộ KHCN vào sản xuất. Tiếp tục kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực, hiệu quả tham mưu, tư vấn của Hội đồng KHCN cấp huyện trong định hướng phát triển KHCN của các địa phương.
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động chuyển giao KHCN vào sản xuất, kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
Tuyên truyền sâu rộng các hoạt động khởi nghiệp, thực hiện các Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đã được phê duyệt gồm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp.
Phối hợp tốt với các ngành chức năng thanh, kiểm tra chất lượng hàng hóa, sở hữu công nghiệp, kiểm định phương tiện đo trên địa bàn huyện, thành phố, phục vụ tốt hơn cho lợi ích người tiêu dùng.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy tối đa giá trị của nhãn hiệu tập thể đã được chứng nhận, đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư, hợp tác sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng, đồng thời quản lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng, kinh doanh nhãn hiệu để khẳng định vị thế của sản phẩm trên thị trường. Sớm phát hiện và phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sản xuất kinh doanh, sử dụng nhãn hiệu trái phép, nhãn hiệu giả mạo…Chủ động phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm đã được chứng nhận nhãn hiệu.
Rà soát, xác định các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để định hướng đầu tư phát triển. Riêng đối với các sản phẩm đã có, cần tăng cường đầu tư hàm lượng khoa học công nghệ kết tinh trong sản phẩm để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; theo đó, vận dụng các cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước để hỗ trợ đồng bộ từ khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ (từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản) để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu, bao bì, mẫu mã, nhãn mác; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...
Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức mới về quản lý, khai thác sử dụng nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ, công nghệ, thương mại điện tử cho cán bộ chuyên môn ở các địa phương. Tập huấn về quy chế quản lý nhãn hiệu, quy trình sản xuất sản phẩm, các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình đăng ký và công bố chất lượng sản phẩm, đăng ký, cập nhật thông tin và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, công nghệ sơ chế, công nghệ bảo quản chất lượng sản phẩm...
Đối với các kiến nghị của các địa phương và các sở, ngành tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ xin ghi nhận và có ý kiến trao đổi như sau:
1. UBND huyện Thới Bình kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ huyện Thới Bình trong việc xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình” và sử dụng nhãn hiệu khi được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Sở Khoa học và Công nghệ đã xúc tiến triển khai, dự kiến năm 2019, nhãn hiệu “Lúa sạch Thới Bình” sẽ được cấp chứng nhận; riêng nhãn hiệu “Lúa sạch Cà Mau”, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục để nộp đơn đăng ký.
2. UBND huyện Đầm Dơi, đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ để xây dựng nhãn hiệu cho địa phương đối với 2 sản phẩm: Mắm mào gà và Muối Tân Thuận. Đề nghị Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện tham mưu UBND huyện rà soát, báo cáo Sở Khoa học và Công nghệ về sản lượng, đánh giá khả năng cung - cầu đối với các sản phẩm này, để xem xét, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu.
3. Thời gian qua, kết quả các dự án ứng dụng khi nghiệm thu đạt kết quả tốt, nhưng khi nhân rộng còn gặp nhiều khó khăn. Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị các địa phương cần quan tâm trong việc hỗ trợ kinh phí để nhân rộng. Các dự án triển khai trong thời gian tới cần tập trung vào thế mạnh của từng địa phương để tạo ra mỗi xã một sản phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ việc quản lý chất lượng sản phẩm và đăng ký xây dựng thương hiệu.
4. Đối với các đề tài, dự án KHCN cấp tỉnh, đề nghị các huyện xem xét những vấn đề bức xúc của địa phương, sớm đề xuất nhiệm vụ KHCN năm 2020 để Sở tổng hợp trình Hội đồng KHCN tỉnh tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.
5. Về phát triển tiềm lực KHCN để đáp ứng yêu cầu hội nhập trong cuộc cách mạng 4.0 và Chương trình khởi nghiệp của tỉnh, đề nghị các địa phương cần quan tâm hỗ trợ hoạt động này trong thời gian tới.
6. Liên minh HTX đề nghị các sở, ngành và địa phương tiếp tục phối hợp với Liên minh HTX và các thành viên trong triển khai thực hiện thắng lợi chương trình OCOP, tạo sự đột phá, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Sở Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan để phổ biến, hướng dẫn, chuyển giao, ứng dụng KHCN trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ xây dựng các tiêu chuẩn, thương hiệu nhằm tạo điều kiện thuận lợi các HTX trong tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
7. Hội nghị giao ban KHCN cấp huyện lần thứ VII năm 2020, Ban Tổ chức thống nhất chọn huyện Trần Văn Thời là đơn vị đăng cai để phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện.
Thạc sĩ Nguyễn Đình Văn