Kết quả nghiên cứu thử nghiệm mô hình nuôi cá giò thương phẩm trong lồng trên biển theo công nghệ Na-Uy tại hòn chuối, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

1. Đặt vấn đề:

       Cá bớp là loài có giá trị kinh tế cao, tốc độ sinh trưởng nhanh, có thể đạt cỡ 5 – 10 kg sau một năm nuôi. Cá có giá trị dinh dưỡng cao đặc biệt thịt cá trắng, ngon, ngọt, dai và béo, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau tùy sở thích mỗi người. Trong những năm gần đây, trước tác động của biến đổi khí hậu, mỗi năm ở nước ta có hơn mười cơn bão áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy... Nghề nuôi cá biển nước ta có tiềm năng to lớn để phát triển nhưng cho đến nay, công nghệ nuôi biển nước ta vẫn đang rất lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hầu hết các trang trại nuôi biển tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau và Kiên Giang đều sử dụng lồng gỗ, quy mô kiểu nông hộ, lắp đặt tại các vùng biển kín gió. Các lồng này thường có dung tích nhỏ, kích thước 4x4x3m, 4x5x3m, 5x5x3m kết lại thành cụm lồng hết sức đơn giản (Tuan và ctv., 2000). Từ năm 1999, trong khuôn khổ dự án SVR 0330, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I đã lắp đặt thử nghiệm thành công một số lồng tròn nổi làm bằng vật liệu HDPE có đường kính 9 m dung tích 300 m3. Kết quả nghiên cứu cho thấy kiểu lồng này có cấu tạo khá vững chắc, mềm dẻo, dễ vận hành, thích hợp cho nuôi nhiều loài cá biển, tương đối phù hợp với điều kiện vùng biển Việt Nam. Tháng 11/2017 cơn bão Damrey đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa làm thiệt hại khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó có 45.000 lồng nuôi trồng thủy sản trên các đầm, vịnh. Có 35.700 lồng bè nuôi trồng thủy sản bằng gỗ của người dân bị thiệt hại rất nặng. Tuy nhiên, các lồng nuôi bằng nhựa HDPE của Phân Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I không bị ảnh hưởng, đây có thể là một minh chứng hiệu quả để ứng dụng công nghệ lồng nhựa HDPE cho nuôi cá biển thành công.

       Hòn Chuối hiện tại có trên 30 hộ tham gia nghề nuôi cá bớp lồng bè, chủ yếu là nuôi theo truyền thống, mật độ 2-3 con/m3, sử dụng thức ăn bằng cá tạp, năng suất trung bình 10-15 kg/m3. Sản lượng 50-70 tấn/năm. Nhiều hộ có mức thu nhập cao từ 100 đến 500 triệu đồng/năm. Tuy vậy, hiện tại nghề nuôi cá bớp ở khu vực đảo Hòn Chuối chỉ dừng lại ở tính tự phát, còn nhỏ lẻ, chủ yếu làm theo truyền thống, lồng bè làm bằng gỗ, phao nổi làm bằng phi nhựa, không chịu được sóng to gió lớn, do ảnh hưởng của thời tiết mỗi năm phải di chuyển lồng nuôi đi 2-3 lần để tránh sóng to gió lớn. Để phát triển nghề nuôi cá biển tỉnh Cà Mau, Việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào nuôi trồng thủy sản nhằm tăng sản lượng và hạn chế rủi ro do thiên tai gây ra. Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, đây sẽ là cơ sở để ứng dụng công nghệ cho việc triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá giò thương phẩm trong lồng trên biển theo công nghệ Na-Uy tại Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau”.

       2. Tổng quan nghiên cứu.

       2.1. Địa điểm nghên cứu:

       Địa điểm nghiên cứu tại  khu vực Hòn Chuối, Huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Cho 02 hộ tham gia, ông Lê Hoàng Phong, ở ấp Công Nghiệp, Lợi An, huyện Trần Văn Thời và ông Lê Ngọc Quang ở khóm 6, TT. Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, có kinh nghiệm và tâm huyết với nghề nuôi biển.

       2.2. Đối tượng nghiên cứu:

       Cá bớp Rachycentron canadum (Linnaeus, 1766) (tên tiếng Anh là Cobia hay Black kingfish). Cá bớp ban đầu được Linneaus (1766) đặt tên là Gasterosteus canadus Linnaeus, 1766, sau đó được đặt lại là Rachycentron canadum (Linnaeus, 1766)

2.3. Thời gian nghên cứu:

       Thời gian nghiên cứu 10 tháng.

2.4. Vật liệu nghiên cứu:

       Vật liệu nghiên cứu dự án làm bằng nhựa HDPE hình tròn có các cấu trúc như sau.

       -  Đường kính lồng 15m

        -  Độ sâu túi lưới 5 m

          Hình: Lồng nhựa HDPE và lưới lồng nuôi cá bớp ở Hòn Chuối

       -  Dung tích hữu dụng 600m3

       -  Độ sâu của khu vực neo lồng: tối thiểu 20 m

       - Lưới lồng là lưới dệt không gút, bền, không bị oxi hóa và có khả năng chống sinh vật bám, được gia cường bởi các dây giềng. Toàn bộ túi lưới được thiết kế, tính toán phù hợp với điều kiện vùng nuôi (lưu tốc dòng chảy, độ sâu…) và với từng đối tượng nuôi. Có các tính năng như: mềm dẻo, có khả năng chống chịu với sóng to, gió lớn.

       2.5. Lựa chọn vị trí lắp đặt hệ thống lồng nuôi:

       - Độ sâu: Độ sâu phù hợp cho cá biển và bảo đảm an toàn cho lồng nuôi thì cần độ sâu khi mức thuỷ triều thấp nhất tối thiểu 10-15 m.

       - Dòng chảy của nước: Lưu tốc dòng chảy ở biển dao động 0,4-0,5 m/giây. Tuy nhiên, vị trí đặt lồng nuôi cho phép lưu tốc dòng chảy <1,0 m/giây.

       - Độ mặn: Độ mặn ít biến động, dao động từ 25 đến 30‰.

       - Nhiệt độ: Nhiệt độ nước tầng mặt thường dao động từ 25 – 300C.

       - Độ đục: Ở điều kiện bình thường, độ đục thường 2-10 m.

       - Oxy hoà tan: Nồng độ ôxy hoà tan từ 4 đến 7 mg/l.

       - pH: Độ pH nước biển phù hợp cho cá biển thường nằm trong khoảng từ 7,5 đến 8,5.

       - Ngoài ra, vùng nuôi được lựa chọn có các yếu tố môi trường khác nằm trong khoảng cho phép dựa vào tiêu chuẩn nuôi thuỷ sản.

Hình: Lồng nuôi cá bớp đặt ở Hòn Chuối

       2.6. Lựa chọn giống và thả giống:

       Khi chọn cá giống chú ý các tiêu chuẩn giống tốt như: Cơ sở uy tính, cá đồng cỡ, màu sắc sáng đẹp, bơi lội nhanh nhẹn, phản ứng nhanh, không bị dị hình, trầy da, lở mình…

       Đợt 1: Cá có trọng lượng 500-700g/con, kích thước 25-30cm/con

       Đợt 2: Cá có trọng lượng 1 – 1,5kg/con, kích thước 35-40cm/con


       Mật độ thả 4 con/m3.

Hình: Cá giống chuẩn bị thả nuôi

       2.7. Thức ăn và kỹ thuật cho ăn:

       Thức ăn sử dụng cho cá bớp là thức ăn công nghiệp và thức ăn cá tạp tươi không để qua đá nhiều ngày.

       - Kích thước thức ăn phù hợp với kích cỡ miệng cá và tùy theo giai đoạn phát triển khác nhau của cá.

       - Khi thời tiết thay đổi có mưa to, gió lớn và biển động thì giảm thức ăn lại 30-50% so với thời tiết bình thường.

       - Cho cá ăn ở giữa lồng để tránh hiện tượng cá tập trung lại một gốc lồng nhiều, sắn vào lưới bị mắt lưới và dễ bị xây xát.

       - Cho ăn 2 lần/ngày, tỷ lệ cho ăn dựa tính theo % khối lượng cơ thể, có điều chỉnh theo thời tiết và tình trạng sức khoẻ cá nuôi.

Hình: Thức ăn dùng cho nuôi cá tại Hòn Chuối

       2.8. Chăm sóc và quản lý. 

       - Hàng ngày quan sát hoạt động của cá, tình hình sử dụng thức ăn, dịch bệnh và các hiện tượng bất thường khác xảy ra để có cách xử lý kịp thời.

       - Thường xuyên lặn theo dõi lồng nuôi, đáy lồng đề phòng lồng bị hư hỏng, rách, theo dõi phát hiện bệnh kịp thời để xử lý có hiệu quả.

       - Định kỳ đo môi trường 1 tháng/lân, cân trọng lượng và kích thước 15 ngày/lần.

       - Định kỳ bổ sung khoáng và vitamin vào thức ăn để tăng cường sức khỏe cho cá và thuốc trị ký sinh trùng để hạn chế ký sinh trùng bám vào mắt và mang cá...

       - Không cho cá ăn quá thừa cũng như quá thiếu, thức ăn đúng kích cỡ, thức ăn không muối đá lâu.

       - Loại bỏ cá bệnh  hoặc cá chết ra khỏi lồng và tiêu hủy.

       2.9. Thu hoạch:

       - Cỡ cá thu hoạch tuỳ theo nhu cầu của thị trường. Khi cá đạt cỡ 5 kg trở lên thì tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch phải bỏ đói ít nhất 24 giờ. Có thể thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa.
       - Thu tỉa: Là thu một phần cá trong lồng theo các cơ sở thu mua.

       - Thu toàn bộ: Là thu cá một lần đến hết trong lồng.

Hình: Thu hoạch cá đem vào đất liền bán cho thương lái

       2.10. Bảo quản và vận chuyển sản phẩm:

       Đối với cách bảo quản cá tươi đi xa cũng như các loại hải sản khác, bảo quản không tốt cá dễ bị ươn nên sẽ thường được bảo quản bằng cách đông lạnh. Đầu tiên, xếp một lớp cá vào thùng xốp, rải đá xay nhỏ lên rồi lại thêm một lớp cá và tiếp đến lớp đá, thực hiện tương tự cho tới khi đầy thùng. Và lưu ý là lớp trên cùng phải là lớp đá lạnh, rồi đậy kín thùng và quấn chặt bằng băng keo để giữ nhiệt lâu, tránh chảy nước.

Hình: Thu hoạch và vận chuyển cá đến nơi tiêu thụ

       3. Kết quả:

       3.1. Nhiệt độ nước:

       Biến động nhiệt độ nước tầng mặt và tầng đáy vùng nuôi cá bớp tháng 4 đến tháng 11, nhiệt độ nước ở tầng mặt dao động từ 28,2 - 30,8oC, có xu hướng cao hơn so với tầng đáy dao động từ 27,1 – 29,9oC.

       Chênh lệch nhiệt độ nước giữa tầng mặt và tầng đáy cao nhất là 1oC. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ nước vùng nuôi cá bớp trong thời gian từ tháng 2/2019 đến tháng 1/2020 dao động trong khoảng 26,4 đến 30,8oC.

       3.2. Độ mặn:

       Trong thời gian nuôi từ tháng 2/2019 đến tháng 1/2020, kết quả đo độ mặn của nước khu vực nuôi cá bớp dao động từ 29,5 đến 33,80/00. Mùa mưa diễn ra vào khoảng tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, trong thời gian này, độ mặn của nước 29,5 – 30,5%o có xu hướng giảm thấp hơn so với các tháng còn lại trong năm. Như vậy, qua kết quả đo độ mặn của nước khu vực nuôi cho thấy, các giá trị đo được phù hợp với đặc tính sinh học của cá bớp. Do khu vực nuôi nằm ngoài khơi, cách xa các cửa sông nên độ mặn trong vùng nước khá đồng nhất, chênh lệch độ mặn giữa tầng mặt và tầng đáy không có sự khác biệt nhiều.

          3.3. Hàm lượng ôxy hoà tan (DO):

       Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng ôxy hoà tan trong nước khu vực nuôi cá bớp trong thời gian từ tháng 2/2019 đến tháng 1/2020 dao động từ 4,8 đến 5,2 mg/l. Hàm lượng ôxy hòa tan trong nước tầng mặt luôn có xu hướng cao hơn so với tầng đáy do trên bề mặt luôn có sóng gió tạo điều kiện cho ôxy từ không khí hòa tan vào tầng mặt.

       Hàm lượng DO trong nước tầng đáy thấp hơn GHCP (≥ 5,0 mg/l) vào các tháng 5;6;7;9;10/2019 (4,8 – 4,9 mg/l).

       3.4. Giá trị pH:

       Giá trị pH trong nước khu vực nuôi cá bớp trong thời gian nghiên cứu tháng 2/2019 đến tháng 1/2020 khá ổn định, các kết quả đo dao động trong khoảng 7,7 - 8,4 và chênh lệch giá trị pH giữa tầng mặt và tầng đáy không lớn. Giá trị pH của nước khu vực nuôi nằm trong GHCP (6,5 – 8,5)  và yêu cầu pH của nước (7,5 – 8,5) đối với kỹ thuật nuôi cá lồng biển Như vậy, giá trị pH của nước khu vực nuôi nằm trong khoảng an toàn, đảm bảo cho hoạt động nuôi trồng thủy hải sản ven biển, phù hợp với môi trường nước nuôi cá bớp.

       3.5. Tốc độ sinh trưởng nuôi đợt 1 cho ăn thức ăn tổng hợp.

       Kết quả nghiên cứu sinh trưởng của cá bớp nuôi thể hiện tại hình ta thấy, sinh trưởng của cá bớp nuôi trong 10 tháng giữa hai lồng không có sự khác biệt nhau nhiều về tốc độ tăng trưởng trung bình là 0,50 kg/vụ, hộ nuôi 1 là 0,49 kg/vụ, hộ nuôi 2 là 0,51 kg/vụ, hộ nuôi 1 có tốc độc tăng trưởng và tỷ lệ sống chậm hơn so với hộ nuôi 2.

       3.6. Sinh trưởng giai đoạn nuôi đợt 2 cho ăn thức ăn cá tạp.

       Kết quả nghiên cứu sinh trưởng của cá bớp nuôi thể hiện tại hình ta thấy, sinh trưởng của cá bớp nuôi trong hai lồng không có sự khác biệt nhau nhiều về tốc độ tăng trưởng trung bình là 0,60 kg/tháng, hộ nuôi 1 là 0,59 kg/tháng và hộ nuôi 2 là 0,60 kg/tháng .

                                                       

       3.7. Tỷ lệ sống giai đoạn nuôi đợt 1 cho ăn thức ăn tổng hợp.

       Tỷ lệ sống của cá bớp nuôi đạt trung bình 94,5%, trong đó tỷ lệ sống ở hộ nuôi số 1 đạt 93,34 % và hộ nuôi số 2 là 95,66 %.

                                                                                                                 

       3.8. Tỷ lệ sống giai đoạn nuôi đợt 2 cho ăn thức ăn cá tạp:


       Tỷ lệ sống của cá bớp nuôi đạt trung bình 90.3 %, trong đó tỷ lệ sống ở hộ nuôi số 1 đạt 88.65 % và hộ nuôi số 2 là 92. %, có sự khác biết nhau về tỷ lệ sống ở đợt nuôi vụ 02.

       3.9. Kết quả và hệ số thức ăn:

       Kết quả sau khi sử dụng lồng nhựa HDPE vào nuôi thương phẩm cá bớp tại Hòn Chuối cho 02 đợt nuôi thử nghiệm bằng 02 loại thức ăn như sau: Cá thu hoạch đợt 1 cho ăn thức ăn tổng hợp của hộ nuôi 1 đạt 12.370 kg/lồng và hộ nuôi 2 đạt 13,176 kg/lồng.

       Thu hoạch cá đợt 2 cho ăn thức ăn cá tạp của hộ nôi 1 đạt 11,847 kg/lồng và hộ 2 đạt 16,135kg/lồng. Kết quả này đạt hiệu quả so với mục tiêu của dự án đề ra.

       Phân tích, đánh giá hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) của cá bớp nuôi ở đợt 1 nuôi thức ăn tổng hợp là: ở đợt nuôi thứ nhất: hộ nuôi 1 có hệ số FCR là 2,54 và hộ 2 là 2,6. Lần 2 cho ăn cá tạp là hộ nuôi 1 có hệ số FCR là 8,3 và hộ 2 là 8,7. Kết quả thí nghiệm dự án đạt so với dự án đề ra như: Tỉ lệ sống ≥ 80%, hệ số FCR ≤ 2.6 và sản lượng 9.6 tấn/lồng/vụ.

       4. Kết luận và đề xuất:

       Kết quả từ dự án cho thấy hoàn toàn có khả năng ứng dụng khoa học công nghệ lồng nhựa HDPE vào nuôi thương phẩm cá bớp tại Hòn Chuối nói riêng và trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung, đem lại hiêu quả kinh cao về sản lượng trên một đơn vị diện tích nuôi và thích ứng được với điều kiện thời tiết ngày càng phức tạp. Do đó, thành công ban đầu của dự án hướng đến nhân rộng mô hình nuôi thương phẩm cá bớp trong lồng nhựa HDPE trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ks. Huỳnh Văn Khải, Ths. Tô Minh, Ths. Trương Huỳnh Như, Ks. Hồ Huỳnh Như, Ks. Tiêu Duy Thanh, Ks. Phạm Chí Em, Ks. Trần Quốc Bình, Ks. Trần Thẩm Mỹ.