Kết quả thử ngiệm sản xuất giống nhân tạo ghẹ xanh (portunus pelagicus) tại tỉnh Cà Mau.

       I. Đặt vấn đề

       Ghẹ xanh (Portunus pelagicus) là đối tượng thủy sản có giá kinh tế, thịt thơm ngon và được thị trường ưa chuộng. Ghẹ xanh có nhu cầu tiêu thụ lớn cả trong nước và xuất khẩu. Theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam là nước dẫn đầu về khối lượng và giá trị xuất khẩu sản phẩm ghẹ xanh tươi cho Nhật Bản giai đoạn từ tháng 1-7/2013 với 11.000 tấn, chiếm 60% tổng khối lượng nhập khẩu, trị giá 20,7 triệu yên (VASEP, 2013).

Ghẹ xanh (Portunus pelagicus) - Ảnh:Tg

       Tuy nhiên, nguồn cung cấp ghẹ xanh thương phẩm hiện nay chủ yếu là khai thác từ tự nhiên. Việc khai thác quá mức nguồn lợi ghẹ xanh ngoài tự nhiên là nguyên nhân làm suy giảm nguồn lợi và trữ lượng khai thác. Theo báo cáo đánh giá của Viện Nghiên cứu Hải sản, cường độ khai thác ghẹ xanh tại tỉnh Kiên Giang các năm từ 2013 đến 2016 đều đã vượt ngưỡng khai thác tối đa từ 10-24%. Sản lượng khai thác cũng suy giảm qua các năm 2013 (7,8 ngàn tấn), 2014 (6,2 ngàn tấn), 2015 (6,1 ngàn tấn), 2016 (7,1 ngàn tấn) trong khi sản lượng ghẹ khai thác năm 2009 là 11 ngàn tấn. Ngoài ra, số lượng ghẹ xanh trưởng thành (trên 10 cm) chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng 7-29% quần thể ghẹ xanh trong những năm này.

       Nhằm đa dạng đối tượng nuôi, chủ động nguồn giống cung ứng cùng với giảm cường lực khai thác ghẹ tự nhiên, nhiều nghiên cứu về sản xuất giống nhân tạo ghẹ xanh được thử nghiệm. Tuy nhiên, tỷ lệ sống của ghẹ xanh trong các mô hình sản xuất giống chưa cao và chưa ổn định, tỷ lệ sống dao động trong khoảng 8-10%. Nguyên nhân được cho là do ghẹ chết nhiều trong quá trình chuyển giai đoạn, do mật độ ương quá cao, do nguồn thức ăn chưa phù hợp với từng giai đoạn phát triển,...Mật độ ương càng cao thì tỷ lệ sống của ấu trùng càng giảm, thử nghiệm với các mật độ khác nhau 100-400 ấu trùng/lít, tỷ lệ sống của ấu trùng đạt cao nhất ở nghiệm thức 100 ấu trùng/lít.

       Bài viết trình bày những kết quả bước đầu thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo ghẹ xanh tại tỉnh Cà Mau trong khuôn khổ dự án: “Thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm ghẹ xanh (Portunus pelagicus) tại tỉnh Cà Mau” do Chi cục thủy sản Cà Mau chủ trì thực hiện với nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách Khoa học công nghệ của tỉnh năm 2018.

       II. Tổng quan nghiên cứu

       2.1. Thời gian nghiên cứu: Thực hiện 02 đợt sản xuất giống nhân tạo ghẹ xanh (P. pelagicus) trong thời gian 06 tháng (từ tháng 11/2018 đến tháng 5/2019).

       2.2. Địa điểm: Dự án được thực hiện tại trại nuôi của ông Phan Thanh Rạng, ấp Ông Như, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển.

       2.3. Phương pháp nghiên cứu

       2.3.1. Lựa chọn ghẹ gạch và nuôi vỗ

       Ghẹ gạch nuôi vỗ (với tổng số 220 con ghẹ, trọng lượng từ 250-350g/con) được mua từ nguồn ghẹ khai thác tự nhiên ở vùng biển Phú Tân, Cái Đôi Vàm. Chọn những con ghẹ khỏe mạnh, đủ các phần phụ, quan sát vào giữa mai và yếm phát hiện gạch đỏ và đầy; ghẹ gạch được vận chuyển sống đến địa điểm nghiên cứu.

Ảnh: Ghẹ gạch được thu mua để tiến hành nuôi vỗ

       Ghẹ mẹ được nuôi trong bể 4 m3 có trải lớp cát mịn dày khoảng 5-10 cm và đặt các tấm ngói làm nơi trú ẩn cho ghẹ, mật độ nuôi 5 con/m2. Trong quá trình nuôi vỗ, ghẹ gạch được cho ăn bằng mực và vọp tự nhiên. Quá trình nuôi vỗ ghẹ được cho ăn 2 lần/ngày với lượng thức ăn khoảng 3-5% khối lượng ghẹ. Thay nước bể nuôi khoảng 50%/ngày vào buổi chiều sau khi cho ăn. Nếu khoảng sau 20 ngày nuôi mà ghẹ không đẻ thì loại bỏ, do tuyến sinh dục có thể bị thoái hóa không đảm bảo chất lượng ấu trùng sau này. Những ghẹ mẹ sau khi đẻ mang trứng được vớt ra nuôi riêng.

       2.3.2. Chăm sóc ghẹ mang trứng

       Ghẹ mẹ ôm trứng được vớt nuôi riêng từng xô (60 lít), mỗi ngày thay nước một lần vào buổi chiều, thay 100% lượng nước. Trong thời gian ghẹ ôm trứng không cho ghẹ ăn vì sẽ làm cho trứng dễ bị nhiễm mầm bệnh. Sau 9-10 ngày quan sát thấy trứng chuyển sang màu xám đen thì chuyển ghẹ mẹ sang bể cho nở ấu trùng. Chọn những con ghẹ mẹ có khối phôi màu sắc xám đen, tươi sáng, bề mặt phẳng mịn (quan sát bằng cảm quan) để chuyển sang bể cho nở ấu trùng. Bể cho nở ấu trùng được kiểm tra nhiệt độ nước, độ mặn, pH, độ kiềm đạt các thông số kỹ thuật. Tắm ghẹ mẹ bằng formaline 34% với nồng độ 50 ppm trong 20 phút trước khi chuyển vào bể nở.

Ghẹ mang trứng chuẩn bị nở - Ảnh:Tg

       2.3.3. Cho nở và thu ấu trùng

       Ghẹ mẹ được giữ trong bể nở với mật độ 2-3 con/m2 với sục khí liên tục. Trong suốt thời gian trong bể nở không cho ghẹ mẹ ăn và theo dõi thường xuyên. Sau khi nở vớt ghẹ mẹ ra và tiến hành thu ấu trùng. Trước khi thu ấu trùng điều chỉnh van sục khí nhỏ lại  và quan sát để chọn những bể ấu trùng khỏe, quấn thành đám trên bề mặt bể để vớt chuyển sang bể ương. Dùng vợt để vớt ấu trùng và tắm ấu trùng với formaline 34% với nồng độ 50-70 ppm trong 1 phút. Sau đó định lượng và chuyển ấu trùng vào bể ương.

Ấu trùng ghẹ - Ảnh:Tg

       2.3.4. Ương và thu ấu trùng

       Ấu trùng được ương với mật độ 100 con/lít. Dụng cụ sử dụng trong quá trình ương như: vợt, bể ương, bể chứa nước, bể nuôi sinh khối Artemia, ... được vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng. Nước trước khi cấp vào bể ương được lọc sạch qua các lọc gòn và túi lọc nước, trước khi lắp ấu trùng Zoae 24h xử lý nước bằng suppercanxi 20ppm, sục khí liên tục. Các loại thức ăn sử dụng trong ương ấu trùng áp dụng theo Bảng 1. Trong quá trình ương theo dõi quá trình biến thái của ấu trùng nhằm đảm bảo điều chỉnh thành phần và lượng thức ăn phù hợp. Các chỉ tiêu chất lượng nước được theo dõi hằng ngày đảm bảo không dao động quá lớn và nằm trong khoảng thích hợp cho sự phát triển của ấu trùng ghẹ. Đáy bể ương được xiphong định kỳ vào cuối mỗi giai đoạn phát triển của ấu trùng. Nước ương ấu trùng được thay sau mỗi lần xi phong khoảng 30%.

Bảng 1: Các loại thức ăn sử dụng trong ương ấu trùng ghẹ xanh (ấu trùng ghẹ được cho ăn 6 lần/ngày)

Giai đoạn

Artemia (g/1 triệu ấu trùng/lần)

Tảo khô

Frippak

Lansy

(g/100.000 ấu trùng/lần)

Z1-Z3

30-50

5

5

5

Z3-Z5

50-70

7-10

7-10

7-10

Z5-Megalope (M)

80-90

12-15

12-15

12-15

M1-M7

100-110

 

16-17

16-17

Nhướng-dưa 3

120-150  (*)

 

20-25

20-25

(*) Sử dụng Artemia Mỹ bổ sung 02 lần/ngày

       Hằng ngày theo dõi chu kỳ chuyển giai đoạn của ấu trùng, quan sát ấu trùng. Ghi nhận toàn bộ số liệu trong quá trình sản xuất giống. làm cơ sỡ dữ liệu cho việc hoàn chỉnh tài liệu kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo ghẹ xanh tại tỉnh Cà Mau.

       Thu ghẹ giống: xiphong + hút nước bể ương đến khi còn mực nước 15 cm, dùng vợt lưới mềm vớt ghẹ giống ra chậu nước biển sạch. Dùng khay nhựa kích thước 20 x 30 cm, lót một lớp lưới vải mùng, cho một ít nước biển sạch vừa đủ ngập lớp lưới. Dùng vợt vớt ghẹ giống từ chậu lên cho vào đĩa mỏng, lấy tăm tre gạt nhẹ ghẹ giống sang khay nhựa kết hợp định lượng ghẹ giống. Mỗi khay nhựa chứa 1.000 ghẹ giống. Ghẹ giống được chuyển đến ao nuôi thương phẩm, tặng cho hộ nuôi xung quanh và thả lại môi trường nhằm tái tạo nguồn lợi trong thời gian không quá 6 giờ.

       III. Kết quả

       Sau hai đợt sản xuất thử nghiệm đạt 1.130.000 con ghẹ giống đạt chất lượng tốt, đồng đều và khỏe mạnh, kích cỡ ghẹ giống 5-7mm (đạt loại ghẹ hạt dưa 3); trong đó: Đợt 1 sản xuất được 480.000 con ghẹ giống, đợt 2 sản xuất được 650.000 con ghẹ giống. Đã thả nuôi thương phẩm vào 2 ao đất (mỗi ao diện tích 3.000m2) với số lượng 80.000 con giống (mỗi ao 40.000 con ghẹ giống với kích cỡ 5-7mm); hỗ trợ cho 27 hộ dân ở địa phương để nuôi thương phẩm thử nghiệm với số lượng 108.000 con ghẹ giống với kích cỡ 5-7mm; tổ chức thả về tự nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản với số lượng 492.000 con ghẹ giống. Số lượng ghẹ giống còn lại (450.000 con) giao lại cho chủ hộ sử dụng. 

Ảnh: Hỗ trợ giống ghẹ sản xuất được cho dân địa phương nuôi thương phẩm thử nghiệm

       3.1. Các yếu tố môi trường: Kết quả các yếu tố môi trường được trình bày cụ thể trong Bảng 2. Kết quả cho thấy các yếu tố môi trường dao động không quá lớn trong suốt quá trình sản xuất giống và thích hợp cho sự phát triển của ấu trùng ghẹ xanh.

Bảng 2: Các yếu tố môi trường trong quá trình sản xuất giống ghẹ xanh

Độ mặn

pH

Nhiệt độ

DO

Độ kiềm

20-30 ppm

7,5-8,5

26-30oC

5-6 mg/l

80-120 mg/l

       3.2. Tỷ lệ ghẹ ôm trứng của ghẹ gạch

       Kết quả 02 đợt sản xuất giống được tiến hành trên 220 con ghẹ gạch được nuôi vỗ cho thấy có 145 ghẹ ôm trứng, chiếm 65,9%. Thời gian nuôi vỗ kéo dài trong khoảng 08-15 ngày. Trong đó, đợt 1 thời gian nuôi vỗ từ 10-15 ngày với tỷ lệ ghẹ ôm trứng khoảng 63%, đợt 2 từ 08-10 ngày với tỷ lệ ghẹ ôm trứng khoảng 68%. Từ kết quả trên cho thấy, chất lượng ghẹ mẹ vào đợt sản xuất giống lần 2 vào tháng 3 cho chất lượng tốt hơn, tỷ lệ ghẹ ôm trứng cao hơn và thời gian nuôi vỗ ngắn hơn so với ghẹ mẹ vào đợt sản xuất giống đợt 1 vào tháng 11. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với kết quả đánh giá nguồn lợi ghẹ xanh năm 2013 ở vùng biển Kiên Giang, mùa sinh sản chính của ghẹ kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4 với đỉnh sinh sản ở tháng 3 và mùa sinh sản phụ từ tháng 8 đến tháng 11.

       3.3. Tỷ lệ nở của trứng

       Tỷ lệ nở của trứng dao động từ 60-70%. Trong đó, sản xuất giống đợt 1 tỷ lệ nở của trứng đạt 60% và đợt 2 đạt 70%.

       3.4. Tỷ lệ sống của ấu trùng đến ghẹ giống

       Tỷ lệ sống của ấu trùng đến ghẹ giống trung bình trong sản xuất giống nhân tạo ghẹ xanh đạt 11,1%; trong đó, đợt 1 đạt 10,6% tương đương với 480.000 con ghẹ giống và đợt 2 đạt 11,5% tương đương với 650.000 con ghẹ giống. Tỷ lệ sống của ấu trùng đến ghẹ giống cao hơn so với thuyết minh đề cương. Đặc biệt, trong đợt 2 cao hơn so với đợt 1, điều này được cho rằng do chất lượng ghẹ mẹ đợt 2 tốt hơn cùng với nhóm nghiên cứu đã có kinh nghiệm trong sản xuất giống ghẹ xanh.

Ảnh: Ghẹ giống

       IV. Kết luận và đề xuất

       Kết quả thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo ghẹ xanh (P. pelagicus) tại tỉnh Cà Mau cho tỷ lệ ghẹ ôm trứng 65,9%, tỷ lệ nở của trứng đạt 60-70%, tỷ lệ sống của ấu trùng đến ghẹ giống đạt 11,1%, số lượng ghẹ giống thu được 1.130.000 con. Tỷ lệ sống của ấu trùng đến ghẹ giống và số lượng ghẹ giống thu được vượt so với thuyết minh đề cương.

       Để sản xuất giống ghẹ xanh tại tỉnh Cà Mau có hiệu quả, nhóm thực hiện dự án khuyến cáo nên tiến hành sản xuất giống vào mùa vụ sinh sản chính (từ tháng 2 đến tháng 4). Do đây là mùa vụ sinh sản chính nên chất lượng ghẹ mẹ tốt hơn, tỷ lệ ghẹ ôm trứng và tỷ lệ sống của ấu trùng tốt hơn.

       Kết quả từ dự án cho thấy hoàn toàn có khả năng sản xuất giống nhân tạo ghẹ xanh (Portunus pelagicus) trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ghẹ xanh là đối tượng có giá trị kinh tế cao và hiện trạng trữ lượng khai thác ghẹ xanh đang giảm. Do đó, thành công ban đầu của dự án hướng đến sản xuất giống đại trà nhằm nhân rộng mô hình nuôi thương phẩm ghẹ xanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau và tái tạo nguồn lợi ghẹ xanh đang trên đà suy giảm.

KS. Bùi Nhật Phương - ThS. Trương Huỳnh Như và ThS. Nguyễn Trung Chánh