Kết quả thực hiện dự án: Nuôi sò huyết (Anadara granosa) tại xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Huyện Đầm Dơi nằm ở Phía Đông Nam tỉnh Cà Mau. Phía Bắc giáp thành phố Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu, phía Nam giáp huyện Ngọc Hiển, phía Tây giáp huyện Cái Nước, phía Đông giáp biển Đông. Huyện có diện tích tự nhiên 82.606 ha; có chiều dài bờ biển 25 km, với 03 xã giáp biển (Tân Thuận, Tân Tiến và Nguyễn Huân), có hệ thống sông ngòi chằn chịt, với các cửa sông lớn thông ra biển Đông như: Cửa Giá Cao, Gành Hào, Áp Hạp, Hố Gùi, Giá Lồng Đèn..., với chế độ bán nhật triều, độ mặn quanh năm tương đối cao, rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản.

Huyện Đầm Dơi là huyện trọng điểm về nuôi trồng thủy sản của tỉnh, với diện tích nuôi trồng thủy sản 62.059 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh 2.072 ha, quảng canh cải tiến 43.600 ha, tôm rừng 5.166 ha. Mặc khác, hiện nay người dân nuôi tôm sú kết hợp với sò huyết trên 2.000 ha, chủ yếu trong vuông tôm quảng canh, quảng canh cải tiến; năng suất đạt từ 2 - 3 tấn/ha (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi, 2021). Tuy nhiên, thời gian gần đây tình hình sản lượng sò huyết nuôi giảm đáng kể do một số nguyên nhân sau: (i) nguồn giống kém chất lượng; (ii) thả với diện tích lớn, không bao ví, khó chăm sóc và quản lý; (iii) rong đáy phát triển và nền đáy bị ô nhiễm khó xử lý, ảnh hưởng đến sò huyết; (iv) tỷ lệ hao hụt cao; (v) năng suất thấp. Vì vậy, việc thực hiện dự án nuôi thử nghiệm “Nuôi sò huyết (Anadara granosa) tại xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau” là cần thiết vì những lợi ích nổi bật như: (i) Chọn được nguồn giống tốt, chất lượng; (ii) bao ví, kiểm soát tốt giai đoạn phát triển của sò huyết; (iii) tỷ lệ sống cao, ít hao hụt. Ngoài hiệu quả kinh tế, kết quả của dự án còn là mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, tạo điều kiện cho nông dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất, tận dụng, khai thác tiềm năng đất đai có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện.

II. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

Dự án được triển khai trong thời gian 12 tháng tại xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, với 34 hộ nuôi, diện tích 25 ha. Các bước được triển khai thực hiện cụ thể như sau:

- Ký hợp đồng với các hộ thực hiện dự án có xác nhận của chính quyền địa phương.

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ dân thực hiện dự án.

- Kiểm tra, hướng dẫn cải tạo vuông nuôi và thả giống.

- Cung cấp các nguyên vật liệu, vật tư cần thiết cho hộ dân thực hiện dự án (theo tiến độ triển khai dự án).

- Kiểm tra, theo dõi quá trình thực hiện dự án và sự phát triển sò huyết nuôi hàng tuần.

- Tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật sản xuất và phương thức tổ chức sản xuất sau khi kết thúc dự án.

- Xây dựng báo cáo tổng kết và nghiệm thu dự án.

- Phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhân rộng dự án ở các xã khác có điều kiện tương tự.

- Thành lập 02 tổ hợp tác và 01 Hợp tác xã nuôi sò huyết.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Điều kiện vuông nuôi

- Diện tích vuông nuôi 5.000 - 10.000 m2, trong đó diện tích nuôi sò huyết được bao ví bằng lưới từ 2.000 - 3.000 m2, diện tích còn lại thả tôm sú.

- Trước khi thả sò huyết giống ta tiến hành phơi từ 10 ngày, nứt chân chim, đồng thời xử lý sạch rong mặt trảng.

- Bón vôi, với liều lượng 500 kg/10.000 m2;

- Cấp nước: Nước được cấp vào vuông qua cống (chọn nước tốt cấp vào vuông), mực nước trảng đạt >0,5m, kênh mương đạt 1,3m. Sau 3 ngày tiến hành xử lý nước.

- Diệt khuẩn bằng Iodine, với liều lượng 1 lít/5.000 m3 nước (sau 3 ngày).

- Gây màu nước:

+ Dùng phân DAP liều lượng: 20 kg/ha hòa nước tạt đều khắp vuông nuôi.

+ Thời gian sử dụng buổi sáng khi trời có nắng.

+ Sau khi gây màu nước được 3 ngày, cấy vi sinh, kiểm tra các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp thì tiến hành thả sò huyết giống.

2. Chọn giống và thả giống

2.1 Sò huyết

Sò huyết được chọn cơ sở ương trên tuyến sông Bảy Háp.

Lưu ý: Trước khi thả sò huyết chủ nhiệm dự án và các thành viên lấy mẫu về thả (10 hộ, mỗi hộ làm 2 m2, thả 120 con, sau 5 ngày bắt sò lên đếm, nếu tỷ lệ sống trên 80% thả, dưới 80%, không thả. Kết quả đạt trên 90%), báo cho cơ sở ương biết để bắt, đồng thời cử hộ dân và thành viên ở lại giữ bãi sò đến khi bắt thả hết mới được về. Tránh để cơ sở không đủ lượng đổi sò từ nơi khác đến.

+ Sò huyết giống tốt thường có màu trắng hồng, sạch sẽ, không lẫn tạp vật,...

+ Kích cỡ sò khoảng: 900 con/kg.

+ Mật độ nuôi: 60 con/m2

+ Thả sáng sớm hoặc chiều mát, rải đều khắp khu vực rào lưới.

2.2 Tôm sú

+ Bắt tôm 02 giai đoạn, cở sở ương tôm từ Post 15 lên thêm 15 ngày, rồi thả xuống vuông, với mật độ 2 con/m2.

+ Nguồn tôm giống của địa phương được chọn theo tiêu chuẩn: TCVN:8398:2012 từ cơ sở cung cấp tôm giống uy tín và có hồ sơ chứng minh nguồn gốc tôm giống của các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền cấp chứng nhận, cỡ giống từ PL12 - 15, tôm giống được xét nghiệm PCR trước khi thả. Thả vào sáng sớm.

3. Chăm sóc, quản lý

Trong quá trình nuôi, hạn chế việc sử dụng hóa chất. Tuy nhiên, vào những ngày mưa lớn kéo dài, nên bón vôi CaCO3 liều lượng 10 - 15 kg/1.000 m3.

Định kỳ 4 lần/tháng kiểm tra các yếu tố môi trường ngoài kênh cấp trước khi cấp và thay nước.

Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học EM.S (loại thường) 2 lần/tháng với liều lượng 30 lít/ha để ổn định môi trường nước.

Định kỳ 1 lần/tháng khi cấp nước vào vuông nuôi sử dụng chế phẩm sinh học và bónphân để tạo thức ăn tự nhiên cho sò huyết và tôm sú khi không trao đổi nước liên tục từ ngoài vào (DAP 20kg/ha).

- Sò huyết và tôm sú được thu mẫu định kỳ 2 lần/tháng để xác định tỷ lệ sống và tăng trưởng.

4. Các trường hợp phát sinh trong quá trình nuôi

4.1 Rong đáy phát triển, nền đáy đen

Sò huyết là loài ăn lọc nên việc nền đáy bị rong sẻ ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như tỷ lệ sống của sò. Do đó, khi chủ nhiệm dự án và các thành viên đi kiểm tra thì phát hiện sò bị đen, đồng thời dưới trảng có rong đáy phát triển; chủ nhiệm dự án hướng dẫn hộ nuôi dùng Zeolite kết hợp chế phẩm sinh học xử lý kết hợp với phơi trảng 1 - 2h mỗi ngày, lặp lại 3 lần; nếu hộ nào có điều kiện chuyển sò sang nơi khác, khi sò huyết ở nơi mới, môi trường, thúc đẩy sự phát triển của sò huyết. Ngoài ra, trường hợp người dân thả sò huyết gần bờ, khi trời mưa, phèn trên bờ vuông trôi xuống; chủ nhiệm dự án hướng dẫn hộ dân dùng vôi, dolomit để giảm phèn hoặc bắt bắt chuyển sò huyết ra xa bờ vuông.

4.2 Khi cấp nước

Định kỳ hoặc đột xuất theo điều kiện, trước khi cấp nước cần quan sát môi trường nước bên ngoài trước khi cấp vào vuông nuôi, tránh trường hợp lấy nước bị ô nhiễm bên ngoài vào.

5. Thu hoạch

Cỡ giống sò huyết thả khoảng 900 con/kg. Sau thời gian nuôi 10-12 tháng thu hoạch, sò huyết đạt kích cỡ thương phẩm từ 80-100 con/kg. Tiến hành tháo cạn nước, dùng vợt có mắc lưới phù hợp để cào bắt những con đạt kích cỡ thương phẩm, con nhỏ bố trí khu vực khác trong vuông thả lại.

Riêng đối với tôm sú, sau 4-5 tháng nuôi, thu tỉa bằng cách đặt lú thưa hoặc xổ cống theo con nước.

6. Đánh giá hiệu quả kinh tế dự án

Với quy mô thực hiện trên 34 hộ, mô hình nuôi có tổng chi phí đầu tư trực tiếp là 2.489.741.000 đồng.

Bảng 1: Kết quả thu hoạch

 Nội dung

Số lượng (kg)

Đơn giá (đồng)

Thành tiền (đồng)

Sò huyết (85 con/kg)

31.650

100.000

3.165.000.000

Tôm sú (30 con/kg)

9.734

200.000

1.946.800.000

Tổng thu (đồng)

 

 

5.111.800.000

Từ kết quả bảng 1 cho thấy tổng thu trên 5 tỷ đồng, nếu tính bình quân cho mỗi ha thu hoạch trên 200 triệu đồng. Đây là kết quả được thực hiện trong một năm và kết quả này là chấp nhận được, phù hợp với tình hình thực tiễn sản xuất của người dân trong điều kiện nghề “làm vuông” hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Tuy lợi nhuận mang lại chưa cao, nhưng so với lợi nhuận từ mô hình nuôi tôm truyền thống mang lại thì có phần cao và ổn định hơn; và quan trọng hơn đây mới là mô hình khởi điểm, sau khi kết thúc mô hình thì từng bước giúp bà con nông dân hiểu và mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất vào những vụ sau, hứa hẹn sẽ đạt nhiều hiệu quả.

Qua quá trình thực hiện mô hình bước đầu có thể đánh giá sò huyết là đối tượng nuôi không những góp phần tăng thêm thu nhập mà còn gián tiếp cải thiện năng suất tôm sú nuôi. Qua nghiên cứu cho thấy sò huyết là đối tượng ăn lọc không chọn lọc, góp phần làm giảm các thành phần độc hại trên nền đáy vuông nuôi. Từ đó có thể nhận định trong mô hình nuôi kết hợp sò huyết và tôm sú sẽ làm môi trường nước được cải thiện hơn, giúp tôm sú nuôi hiệu quả hơn.

Bảng 2: Hoạch toán dự án

 

TT

Nội dung

Thành tiền (Tr.đồng)

Ghi chú

I

Chi phí

2.374.924

 

1

Sò huyết giống

     1.142.400

 

2

Tôm sú giống

          43.784

 

3

Iodine

          12.500

 

4

Vôi CaCO3 (500 kg/ha/vụ)

          25.000

 

5

Phân bón DAP

          75.000

 

6

Chế phẩm sinh học EM

        150.000

 

7

Lưới mành

          81.600

 

8

Lưới gân thưa

          68.000

 

9

Cải tạo vuông

        200.000

 

10

Cây rào lưới

          34.000

 

11

Bộ Test kit đo pH

            4.420

 

12

Bộ Test kit đo kiềm

            4.420

 

13

Tỷ trọng kế đo độ mặn

            3.400

 

14

Công lao động của hộ dân

        530.400

 

II

Doanh thu

5.111.800

 

1

Sò huyết

3.481.500

 

2

Tôm sú

1.891.200

 

III

Lãi (Doanh thu-chi phí)

2.736.876

 

Với kết quả về sản lượng thu hoạch sò huyết và tôm sú tiêu thụ với giá bán bình quân là 100.000 đồng/kg đối với sò huyết, 200.000 đồng/kg đối với tôm sú, xác định được tổng thu nhập đã trừ chi phí của mô hình gần 2,8 tỷ đồng (Bảng 2). Như vậy, trừ hết chi phí mỗi ha thu được lợi nhuận trên 80 triệu đồng/ha/năm. Quy trình kỹ thuật nuôi đơn giản, dễ áp dụng, phù hợp với điều kiện sản xuất, khả năng tiếp nhận kỹ thuật và vốn đầu tư của đa số người dân.

7. Hiệu quả xã hội

Dự án Nuôi sò huyết (Anadara granosa) tại xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau” được triển khai thực hiện ngoài hiệu quả kinh tế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân còn mang lại hiệu quả xã hội tích cực.

Thông qua các mô hình sản xuất của dự án, từng bước giúp người dân biết tận dụng, khai thác tiềm năng đất đai để nâng cao năng suất, sản lượng để tăng thu nhập; tạo thêm công ăn việc làm tại chỗ cho người lao động; góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và an ninh trật tự ở địa phương. Quá trình thực hiện các mô hình đã tạo điều kiện cho người dân có điều kiện tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật và cách tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, hợp tác.

Từ việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả hiệu quả kinh tế từ mô hình, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nông hộ. Kết quả của dự án còn là mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang tính bền vững. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân từng bước tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán sản xuất cũ; giúp người dân biết tận dụng, khai thác tiềm năng đất đai, nâng cao sản lượng và thu nhập; tạo thêm công ăn việc làm cho người dân lao động, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh.

Điểm nổi bật trong các mô hình sản xuất đã được người dân quan tâm đánh giá cao và tin tưởng áp dụng là ứng dụng chế phẩm sinh học vào quy trình nuôi, nhằm khẳng định vai trò tích cực của chế phẩm sinh học trong nuôi tôm - sò huyết. Chế phẩm sinh học không những cải tạo nguồn nước thích nghi cho tôm, sò nuôi sinh trưởng và phát triển, mà còn giúp xử lý giảm thiểu các chất thải độc hại, góp phần tạo cho môi trường vùng nuôi ổn định và phát triển bền vững. Mặt hạn chế trong quá trình sử dụng chế phẩm sinh học là bà con nông dân sử dụng không thường xuyên trong quá trình nuôi, từ đó cũng đã ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả sản xuất.

 

                                                                 Huỳnh Nhật Trường