Kết quả thực hiện dự án: nuôi sò huyết thương phẩm trong vuông nuôi tôm sú quảng canh tạo nguyên liệu cho sản phẩm sò huyết xã rạch và việt thắng Tham gia ocop

       Cà Mau có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển thủy sản nói chung và nghề nuôi trồng thủy sản nói riêng, trong đó có nghề nuôi sò huyết. Nghề nuôi sò huyết của Cà Mau mới thật sự phát triển kề từ năm 2013 với hình thức khai thác, bảo vệ nguồn lợi tự nhiên là chủ yếu. Từ năm 2013 - 2021, diện tích nuôi sò huyết có tốc độ tăng trưởng bình quân 36,2%/năm về diện tích (1.125 ha lên 3.410 ha), 18,2%/năm về năng suất (2,5 - 4,0 tấn/ha) và 60,5%/năm về sản lượng (2.812 - 11.080 tấn). Phần lớn diện tích nuôi sò huyết chủ yếu nuôi kết hợp trong vuông nuôi tôm quảng canh và nuôi tại một số vùng bãi bồi ven biển như Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Đầm Thị Tường …. Tuy diện tích có tốc độ tăng nhanh nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, huyện. Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp đến cuối năm 2022 tỉnh Cà Mau chỉ có khoảng 10.500 ha diện tích nuôi sò huyết, sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Mặc dù các cơ quan chuyên môn đã có chủ trương và các chính sách hỗ trợ, nhưng tốc độ phát triển vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra.  
       Phú Tân là huyện ven biển của tỉnh Cà Mau có chiều dài bờ biển khoảng 37km, có 6 cửa sông lớn, nhỏ thông ra biển như: cửa Cái Đôi Vàm, Công Nghiệp, Cái Cám, Mỹ Bình, Sào Lưới và Gò Công. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, đặc biệt huyện có nguồn Sò huyết được ương dưỡng tại địa phương như: Đầm Thị Tường, xã Phú Mỹ; Sông Bảy Háp, xã Rạch Chèo, đây là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển nghề nuôi này. Mô hình nuôi sò huyết trong vuông nuôi tôm sú quảng canh hay nuôi kết hợp dưới tán rừng trong những năm qua đã được nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện trong tỉnh Cà Mau nói chung và huyện Phú Tân nói riêng mang lại hiệu quả kinh tế khá tốt, tuy nhiên rất ít hộ thực hiện nuôi bao ví trong vuông tôm quảng canh, các hộ thực hiện đều mang lại hiệu quả chưa tốt, cần có một nghiên cứu để đánh giá trên cơ sở khoa học về sự hiệu quả của mô hình này để nhân rộng trong thời gian tới nhằm tăng thu thu cho người dân góp phần xây dựng nông thôn mới. Đồng thời trên địa bàn huyện nghề nuôi sò huyết quy mô nhỏ lẻ, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa được hình thành, người nuôi chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, xuất phát từ những thực tế trên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Tân được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau giao làm chủ trì thực hiện dự án Nuôi Sò huyết thương phẩm trong vuông nuôi tôm sú quảng canh tạo nguyên liệu cho sản phẩm Sò huyết xã Rạch Chèo và Việt Thắng tham gia OCOP.
       Dự án được triển khai với quy mô là 47,9 ha/23 hộ tại 2 xã Việt Thắng và Rạch Chèo. Sau khoảng 9 -10 tháng nuôi (2 vụ tôm, 1 vụ sò), dự kiến sản phẩm thu được khoảng trên 17 tấn tôm sú và trên 11 tấn sò huyết. Bài viết này xin tóm tắt quy trình kỹ thuật nuôi như sau:
       - Sơ đồ kỹ thuật của dự án.

Hình 1. Sơ đồ kỹ thuật nuôi của dự án

       1. Chuẩn bị điều kiện vuông nuôi
       - Vuông nuôi các hộ có diện tích từ 1,3 – 3.5 ha(trong đó diện tích bao ví để nuôi sò 0,2ha/hộ) và có hệ thống cấp thoát nước dễ dàng.
       - Bờ bao được gia cố chắc chắn, ngăn ngừa được sự thẩm lậu, sạt lở.
       - Bãi nuôi sò huyết được chọn cách cống 40m, mặt bãi tương đối bằng phẳng, độ dốc thấp, ít sóng gió.
       - Trước khi thả sò huyết giống, thực hiện việc sên vét bùn đáy, phơi trảng và tiến hành bón vôi.
       - Bón vôi CaCO3 với liều lượng 500 kg/ha, phơi vuông từ 7 - 10 ngày.
       - Tiến hành bao ví, dùng lưới (mắt lưới khoảng 4-5mm) rào xung quanh với độ cao từ 0,5-0,6m, chân lưới được vùi xuống sâu mặt bãi từ 0,2–0,3m, có cấm cọc cây nhằm giữ cho lưới đứng nghiêng về phía trong, khoảng cách giữa các cọc khoảng 2-3m. Chọn khu vực gần cống để nguồn nước lấy vào được đảm bảo lượng dinh dưỡng từ nước vào làm thức ăn cho sò trong quá trình nuôi.
       - Lấy và xử lý nước: Sau khi cải tạo xong, tiến hành lấy nước vào vuông nuôi. Nên theo dõi chất lượng nước ngoài kênh rạch trước khi cấp để đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho sò nuôi phát triển.
       - Sử dụng chế phẩm sinh học Bồ Đề, liều lượng 2 lít/1000m3 để gây màu nước và ổn định môi trường.
       - Kiểm tra các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp thì tiến hành thả giống.

Hình 2. Bao ví khu vực nuôi sò

       2. Chọn giống và thả giống
       - Sò huyết giống: Được lựa chọn tại cơ sở ương nuôi có uy tín (HTX Hòa Hiệp) được ương dưỡng tại khu vực bãi bồi sông Bảy Háp. Sò mạnh, kích cỡ 700 – 800 con/kg. Trước khi thả sò huyết giống tiến hành thả mẫu thử cho 23 hộ (0,5kg/hộ), sau 05 ngày kiểm tra tỷ lệ sống sò đạt trên 90% mới tiến hành thả giống.

 

Hình 5. Sò huyết giống và vận chuyển

       Sò giống được thả vào lúc trời mát, rãi đều trên mặt diện tích nuôi đã được bao ví.
       - Sau khi thả sò giống khoảng 15 ngày thì tiến hành thả tôm giống. Tôm sú giống: Nguồn tôm giống được chọn tại cơ sở có uy tín đạt theo tiêu chuẩn: TCVN:8398:2012 và có hồ sơ chứng minh nguồn gốc tôm giống của các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền cấp chứng nhận, cỡ giống từ PL 12 – 15, tôm giống được xét nghiệm PCR trước khi thả.
       + Thả tôm giống vào lúc trời mát. Trước khi thả giống được thuần hóa  thích nghi với môi trường vuông nuôi.
       + Mật độ thả: 02 con/m2/vụ, thực hiện 2 đợt thả, khoảng cách giữa 02 đợt thả giống là 04 tháng.
 

Hình 6. Thả sò huyết giống

       3. Chăm sóc và quản lý
       - Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường, đặc biệt là đối với những ngày có mưa, nếu môi trường có sự biến động lớn như pH, kiềm,... bón vôi CaCO3 với liều lượng 10 - 15 kg/1.000m3 hạ phèn và ổn định môi trường. Vào mùa mưa tiến hành xả nước tầng mặt (vì tầng mặt là tầng nước mưa).
       - Sau khi thả tôm giống thì định kỳ 2 lần/tháng sử dụng chế phẩm sinh học Bồ Đề (sử dụng sau khi thay nước) để ổn định môi trường nước và tạo thức ăn cho tôm và sò huyết với liều lượng 1lít/1.000m3.
       - Thường xuyên kiểm tra vuông nuôi để kịp thời phát hiện những bất thường xảy ra đối với sò huyết và tôm nuôi. 
       - Định kỳ thay nước 2 lần/tháng, mỗi lần thay 2 – 3 ngày với tỷ lệ 20 – 30% nước vuông nuôi để đảm bảo tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên cho sò và tôm sinh trưởng, phát triển.
       - Thường xuyên kiểm tra các thông số môi trường như: nhiệt độ, pH, độ mặn, NH3, ...bằng dụng cụ test môi trường để kịp thời đưa ra giải pháp tác động khắc phục hiệu quả nhất. 
       - Định kỳ 15 ngày/lần kiểm tra mức tăng trưởng của sò huyết và tôm nuôi để theo dõi tăng trưởng, sức khỏe các đối tượng nuôi và có hướng xử lý kịp thời.
       4. Thu hoạch
       - Sò huyết: Sau khoảng thời gian nuôi 9- 10 tháng sò huyết đạt kích cỡ 70 - 90 con/kg, thu hoạch 1 lần bằng cách xả nước mặt trảng còn 20 cm, tiến hành cào và mò bắt.
       - Tôm sú: Nuôi từ tháng thứ 4 trở đi (tôm đạt kích cỡ 20 – 30 con/kg) ở vụ nuôi thứ nhất thì tiến hành thu hoạch bằng cách sổ cống kết hợp đặt lú với mắt lưới phù hợp để thu hoạch tôm đạt kích cỡ lớn từ 30 con/kg trở lên. Đối với vụ nuôi thứ 2 khi tôm đạt kích cỡ thương phẩm từ 20 – 30 con/kg thì tiến hành thu hoạch, phương pháp thu hoạch như vụ nuôi thứ nhất. 
Một số nhận xét, đánh giá khi triển khai thực hiện dự án
       - Dự án “Nuôi sò huyết thương phẩm trong vuông nuôi tôm sú quảng canh tạo nguyên liệu cho sản phẩm sò huyết xã Rạch Chèo và Việt Thắng tham gia OCOP” được triển khai thực hiện góp phần tạo thêm sự phong phú và đa dạng về đối tượng nuôi, hình thức nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện, sản phẩm cũng sẽ chủ động về sản lượng phục vụ tốt cho nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài tỉnh, phát triển sản xuất các sản phẩm trọng điểm theo chuỗi giá trị, khai thác thế mạnh của địa phương; tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Hỗ trợ phát triển các chủ thể OCOP, dự án thành công sẽ mở rộng diện tích nuôi trong vùng dự án và trên địa bàn huyện. Đồng thời, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương, làm cơ sở tốt để triển khai nhân rộng cho người dân trong vùng, qua đó từng bước đẩy mạnh công tác tuyên truyền về loại hình nuôi mới thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững; Bảo đảm ổn định nguyên liệu cho sản xuất.
       - Dự án đã hỗ trợ thêm cho hộ dân nguồn vốn, để giảm bớt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, diễn biến khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và giá cả đầu vào ngày càng gia tăng.

Ks.  Lý Trường An - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân