Kết quả thực hiện dự án: xây dựng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “khô cá lóc – Cà Mau”.

1. Đặt vấn đề

Cà Mau có điều kiện tự nhiên và tiềm năng lớn để phát triển kinh tế toàn diện, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp, trong đó có những vùng chuyên canh tôm, chuyên canh lúa, chuyên canh lúa cá đồng và chuyên canh lúa tôm. Năm 2021, ước sản lượng lúa trong tỉnh đạt 460.000 tấn, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 565.650 tấn, diện tích nuôi tôm thâm canh đạt 7.926 ha, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt 161.467 ha, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 1.100 triệu USD, GRDP bình quân đầu người đạt 44,3 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế (giá thực tế) trong tỉnh: lĩnh vực: ngư, nông, lâm nghiệp chiếm 33,7%; công nghiệp, xây dựng chiếm 29,4%; dịch vụ chiếm 32,6%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm chiếm 4,3% (Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, 2021).

Do có điều kiện tự nhiên thuận lợi, hệ sinh thái đa dạng nên Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi có nhiều đặc sản ngon và hấp dẫn, đặc sản Cà Mau là niềm tự hào cũng là nguồn thu nhập đáng kể của người dân địa phương. Ngoài những sản phẩm chủ lực của tỉnh như: lúa chất lượng cao, gỗ, tôm, cua và chuối, thì cá đồng cũng là ngành hàng có nguồn thu nhập đáng kể, đặc biệt là cá lóc được nuôi tự nhiên ở vùng U Minh Hạ và một phần thành phố Cà Mau. Toàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 19.861 ha diện tích nuôi cá lóc với sản lượng đạt khoảng 4.210 tấn/năm, chủ yếu được nuôi trong hệ thống kênh mương ở các lâm phần trồng rừng tràm hoặc keo lai; với hơn 25 cơ sở sản xuất, hộ gia đình chuyên làm khô cá lóc cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Hiện tại, nhận thức về sở hữu trí tuệ ở một số doanh nghiệp trong tỉnh Cà Mau đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, số lượng doanh nghiệp đăng ký bảo hộ về sở hữu trí tuệ không ngừng tăng lên, một số doanh nghiệp không chỉ đăng ký bảo hộ trong nước mà còn bảo hộ ngoài nước, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản. Từ đó cho thấy, sở hữu trí tuệ là điều kiện cần thiết và là một trong những yếu tố rất quan trọng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Đến nay, tỉnh Cà Mau đã nộp tổng số trên 1.186 đơn bảo hộ tài sản trí tuệ về lĩnh vực sở hữu công nghiệp, được cấp trên 812 văn bằng bảo hộ (Cục Sở hữu trí tuệ, 2021). Về lĩnh vực bảo hộ các sản phẩm đặc sản, đặc thù của địa phương, toàn tỉnh đã bảo hộ được 01 chỉ dẫn địa lý, 11 nhãn hiệu chứng nhận và 10 nhãn hiệu tập thể. Thông qua đó, đã góp phần quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm ra công chúng và từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm bảo hộ trên thị trường (Sở KH&CN, 2021). 

Thực hiện Kế hoạch số 09/KH-SKHCN ngày 20/01/2020 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau về việc triển khai dự án thuộc Chương trình xây dựng bảo hộ và quản lý phát triển các sản phẩm đặc thù và đặc sản địa phương năm 2020, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN tỉnh Cà Mau đăng ký tuyển chọn, được Sở Khoa học và Công nghệ thống nhất cho triển khai thực hiện dự án: Xây dựng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau”, thời gian thực hiện từ 8/2020 – 4/2022. Kết quả của dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người dân và chính quyền địa phương vùng triển khai dự án những kiến thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đặc biệt là lĩnh vực bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nâng cao giá trị của sản phẩm được bảo hộ và giữ gìn thương hiệu đặc sản khô cá lóc của quê hương Cà Mau.

2. Kết quả thực hiện

2.1. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau”

Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau” được nộp đến Văn phòng 2 – Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 28/12/2020, số đơn: 4-2020-54622. Thành phần hồ sơ gồm:

-  Mẫu nhãn hiệu.

- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu.

- Giấy ủy quyền.

- Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau”.

- Văn bản của UBND tỉnh Cà Mau cho phép sử dụng địa danh “CÀ MAU” gắn với nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau”.

- Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với địa danh có xác nhận của UBND tỉnh Cà Mau, gồm các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau.

Nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ theo Quyết định số 77129/QĐ-SHTT ngày 06/10/2021 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, có hiệu lực 10 (mười) năm tính từ ngày 28/12/2020. Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau” là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Cà Mau theo Quyết định số 6993/UBND-KGVX ngày 03/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc trao quyền sở hữu và cho phép sử dụng địa danh của địa phương để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận.

Hình 1: Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Khô cá lóc – Cà Mau” 

* Sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận gồm:

- Khô cá lóc nguyên con.

- Khô cá lóc xẻ.

* Dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận gồm:

- Dịch vụ mua bán sản phẩm khô cá lóc nguyên con và khô cá lóc xẻ.

- Dịch vụ quảng cáo, quảng bá các sản phẩm khô cá lóc nguyên con và khô cá lóc xẻ.

 

Hình 2: Logo nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau”

2.2. Xây dựng quy chế, quy trình quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau”

 Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN Cà Mau chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và hoàn thiện 05 (năm) quy chế, quy trình phục vụ quản lý và khai thác nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau”. Các quy chế, quy trình bao gồm:

- Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau”.

- Quy chế cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau”.

- Quy chế kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau”.

- Quy chế cấp và sử dụng tem mang nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau”.

- Quy trình kỹ thuật nuôi, chế biến sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau”.

Tất cả các quy chế, quy trình nói trên đều được đóng thành quyển nhỏ, khổ 10 x 14 cm để phục vụ các thành viên, người dân và doanh nghiệp có liên quan đến NHCN “Khô cá lóc – Cà Mau”. Các quy chế, quy trình được xây dựng, hoàn thiện và do chủ sở hữu ban hành là cơ sở pháp lý để chủ sở hữu và ban quản lý khai thác và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Khô cá lóc – Cà Mau” đạt hiệu quả cao trong thời gian tới. Về lâu dài, nếu các quy chế, quy trình trong quá trình vận hành có những sai sót, không còn phù hợp với tình hình thực tế,… chủ sở hữu và ban quản lý nhãn hiệu chứng nhận nghiên cứu, chỉnh sửa và ban hành lại theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ để phù hợp với điều kiện quản lý thực tế tại địa phương.

 

Hình 3: Sổ tay các quy chế, quy trình quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau”

Ban chủ nhiệm dự án phối hợp chủ sở hữu và các đơn vị có liên quan tổ chức 02 lớp tập huấn với chủ đề: Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Khô cá lóc – Cà Mau” tại xã Khánh Thuận huyện U Minh (01 lớp) và thị trấn Thới Bình huyện Thới Bình (01 lớp) với 40 người tham dự.  Lớp tập huấn đã trang bị được những kiến thức cần thiết về sở hữu trí tuệ cho người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, góp phần nâng cao việc khai thác, quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau”, tạo điều kiện thuận lợi để nhãn hiệu được bảo hộ phát triển ổn định, hiệu quả trong thời gian tới.

Hình 4: Tập huấn quản lý và khai thác nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau”

chủ nhiệm dự án đã thiết kế, in ấn tem nhãn góp phần phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau” cho 03 (ba) cơ sở có sản xuất, kinh doanh khô cá lóc trong tỉnh gồm: cơ sở Đạt Hằng (thành phố Cà Mau), cơ sở Thúy Hằng (huyện Thới Bình), cơ sở Khải Hoàn (huyện Trần Văn Thời), mỗi cơ sở hỗ trợ 1.000 tem nhãn. Hỗ trợ 02 cơ sở sản xuất, kinh doanh khô cá lóc trong tỉnh đăng ký và được chủ sở hữu cấp quyền sử dụng NHCN “Khô cá lóc – Cà Mau”, thời gian sử dụng là 03 (ba) năm, có thể gia hạn sau khi hết thời gian sử dụng. Hai cơ sở được cấp quyền sử dụng gồm: hợp tác xã Đồng Thuận (huyện U Minh), giấy chứng nhận số 01/GCN-NHCNKL; hộ kinh doanh Bảo An (huyện Trần Văn Thời), giấy chứng nhận số 02/GCN-NHCNKL. Từ đó, tạo lập được nhãn hiệu riêng và nâng cao được giá trị của sản phẩm khô cá lóc trong các cơ sở tham gia dự án.

Hình 5: Tem nhãn đã đóng (dán) lên bao bì sản phẩm

2.3. Đề xuất mô hình quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau”

Để đảm bảo chất lượng đầu ra và nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường đối với nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau”, Ban chủ nhiệm xây dựng mô hình quản lý và khai thác nhãn hiệu chứng nhận, góp phần quản lý và khai thác có hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau” đạt hiệu quả cao trong thời gian tới. Về lâu dài, trong quá trình vận hành, nếu có phát sinh những nội dung bất hợp lý thì chủ sở hữu, ban quản lý nhãn hiệu chứng nhận, doanh nghiệp và người dân sử dụng vùng triển khai dự án sẽ bàn bạc, chỉnh sửa để mô hình để phù hợp hơn, đảm bảo mô hình vận hành ổn định, hiệu quả.

3. Hiệu quả về khoa học và hiệu quả về kinh tế - xã hội

3.1. Hiệu quả về mặt khoa học

Dự án đã xây dựng được bộ hồ sơ đăng ký xác lập quyền bảo hộ NHCN; kết quả điều tra, khảo sát khu vực nuôi, chế biến, sản xuất, kinh doanh khô cá lóc trong tỉnh Cà Mau; xây dựng hoàn thành 05 quy chế, quy trình có liên quan đến NHCN “Khô cá lóc – Cà Mau”, xây dựng hoàn thành mô hình quản lý và khai thác NHCN “Khô cá lóc – Cà Mau” phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và góp phần giữ vững và nâng cao giá trị, uy tín đối với sản phẩm khô cá lóc trong tỉnh Cà Mau. Bên cạnh đó, sản phẩm từ dự án sẽ là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị, phù hợp với hình thức bảo hộ NHCN đối với các sản phẩm khác trong tỉnh Cà Mau với quy mô tương tự. 

3.2. Hiệu quả về kinh tế - xã hội

Kết quả dự án là căn cứ pháp lý để khẳng định quyền đối với sản phẩm khô cá lóc trong tỉnh Cà Mau, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh xây dựng chủ trương và quy hoạch phát triển bền vững nghề nuôi, chế biến, kinh doanh sản phẩm mang NHCN; tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp nâng cao uy tín, chất lượng, hiệu quả khai thác, chế biến và kinh doanh sản phẩm từ khô cá lóc, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống đối với người dân vùng nông thôn, góp phần ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, kết quả trên chỉ là tiền đề ban đầu cho sản phẩm khô cá lóc trong tỉnh, nên chủ sở hữu NHCN cần phải có phương án phát triển nhãn hiệu để giúp cho sản phẩm được phát triển bền vững, giúp người dân tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

4. Đề xuất, kiến nghị

- Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Cà Mau: Tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan, đặc biệt là Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Cà Mau, Báo Cà Mau,…tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại thu hút khách hàng, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân và doanh nghiệp nuôi, chế biến, kinh doanh khô cá lóc trong tỉnh ngày càng tốt hơn. Chi cục tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan quản lý chặt chẽ các thành viên sử dụng nhãn hiệu chứng nhận thực hiện đúng các quy chế, quy trình đã ban hành; đảm bảo đầu ra của các sản phẩm đồng đều, ổn định về mặt chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và giữ vững thương hiệu “Khô cá lóc – Cà Mau”; vận hành mô hình quản lý, các quy chế, quy trình và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế; tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu sản phẩm Khô cá lóc lên một số trang thông tin điện tử, mạng xã hội để mọi người biết đến sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau” nhiều hơn.

- Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau: Thường xuyên mở các chuyên mục như: hội thảo, tập huấn để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp và người dân vùng triển khai dự án; có phương án hỗ trợ, xây dựng và phát triển nhãn hiệu đã được bảo hộ; nghiên cứu và ứng dụng quy trình công nghệ để nâng cao năng xuất nuôi, chế biến các sản phẩm từ cá lóc, góp phần đưa nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau” phát triển ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới.

- Sở Công Thương: Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, phối hợp với chủ sở hữu, ban quản lý nhãn hiệu chứng nhận và các cơ quan có liên quan đầu tư thiết kế logo, nhãn hiệu, trang thiết bị máy móc hỗ trợ cho các cơ sở chế biến và kinh doanh khô cá lóc trong tỉnh; tăng cường công tác tìm đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm đối với nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau”.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiếp tục hỗ trợ người dân kỹ thuật nuôi và chế biến khô cá lóc; quy hoạch lại vùng sản xuất (nếu có) để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân và nhu cầu thu mua nguyên liệu của doanh nghiệp; xây dựng chuỗi sản xuất và kinh doanh khô cá lóc đạt hiệu quả cao phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với chủ sở hữu và các đơn vị có liên quan tư vấn, hỗ trợ các Hợp tác xã, doanh nghiệp cơ sở sản xuất và người dân đăng ký và sử dụng, khai thác nhãn hiệu chứng nhận “Khô cá lóc – Cà Mau” đúng quy định, đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh.

- Các hộ dân, Hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở chế biến và kinh doanh khô cá lóc: Tăng cường công tác nghiên cứu để đa dạng hóa các sản phẩm từ khô cá lóc trong tỉnh Cà Mau, quan tâm thực hiện các thủ tục để được trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận theo quy định. Cần quan tâm đầu tư vào nhãn mác, bao bì, đóng gói sản phẩm để nâng cao giá trị các sản phẩm được chế biến từ khô cá lóc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo được niềm tin đối với khách hàng; tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật,... để nâng cao giá trị khô cá lóc và các sản phẩm, dịch vụ từ khô cá lóc trong tỉnh Cà Mau.

- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau: Hướng dẫn doanh nghiệp và người dân có liên quan đến sản xuất và kinh doanh khô cá lóc tham gia các chương trình hỗ trợ phát triển nhãn hiệu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành như Đề án Hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ đối với các sản phẩm đặc sản, đặc thù của tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án truy xuất nguồn gốc; Sàn thương mại điện tử; Chương trình khuyến công, khuyến nông, OCOP,.... để phát triển sản phẩm khô cá lóc tốt hơn trong thời gian tới.

Ths. Đinh Hùng Anh