Da cam/dioxin thường gọi là chất độc da cam (cụm từ chỉ các chất độc chứa dioxin. Chất độc da cam là chất lỏng màu nâu đỏ hoặc màu nâu. Chúng không tan trong nước nhưng tan trong dầu diezel và các dung môi hữu cơ. Ở nhiệt độ khoảng 25 độ C chúng có tỷ trọng 1,28 kg/lít. Thành phần gồm 50% este butylic của 2,4-D và 50% của este butylic của 2,4,5-T. Còn Dioxin là tên thường gọi của chất hóa học 2-3-7-8-tetra cholorodibenzo-dioxin.
Cho đến nay, chất độc da cam/dioxin vẫn được xem là chất cực độc, độc nhất trong các chất độc. Một phần ngàn tỷ gram dioxin đã gây ra ung thư, tai biến sinh sản ở người; vài chục phần ngàn tỷ gram dioxin có thể gây chết người ngay tức khắc. Từ cuối những năm 1950 các nhà khoa học đã phát hiện chỉ với một liều rất nhỏ chất độc dioxin cũng gây ra ung thư, dị tật bẩm sinh phôi thai. Vậy mà, từ tháng 8 năm 1961 đến năm 1971, Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải xuống miền Nam Việt Nam hơn 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất độc da cam (chứa 366 kg dioxin) trên một diện tích rộng lớn: 3,06 triệu ha (bằng ¼ diện tích toàn miền Nam). Trong đó có 86% bị rải tới hơn 2 lần, 11% bị phun rải hơn 10 lần. Với một khối lượng chất độc hóa học cực lớn rải xuống miền Nam, phun đi phun lại nhiều lần trong một thời gian dài (bằng máy trực thăng và máy bay phản lực) đã gây tổn hại cho môi trường sinh thái lâu dài và ảnh hưởng đến sự sống của con người rất ghê gớm.
GSTS Nakamura, nữ TS Sumiko và nạn nhân Nguyễn Văn Hùng ở ấp Sắc Cò xã Viên An huyện Ngọc Hiển – ảnh Tg
Số liệu cho thấy cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử chiến tranh hóa học nhân loại. Hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân phải chịu bao đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, thảm cảnh. Hàng trăm ngàn người đã chết, hàng trăm ngàn người đang sống với bệnh tật hiểm nghèo (ung thư da, ung thư gan, ung thư tuyến giáp, tiểu đường, vô sinh, sinh con bị dị tật, mất sức lao động) Tài liệu của tổ chức quốc tế cũng xác nhận: chất độc da cam/dioxin có khả năng di truyền qua nhiều thế hệ. Ở Việt Nam di chứng da cam/dioxin đã truyền qua thế hệ thứ 4. Thống kê chưa đầy đủ hiện nay cả nước có hơn 150 ngàn nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; hơn 35 ngàn nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và hơn 2.000 nạn nhân thuộc thể hệ thứ 4.
Giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin là lương tâm, là trách nhiệm, đạo lý đối với những chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do cua Tổ quốc vừa là vấn đề xã hội, vấn đề nhận đạo. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chế độ chính sách ưu tiên chăm lo cho cán bộ chiến sĩ bị nhiễm da cam/dioxin. Việt Nam có hơn 320 ngàn người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ được hưởng chính sách ngưởi có công. Bên cạnh đó các tổ chức xã hội nhân đạo từ thiện đã có những hành động để sẻ chia dịu bớt nỗi đau da cam. Nhưng vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn mà bản thân, gia đình họ chưa khắc phục được. Vì vậy rất cần sự đóng góp chung tay của toàn xã hội.
Sau hơn 40 năm, chất độc hóa học Mỹ ở Việt Nam tại các vùng bị phun, rải về cơ bản đã bị mưa nắng rửa trôi. Nhưng ô nhiễm môi trường tại các căn cứ của Mỹ và đồng minh, nơi pha chế, đổ thải, chôn lấp chất độc da cam/dioxin vẫn còn rất nặng nể, tiềm ẩn nguy cơ đối với môi trường và sức khỏe con người. Nhất là ở sân bay Biên Hòa, nằm cạnh sông Đồng Nai có nguy cơ phát tán rộng ra khu vực. Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin phối hợp với Hoa Kỳ, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), tổ chức phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) khảo sát, điều tra, sử dụng công nghệ chôn lấp tại một số sân bay (Phù Cát, Biên Hòa, Đà Nẵng).
Tòa án Hoa Kỳ và 37 công ty sản xuất cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ đã viện dẫn nhiều lý do để từ chối bồi thường cho nạn nhân dioxin Việt Nam. Tuy nhiên Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã có những động thái tích cực nhằm khắc phục hậu quả. Tính đến đầu năm 2016, Quốc hội Hoa Kỳ chuẩn chi 173 triệu USD cho xử lý môi trường và dịch vụ y tể cho Việt Nam. Nhưng con số đó rất nhỏ bé so với hậu quả nặng nề mà Mỹ đã gây ra ở Việt Nam.
Tỉnh Cà Mau là một trong những nơi bị chất độc da cam/dioxin gây ra tác hại khá nặng nề về môi trường và sức khỏe con người. Từ năm 1961 đến 1971 Mỹ, ngụy thực hiện ở Cà Mau 446 phi vụ, phun rải trên diện tích 82.143 ha rừng với số lượng 669.891 gallon (tương đương 2.530.891 lít). Trong đó chất da cam 448.398 gallon (tương đương 1.694.944 lít). Thống kê (tương đối), toàn tỉnh Cà Mau có đến hơn 17.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, cho đến nay di chứng vẫn còn và hầu như là vĩnh viễn. Chính sách của Nhà nước về chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần cho nạn nhân dacam/dioxin Việt Nam phần nào giảm bớt đi nỗi đau da cam.
Ở Cà Mau, UBND tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan chức năng về môi trường, sinh thái… đã thực hiện rất nhiều công việc có ý nghĩa để giúp đỡ nạn nhân và cải thiện môi trường đất đai đã bị nhiễm chất độc dacam/dioxin mà quân đội Mỹ phun rải xuống đất rừng Cà Mau. Cùng thời gian và sự tác động của mưa, nắng tự nhiên nên đã làm giảm đi sự độc hại rất nhiều. Nhưng với sức khỏe của người bị phơi nhiễm thì vẫn còn để lại nhiều di chứng và những nỗi đau tột cùng. 57 năm qua (10/8/1961) mãi là ngày ghi khắc thảm họa da cam/dioxin Việt Nam.
Giáo sư, tiến sĩ Nakamura (Trường đại học Tokyo), trong thời gian từ năm 1976 đến năm 2005 ông đã đến Cà Mau khoảng 10 lần để nghiên cứu tác hại của chất độc hóa học đối với rừng đước Cà Mau và theo dõi sức khỏe của anh Nguyễn Văn Hùng, một nạn nhân da cam/dioxin. Ông cho rằng ảnh hưởng chất độc hóa học ở Cà Mau khá nặng nể. Tấm ảnh ông Nakamura chụp cậu bé Hùng (khoảng 5 tuổi) trần truồng đứng ở trong khu rừng đước trụi lá chết khô đã được in trong tập sách ảnh (30cm x 40cm) mang tựa đề “Chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam” xuất bản tại Nhật Bản và cuốn sách “Vietnam War” xuất bản tại Nhật Bản có giá trị tố cáo tội ác chiến tranh. Anh Nguyễn Văn Hùng có vợ và 2 con, lúc còn trẻ anh có khả năng lao động. Nhưng càng về sau thì sức khỏe cứ yếu dần (xem ảnh) và anh đã chết cách đây 10 năm khi ở tuổi hơn 40. Hai người con của anh chưa xác định được mức độ bệnh tật về lâu dài sau này. Mẹ anh Hùng bị nhiễm chất độc hóa học từ khi chưa sinh anh Hùng. Bà và anh Hùng đã sống nhiều năm ở vùng rừng đước Cà Mau (ở ấp Sắc Cò xã Viên An) nơi bị nhiễm nặng chất độc da cam/dioxin.
Từ năm 2006 đến nay, tác giả bài viết này không có điều kiện gặp lại giáo sư, tiến sĩ Goro Nakamura và nữ tiến sĩ Sihitara Sumiko, người trợ lý cho giáo sư trong các chuyến đi về Cà Mau. Cho nên không biết thông tin về công trình nghiên cứu của ông cũng như thông tin về hai người con của anh Hùng. Ông Nakamura biết chút ít tiếng Việt, còn tiến sĩ Sumiko vốn là nghiên cứu sinh tại Việt Nam nên rất sõi tiếng Việt (phát âm đúng giọng Hà Nội)./.
Phạm Anh Hoan