Thực hiện kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ năm 2019 của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh Cà Mau, đồng thời giúp người làm công tác bức xạ trang bị, cập nhật kiến thức cũng như tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn bức xạ có đủ điều kiện cần thiết trong hoạt động. Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp với Viện Nghiên cứu Hạt nhân tổ chức khóa đào tạo an toàn bức xạ trong lĩnh vực y tế và Công nghiệp từ ngày 12 - 14/6/2019, tại Hội trường Sở KH&CN tỉnh Cà Mau.
Tham dự buổi khai mạc có ông Đinh Hùng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh Cà Mau, ông Mai Xuân Phong và ông Phạm Xuân Hải, Giảng viên đến từ Viện Nghiên cứu hạt nhân cùng 50 học viên làm việc tại các cơ sở có sử dụng nguồn bức xạ trong và ngoài tỉnh.
Theo Thông tư số 34/2014/TT-BKHCN ngày 27/11/2014 của Bộ KH&CN quy định về đào tạo an toàn bức xạ đối với nhân viên bức xạ, người phụ trách an toàn và hoạt động dịch vụ đào tạo an toàn bức xạ, các học viên tham dự khóa đào tạo sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản về an toàn bức xạ như: Khái niệm cơ bản về bức xạ ion hóa; tương tác của bức xạ với vật chất; ghi đo bức xạ; hiệu ứng sinh học của bức xạ; bảo vệ chống chiếu xạ ngoài, chiếu xạ trong; kiểm soát chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng; bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế; yêu cầu đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ; kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ; chương trình đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ trong X-quang chẩn đoán y tế và cho nhân viên bức xạ trong thiết bị phân tích sử dụng nguồn bức xạ.
Ngoài ra, các học viên cũng được phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn bức xạ như: Luật Năng lượng nguyên tử số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008; Thông tư số 08/2010/TT-BKHCN ngày 22/7/2010 của Bộ KH&CN hướng dẫn về việc khai báo, cấp phép tiến hành công việc bức xạ và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ; Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN ngày 08/11/2012 của Bộ KH&CN quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng; Thông tư số 25/2014/TT-BKHCN ngày 08/10/2014 của Bộ KH&CN quy định việc chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT ngày 09/6/2014 của Bộ KH&CN và Bộ Y tế quy định về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế; Thông tư số 34/2014/TT-BKHCN ngày 27/11/2014 của Bộ KH&CN quy định về đào tạo an toàn bức xạ đối với nhân viên bức xạ, người phụ trách an toàn và hoạt động dịch vụ đào tạo an toàn bức xạ; Thông tư số 14/2018/TT-BKHCN ngày 15/11/2018 của Bộ KH&CN ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị X-quang dùng trong y tế. Bên cạnh đó, giảng viên cũng thông tin thêm về một số vụ tai nạn bức xạ điển hình và các bài học kinh nghiệm nhằm trang bị thêm cho các học viên những kinh nghiệm thực tế trong công tác ứng phó sự cố bức xạ tại cơ sở mình.
Qua khóa đào tạo, các học viên nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong thực hiện công tác an toàn bức xạ tại cơ sở, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của bức xạ đến sức khỏe nhân viên bức xạ và người dân. Kết thúc khóa đào tạo, các học viên được kiểm tra kiến thức đã học thông qua bài kiểm tra trắc nghiệm. Viện Nghiên cứu hạt nhân sẽ cấp chứng nhận cho học viên có bài kiểm tra đạt yêu cầu.
Một số hình ảnh của khóa học
Ngô Văn Phúc