Nhiều nông dân ở Hậu Giang đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng mãng cầu xiêm đem lại kinh tế cao và có đầu ra ổn định.
Ông Trần Phú Quốc, Giám đốc HTX Mãng cầu xiêm Thuận Hòa ở ấp 2, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ cho biết: HTX có gần 40 ha trồng mãng cầu xiêm đang cho trái. Vùng đất phèn và bị ảnh hưởng mặn rất thích hợp loại mãng cầu xiêm ghép trên gốc bình bát, cây phát triển rất mạnh nhờ chịu phèn mặn của gốc ghép, có thể chịu được độ mặn 6 - 10‰. Đây là loại cây tốt nhất trong nhóm cây ăn trái. Khoảng cách cây cách cây 6m, mật độ trung bình từ 70-80 gốc/công.
Thông thường, mãng cầu xiêm trồng hơn 2 năm cho trái và cho trái 2 vụ/năm. Vụ thuận vào mùa nắng và vụ nghịch vào mùa mưa. Tuy nhiên, để mãng cầu tự thụ phấn sẽ cho trái rất ít. Do vậy, qua thời gian nghiên cứu, học hỏi, nông dân đã tìm ra bí quyết để thụ phấn nhân tạo cho mãng cầu ra trái nhiều và có trái quanh năm.
Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang cho biết: Ở Hậu Giang, mãng cầu xiêm được trồng nhiều tại huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, Châu Thành và TX Ngã Bảy. Mãng cầu xiêm (hay còn gọi là mãng cầu gai) ra trái quanh năm, trung bình nặng khoảng 1 – 3 kg/trái. Loại cây này có thể trồng trên nhiều nền đất khác nhau như đất mặn, phèn, hạn, chua. Cây có sức đề kháng tốt, ít kén đất, năng suất và giá trị kinh tế cao. Mãng cầu xiêm khi chín có hương thơm dịu, vỏ xanh thịt trắng sáng và nhiều xơ. Khi ăn mãng cầu xiêm hơi dai, có vị chua ngọt hấp dẫn.
Để bà con phát triển mô hình trồng mãng cầu xiêm ngày càng hiệu quả, ngành nông nghiệp khuyến khích các địa phương thành lập HTX trồng mãng cầu xiêm và từng bước xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó đẩy mạnh sản xuất, tạo ra nguồn sản phẩm an toàn phục vụ cho người tiêu dùng, nâng cao thu nhập.