Mô hình gà nòi lai trên đệm lót sinh học.

        Gà nòi lai là loại vật nuôi kinh tế, nặng cân, có chất lượng tốt và mang lại hiệu suất chăn nuôi cao vì chúng có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, tỷ lệ sống cao. Hơn nữa, giá trị đầu ra của loại gà lai này cũng rất ổn định nên hiện được người dân chăn nuôi rất nhiều.

        Có nhiều giống gà nòi lai được nuôi phổ biến như gà nòi lai gà tàu, gà nòi lai gà ta, gà nòi lai gà lương phượng,... nhưng gà nòi lai Bình Định chưa được nuôi nhiều.Mang đầy đủ ưu điểm của giống gà lai, gà nòi lai Bình Định là đối tượng dễ nuôi, có khả năng thích ứng tốt với các điều kiện tự nhiên đa dạng.

        Có thể tận dụng các khu đất trống quanh nhà, bờ vuông, biền đất ven sông,... để nuôi gà.Giống gà này ăn tạp nên có thể tận dụng các nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có ở địa phương để giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận.

        Đệm lót sinh học giúp chuồng gà không bị bốc mùi hôi thối, giảm khí độc trong chuồng gà, đệm lót sau chăn nuôi được tận dụng làm phân bón hữu cơ, những vi sinh vật có lợi phát triển trong đệm lót lấn át các vi sinh vật có hại, hỗ trợ ngăn ngừa dịch bệnh cho gà, giúp gà khỏe mạnh, phát triển tốt.

        Mô hình nuôi khép kín, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, kỹ thuật tương đối đơn giản, có thể tận dụng lao động nhàn rỗi ở các nông hộ để thực hiện.Nuôi giống gà này không đòi hỏi phải tốn nhiều vốn đầu tư ban đầu, phù hợp với những hộ dân có ít đất sản xuất, có ít vốn đầu tư.

        1. Chuồng trại

        Khi muốn nuôi gà thì đầu tiên phải làm chuồng trại cho gà chắc chắn, ít nhất phải đủ che nắng, che mưa.

        - Chuồng nuôi: làm chuồng nơi khô ráo, nền gạch, xi măng hay đất, mái che tole hoặc lợp lá; xung quanh xây tường cao 0.5m, bên trên rào lưới B40, hoặc bao xung quanh bằng mê bồ (váng, đăng sậy,...), ở trên rào thưa thoáng mát; chừa 1-2 cửa ra vào vườn chăn thả. Bên ngoài chuồng có vải hay bạt để che mưa, nắng và gió lùa khi cần thiết. Chú ý bên dưới phải rào chắc chắn tránh chuột chui vào cắn chết gà. Quy mô nông hộ có thể làm chuồng khoảng 15m2 (dài 5m x rộng 3m x cao 1,5-2,5m) để nuôi 100 con gà. Sau khi làm xong chuồng, trãi một lớp trấu 10-15cm lên nền chuồng.

        - Khu úm gà con: dùng lưới mành bao một một góc trong chuồng khoảng 2m2 để làm khu úm gà con 1-3 tuần tuổi, nếu trời lạnh có thể dùng vải hoặc giấy che bên trên làm lồng úm với đèn tròn 75W.

        - Đệm lót sinh học: sau khi thả gà vào chuồng 7-10 ngày đối với gà nuôi úm, 2 - 3 ngày đối với gà lớn thì xử lý bằng chế phẩm sinh học. Dùng 0,5kg men vi sinh ủ với 1kg bột bắp hoặc cám gạo, 2 ngày sau bón hỗn hợp men đã ủ lên bề mặt trấu trên nền chuồng 15m2, dùng cào trộn nhẹ lớp trấu bề mặt (sâu khoảng 5cm) để trộn hỗn hợp vi sinh với trấu.

        + Nếu đệm lót sinh học được làm đúng kỹ thuật thì có thể sử dụng suốt đợt nuôi gà 3-4 tháng. Định kỳ 3-4 ngày dùng cào đảo lớp trấu bề mặt để phân lẫn xuống dưới cho vi sinh vật phân hủy nhanh hơn.

        + Nếu bốc mùi hôi thì bổ sung vi sinh bằng cách rắc hỗn hợp 0,5kg men vi sinh được ủ với 1kg bột bắp hoặc cám gạo (trong 2 ngày) lên bề mặt trấu, dùng cào đảo lớp mặt để vi sinh trộn đều với trấu. Hoặc có thể ủ kín hỗn hợp trên với 1-2 bao trấu trong 3-5 ngày, khi thấy nhiệt sinh ra nhiều (ấm) thì rải lên nền chuồng.

        2. Chọn gà giống

Giống gà nòi lai, gà con mới nở 1 ngày tuổi, lông bóng mượt, rốn khô, mắt linh hoạt, hai chân vững chắc, màng da chân bóng, gà bố mẹ đã được tiêm ngừa, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y.

        3. Úm gà con

        Gà con được úm trong khu úm 21 ngày, mở rộng dần khu úm theo sự phát triển của gà, sau đó thả ra khắp chuồng.

        Trong giai đoạn úm, gà rất nhạy với nhiệt độ, nên quan sát phản ứng của gà đối với nhiệt độ để điều chỉnh cho phù hợp.

        + Nhiệt độ vừa phải: gà nằm rải rác đều khắp chuồng, đi lại, ăn, uống bình thường.

        + Nhiệt độ thấp: gà tập trung lại gần nguồn nhiệt, đừng co ro, run rẩy hoặc nằm chồng lên nhau.

        +Nhiệt độ cao: gà tản ra xa nguồn nhiệt, nằm há mỏ, thở mạnh, uống nhiều nước.

        + Gió lùa: gà nằm tụm lại ở góc kín trong chuồng.

        Duy trì nhiệt độ chuồng gà ở mức thích hợp theo thời kỳ sinh trưởng của gà như sau:

        + Thời kỳ 1-3 ngày tuổi: nhiệt độ thích hợp khoảng 33 -350C;

        + Thời kỳ 4-7 ngày tuổi: nhiệt độ thích hợp khoảng 30 -330C;

        + Thời kỳ 2-3 tuần tuổi: nhiệt độ thích hợp khoảng 28 -300C;

        + Sau giai đoạn úm 3 tuần thì gà có thể thích nghi hoàn toàn với điều kiện nhiệt độ tự nhiên. Tùy thời tiết có thể theo dõi và điều chỉnh nhiệt độ bằng cách đơn giản là nắng thì kéo bạt che quanh chuồng cho mát và mưa thì che lại; bổ sung đèn sưởi, quạt khi cần thiết.

        4. Mật độ nuôi

        Khi gà còn nhỏ có thể nuôi dày (1-5 ngày tuổi: 100-102 con/m2), sau đó nuôi thưa dần (6-10 ngày tuổi: 65-70 con/m2; 10-14 ngày tuổi: 50-55 con/m2; 3 tuần tuổi: 40-45 con/m2), sau khi úm thấy gà khỏe mạnh thì có thể thả ra khắp chuồng (4 tuần tuổi: 35-40con/m2;5tuần tuổi: 30-35 con/m2;6-17 tuần tuổi: 6-7 con/m2).

        5. Thức ăn và nước uống

        Các máng đựng thức ăn và nước uống nên được đặt dọc theo các vách chuồng, thức ăn và nước uống luôn có sẵn để gà ăn uống tự do.

        Chú ý không để nước làm ướt nền chuồng, nếu chỗ nào bị ướt quá thì nên thay lớp đệm lót sinh học.

        Thức ăn cho gà được kết hợp giữa thức ăn công nghiệp và thức ăn tự nhiên sẵn có tại địa phương như tấm, cám, lúa, cá, tép, rau,… để giảm chi phí.

        6. Phòng ngừa dịch bệnh

        Gà thường có nguy cơ mắc các bệnh trong giai đoạn còn nhỏ (1-8 tuần tuổi), qua giai đoạn này gà ít bị mắc bệnh và có thể khỏe mạnh phát triển đến lúc 16-18 tuần tuổi (đạt trọng lượng 1,5kg/con trở lên, có thể xuất bán). 

        - Để phòng ngừa dịch bệnh: nên tiêu độc sát trùng xung quanh chuồng trước khi thả gà con vào chuồng 2-3 ngày; nên định kỳ tiêu độc sát trùng xung quanh chuồng 1 lần/tuần bằng một trong các loại thuốc: Benkocid, BKA, Virkon. Chú ý không phun thuốc sát trùng lên đệm lót sinh học.

        - Thường xuyên bổ sung: vitamin C, Sorbitol, Electrolyte trong nước uống khi thời tiết bất lợi cho gà.

        - Tiêm phòng một số dịch bệnh phổ biến như Marek, dịch tả Newcastle, Gumboro, đậu gà, H5N1, tụ huyết trùng; hoặc tiêm ngừa dịch bệnh theo khuyến cáo của cơ quan thú y.

        7. Ghi chép nhật ký và xuất bán

        Nên ghi chép tất cả các chỉ tiêu theo dõi sự phát triển của gà và các chi phí để tính toán lợi nhuận.

        Gà 15 tuần tuổi con trống có thể nặng 1,6kg/con, con mái nặng 1,5kg/con; đến 17 tuần tuổi gà trống có thể nặng 1,8kg/con, gà mái nặng 1,6kg/con.

        Tùy theo sự phát triển của gà mà có thể linh hoạt xuất bán dần khi gà đạt trọng lượng ≥1,5kg/con, nếu nuôi lâu hơn gà cũng không tăng trọng đáng kể mà lại tốn nhiều thức ăn, làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận.

        Trong khuôn khổ Chương trình Ứng dụng nhân rộng kết quả nghiên cứu thử nghiệm vào sản xuất và đời sống (giai đoạn 2015-2020), Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau đã thực hiện dự án “Nuôi gà nòi lai trên đệm lót sinh học tại xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau”.

        Dự án được triển khai tại 4 ấp Vàm Đình, Trống Vàm, Chà Là và Đất Sét, với 29 hộ dân tham gia, nuôi 3.000 con gà, sau 3,5 – 4 tháng nuôi, gà phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 93%, hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) 3, lợi nhuận bình quân khoảng 39.000 đồng/con, chi phí đầu tư bình quân 6,8 triệu đồng/100 con gà.

        Đây là mô hình sản xuất thử nghiệm thành công, đang được chuyển giao nhân rộng cho các địa phương phát triển kinh tế nông hộ, góp phần đáp ứng một số tiêu chí trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Việt Anh