Cây bồn bồn có tên khoa học là Typha orientalis G.A, Họ hương bồ (Typhaceae). Bồn bồn còn có nhiều tên khác như: Thủy hương bồ, hương bồ thảo, cỏ nến…Các nước nói tiếng Anh gọi Cỏ nến là cây Đuôi mèo (cattails) cũng do hoa của nó giống đuôi con mèo. Thường phát triển tốt vào mùa mưa tại các tỉnh miền Tây, loài cây này chỉ hấp thụ những thành phần có chứa sẵn trong nguồn đất, bồn bồn dễ sống bởi xuất phát của nó là loài cỏ dại có đất có nước ắt nảy mầm, quá trình sinh trưởng chẳng cần mất công chăm sóc hay bón phân xịt thuốc hóa học gì Mùa thu hoạch bồn bồn bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 (mùa nước nổi) lúc này cây đã to, lá xanh tốt người dân sẽ ra đồng thu hoạch bồn bồn. Với loại cây bụi này, họ sẽ nhổ nhánh bồn bồn đủ độ tuổi mang về tách lá lấy lõi nõn, sau đó chăm bón để tiếp tục thu hoạch. Bồn bồn là một loại rau sạch, có giá trị kinh tế cao, được nhiều nông dân trồng để phát triển kinh tế gia đình. Bồn bồn được trồng rộng rãi ở các tỉnh Miền Tây, đặc biệt tại tỉnh Cà Mau. Hiện nay tỉnh đã đưa vào quy hoạch phát triển, mở rộng diện tích cây bồn bồn, xem như một loại cây trồng phát triển kinh tế gia đình bền vững.
Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW, ngày 05/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về xây dựng tổ Hội, chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện U Minh chọn mô hình trồng bồn bồn kết hợp với nuôi cá đồng để thành lập Chi Hội Nông dân nghề nghiệp tại ấp 14, xã Khánh An gồm 22 thành viên, trong đó 05 đồng chí tham gia điều hành hoạt động. Đồng thời theo Đề án số 03-ĐA/HNDTW của Ban Thường vụ Trung ương Hội, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện xây dựng Kế hoạch về triển khai, tổ chức thực hiện Đề án nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn 2020 – 2025, bước đầu triển khai, được hội viên nông dân đồng tình, chọn mô hình trồng bồn bồn kết hợp với nuôi cá đồng tại ấp 14, xã Khánh An làm điểm chỉ đạo mô hình khởi nghiệp sáng tạo, đến nay số lượng hội viên tham gia hội đã nâng lên 27 hội viên và mang lại hiệu quả kinh tế khả quan.
Xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, nằm trong vùng đệm Vườn quốc gia U Minh hạ, kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào trồng rừng. Mỗi chu kỳ thu hoạch rừng khoảng 5 năm, trong thời gian này người dân luân canh 2 vụ lúa mỗi năm để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, vùng đất trũng này giàu phèn nên cây lúa không cho năng suất cao, người dân vẫn vất vả tìm hướng đi mới để ổn định và vươn lên. Vài năm qua, một số hộ dân đã chuyển đổi qua mô hình mới mô hình trồng bồn bồn và có được hiệu quả bất ngờ. Đây được đánh giá là một mô hình phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, tạo nguồn thu ổn định quanh năm cho người dân, được huyện U Minh lựa chọn trở thành mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của huyện.
Ruộng bồn bồn tại xã Khánh An, huyện U Minh Ảnh: Tg
Các mô hình trồng bồn bồn đang dân hình thành trong toàn huyện, ước có khoảng hơn 100 ha diện tích trồng bồn bồn, riêng Hội nông dân nghề nghiệp bồn bồn Khánh An có diện tích gieo trồng đến thời điểm hiện tại đạt 37ha, năng xuất mỗi vụ thu hoạch đạt 2 tấn/ha/tháng, nguồn cá đồng nuôi kết hợp cũng đạt 50kg/ha/tháng, tổng thu nhập của hội viên giao động khoảng 55 triệu/ha/tháng, lợi nhuận thu về từ mô hình đạt gần 30 triệu đồng/tháng theo kết quả báo cáo của Chi hội nghề nghiệp của huyện. Hiện giá bồn bồn tươi thành phẩm đang được thương lái thu mua từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, giúp người dân có thu nhập ổn định hơn khi trồng lúa. Mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng đã chứng minh được hiệu quả và đang được chính quyền địa phương định hướng nhân rộng, mở ra nhiều triển vọng cho bà con nông dân trên địa bàn xã Khánh An nói riêng, huyện U Minh nói chung trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống người dân địa phương.
Thảo Đang - Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh Cà Mau