Trong những năm qua, tình hình nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, môi trường ô nhiễm, chất lượng con giống kém, dịch bệnh tràn lan... các hộ nuôi mang tính riêng lẻ, việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất và chất lượng thấp, ảnh hưởng đến đời sống người sản xuất.
Để giải quyết những khó khăn, thách thức đó, một số hộ dân đã tìm tòi, học hỏi và sáng tạo ra hướng đi mới, phù hợp, mang lại hiệu quả, bền vững cho người nuôi tôm.
Ông Trần Minh Khôn, ngụ tại ấp Cái Nai, xã Hòa Tân, thành phố Cà Mau, nhiều năm nuôi tôm thâm canh trong ao đất nhưng hiệu quả không cao. Từ đầu năm 2010, sau khi nghe qua báo, đài và các hộ chung quanh về mô hình nuôi tôm thâm canh ở trong tỉnh, ông quyết tâm thay đổi cách thức canh tác, bắt đầu mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Khi nghe nói về mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, siêu thâm canh trong ao lót lưới, ao lót bạt cho hiệu quả cao, ông đã không ngại khó tìm đến các hộ nuôi theo mô hình này tại huyện Cái Nước, Phú Tân để tham quan, học tập cách nuôi. Và rồi gia đình ông tiến hành xây dựng ao nuôi lót lưới, với diện tích 700m2. Sau vụ nuôi đầu cho hiệu quả rất cao: Sau thời gian nuôi 105 ngày, tỉ lệ sống ước đạt: 85%, tôm có kích cỡ khoảng: 33 con/kg, sản lượng 4,6 tấn. Lợi nhuận đạt trên dưới 450 triệu đồng.
Hệ thống lọc chất thải rắn lơ lửng để tuần hoàn tái sử dụng nước - Ảnh Tg
Điều đặc biệt ở mô hình của ông 9 Khôn là diện tích đất sản xuất nhỏ (0,4 ha) nhưng ông đã thiết kế hệ thống lọc tuần hoàn để giảm diện tích ao lắng, ao chứa nước thải và tái sử dụng nước. Cụ thể:
- Chuẩn bị 01 bồn nhựa chứa nước đứng 1000 lít và 03 bể nhựa 500 lít; đá bọt sốp, đá 4-6, đá 1-2, cát, than hoạt tính, lưới mành, bông gòn lọc nước... để vừa đủ lắp các ngăn lọc cho 3 bể nhựa.
- Các bể lọc 500 lít xếp hình bật thang từ dưới lên, đến cao nhất là bồn chứa nước 1000 lít, mắc nối tiếp nhau qua ống PVC 90 và vận hành thay nước tuần hoàn liên tục cho ao nuôi.
Tuy diện tích đất sản xuất nhỏ nhưng ông Khôn vẫn đảm bảo việc quản lý nước, chất thải. Lượng nước sát đáy hố shiphon có chất thải bị gom và lắng tụ lại hàng ngày được đưa vào khu chứa chất thải rắn và làm hầm biogas. Lượng nước thay hằng ngày được tuần hoàn bằng cách đưa qua ao chứa nước thải, sau đó đưa qua ao lắng trữ lại, rồi bơm qua hệ thống lọc và cấp lại cho ao nuôi. Cứ tuần hoàn nước như vậy liên tục cho đến hết vụ nuôi.
Từ khi thực hiện nuôi tôm chân trắng thâm canh trong ao lót lưới, sử dụng hệ thống lọc tuần hoàn nước đến nay, ông Khôn đã thành công liên tiếp 3 vụ nuôi và đã xây dựng thêm một khu nuôi tôm khác theo mô hình này cũng thắng lợi lớn.
Qua mô hình của ông Trần Minh Khôn cho thấy đây là mô hình nuôi tôm thâm canh quy mô nhỏ có lợi nhuận cao và khá bền vững. Đặc biệt, không cần ao chứa nước thải lớn để chứa lượng nước thay hằng ngày nhưng cũng không xả thẳng ra sông rạch, làm ảnh hưởng đến môi trường. Bà con nông dân với diện tích đất sản xuất nhỏ, đã nuôi, đang nuôi và muốn nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh cần tham quan, nghiên cứu để áp dụng, nhân rộng mô hình này.
Nguyễn Bửu San