Mô hình tự động hóa trong nuôi tôm siêu thâm canh

       Nghề nuôi tôm hiện nay đang đối mặt với không ít khó khăn! Làm sao hạ được giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của con tôm trên thị trường là bài toán bắt buộc phải giải được nếu muốn phát triển bền vững ngành hàng tôm. Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong khâu vận hành hệ thống quạt tạo ôxy và máy cho tôm ăn tự động bằng thiết bị điều khiển từ xa. Đây có thể được xem là một bước tiến của Hợp tác xã Nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã giúp tiết kiệm được chi phí, cũng như công sức và thời gian lao động.

       Sau gần 10 năm nuôi tôm siêu thâm canh, anh Huỳnh Xuân Diện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng nhận thấy: Nghề nuôi tôm ngày càng trở nên khó khăn, do tác động của thị trường thế giới, giá tôm thường không ổn định, trong khi đó giá vật tư đầu vào luôn ở mức cao, tác động trực tiếp đến lợi nhuận của người nuôi tôm. Đối với khâu vận hành hệ thống tạo ôxy trong ao đầm và cho tôm ăn không quá phức tạp, nhưng lại tốn kém khá nhiều thời gian và công sức. Cứ mỗi héc-ta nuôi tôm siêu thâm canh, chủ ao đầm phải thuê mướn khoảng 10 nhân công, với mức lương 6 triệu đồng/tháng, bao ăn ở và khi tôm nuôi lên đầm thu hoạch để xuất bán còn phải chia tỷ lệ phần theo thỏa thuận. Trung bình mỗi vụ tôm nuôi kéo dài khoảng hơn 3 tháng, chủ ao đầm phải tốn chi phí ít nhất 300 triệu đồng tiền thuê mướn nhân công.

       Để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, anh Huỳnh Xuân Diện đã có ý tưởng và phối hợp với ông Huỳnh Ngọc Tiễn ở Khóm 1, phường Tân Thành, thành phố Cà Mau, là người đam mê công nghệ tự động hóa, từng đạt giải tại Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh Cà Mau, nghiên cứu, lắp ráp bộ thiết bị điện tử điều khiển từ xa, tự động hóa trong khâu vận hành hệ thống quạt tạo ôxy và máy cho tôm ăn. Ông Huỳnh Ngọc Tiễn thông tin về cơ chế vận hành hệ thống quạt tạo ôxy và máy cho tôm ăn tự động một cụm thiết bị, có một vi điều khiển để nhớ lại. Ví dụ như người ta muốn cài đặt tốc độ của máy cho ăn, thời gian chạy, thời gian nghỉ, số lần lập lại để không phải vận hành cho ăn rồi tắt, có khi người ta quên. Đồng thời, trong khi vận hành các thiết bị quạt oxy và máy cho tôm ăn nếu hệ thống cảm biến quá dòng, khi mà gặp sự cố gì ví dụ như bể bạc đạn, hoặc quấn người thì dòng điện tăng cao thì thiết bị sẽ báo về vi điều khiển, khi đó vi điều khiển tự động tắt đi và ngắt điện để đảm bảo an toàn cho người lao động.

       Thông qua việc cải tiến thiết bị điện tử, chỉ với chi phí khoảng 2,5 triệu đồng, khi kết nối với hệ thống quạt tạo ôxy và máy cho tôm ăn, người nuôi tôm sẽ vận hành từ xa một cách dễ dàng, không phải trực tiếp ra ao đầm như trước đây; đồng thời thiết bị này cũng đã được trưng bày, triển lãm tại Festival Tôm Cà Mau năm 2023.

Hệ thống thiết bị điều khiển từ xa; Ảnh:Tg

       Anh Huỳnh Xuân Diện chia sẽ thêm: trước đây 10 ao phải ít nhất 8 người, thì hiện nay mình rút lại còn khoảng 4 người mình điều hành, tiết kiệm được chi phí nhân công mà làm việc lại hiệu quả hơn.
       Được tham quan việc ứng dụng thiết bị vận hành từ xa trong khâu cho tôm ăn và chạy quạt oxy, ông Nguyễn Tuấn, Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời phấn khởi cho biết: Một đầm tôm phải hai ba người công lao động, còn bây giờ mình chỉ một người thôi điều khiển được khoảng 10 ao vậy đó, giảm đi phần công lao động. Không dừng lại ở việc nghiên cứu, lắp ráp bộ thiết bị tự động hóa khâu vận hành hệ thống quạt tạo ôxy hoà tan trong ao đầm và cho tôm ăn, ông Huỳnh Ngọc Tiễn còn tích hợp thêm một số linh kiện điện tử, lập trình giúp bộ thiết bị tự động hóa thông minh hơn, cảnh báo sớm sự cố các thiết bị trong ao đầm và phòng ngừa xảy ra tai nạn điện, bảo vệ an toàn cho người nuôi tôm.

       Theo ông Trần Hoàng Đạo, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cái Nước: Hiệu quả mang lại của việc ứng dụng thiết bị điều khiển tự động trước nhất là nhân công lao động sẽ có thời gian nhàn rỗi hơn và sử dụng thời gian đó để lao động chuyện khác hoặc cải tạo nâng cao năng suất tôm nuôi. Thứ hai nữa là thiết bị an toàn cho người lao động tránh rủi ro tai nạn về điện trong nuôi tôm. Khi mà khoa học công nghệ phát triển, việc ứng dụng công nghệ tự động hóa trong nuôi tôm siêu thâm canh đối với Hợp tác xã Nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng đã giúp tiết kiệm được chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, từ đó từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, một thực tế đang là điểm nghẽn trong phát triển ngành hàng tôm hiện nay./.

Ngọc Lãm - Trung tâm Khuyến nông Cà Mau