TÓM TẮT:
Theo kết quả mới nhất về giải trình tự định danh vùng 18S đã xác định được ký sinh trùng ký sinh trong xoang cua biển (Scylla sp.) nuôi tại Cà Mau là ký sinh trùng Portunion conformis (P.conformis) thuộc họ Entoniscidae, một họ của giáp xác chân đều Isopoda. Là một loài nội ký sinh lần đầu tìm thấy nhiều trong xoang cua biển (Scylla sp.) nuôi bị chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh Cà Mau từ những năm 2020 đến 2023. Tổng số 133 con cua đã được thu trong khoảng thời gian từ 1-4/2023 tại 5 huyện: Năm Căn, Ngọc Hiển, Cái nước, Đầm Dơi và Phú Tân tỉnh Cà Mau (34 cua đực và 99 cua cái, trọng lượng từ 45- 315 gram), trong đó có 78 con cua có biểu hiện bệnh như bò chậm chạp, run chân, chết nhanh khi mang lên khỏi nước, mai bám bẩn, vàng yếm, đen mang, gan tụy tiêu biến nhiều, ốp thịt và 55 con cua không có biểu hiện bệnh như mai cua có màu xanh bùn, yếm trắng sáng, mang trắng, gan đầy và chắc thịt. Kết quả kiểm tra cho thấy tỉ lệ cua bị nhiễm P.conformis trong xoang cua là 62,4%. Mật độ P.conformis ký sinh 1-15 con/ cua. Kích thước P.conformis có chiều dài từ 1-3 cm, con trưởng thành ôm trứng và ấu trùng có khối lượng đến 2 gram. Mỗi giáp P.conformis cái trưởng thành có thể giải phóng ra môi trường nước trung bình 91,000± 26,000 ấu trùng Epicardium. Ấu trùng này có kích thước trung bình 288,6, ± 19,9 µm. Khi ấu trùng được giải phóng ra môi trường nước, chúng có khả năng bơi tự do. Từ ngày thứ 1-3 ấu trùng tập trung nổi tầng mặt, bám thành bể và hướng quang, ngày thứ 4-7 ấu trùng dần xuống đáy bể trú ẩn. Theo dõi ấu trùng trong môi trường nước biển 7 ngày, ấu trùng không có hình dạng biến thái nào khác so với hình thái đầu tiên được quan sát khi chúng được sinh ra từ P.conformis cái. Kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa khoa học nhận diện và phân loại một loài nội ký sinh trùng mới tìm thấy trên cua biển Scylla sp. nuôi tại Việt Nam đồng thời những nghiên cứu về đặc điểm sinh học của loài nội ký sinh trùng P.conformis có ý nghĩa quan trọng cho những nghiên cứu tiếp theo về cơ chế gây bệnh và tìm giải pháp phòng bệnh cho cua nuôi.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Từ những năm 2020 đến nay, cua biển (Scylla sp.) nuôi tại các huyện trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị bệnh chết hàng loạt. Trong năm 2021, tổng diện tích nuôi cua 02 huyện Năm Căn và Đầm Dơi là 29.734 ha và mức độ thiệt hại từ 30-100%. Hiện tượng cua chết xảy ra trong điều kiện thời tiết giao mùa và bùng phát bệnh vào thời điểm nắng nóng, độ mặn nước cao 25-28‰. Hiện tượng xuất hiện trên tất cả các kích cỡ cua nuôi từ cua nhỏ 30-40 gram đến cua thương phẩm 250-350 gram/con. Nguyên nhân dẫn đến cua chết chưa được xác định rõ và chưa có giải pháp ngăn chặn. Hiện tượng cua nuôi chết năm 2022 lặp lại tương tự như đã từng xảy ra trong năm 2020- 2021 ở cùng thời điểm [1].
Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy nội ký sinh trùng P.conformis là một trong ba tác nhân (ký sinh trùng, vi khuẩn vibrio sp. và nấm) xuất hiện với tỉ lệ cao (92,5%) trong mẫu bệnh thu được [2]. Việc nghiên cứu tìm ra giải pháp phòng bệnh cho cua biển nuôi chết hàng loạt có sự hiện diện của nội ký sinh P.conformis gây ra là một vấn đề cấp bách, cần được quan tâm giải quyết để giúp cho nghề nuôi cua biển tại tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh ven biển Việt Nam nói chung phát triển bền vững. Trước yêu cầu đó, nhóm nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu “Một số đặc điểm sinh học của nội ký sinh trùng Portunion conformis tìm thấy trên cua biển (Scylla sp.) nuôi trên địa bàn tỉnh Cà Mau”. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học làm nền tảng cho những nghiên cứu tiếp theo về cơ chế gây bệnh và tìm giải pháp phòng trị bệnh cho cua biển do tác nhân P.conformis gây ra.
II. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP
2.1.Vật liệu
Nguồn cua thí nghiệm: Thu 133 mẫu cua thương phẩm, 78 mẫu có biểu hiện bệnh và 55 mẫu cua không có biểu hiện bệnh.
Dụng cụ thí nghiệm: Thí nghiệm được thực hiện trên các bể kính thể tích:3 x 2.5 x 4 cm (dài x rộng x cao), bể thí nghiệm được trang bị sục khí đầy đủ và nước biển có độ mặn 28 ‰ đã xử lý bằng Chlorin 30ppm, xử lý sau 7 ngày cho vào bể chuẩn bị tiến hành thí nghiệm.
2.2. PHƯƠNG PHÁP
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 01 - 4 /2023 tại phòng thí nghiệm Phân Viện Nghiên Cứu Thủy Sản nam Sông Hậu.
- Phương pháp mô tả hình dạng ngoài và hoạt động của cua bệnh:
+ Để có những mô tả cụ thể về biểu hiện cua nuôi bình thường và cua có dấu hiệu bệnh, tiến hành thu 15 mẫu cua ở những đầm nuôi cua phát triển bình thường và thu 15 mẫu cua ở những đầm nuôi đang xảy ra bệnh để tiến hành mô tả ghi nhận cho các công việc:
+ Mô tả cua bệnh (cá thể) là mô tả chung những biểu hiện không bình thường như dấu hiệu về đóng rong, vàng rỉ sắc ở yếm, rung chân, rũ chân, cua óp, cua còi, đen mang, ký sinh bám trên vỏ, mang, trong xoang cua nuôi.
+ Phương pháp mô tả màu sắc và hình thái cơ quan nội tạng cua bệnh: Giải phẩu cua, xem mô tả và ghi nhận bằng hình ảnh về màu sắc hình thái mang, gan, cơ và ký sinh P.conformis trong xoang cua.
- Phương pháp mô học các cơ quan của cua bệnh: Các mô đích chọn nghiên cứu là: mang, gan, tim, cơ, …khối mô cắt nhỏ (1cm) được cố định trong dung dịch davidsion 24 giờ. Cố định riêng từng con /mẫu. Xét nghiệm mô học cho việc đánh giá tổng thể tỉ lệ nhiễm, cường độ nhiễm , các tổ chức mô của cua bị nhiễm.
- Phương pháp mô tả ký sinh trùng: Nghiên cứu ký sinh trùng- Theo Bychowskaja-Pavlopskaja (1969), Hà Ký (1969) và Bùi Quang Tề (2007). Đối với nội ký sinh trùng sử dụng kỹ thuật mô bệnh học. Các mẫu kiểm tra ký sinh trùng được lấy từ phần phụ, mang, tim, máu, gan tụy,… của mẫu vật còn sống hoặc mẫu mới chết. Mẫu ký sinh trùng được cố định và làm tiêu bản tươi, kiểm tra dưới kính hiển vi, kính sôi nổi, chụp ảnh và phân loại.
Đánh giá tỉ lệ nhiễm của ký sinh trùng trên mẫu vật:
X = (A/A1) x 100 trong đó:
X: tỷ lệ nhiễm bệnh của mẫu (%):
A 1: tổng số cá thể được kiểm tra
A : số cá thể bị nhiễm bệnh của mẫu
Đánh giá cường độ cảm nhiễm:
- Ký sinh trùng quan sát bên ngoài vỏ cua, quan sát mang cua, trong xoang thân cua. Quan sát mô tả ký sinh P.conformis: hình dạng, màu sắc, cân đo, đếm số lượng ký sinh/mẫu cua
- Phương pháp cho sinh sản ký sinh P.conformis trong điều kiện nhân tạo: từ những mẫu cua bệnh thu được, giải phẩu và chọn P.conformis cái đang ôm ấu trùng và cho từng con vào bể kính đã chuẩn bị nước biển 28 ‰ và sục khí, theo dõi đến khi ấu trùng Epicardium được giải phóng ra môi trường nước, di chuyển con P.conformis cái ra ngoài. Theo dõi và xác định mật độ, kích thước, hình thái của ấu trùng trong 7 ngày
+ Xác định mật độ ấu trùng bằng phương pháp định lượng bằng buồng đếm Sedgewick –Rafter
+ Kích thước ấu trùng đo bằng thước đo chuẩn trên lam kính.
+ Hình thái ấu trùng theo dõi và ghi nhận bằng phương pháp soi tươi bằng kính soi nổi với độ phóng đại x 4, x 10, ghi nhận lại hình ảnh.
- Phương pháp xử lý số liệu: Các số liệu thu thập được tính toán giá trị trung bình và độ lệch chuẩn sử dụng phần mềm Excel của Office 2016
III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
1. Kết quả mô tả
Từ tháng 01- 4 năm 2023, trong tổng số 133 mẫu cua thu được tại 5 huyện: Năm Căn, Ngọc Hiển, Cái nước, Đầm Dơi và Phú Tân tỉnh Cà Mau có 78 con cua có biểu hiện bệnh (bò chậm chạp, run chân, chết nhanh khi mang lên khỏi nước, mai bám bẩn, vàng yếm, đen mang, gan tụy tiêu biến nhiều, ốp thịt (Hình:1, 2) và 55 cua không có biểu hiện bệnh (mai cua có màu xanh bùn, yếm trắng sáng, mang trắng, gan đầy và chắc thịt) (Hình: 3). Tỉ lệ cua nuôi bị nhiễm P.conformis trong xoang cua là 62.4%. Kết quả giải phẩu 78 con cua bệnh và 5 con cua khỏe đã tìm thấy 324 con ký sinh P.conformis (104 con P.conformis ở giai đoạn trưởng thành đang ôm trứng, có ấu trùng (Hình: 4C,4D) và 220 con P.conformis nhỏ (Hình: 4A, 4B). Kết quả từ phân tích từ các mẫu thu tại các huyện trên địa bàn tỉnh Cà Mau cho thấy ký sinh trùng P.conformis tìm thấy tương đồng với kết quả nghiên cứu của Bùi Quang Tề (2006) về một số bệnh thường gặp trên cua biển (Scylla sp.) tại Nam Định và Hải Phòng [3].
Mật độ P.conformis ký sinh từ 1-15 con trong xoang của cua. Kích thước P.conformis thu được có chiều dài từ 1-3 cm, P.conformis cái trưởng thành ôm trứng và ấu trùng có khối lượng đến 2 gram (Hình: 5A, 5B). P.conformis còn nhỏ có màng bao bên ngoài màu trắng trong, hình sâu (Hình 4A, 4B) tìm thấy trên cả cua chưa có dấu hiệu bệnh và cua có dấu hiệu bệnh; P.conformis trưởng thành ôm trứng có cơ thể trương phồng và có màu vàng gạch (Hình 4C, 4D), đến giai đoạn trứng phát triển ấu trùng cơ thể nó căng to, có màu hồng tím đến nâu đen (Hình 6A), chỉ tìm thấy trên cua bệnh. Sau khi giải phóng ấu trùng ra ngoài, cơ thể P.conformis được bao quanh bởi cái túi màu trắng, rỗng (Hình 6B)
P.conformis ký sinh trong xoang cua, chúng sử dụng dinh dưỡng của cua để sinh trưởng. Chúng tập trung xung quanh dạ dày cua và đưa hệ thống chân tơ vào gan, cơ để hút dinh dưỡng của cua. Cua bị nhiễm P.conformis bị óp thân, gan tiêu biến nhiều, trong xoang có nhiều dịch lỏng (Hình: 2 ). Qua kết quả phân tích mô học cho thấy ấu trùng của P.conformis hiện diện trong mô cơ, mô gan tụy và mô tim của cua (Hình: 9)
2. Kết quả cho ký sinh trùng Portunion conformis sinh sản trong điều kiện nhân tạo
Trong 78 mẫu cua biểu hiện bệnh có các dấu hiệu như: đóng rong bám bẩn trên mai, phần bụng có nhiều vết đóng bẩn, vàng đen, trọng lượng nhẹ hơn các cua bình thường cùng kích thước và hoạt động chậm chạp (Hình: 10), tiến hành giải phẫu và chọn 8 con ký sinh trùng P.conformis ôm ấu trùng (Hình: 11 ) và cho vào bể kính đã chuẩn bị sẵn. Mỗi P.conformis / bể chứa 3 lít nước biển 28 ‰ có sục khí (Hình 12)
Mỗi P.conformis cái trưởng thành có thể giải phóng trung bình 90,938 ±25,632 ấu trùng vào trong xoang cua. Ấu trùng có kích thước trung bình 288,6 ± 19,9 µm (Hình:7, 8) (Bảng 1). Khi ấu trùng được giải phóng ra môi trường nước, ngày thứ 1-3 ấu trùng tập trung nổi tầng mặt, bám thành bể và hướng quang, ngày thứ 4-7 ấu trùng dần xuống đáy bể trú ẩn. Theo dõi ấu trùng của P.conformis trong môi trường nước biển có độ mặn 28%0, có sục khí, cho ăn tảo, trong 7 ngày ấu trùng không có dạng biến thái nào khác (Hình; 13 ).
Hình 10: Cua bệnh thu từ các đầm nuôi cua tại huyện Năm Căn tỉnh Cà Mau (Tiêu Thanh Tươi, 2023)
Hình 11: P.conformis cái ôm ấu trùng tham gia sinh sản (Tiêu Thanh Tươi, 2023)
Hình 12: Bố trí bể kính nuôi P.conformis cái ôm ấu trùng (Tiêu Thanh Tươi, 2023)
Hình 13: P.conformis nuôi trong bể kính và ấu trùng của P.conformis (Tiêu Thanh Tươi, 2023)
Kết quả nghiên cứu bước đầu ghi nhận ấu trùng của P.conformis tìm thấy trong các mẫu cua thu tại tỉnh Cà Mau là giai đoạn ấu trùng Epicarđium có khả năng tồn tại tự do trong môi trường nước. Theo kết quả nghiên cứu của XiaowanMa và ctv, 2023[4], giai đoạn này ấu trùng P.conformis có khả năng nhiễm sang những con cua khác trong ao/ đầm nuôi. Trên thế giới những nghiên cứu về nội ký sinh trùng P.conformis còn hạn chế. Nội ký sinh trùng P.conformis đã được phát hiện ở bờ biển tây của bắc Mỹ và nó gây ảnh hưởng đến cua bờ (Shore Crab) Hemigrapsus spp.[5]. Ở Việt Nam chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào được công bố về P.conformis hiện diện và gây ảnh hưởng đến cua biển (Scylla sp.). Do đó cần có nhiều nghiên cứu cụ thể trên P.conformis để ngăn chặn sự phát triển của chúng và sự ảnh hưởng đến sức khỏe cua nuôi.
Bảng 1: Kết quả theo dõi nuôi ký sinh trùng P.conformis ôm ấu trùng trong bể kính
3. Kết luận và đề nghị
Ký sinh trùng ký sinh trong xoang cua biển (Scylla sp.) nuôi tại Cà Mau là nội ký sinh trùng P.conformis thuộc họ Entoniscidae, một họ của giáp xác chân đều Isopoda. Là một loài nội ký sinh lần đầu tìm thấy nhiều trong xoang cua biển (Scylla sp.) nuôi bị chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh Cà Mau từ những năm 2020 đến 2023.
Ký sinh trùng P. conformis nội ký sinh trong xoang cua Scylla sp. Mật độ ký sinh từ 1-15 con/cua. Kích thước ký sinh thay đổi theo giai đoạn phát triển của nó (dài: 1- 3 cm, khối lượng đến 2g ở con P. conformis cái ôm ấu trùng). P. Conformis đẻ trứng vào gan, cơ và tim cua, ấu trùng Epicardium cũng tìm thấy trong các tổ chức mô gan, cơ và tim cua.
Có thể chủ động cho sinh sản nội ký sinh trùng P. conformis trong điều kiện nhân tạo để thu ấu trùng phục vụ cho các nghiên cứu sâu hơn. Mỗi P. conformis cái có thể giải phóng trung bình 90,938 ±25,632 ấu trùng Epicardium. Ấu trùng Epicardium có kích thước trung bình 288,6 ± 19,9 µm.
Thử nghiệm sinh sản nội ký sinh trùng P. conformis trong điều kiện nhân tạo mang lại ý nghĩa khoa học cao cho công tác nghiên cứu bệnh học trên đối tượng cua nuôi nói riêng và trên giáp xác nuôi có giá trị kinh tế khác nói chung.
Ký sinh trùng P. Conformis hiện diện trong xoang cua biển nuôi tại tỉnh Cà Mau là đối tượng mới gây ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị sản phẩm cua Cà Mau. Cần có những nghiên cứu tiếp theo để tìm ra giải pháp phòng trị bệnh cho cua nuôi do ký sinh trùng P. Conformis.
Tiêu Thanh Tươi, Lê Văn Trúc, La Thúy An