Đối tượng tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) đã được cho phép phát triển nuôi ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2008 với hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh, nhằm đa dạng đối tượng nuôi và xuất khẩu thủy sản theo Chỉ thị số 228/CT-BNN-NTTS ngày 25/01/2008. Tuy đây là đối tượng có nguồn gốc ngoại lai, nhưng có nhiều đặc điểm sinh học khá ưu việt, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và nguồn nước ở Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng. Bên cạnh con tôm sú bản địa, hiệu quả kinh tế mang lại từ loại hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh từng bước được khẳng định. Đến những tháng đầu năm 2016 do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino gây khó khăn không nhỏ cho người dân nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Chính vì vấn đề này, dẫn đến tình hình tự phát thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong vuông nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến tập trung tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau như: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau với trên 18.000 ha (Số liệu điều tra từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện và Phòng Kinh tế thành phố Cà Mau 2017-2018).
Hiện trạng đầm nuôi tôm thẻ QC,QCCT - Ảnh Tg
Trước thực trạng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo việc quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong mô hình nuôi quảng canh cải tiến tại ĐBSCL (Công văn số 3278/BNN-TCTS ngày 19/4/2017). Theo đó, không để người dân tự ý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng quy hoạch phát triển nuôi tôm sú; không nuôi tôm công nghiệp trong vùng rừng ngập mặn, sinh thái; trước mắt đồng ý chủ trương nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh cải tiến ở phạm vi hẹp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và giám sát thực hiện ở những vùng sinh thái phù hợp, đồng thời yêu cầu chủ cơ sở nuôi trong suốt quá trình thí điểm phải cam kết thực hiện các biện pháp kỹ thuật để tôm không thất thoát, phát tán ra môi trường xung quanh.
Trên cơ sở kết quả bước đầu Đề tài “Điều tra, đánh giá hiện trạng nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh, quảng canh cải tiến trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đề xuất giải pháp quản lý trong thời gian tới”. Đề tài thực hiện thu thập số liệu từ người dân và cơ quan quản lý địa phương, đồng thời thực hiện thí điểm mô hình nuôi tôm chân trắng quảng canh cải tiến làm kiểm chứng nguồn thông tin thu thập được. Kết quả của mô hình đạt năng suất khá, chưa có biểu hiện bất thường về môi trường và dịch bệnh. Tuy nhiên, Đề tài còn phần nội dung Hội thảo lấy ý kiến các cơ quan quản lý ở địa phương và người dân, làm cơ sở kiến nghị giải pháp quản lý đối tượng tôm chân trắng nuôi ở hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến phù hợp trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trước mắt, Nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh, quảng canh cải tiến như sau:
- Tuyên truyền vận động người dân không nên phát triển nuôi tôm chân trắng theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến, khi chưa có chủ trương cho nuôi.
- Đề xuất cho nuôi thí điểm ở một số vùng nuôi tôm sú không hiệu quả do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và giám sát theo đúng tinh thần Công văn số 3278/BNN-TCTS ngày 19/4/2017 về việc quản lý nuôi tôm chân trắng trong mô hình quảng canh cải tiến tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Làm cơ sở đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường, sinh thái để đề ra giải pháp quản lý và phát triển phù hợp.
- Các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Công văn số 3278/BNN-TCTS ngày 19/4/2017 về việc quản lý nuôi tôm chân trắng trong mô hình quảng canh cải tiến tại Đồng bằng Sông Cửu Long; Công văn số 1172/SNN-TS ngày 09/5/2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau về việc quản lý tôm chân trắng trong mô hình nuôi quảng canh cải tiến trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
- Các đơn vị chuyên môn, địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức mua bán tôm chân trắng làm giống nuôi theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến trên địa bàn tỉnh.
KS.Hồ Văn Việt - Chi cục thủy sản Cà Mau