1. Đặc điểm của Khu dự trữ sinh quyển Thế giới mũi Cà Mau
Khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG) là mô hình phát triển bền vững mà chúng ta để lại cho thế hệ mai sau với phương châm “Bảo tồn cho phát triển và phát triển để bảo tồn” các KDTSQ phải là một vùng hoặc liên vùng tương đối rộng, lớn đại diện cho các hệ sinh thái tiêu biểu, vùng địa lý có ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học, có nhiều loài đặc hữu quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Một KDTSQ muốn được thế giới công nhận phải hội đủ 3 chức năng: Bảo tồn, phát triển và có sự tham gia của cộng đồng để cùng chia sẻ lợi ích.
Ngày 26/5/2009 Tổ chức Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp Quốc UNESCO sau khi đã kiểm tra, thẩm định bộ hồ sơ KDTSQ mũi Cà Mau đã chính thức công nhận đây là một KDTSQ nằm trong hệ thống dự trữ sinh quyển của thế giới. Đây là một tài sản vô cùng quý giá không những của người dân Cà Mau, nước Việt Nam mà là của toàn nhân loại cần phải được bảo tồn và phát triển đúng hướng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và các mục đích khác.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới mũi Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên là 371.506ha bao gồm vườn quốc gia mũi Cà Mau, rừng phòng hộ biển Tây, vườn quốc gia U Minh hạ, trải dài theo 4 huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Trần Văn Thời được phân thành 3 vùng chức năng:
- Vùng lõi: Diện tích 17.329ha bao gồm 14.773ha trong nội địa và 2.556ha ven biển.
- Vùng đệm: Diện tích 43.309ha bao gồm 8.775ha trong nội địa và 34.534ha trên biển.
- Vùng chuyển tiếp: 310.868ha bao gồm 94.688ha trong nội địa và 216.180ha trên biển.
So với những vùng sinh thái khác thì KDTSQ mũi Cà Mau có những đặc trưng nỗi bật sau đây:
- Là rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam và nổi tiếng trên thế giới, có năng suất sinh học cao so với các hệ sinh thái rừng tự nhiên khác tại vườn quốc gia mũi Cà Mau còn giữ được diễn thế nguyên sinh trên nền đất mới bồi tụ tạo nên những quần xã thực vật đặc trưng của hệ sinh thái, rừng ngập mặn là nơi cư trú theo từng giai đoạn, tạo nên bãi đẻ và nuôi dưỡng ấu trùng của các loài thủy hải sản cho cả một vùng rộng lớn của Vịnh Thái Lan.
- Rừng phòng hộ biển Tây có cấu trúc đặc biệt về địa chất bờ biển thẳng không có vịnh, là cầu nối chuyển tiếp giữa 2 hệ sinh thái đặc trưng ở bán đảo Cà Mau: Rừng ngập mặn và rừng tràm chứa đựng nhiều tài nguyên biển và đất liền.
- Rừng tràm vườn quốc gia U Minh hạ là kiểu rừng ngập lợ chua phèn mang tính đặc trưng của vùng đất Nam bộ. Ở đây còn giữ được kiểu diễn thế nguyên sinh của hệ sinh thái rừng tràm trên nền đất than bùn tích tụ được qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển.
* Về đa dạng sinh học: Ở vườn quốc gia mũi Cà Mau có 22 loài thực vật trong rừng ngập mặn đã được phát hiện đại diện cho các kiểu rừng thuần loại, hỗn giao giữa các loài đước, vẹt, mấm. Trong đó có loài mấm trắng (Avicennia alba) là loài tiên phong lấn biển, cố định đất.
Hệ động vật có 13 loài thuộc 9 họ, trong đó có 2 loài được ghi trong sách đỏ thế giới IUCN như: Khỉ đuôi dài và Cà khu. Lớp chim có 72 loài thuộc 32 họ, trong đó có 5 loài có trong sách đỏ IUCN như: Cò trắng Trung Quốc, Bồ nông chân xám, Giang sen, Rẻ mỏ cong lông nâu, Quắn trắng. Bò sát có 17 loài thuộc 9 họ, trong đó có 2 loài nằm trong sách đỏ IUCN, 6 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam; lưỡng cư có 5 loài thuộc 3 họ; các loài cá đã được điều tra phát hiện gồm 175 loài thuộc 116 giống và 77 họ.
Vườn quốc gia U Minh hạ có diện tích 8.528ha ở đây có 79 loài thực vật thuộc 65 chi, 36 họ; hệ động vật rất phong phú đa dạng, trong đó lớp thú có 32 loài, lớp chim có 74 loài, bò sát có 36 loài, lưỡng cư 11 loài. Đặc biệt ở khu rừng tràm U Minh hạ đã có 14 loài động vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam và IUCN như: Rái cá lông mủi, tê tê, rắn hổ mang chúa, rùa răng, diệc lữa…
* Về đa dạng văn hóa
Khu dự trữ sinh quyển thế giới mũi Cà Mau có dân số 170.321 người gồm 3 dân tộc chính là: Kinh, Hoa, Khơme sống hòa đồng với nhau. Các cộng đồng này vẫn giữ được những bản sắc văn hóa riêng. Các ngành nghề truyền thống như: Nghề hầm than, gác kèo ong, nghề làm mắm, làm khô, các phong tục lễ hội nghinh Ông, hát đờn ca tài tử…mang đậm dấu ấn đặc trưng của những cư dân đầu tiên đến khai hoang mở cõi vùng đất này.
Việc UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới mũi Cà Mau là một niềm vinh dự tự hào của tỉnh, đây là lần đầu tiên tỉnh ta có một danh hiệu tầm cỡ thế giới, khẳng định được tiềm năng vị thế của tỉnh trong tiến trình phát triển đi lên và hội nhập quốc tế.
2. Tình hình bảo tồn và phát triển KDTSQTG mũi Cà Mau trong thời gian đã qua
Sau khi được UNESCO công nhận, ngày 26/4/2010 (sau 1 năm) UBND tỉnh Cà Mau đã làm lễ đón quyết định để quảng bá danh hiệu cao quý này với những nghi thức rất hoành tráng. Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đại diện Chính phủ Việt Nam; bà Katơrin Mule, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam. Ngoài ra còn có 8 đại diện của các tổ chức quốc tế và đại diện các Bộ, Ban ngành Trung ương, các tỉnh bạn, các khu dự trữ sinh quyển trong nước.
Ban Tổ chức Tuần lễ Văn hóa – Du lịch mũi Cà Mau đã tổ chức 01 cuộc Hội thảo và kêu gọi đầu tư với gần 300 đại biểu và 8 tổ chức quốc tế tham dự. Kết quả đã ký được 6 văn bản ghi nhớ về các dự án đầu tư và nghiên cứu khoa học ở khu DTSQTG mũi Cà Mau.
Sau lễ công bố UBND tỉnh Cà Mau đã thành lập Ban quản lý khu DTSQTG do đ/c Phó Chủ tịch làm Trưởng ban và được phân bổ 5 biên chế hoạt động chuyên trách. Ban quản lý đã soạn thảo trình UBND tỉnh ban hành được các quy chế quản lý, hoạt động của khu DTSQTG và đã có những nỗ lực trong việc phối hợp với các ban, ngành bảo tồn, phát triển khu DTSQ. Kết quả nạn chặt phá cây rừng, cháy rừng, khai thác săn bắt thú rừng trái phép đã được hạn chế, công tác quản lý bảo vệ, chăm sóc, trồng rừng mới được quan tâm đúng mức từ các chương trình đầu tư trong nước và quốc tế như các dự án của Ngân hàng thế giới, dự án thuộc Chương trình 661 của Bộ Nông nghiệp & PTNT…
Các đề tài nghiên cứu để phục vụ cho bảo tồn và phát triển ở khu DTSQTG đã được triển khai như: Các đề tài nghiên cứu về xói lở, biến động của đường bờ, đới ven bờ mũi Cà Mau. Các dự án nghiên cứu về nhà ở cho người dân vùng phòng hộ xung yếu trong rừng ngập mặn, dự án về tạo sinh kế người dân khu vực phòng hộ biển Tây, Dự án nghiên cứu hỗ trợ cho nghề gác kèo ong khu vực rừng tràm, Dự án nghiên cứu thí điểm về bán phác thải môi trường rừng (CO2) ở vườn quốc gia Đất Mũi…UBND tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng bờ kè sinh thái để chống sạt lở ở khu du lịch Đất Mũi và rừng phòng hộ biển Tây trên địa phận xã Nguyễn Phích huyện U Minh.
- Về phát triển du lịch: Thực hiện phương châm bảo tồn gắn với phát triển kinh tế trong đó ngành du lịch sinh thái, du lịch địa lý giữ vai trò quan trọng. Trong 5 năm qua chúng ta đã bước đầu khởi động thực hiện mục tiêu quan trọng này.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đã xây dựng Dự án Quy hoạch phát triển du lịch ở Vườn quốc gia mũi Cà Mau, U Minh hạ. Tổ chức được một số hội nghị, hội thảo về du lịch mũi Cà Mau, quảng bá thương hiệu khu DTSQTG mũi Cà Mau phục vụ du khách trên các phương tiện thông tin đại chúng; bước đầu đã xây dựng được một số cơ sở vật chất để phục vụ du khách ở các điểm du lịch Đất Mũi, hòn Đá bạc, Vồ dơi nằm trong khu DTSQ.
Lượng khách đến tham quan du lịch đã tăng nhiều lần so với trước đây. Các hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể như: Lễ hội nghinh Ông, đờn ca tài tử Nam bộ đã được quan tâm.
Đời sống của các cộng đồng dân cư sống trong khu DTSQ bước đầu đã được cải thiện, nhất là cư dân ở vùng đệm bằng các chương trình đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ Việt Nam và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được việc bảo tồn để phục vụ cho phát triển ở KDTSQTG mũi Cà Mau trong những năm vừa qua còn một số hạn chế sau đây:
- Chưa phát huy tốt thương hiệu KDTSQTG để phát triển du lịch sinh thái, tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho người dân địa phương và đóng góp cho ngân sách tỉnh. Mặc dù lượng khách du lịch trong những năm gần đây có tăng lên nhưng so với những nơi khác có KDTSQ như: Cát Tiên, Cần Giờ, Phú Quốc thì chúng ta còn rất khiêm tốn.
- Hạ tầng cơ sở đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch địa lý ở KDTSQ còn chắp vá, manh mún và thiếu tư duy hệ thống. Đến nay Dự án Quy hoạch khu du lịch Đất Mũi vẫn chưa triển khai được do những vướng mắc về thủ tục đất đai, vì thế chưa kêu gọi được các nhà đầu tư để xã hội hóa ngành kinh tế quan trọng này.
- Một số vướng mắc về quản lý giữa Vườn quốc gia với ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch chưa được giải quyết nên rất khó triển khai các dự án phát triển du lịch.
- Chất lượng phục vụ ở các khu du lịch trong KDTSQ còn rất kém, sản phẩm du lịch nghèo nàn chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của du khách. Công tác quảng bá thương hiệu KDTSQTG chưa được thường xuyên.
- Việc bảo tồn các nguồn gen quý hiếm trong KDTSQTG chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng khai thác cây rừng, săn bắt thú rừng vẫn còn xảy ra. Vấn đề xử lý kiểm soát ô nhiễm môi trường, tạo mỹ quan và văn hóa ứng xử tại KDTSQTG vẫn còn nhiều bất cập.
- Bộ máy quản lý trong Ban điều hành KDTSQTG tuy đã được thành lập với nhiều thành viên nhưng sự phối hợp chưa nhịp nhàng, thiếu kinh phí hoạt động, chưa tạo được mối liên kết giữa các khu DTSQ và chưa kêu gọi được nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và dự án đầu tư vào khu vực này.
3. Một số ý kiến đề xuất
Hiện nay chúng ta đang đứng trước những cơ hội thuận lợi để phát huy giá trị KDTSQTG mũi Cà Mau để phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội. Đó là việc thông xe cầu Năm Căn và đường Hồ Chí Minh đi Đất Mũi đã giải quyết được bất lợi về ngăn cách địa lý tạo thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái về mũi đất cuối cùng của Tổ quốc, xin có vài ý kiến đề xuất như sau:
- UBND tỉnh Cà Mau cần chỉ đạo các ngành có liên quan khẩn trương thực hiện Dự án Quy hoạch phát triển du lịch mũi Cà Mau, trước mắt là giải quyết những vướng mắc về quản lý đất đai trên địa bàn, đặc biệt là tại vườn quốc gia mũi Cà Mau.
- Xây dựng một Chương trình “quảng bá du lịch mũi Cà Mau” đầy đủ, bài bản hơn như các địa phương khác đã làm.
- Có chính sách ưu đãi để kêu gọi các nhà đầu tư phát triển du lịch ở 2 vườn quốc gia mũi Cà Mau và vườn quốc gia U Minh hạ.
- Quan tâm hơn nữa tới đời sống của các cộng đồng dân cư ở các vùng lỏi và vùng đệm KDTSQTG mũi Cà Mau, trước mắt là giải quyết sinh kế cho người dân và các vấn đề về phúc lợi xã hội như “điện, đường, trường, trạm” vì đây là những vùng xa xôi hẻo lánh, đời sống của bà con còn rất khó khăn.
- Cần quan tâm hơn nữa công tác bảo tồn, phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học trong và ngoài nước đến triển khai các dự án bảo tồn, nghiên cứu khoa học ở KDTSQTG.
Xin mượn lời của PGS. TS Nguyễn Hoàng Trí, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia con người và sinh quyển Việt Nam (MAB) nói về khu DTSQTG để kết thúc bài viết này: “Dù bất cứ danh hiệu nào thì chúng vẫn là danh hiệu, đôi khi chúng còn bị xuống cấp theo thời gian nếu chúng ta không thấy hết giá trị của chúng và không biết khai thác phát triển kinh tế để nâng cao hiệu quả của bảo tồn”.
Ks. Trần Phú Cường
Nguyên Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Cà Mau