Ngành khoa học và công nghệ 60 năm xây dựng và phát triển.

       Bộ Khoa học và Công nghệ, tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước được thành lập theo Sắc lệnh số 16 - SL ngày 04/3/1959 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

       Ngay từ giai đoạn đầu thành lập (1959 - 1975), khi cả dân tộc đang dồn sức cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, khoa học và công nghệ Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Khoa học Nhà nước đã trở thành một lực lượng hậu phương quan trọng. Một mặt, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nâng cao năng suất lao động và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Mặt khác, chủ động và sáng tạo tham gia phát triển tiềm lực kỹ thuật quân sự để chống trả cuộc chiến tranh với kỹ thuật cao của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với tiềm lực sơ khai nhưng trong giai đoạn này, hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động đã trở thành phong trào sâu rộng trên toàn miền Bắc, góp phần thực hiện thắng lợi các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Các nhà khoa học Việt Nam đã có được các công trình nghiên cứu ứng dụng giống cây mới và quy trình gieo cấy tiên tiến, bảo đảm lương thực chi viện cho miền Nam; các công trình y dược về sốt rét, lây nhiễm, da liễu, ngoại khoa đã phục vụ kịp thời việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và lực lượng quân đội trên chiến trường; hệ thống các công trình nghiên cứu kỹ thuật quân sự chống nhiễu ra - đa, cải tiến tên lửa phòng không, rà phá bom và thủy lôi từ trường là những dấu mốc quan trọng trong quá trình trưởng thành của lực lượng khoa học và công nghệ Việt Nam, góp phần cùng với quân và dân cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh với kỹ thuật cao của đối phương, hoàn thành sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

       Bước sang thời kỳ hòa bình, từ năm 1976 đến nay, khoa học và công nghệ đã cùng với nhân dân cả nước nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế trong hoàn cảnh bị bao vây cấm vận đầy khó khăn, thử thách. Phối hợp chặt chẽ với các ngành kinh tế, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, khoa học và công nghệ Việt Nam đã tham gia có hiệu quả vào công cuộc Đổi mới đất nước do Đảng và Nhà nước ta khởi xướng, xóa bỏ cơ chế bao cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, mở rộng hợp tác và giao lưu quốc tế, phát huy mọi nguồn lực để giữ vững ổn định chính trị và thực hiện thành công công cuộc Đổi mới. Trong công cuộc đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ngày nay, khoa học và công nghệ nước ta đã có những bước tiến quan trọng về mọi mặt, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Cùng với những đổi mới căn bản trong công tác quản lý, tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước đã được tăng cường và có bước phát triển rõ rệt. Hệ thống cơ quan khoa học bắt đầu từ 8 viện nghiên cứu, đến nay đã bao gồm trên 1.500 viện, trung tâm nghiên cứu thuộc mọi thành phần kinh tế. Số lượng nguồn nhân lực có khả năng tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên toàn quốc đạt trên 2,6 triệu người. Trong đó, có gần 60 nghìn người trực tiếp làm công tác nghiên cứu tại các Viện nghiên cứu, Trường Đại học và doanh nghiệp. Kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ đã được tăng cường đáng kể từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội khác. Hạ tầng thông tin và cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ được nâng cấp và cải thiện. Quan hệ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ được mở rộng với gần 100 nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế.

       60 năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò là cơ quan tham mưu cho Đảng và Chính phủ quản lý thống nhất về hoạt động khoa học và công nghệ trong phạm vi cả nước, đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, khẳng định là nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

       Ở tỉnh Cà Mau, Sở Khoa học và Công nghệ, tiền thân là Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Minh Hải, được thành lập ngày 23/9/1979. Có chức năng quản lý nhà nước về các mặt hoạt động khoa học, công nghệ ở địa phương. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, quản lý nhà nước về đo lường, chất lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội…

       Nhân kỷ niệm ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam  năm nay và kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển ngành KH&CN Việt Nam (1959 – 2019), xin điểm lại chặng đường xây dựng và phát triển của ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau từ khi chia tách, tái thành lập từ Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Minh Hải ngày 01/01/1997 đến nay.  

       Thời điểm năm 1997, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, trụ sở làm việc chật hẹp, đội ngũ cán bộ vừa thiếu, chưa được đào tạo chuyên sâu. Khi mới chia tách, Sở KH&CN có 04 phòng chức năng và 02 đơn vị trực thuộc với số lượng công chức, viên chức chưa đến 30 người, trong đó trình độ đại học 19 người, trung cấp 7 người. Hiện nay Sở KH&CN có 06 phòng chức năng và 04 đơn vị trực thuộc, tổng số công chức, viên chức  là 103 người, trong đó trình độ sau đại học gồm: 3 Tiến sĩ, 21 Thạc sĩ, còn lại hầu hết là Đại học. Về cơ bản đội ngũ công chức, viên chức ngành KH&CN có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

       Về cơ sở vất chất và trang thiết bị kỹ thuật, hiện nay trụ sở làm việc của Sở, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH&CN, Trung tâm Phân tích, Kiểm nghiệm được đầu tư xây dựng khang trang, theo tiêu chuẩn quy định.

Trụ sở Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau - Ảnh Bảo Đăng

       Trang thiết bị nghiên cứu, kiểm định, thử nghiệm được đầu tư tăng cường, Phòng thí nghiệm được công nhận đạt chuẩn VILAS 17025:2005 và được công nhận mã số VILAS 617 và đã được chỉ định xét nghiệm hầu hết các bệnh trên động vật thủy sản như tôm, cá, các mẫu về đất, nước quan trắc môi trường. Nhiều trang thiết bị hiện đại được đầu tư phân tích được dư lượng thuốc BVTV, dư lượng kháng sinh, kim loại nặng trong nước, hóa, lý, thủy sinh, vi sinh ...gần 300 chỉ tiêu, góp phần phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Vốn đầu tư tiềm lực Khoa học Công nghệ mỗi năm đều tăng lên từ năm 1997 cho đến nay, tính cả phần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trụ sở làm việc, trang thiết bị kỹ thuật với số tiền khoảng trên 150 tỷ đồng.

       Sở cũng đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ ở địa phương. Ngoài ra Giám đốc sở cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn đôn đốc thực hiện công tác quản lý…Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức nhiều cuộc Hội thảo quốc tế, Hội thảo cấp vùng, cấp Khu vực và cấp tỉnh.


Tọa đàm khời nghiệp tại Cà Mau năm 2018 - Ảnh Trịnh Quang

       Về đề tài, dự án trung ương, ngành KH&CN đã triển khai thực hiện được 10 dự án thuộc Chương trình Nông thôn và Miền núi, một số dự án tiêu biểu như: Dự án xây dựng dây chuyền sản xuất chế phẩm sinh học EMOZEO phục vụ nuôi trồng thủy sản và xử lý môi trường tại tỉnh Cà Mau; Dự án xây dựng mô hình sản xuất tổng hợp trên vùng đất phèn nặng tại xã Khánh An huyện U Minh; Dự án xây dựng mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời cho các xã ven biển và cụm đảo tỉnh Cà Mau; Dự án ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất và phát triển giống lúa mùa địa phương phục vụ cho vùng sản xuất lúa mùa và lúa - tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Dự án Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap cho hệ canh tác lúa tôm tỉnh Cà Mau; Dự án Chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình trồng chuối già Phillippine đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vùng U Minh Hạ tỉnh Cà Mau…  

       Về Chương trình phát triển tài sản trí tuệ có 02 dự án đã thực hiện như: Dự án Tuyên truyền phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên Đài Phát thanh và Truyền hình Cà Mau giai đoạn 2011 - 2012 và dự án giai đoạn 2012 – 2013.

       Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt danh mục 235 đề tài, dự án cấp tỉnh. Phần lớn các đề tài, dự án KH&CN được tập trung vào lĩnh vực phát triển ngư – nông - lâm nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, đây cũng là thế mạnh của tỉnh, đồng thời cũng phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển của tỉnh Cà Mau. Vì thế, số lượng các đề tài, dự án KH&CN ở lĩnh vực này chiếm tỷ lệ cao hơn so với các lĩnh vực khác. Các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn cũng được triển khai thực hiện theo yêu cầu của các Sở ngành.

       Kết quả các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN đã góp phần tích cực trong việc cung cấp các luận cứ khoa học quan trọng cho quá trình hoạch định chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất ngư – nông - lâm nghiệp. Các quy trình kỹ thuật, công nghệ sản xuất giống trong nông nghiệp và thủy sản được nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm thông qua các đề tài, dự án và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ sự lệ thuộc hầu như hoàn toàn vào ngoài tỉnh, thiếu nguồn giống chất lượng phục vụ sản xuất, đến nay qua 22 năm triển khai thực hiện các đề tài, dự án đã làm chủ được nhiều công nghệ, quy trình sản xuất giống thủy sản, giống nông nghiệp, lâm nghiệp. Một số kết quả nghiên cứu nổi bật như: quy trình kỹ thuật sản xuất cua giống, giống tôm sú, tôm chân trắng, cá bống tượng; nghiên cứu ứng dụng CNSH trong tuyển chọn, lai tạo phục tráng và sản xuất các giống lúa địa phương như: một bụi lùn, tép hành, tài nguyên đục; Giống Camau1, Camau 2…, nghiên cứu tuyển chọn, sản xuất các giống cây keo lai bằng phương pháp cấy mô, sản xuất các giống chuối năng suất cao, chất lượng tốt; sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thủy sản…

Cán bộ Văn phòng chương trình NTMN và lãnh đạo sở KHCN kiểm tra dự án - Ảnh Ngô Phúc

       Ngoài các đề tài, dự án cấp tỉnh, nhằm góp phần thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, từ năm 2010 đến nay Sở Khoa học & Công nghệ đã hỗ trợ cho các Hợp tác xã, Tổ hợp tác cũng như các địa phương trong tỉnh 60 dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất từ các Chương trình như: (1) Chương trình Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của tỉnh, (2) Chương trình Ứng dụng nhân rộng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đời sống, (3) Ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau. Các chương trình đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản với các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng các giải pháp nhằm tăng năng suất, chất lượng khai thác các loài thủy sản xa bờ; Hỗ trợ ứng dụng quy trình sản xuất giống nông - lâm - thủy sản tiên tiến cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản xuất giống, Hỗ trợ xây dựng mô hình, dự án chuyển giao và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm ứng dụng vào sản xuất và đời sống; Nhân rộng các mô hình sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp có hiệu quả, ưu tiên các mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng và đổi mới công nghệ nhằm cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; công nghệ bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; Hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất để thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, nhằm tạo công ăn việc làm góp phần xây dựng nông thôn mới.

       Việc triển khai các chương trình trên đã đạt được kết quả bước đầu như: trong lĩnh vực thủy sản, tập trung chính vào ứng dụng quy trình công nghệ trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến như: nuôi tôm nước xanh tuần hoàn, semi-biofloc, VietGAP, lót bạt đáy ao, nuôi tôm kết hợp với sò huyết, cá nâu; nuôi cua 2 giai đoạn; ứng dụng men vi sinh trong nuôi tôm công nghiệp, quảng canh cải tiến; nuôi tôm cành xanh toàn đực …Việc áp dụng các công nghệ mới góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm tôm nuôi, hạn chế rủi ro cho người nuôi. Điển hình như: nuôi tôm càng xanh toàn đực tại Thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình đã thành lập THT nuôi tôm càng xanh, với mục tiêu nâng cao năng suất tôm càng xanh cho các hộ dân trên địa bàn huyện Thới Bình. Kết quả nuôi năng xuất đạt từ 380 – 450 kg/ha/vụ; Nuôi cua bán thâm canh tại xã Hàm Rồng và Hàng Vịnh, huyện Năm Căn với mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng của cua thương phẩm để nhân rộng, góp phần phát triển nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn, lợi nhuận bình quân 187,7 triệu đồng/ha/vụ; Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ứng dụng công nghệ semi – biofloc ở Cái Nước và Phú Tân, kết quả đạt trung bình 45,3 tấn/ha/vụ; Nuôi tôm chân trắng theo quy trình khép kín tại xã Quách Phẩm Bắc, kết quả đạt 56 tấn/ha/vụ; Ứng dụng các mô hình nuôi trồng thủy sản có hiệu quả tại xã Phú Thuận, huyện Phú Tân. Mô hình nuôi Tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước sử dụng chế phẩm sinh học đạt năng suất tôm nuôi bình quân là 292,7 kg/ha/vụ, mô hình nuôi luân canh Tôm sú - Cua biển theo hình thức quảng canh cải tiến năng suất tôm nuôi bình quân đạt 310,5 kg/ha/vụ, năng suất cua biển đạt 216 kg/ha/vụ.

       Về giống cây trồng theo báo cáo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông dân trong toàn tỉnh hiện nay sử dụng 80% giống xác nhận và tương đương trên toàn diện tích sản xuất; ứng dụng giống năng suất chất lượng cao vào sản xuất,… đã góp phần tăng năng suất, hiệu quả và giá trị lúa toàn tỉnh lên đến 15% so với trước; chất lượng các sản phẩm hướng đến cung cấp trong tỉnh và xuất khẩu. Trong đó, có sự đóng góp rất lớn từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học phân tử trong tuyển chọn, lai tạo và phục tráng giống cây trồng.

       Về Lâm nghiệp triển khai thực hiện nghiên cứu, tuyển chọn dòng keo lai cho năng suất cao và phù hợp với vùng U Minh Hạ. Đồng thời, Ứng dụng công nghệ sinh học để nhân giống cây keo lai (Acica hybrid) bằng phương pháp cấy mô tại tỉnh Cà Mau. Địa phương đã làm chủ được quy trình nhân giống cấy mô tế bào thực vật và tạo ra được nguồn giống sạch bệnh, sẳn sàng cung cấp giống cho địa phương mà không cần phải nhập từ tỉnh khác về.

       Đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT), Sở đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 18/2010/QĐ-UBND, ngày 15 tháng 9 năm 2010 về việc ban hành Quy chế hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Sở đã hướng dẫn cho hơn 1.013 tổ chức và cá nhân nộp đơn bảo hộ và  được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 801 giấy chứng nhận bảo hộ cho cơ sở và Doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tư vấn đã từng bước tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức cho các tổ chức, cá nhân về xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tăng. Trên địa bàn tỉnh đến nay được bảo hộ là 13 nhãn hiệu (10 nhãn hiệu tập thể: Tôm khô Rạch Gốc, khô bổi U Minh, Mật ong U Minh, Cua Năm Căn – Cà Mau, Mắm lóc Thới Bình, Cá Chình, cá Bống tượng Tân Thành- Cà Mau,  Cá Khoai Cái Đôi Vàm - Cà Mau; Bồn bồn Cái Nước - Cà Mau, Chuối khô Trần Hợi - TVT và bánh Phồng tôm Mũi Cà Mau và 3 nhãn hiệu chứng nhận gạo đặc sản: Một bụi lùn, Tài nguyên đục và Tép hành Cà Mau), các nhãn hiệu này đã được công bố và giao quyền sử dụng cho các Hợp tác xã, Hội Nông dân, Hội Thủy sản quản lý khai thác sử dụng. Trong đó có những mặt hàng chủ lực của tái cơ cấu ngành nông nghiệp xác định, đồng thời Sở đang tiếp tục xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho 5 sản phẩm của các địa phương (Cá bóp Hòn Chuối, Lúa sạch Thới Bình, Mực Sông Đốc, Cá Thòi lòi Đất Mũi, Chuối xiêm sinh thái - Cà Mau), dự kiến sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận trong năm 2019.

Lễ công bố nhãn hiệu tập thể cá khoai Cái Đôi Vàm - Ảnh Trịnh Quang

       Về cấp huyện từ năm 2006 đến nay, các huyện và thành phố Cà Mau đã triển khai hơn 248 dự án và mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN ở địa bàn cấp huyện. Nội dung các dự án và mô hình chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất thử nghiệm và nhân rộng các mô hình sản xuất trong nông nghiệp và thủy sản, như: xây dựng các mô hình nuôi thủy sản nước mặn, ngọt, lợ; mô hình chăn nuôi; sản xuất giống; trồng các loại cây, rau, màu an toàn; mô hình sản xuất tổng hợp để nhân rộng cho bà con nông dân... Năng lực về quản lý, thực hiện các dự án KH&CN ở các địa phương đã được tăng cường, đặc biệt là sự liên kết các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN từ cấp huyện đến cấp tỉnh và các viện, trường, cơ quan nghiên cứu.

       Sở đã triển khai, thực thi nghiêm túc các văn bản pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ. Từ khi có Luật năng lượng nguyên tử, đã đưa công tác quản lý đi vào nề nếp. Toàn tỉnh Cà Mau có 30 cơ sở X - quang y tế và Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm có sử dụng nguồn, đến nay Sở đã kiểm tra cấp giấy phép cho tất cả các cơ sở X quang đạt tiêu chuẩn an toàn bức xạ hạt nhân, thiết bị được kiểm tra, kiểm định theo định kỳ, nhân viên bức xạ được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, kiến thức an toàn bức xạ, các nguồn bức xạ lưu động của các Trung tâm ngoài tỉnh mang đến Cà Mau để thực hiện công tác kiểm tra tại Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm đều được khai báo, quản lý chặt chẽ, chưa để xảy ra trường hợp nào rò rỉ nguồn phóng xạ, bức xạ gây mất an toàn.

       Hoạt động quản lý về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có bước phát triển vượt bật, 22 năm qua đã kiểm định được 383.998 phương tiện đo các loại, thử nghiệm được 43.834 lượt chỉ tiêu, công bố hợp chuẩn được 254 lượt với gần 500 sản phẩm các loại. Tư vấn hướng dẫn cho nhiều doanh nghiệp lập hồ sơ đăng ký mã số mã vạch. Quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã góp phần nâng cao nhận thức cá nhân, tổ chức trong việc chấp hành những quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng; bảo đảm công bằng trong trao đổi, mua bán, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

       Sở cũng được UBND tỉnh giao làm đầu mối quản lý, hướng dẫn xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong cơ quan hành chính nhà nước, đến nay đã thực hiện được 40 đơn vị gồm: 20 Sở, 9 UBND huyện và 11 Chi cục theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. Thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-UBND ngày 06/7/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Năm 2018 – 2019, Năm 2018, Sở đã triển khai TCVN ISO 9001:2015 và phần mềm ISO điện tử cho 42 xã, phường, thị trấn thuộc huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và thành phố Cà Mau. Tập huấn chuyển đổi từ phiên bản TCVN ISO 9001:2008 sang TCVN ISO 9001:2015 cho 20 sở, ngành và UBND cấp huyện. Năm 2019, tiếp tục triển khai các xã phường, thị trấn còn lại.

       Công tác thanh tra, kiểm tra KH&CN luôn bám sát thực tiễn và yêu cầu quản lý đặt ra, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời các vi phạm về lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đặc biệt trong hoạt động quản lý nhà nước về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa như xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu khác.

       Hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc như: Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ; Trung tâm Phân tích, kiểm nghiệm; Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sau một thời gian được thành lập đã đi vào hoạt động ổn định, tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị đã có những đóng góp thiết thực vào sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau. Đặc biệt năm 2019, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã vươn lên tự chủ hoàn toàn về kinh phí hoạt động thường xuyên.

Hội thảo kết nối cung cầu tỉnh Cà Mau - Ảnh Ngô Phúc

       Nhìn lại chặng đường 22 năm xây dựng và phát triển ngành KH&CN Cà Mau trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, ngành luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành trong tỉnh, sự đoàn kết, vượt qua khó khăn của tập thể công chức, viên chức, người lao động của toàn ngành, đến nay đội ngũ ngày càng trưởng thành. Ngành đã có bước phát triển vượt bậc về xây dựng tổ chức bộ máy, tăng cường cơ sở vật chất, tiềm lực khoa học công nghệ. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN từng bước đổi mới và đi vào nề nếp. Công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN thực hiện theo Quy hoạch, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm đạt được những kết quả rất tích cực trên các lĩnh vực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

       Không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được Ngành KH&CN quyết tâm phấn đấu thực hiện có hiệu quả cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4; phát động và hỗ trợ phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh; phấn đấu cải tiến và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh đáp ứng với yêu cầu của xã hội; chọn lựa các công nghệ tiên tiến để ứng dụng ở địa phương; nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các giải pháp để hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu góp phần xây dựng quê hương Cà Mau ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Ths.Phan Tấn Thanh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau