Nghề nuôi tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) kết hợp trồng lúa tại vùng Bắc Cà Mau: Vai trò của chế phẩm sinh học, mô hình kinh tế bền vững và các định hướng nâng cao giá trị sản phẩm.

       Từ xa xưa người ta đã biết ứng dụng các vi sinh có ích (tuy chưa hề biết sự tồn tại của chúng) để chế biến thực phẩm (như nấu rượu, làm tương, mắm, nước mắm, giấm, sữa chua, chao, muối dưa, muối cà…), ủ phân, ngâm võ cây lấy sợi, xếp ải đất, trồng luân canh với cây họ đậu;… hoặc sử dụng các biện pháp để ngăn chặn tác hại của vi sinh vật (như ướp muối thịt, cá, làm mức, phơi khô củ cải, tôm, cá…).

       Chế phẩm sinh học EM đã được phát triển ở Trường Đại Học Tổng hợp Ryukyus Okinawa Nhật Bản vào đầu năm 1980 do tiến sĩ Teruo Higa giáo sư nông nghiệp phát minh ra. Chế phẩm sinh học EM là một hỗn hợp vi sinh vật có ích, có tác dụng nâng cao được hiệu suất nông nghiệp hữu cơ. Thuật ngữ “Chế phẩm sinh học - probiotic” có nghĩa là “làm cho sự sống tốt hơn” vì thế thuật ngữ này có thể dùng cho tất cả các sản phẩm mà chúng có lợi cho vật chủ (vật nuôi) bằng cách cải thiện hoạt động của vi sinh vật hữu ích. Theo Irianto và Austin (2002) thì thuật ngữ chế phẩm sinh học chỉ nên dùng cho những vi sinh vật hoặc hợp phần của chúng mà có lợi cho sức khỏe của vật chủ.Vì thế, thuật ngữ chế phẩm vi sinh hay men vi sinh (Microbial products) cho những sản phẩm dùng để cải thiện chất lượng nước, bùn đáy và sức khỏe sinh vật.

       Thập niên gần đây, biến đổi khí hậu, đã, đang và sự phát triển của các dịch bệnh đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà khoa học, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, một ngành đóng vai trò hết sức quan trọng của Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng. Từ nghề sản suất phụ, mang tính tự cung, tự cấp, trồng lúa trên đất nuôi tôm kết hợp nuôi tôm càng xanh vào mùa nước ngọt đã trở thành ngành nghề sản xuất hàng hóa chủ lực, phát triển rộng khắp vùng ngọt, lợ khu vực Bắc Cà Mau (U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình) và đang phát triển thành vùng nuôi tập trung.

       Để phát triển mô hình tôm càng xanh – lúa trên đất nuôi tôm, cũng như đáp ứng yêu cầu canh tác thuận thiên (theo Nghị quyết 120 về phát triển bển vững vùng ĐBSCL), thích ứng BĐKH, nâng cao năng suất, giá trị tôm càng xanh, việc áp dụng chế phẩm sinh học (men vi sinh) là hết sức cần thiết. Với những đặc điểm nổi bật của vi sinh vật như (i) Hấp thu nhiều và chuyển hóa nhanh (hấp thu và chuyển hóa vượt xa các sinh vật khác) chẳng hạn như một (01) Lactobacillus trong 1 giờ có thể phân giải được một (01) lượng đường lactose lớn hơn 100 – 10.000 lần so với khối lượng của chúng. Tốc độ tổng hợp protein của nấm men cao gấp 1.000 lần so với đậu tương và gấp 100.000 lần so với trâu bò; (ii) Sinh trưởng nhanh phát triển mạnh: Trong nồi lên men với các điều kiện nuôi cấy thích hợp từ 1 tế bào có thể tạo ra sau 24 giờ khoảng 100 triệu đến 01 tỷ tế bào, thời gian thế hệ nấm men dài hơn (Saccharomyces cerevisiae) là 120 phút; (iii) Có năng lực thích ứng mạnh và dễ dàng phát sinh biến dị: trong quá trình tiến hóa lâu dài vsv đã tạo cho mình những cơ thể điều hòa trao đổi chất thích ứng với những điều kiện sống khác nhau. Chỉ sau một thời gian ngắn đã có thể tạo ra số lượng các cá thể biến dị ở các thế hệ sau; (iv) Phân bố rộng chủng loại nhiều: Vi sinh vật góp mặt mọi nơi trên trái đất, không khí, trong đất, núi cao, dưới biển sâu, trên cơ thể, người, động vật, thực vật, trong thực phẩm, trên mọi đồ vật.

       Từ những đặc tính nổi bậc của vi sinh vật ngành Công nghệ sinh học (CNSH) đã phát triển những vi sinh vật có ích ứng dụng trong đời sống và sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp thực phẩm và ngành chăn nuôi, trong đó có ngành nuôi trồng thủy sản đã được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN Cà Mau nghiên cứu và phát triển với quy mô công nghiệp như chế phẩm sinh học EMOZEO, EMOZEO-D…

       Chế phẩm sinh học EMOZEO được tuyển chọn từ một số vi sinh vật có lợi thích ứng với điều kiện sinh thái của tỉnh Cà Mau, sản phẩm an toàn, rẻ tiền, giúp gia tăng thu nhập cho nông dân, có thể ủ sinh khối tại nhà với các thiết bị đơn giản, hiệu quả sản phẩm được đánh giá qua các dự án Khoa học Công nghệ đã và đang triển khai cho cộng đồng góp phần giảm chi phí giá thành cho nông – thủy sản.

       Vụ nuôi năm 2019 Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN Cà Mau phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thới Bình đã triển khai dự án “Nâng cao năng suất nuôi tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) toàn đực tại Thị Trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau” kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học EMOZEO nuôi theo hình thức 02 giai đoạn với 10 hộ tham gia thực hiện, tổng diện tích 12 ha; trong quá trình thực hiện các hộ nuôi được cán bộ kỹ thuật theo dõi thường xuyên vuông nuôi về chỉ tiêu môi trường, trọng lượng, cách cho ăn…Các hộ nuôi sử dụng chế phẩm sinh học EMOZEO giúp: làm sạch đáy vuông dơ, bùn đen và có mùi hôi thối (H2S, CH4); phân hủy nhanh chất thải, phân tôm, xác tảo, và thức ăn dư thừa; giảm sự hình thành các khí độc như NH3, NO2 , H2S, trong vuông nuôi thành khí không độc, nâng cao chất lượng nước; kiềm hãm sự phát triển của vi khuẩn, nấm và nguyên sinh động vật gây bệnh ở tầng đáy ao.

Chế phẩm sinh học EMOZEO

       Qua 5 tháng thực hiện mô hình, các hộ nuôi đều khẳng định việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm càng xanh đều cải thiện chất lượng nước một cách toàn diện, ổn định môi trường, giúp tôm có tỷ lệ sống cao, ít bệnh, phát triển tốt. Hộ ông Nguyễn Văn Nên xã Biển Bạch, huyện Thới Bình thả nuôi 2 ha, mật độ 4con/m2, kết quả thu hoạch 750kg, năng suất 375kg/ha/vụ (18 con/kg); hộ ông Trần Văn Thọ thả nuôi 01 ha, năng suất 380 kg/ha/vụ (12con/kg). Kết quả năng suất toàn dự án đạt trung bình 358,2kg/ha/vụ. Bên cạnh đó, năm 2020 hộ ông Nguyễn Văn Bằng ấp 9, xã Khánh Thuận, huyện U Minh thả nuôi 01 ha, mật độ 01 con/m2, kết quả thu hoạch năng suất đạt 250kg/ha/vụ, lợi nhuận hơn 20 triệu đồng.

Hình ảnh thu hoạch tôm càng xanh toàn đực tại Thới Bình (Diệu Lữ)

       Sự khẳng định của các hộ nuôi tôm càng xanh sử dụng chế phẩm sinh học trong suốt vụ nuôi có vai trò quan trọng là phân hủy các chất hữu cơ, giảm đáng kể lớp bùn nhớt, giảm mùi hôi nước vuông nuôi và đặc biệt TCX có màu sắc đẹp, sáng bóng (không bị đóng rong), thương lái thu mua với giá cao hơn so với nuôi thông thường. Bên cạnh những mặt tích cực của việc sử dụng Chế phẩm sinh học nuôi TCX mang lại hiệu quả, thì tôm càng xanh chủ yếu tiêu thụ tươi sống trong nước, sản phẩm qua ướp đá làm chất lượng thịt kém không đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, song song đó để nghề nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa phát triển bền vững cần thay thế dần quy mô nhỏ lẻ thành quy mô vừa và lớn trong mối liên kết chuỗi giá trị nuôi trồng – chế biến (bảo quản sâu) – kinh doanh, sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp còn mong manh, dễ đỗ vỡ, doanh nghiệp thu gom sản phẩm chất lượng không đồng đều, rủi ro cao, bán tôm càng xanh còn qua nhiều khâu trung gian, dẫn đến giá trị sản phẩm tại đồng ruộng thấp, trong khi đó, giá bán trên thị trường đôi khi lại khá cao, người nông dân không được hưởng lợi. Chuỗi giá trị chưa được cải thiện và kiểm soát để phân chia hợp lý lợi nhuận cho người nông dân, giá trị gia tăng chưa cao. Ngoài ra, việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật chưa đồng bộ, trình độ sản xuất giữa các hộ không đồng đều, chưa được xây dựng theo hệ thống, Hợp tác xã, Tổ Hợp tác sản suất.

       Để nghề nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa hiệu quả và bền vững, nâng cao giá trị hàng hóa trong thời gian tới, chúng ta cần tổ chức sản xuất một cách bài bản, nghiêm túc và hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng chế phẩm sinh học, nuôi kích cỡ lớn, đồng đều, kéo dài thời gian bảo quản tươi sống, tăng sản phẩm chế biến, hiểu biết nhu cầu của thị trường tốt hơn.

       - Nắm vững yêu cầu của thị trường: cần tìm hiểu và nắm vững thị trường cho tôm càng xanh và lúa sạch trên đất nuôi tôm là ai? Điều kiện sản xuất, khả năng cung ứng sản phẩm của địa phương trong điều tiết sản xuất một cách hợp lý, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt là tuân thủ các điêu kiện hợp tác, hợp đồng, thỏa thuận, cùng nhau chia sẽ quyền lợi cũng như khó khăn khi gặp phải.

       - Bằng mọi giá phải đưa cơ giới hóa vào vùng đất lúa – tôm: Hiện nay, hệ thống canh tác lúa – tôm với nhiều kênh mương, nền đất ngập nước quanh năm nên đất mềm và yếu nên việc đưa cơ giới hóa công suất trung bình và lớn vào cấy và thu hoạch lúa là không khả thi, ngoài ra, sự dịch chuyển nhân lực chất lượng về thành phố và sự già hóa nhân lực nông thôn ngày càng gia tăng (nông thôn chủ yếu người già với trẻ em), chính vì vậy việc nghiên cứu các loại máy cấy, gặt đập mini thích hợp cho vùng đất Bắc Cà Mau là rất cần thiết và nó sẽ là điều kiện căn bản để duy trì và phát triển mô hình mang tính bền vững này.

       - Xây dựng thương hiệu tôm càng xanh sinh thái làm thương hiệu đại diện cho tỉnh Cà Mau: việc thống nhất xây dựng thương hiệu mang tính đại diện cho tỉnh là rất cần thiết nhằm nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của Tôm Càng Xanh tỉnh Cà Mau trên thị trường Việt Nam, trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực hiện tốt công tác xây dựng và phát triển thương hiệu.

       - Tổ chức liên kết sản xuất GAP, hữu cơ theo chuỗi giá trị: Hiện tại, chúng ta chưa có mô hình sản xuất tôm càng xanh – lúa đạt tiêu chuẩn GAP. Đây là mô hình sản xuất bền vững trong tương lai, nó gắn với HTX, THT kiểu mới, cắt bỏ khâu trung gian trong chuỗi cung ứng. Việc tổ chức sản xuất như thế mang tính bền vững nếu được thực hiện nghiêm túc và có cơ chế phân chia lợi nhuận hợp lý.

       - Đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật: Cần chuyển giao quy trình sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực về tại huyện Thới Bình (nơi có diện tích nuôi tôm càng xanh lớn nhất tỉnh) để người nông dân được tiếp cận con giống giá rẻ, chất lượng tốt nhất và thực hiện các mô hình trình diễn nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất lúa – tôm thiết thực và hiệu quả (như dự án nuôi tôm càng xanh toàn đực 02 giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học trên vùng đất lúa - tôm) để người dân có địa điểm tham quan học tập.

       Kết luận: Trong những năm gần đây, sử dụng chế phẩm sinh học EMOZEO nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa trên vùng đất lúa – tôm đã giúp cho người dân nhận thức sâu rộng hơn về ứng dụng KHKT vào đời sống sản xuất, giúp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị nông sản và tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, sản phẩm tôm càng xanh dần đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu. Để đạt những thành tựu cao hơn nửa trong thời gian tới, vai trò của KHCN, kỹ thuật canh tác tiên tiến, giống TCX toàn đực chất lượng cao, giá rẻ là hết sức quan trọng, nó thúc đẩy sản xuất đúng hướng, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướn mắc trong sản xuất; bên cạnh đó, sự cần cù, áp dụng những sáng tạo những tiến bộ kỹ thuật của người dân giúp sản xuất ngày một ổn định, lan rộng. Chính vì vậy, KHCN sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong ổn định sản xuất, hướng mô hình nuôi tôm càng xanh – lúa có cơ cấu thích hợp theo hướng chất lượng, an toàn và bền vững.

Thạc sĩ Tiêu Hoàng Pho - Trung tâm Thông tin và ƯDKHCN