Nghiên cứu thử nghiệm ương nuôi cá căng (terapon jarbua) bằng thức ăn công nghiệp với các độ đạm khác nhau

       1. Giới thiệu
       Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế trong nuôi cá nước lợ và cá biển với nhiều hệ thống nuôi có thể áp dụng như: nuôi kết hợp với tôm (tôm rừng, tôm lúa, tôm quảng canh cải tiến), nuôi lồng, nuôi bể… Bên cạnh những đối tượng chủ lực đã được phát triển mạnh mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho đất nước như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá ba sa,... (Trần Ngọc Hải và ctv., 2017). Trong tương lai để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, cần đa dạng hóa các đối tượng nuôi, đặc biệt là đẩy mạnh nuôi các đối tượng cá lợ - mặn, cá biển có giá trị kinh tế cao như: cá măng, cá căng cát, cá nâu, cá đối,… để đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện nay các đối tượng này ở nước ta nói chung và ở Cà Mau nói riêng nguồn cá giống và cá thương phẩm vẫn phụ thuộc vào khai thác từ tự nhiên là chủ yếu. Trong thời gian tới để phát triển nuôi thương phẩm các đối tượng này thì bước đầu phải chủ động được nguồn cung cấp con giống thông qua việc hoàn thiện qui trình sản xuất giống nhân tạo và ương nuôi. Ưu điểm của con giống ương nuôi nhân tạo thường có tốc độ tăng trưởng tương đối đồng đều và có thể cung cấp cho nhu cầu nuôi thương phẩm với số lượng lớn. Do đó, cần có sự nghiên cứu về con giống các đối tượng này nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa đối tượng nuôi và mô hình nuôi thuỷ sản cho người dân tại địa phương. 

       Cá căng cát (Terapon jarbua) là loài cá biển nhưng có thể sống được ở cửa sông nước lợ, ở những vùng đầm phá nước lợ có sự hoà trộn giữa nước biển và nước sông, cá là đặc sản của vùng phá Tam Giang ở Miền Trung Việt Nam. Cá căng cát còn có thể sống được trong môi trường nước ngọt (https://vi.wikipedia.org). Thịt cá căng cát thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao được nhiều người ưu thích, tốt cho sức khoẻ của người tiêu thụ. 

Hình 1: Cá căng cát trưởng thành

       Việc nuôi cá căng cát để cung cấp cho nhu cầu thị trường cũng rất hạn chế do con giống vẫn phụ thuộc vào khai thác từ tự nhiên và chưa có qui trình nuôi thương phẩm hoàn chỉnh (https://tepbac.com). Hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu nào về ương nuôi cá căng cát để có thể phát triển rộng rãi đối tượng này, các công trình nghiên cứu về họ cá căng cát chủ yếu tập trung về phân loại và đặc điểm sinh học. Do vậy, đề tài “Nghiên cứu ương nuôi cá căng cát (Terapon jarbua) bằng thức ăn công nghiệp với các độ đạm khác nhau” đã được thực hiện nhằm xác định loại thức ăn nào phù hợp cho ương ấu trùng cá căng.

       2. Phương pháp nghiên cứu 

       Thí nghiệm được thực hiện tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau. Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức nuôi cua với các loại thức ăn khác nhau gồm (1) 55% protein, (2) 46% protein, (3) 44% protein và (4) 40% protein. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 lần lặp lại cho mỗi nghiệm thức. Hệ thống bể nuôi thí nghiệm gồm 12 bể nuôi có thể tích 30 L (40 x 30 x 25 cm) được lắp ráp theo hệ thống tuần hoàn. Nước sau khi thoát ra mỗi bể nuôi sẽ được dẫn đến bể lọc li tâm, lọc cơ học chứa đá mi (thể tích 250 L) và 2 bể lọc sinh học chứa hạt kanet (thể tích 250 L/bể) và hệ thống lọc tricking được làm bằng ống nhựa phi 114 mm. Nước nuôi cá có độ mặn 10 ‰ (pha từ nước ót 100 ‰ và nước ngọt). Nước sau khi pha được lọc qua than hoạt tính và lõi lọc gòn 1 µm (MBC, Graver USA), sau đó đi qua hệ thống đèn UV-C (254 nm) vào bể chứa để xử lý kim loại nặng bằng EDthức ăn (10 ppm) và duy trì độ kiềm ở mức 100 - 120 mg CaCO3/L bằng NaHCO3 trước khi bơm vào bể nuôi. Nước trong bể nuôi cá được cho lưu thông với bể lọc sinh học, với lưu lượng nước 200 % thể tích nước bể nuôi/ngày. Cá dùng trong thí nghiệm được mua từ huyện Năm Căn - Tỉnh Cà Mau. Trong suốt quá trình thí nghiệm cá được cho ăn với khẩu phần 10 % khối lượng thân, vào lúc 7h và 17h. Trước mỗi lần cho ăn quan sát lượng thức ăn thừa để điều chỉnh thích hợp. Bể nuôi được xiphon hàng ngày trước mỗi lần cho ăn nhằm loại bỏ thức ăn thừa và phân thải trong bể nuôi. 
 

Hình 2: Hệ thống tuần hoàn bố trí thí nghiệm

       pH được đo mỗi ngày 2 lần vào lúc 7 giờ và 14 giờ đo bằng phương pháp so màu bằng bộ test kit so màu hiệu Sera của Đức. Nhiệt độ được đo bằng nhiệt kế mỗi ngày 2 lần vào lúc 7 giờ và 14 giờ. Độ kiềm, NO2- và thức ănN được đo 1 ngày/lần vào lúc 7 giờ bằng phương pháp so màu bằng bộ test kit so màu hiệu Sera của Đức. 
Cá sau 30 ngày nuôi sẽ được thu và cân đo để đánh giá tốc độ tăng trưởng, tỷ  lệ sống…

       3. Kết quả và thảo luận
       3.1. Các yếu tố môi trường

Bảng 1. Biến động các yếu tố môi trường

Chỉ tiêu

Thời gian theo dõi                Giá trị trung bình

Nhiệt độ (oC)

Sáng

27,3 ± 0,88

Chiều

28,9 ± 0,98

pH

Sáng

8,6 ± 0,06

Chiều

8,5 ± 0,09

NO2- (mg/L)

 

4,2 ± 4,23

thức ănN (mg/L)

 

0,0 ± 0,0

Kiềm (mg CaCO3/L)

 

110,7± 10,79

 

       - Nhiệt độ: Theo Bảng 1, trong suốt thời gian thí nghiệm nhiệt độ nước dao động trong khoảng 27,3 - 28,9oC. Theo Boyd (1990), nhiệt độ nước thích hợp cho sự tăng trưởng của cá ở vùng nhiệt đới nằm trong khoảng 25 - 32oC. Do đó, cá căng có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện thí nghiệm này. 

       - pH: Theo Boyd (1990) thì khoảng pH nước thích hợp đối với cá là từ 6 - 9. Trong 30 ngày thí nghiệm, pH dao động từ 8,5 - 8,6 cũng nằm trong khoảng thích hợp cho cá căng sinh trưởng và phát triển bình thường (Bảng 1). pH buổi sáng cao hơn buổi chiều là do bể nuôi đặt trong nhà, nước nuôi không có tảo và nhiệt độ vào buổi chiều cao hơn buổi sáng, dẫn đến cá gia tăng quá trình hô hấp đã gia tăng hàm lượng thải CO2 của cá thải ra (Đỗ Thị Thanh Hương và Nguyễn Văn Tư, 2010) nên làm pH vào buổi chiều giảm thấp.  

       - TAN, NO2-: thức ăn N (Total ammonia nitrogen): Trong thời gian thí nghiệm, nồng độ TAN là 0 mg/L (Bảng 1). Như vậy, nồng độ thức ăn trong thời gian thí nghiệm là phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cá căng cát. Riêng hàm lượng NO2-  trong hệ thống thí nghiệm khá cao dao động trong khoảng 4,2 ± 4,23 mg/L. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy độc tính của nitrit có liên quan mật thiết với hàm lượng Cl- trong môi trường nước. Độ mặn tăng (hàm lượng Cl- cũng tăng cao) đã làm giảm độc tính của nitrit (Chen and Lin, 1991). Trong thí nghiệm này, cá căng cát được nuôi ở độ mặn 10 ppt nên nồng độ Cl- có trong nước cũng đã giảm độc tính của NO2-. Bên cạnh đó, độc tính của nitrit cũng chịu ảnh hưởng bởi pH, pH càng cao thì hàm lượng nitrit trong máu cá càng giảm (Russo et al., 1981; Huey et al., 1982). Như vậy, mặc dù hàm lượng NO2- trong thí nghiệm này cao nhưng chưa thấy ảnh hưởng bất lợi đến cá thí nghiệm. 

       - Độ kiềm: Độ kiềm trong thời gian thí nghiệm dao động từ 110,7 ± 10,79 mg CaCO3/ L. Theo Boyd (1990) độ kiềm thích hợp cho động vật thuỷ sản phát triển dao động trong khoảng 75 mg -150 mg CaCO3/L. Như vậy, độ kiềm trong thời gian thí nghiệm hoàn thích hợp cho sự phát triển của cá.

       3.2 Tăng trưởng về chiều dài và trọng lượng cá sau 30 ngày ương nuôi

       Kết quả sau 30 ngày ương cho thấy cá căng cát tăng trưởng khác nhau đối với các loại thức ăn có độ đạm khác nhau (Bảng 2).

Bảng 2. Tăng trưởng về khối lượng cá căng cát

Loại thức ăn

Khối lượng sau 30 ngày ương (g)

Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối (g/ngày)

Tốc độ tăng trưởng đặc biệt (%/ngày)

55% protein

0,52 ± 0,01b

0,017 ± 0,001b

8,03 ± 0,07b

46% protein

0,29 ± 0,02a

0,009 ± 0,001a

5,79 ± 0,22a

44% protein

0,30 ± 0,09a

0,009 ± 0,004a

5,78 ± 0,18a

40% protein

0,20 ± 0,04a

0,005 ± 0,002a

4,45 ± 0,67a

Các giá trị trên cùng cột mang chữ cái khác nhau thì khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05)

       Bảng 2 cho thấy, trung bình khối lượng của cá căng cát sau 30 ngày ương của các nghiệm thức dao động từ 0,20 - 0,52 g/con và tốc độ tăng trưởng về trọng lượng của cá dao động từ (0,005 - 0,017 g/ngày; 4,45 - 8,03 %/ngày). Tốc độ tăng trưởng của cá ở các nghiệm thức có hàm lượng protein từ 40 - 46%  khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Ở nghiệm thức 55 % protein thì cho kết quả tăng trưởng tốt nhất (0,017 g/ngày và 8,03 %/ngày) và khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) so với các nghiệm thức còn lại.

       Đồng thời với sự tăng trưởng về khối lượng, cá căng cát cũng có sự tăng trưởng tương ứng về chiều dài (Bảng 3).

       Bảng 3. Tăng trưởng về chiều dài cá căng cát

Loại thức ăn

Chiều dài cá sau 30 ngày ương (mm)

Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối (mm/ngày)

Tốc độ tăng trưởng đặc biệt (%/ngày)

55% protein

26,5 ± 0,38b

0,53± 0,017b

2,88 ± 0,05b

46% protein

21,9 ± 0,81a

0,36 ± 0,026a

2,17 ± 0,14a

44% protein

20,6 ± 2,7a

0,31 ± 0,10a

1,91 ± 0,49a

40% protein

19,9 ± 2,45a

0,28 ± 0,09a

1,79 ± 0,46a

Các giá trị trên cùng cột mang chữ cái khác nhau thì khác biệt ccó ý nghĩa thống kê (p<0,05)

       Tương tự, tốc độ tăng trưởng về chiều dài của cá cũng dao động trong khoảng từ 0,28 - 0,53 mm/ngày và 1,19 - 2,88 %/ngày. Tốc độ tăng trưởng về chiều dài của cá tốt nhất ở nghiệm thức cho cá ăn 55 % protein lần lượt là 0,53 mm/ngày và 2,88 %/ngày, khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) với các nghiệm thức còn lại. 

       Tốc độ tăng trưởng của cá có xu hướng tăng dần theo sự gia tăng của hàm lượng protein có trong thức ăn. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với những nghiên cứu trước đây về nhu cầu protein của nhiều loài cá khác. Nhiều nghiên cứu trên các loài cá khác nhau cho thấy tăng trưởng của cá có xu hướng tăng dần đến một ngưỡng protein nhất định, sau đó tốc độ tăng trưởng sẽ giảm khi cho ăn vượt mức protein. Khan et al., (1996) cũng báo cáo trọng lượng của cá lăng (Mystus nemurus) gia tăng ở mức 27 - 42% protein nhưng giảm ở mức cao hơn. Tương tự, Lê Quốc Việt và ctv., (2010) cũng báo cáo tốc độ tăng trưởng của cá đối tăng dần khi hàm lượng protein gia tăng từ 25 % đến 40 %, nhưng tốc độ tăng trưởng của cá giảm khi hàm lượng protein trong thức ăn từ 45% trở lên. Trong thí nghiệm này cho thấy, cá vẫn phát triển tốt khi cá được ăn thức ăn có chứa 55% protein. Kết quả thí nghiệm cũng phù hợp với nghiên cứu của Lê Thị Như Phương và ctv., (2018) do cá căng là loài ăn tạp thiên về động vật nên nhu cầu hàm lượng đạm trong thức ăn là cao hơn các loài cá đã báo cáo trước đây. 


 

Hình 3: Cá căng cát sau khi ương 30 ngày

       3.3. Tỷ lệ sống của cá căng cát

       Kết quả tỷ lệ sống của cá căng cát sau 30 ngày ương nuôi bằng thức ăn công nghiệp với các độ đạm khác nhau được thể hiện qua Bảng 4.

Bảng 4. Tỷ lệ sống của cá căng cát

Nghiệm thức

Loại thức ăn

40% protein

44% protein

46% protein

55% protein

Tỷ lệ sống

69,4 ± 7,5a

84,7 ± 7,8b

97,6 ± 5,4b

93,1 ± 5,7b

      Các chữ cái trong cùng một hàng khác nhau thì khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05)

       Tỷ lệ sống của cá căng cát cao nhất ở nghiệm thức cho cá ăn 46% protein (97,6%) khác biệt không có ý nghĩa (p>0,05) với nghiệm thức 44% protein (84,7%) và 55% protein (93,1%), nhưng khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) với nghiệm thức cho cá ăn 40% protein (69,4%) (Hình 4). Nhìn chung, kết quả nghiên cứu này cho tỷ lệ sống khá cao so với một số nghiên cứu trên các đối tượng cá lợ, mặn khác như cá đối (Liza subviridis) đạt 8,67 - 22,67 % (Lê Quốc Việt và ctv., 2010); cá chẽm (Lates calcarrifer) từ 14,5 - 40% (Lý Văn Khánh và ctv., 2010); cá ngát (Plotosus canius) đạt từ 51,11 - 94,44 % (Trần Ngọc Hải và ctv., 2011). 

       Tỷ lệ sống của cá căng cát trong các nghiệm thức dao động từ 69,4 - 97,6% (Hình 3). Nghiệm thức cho cá ăn thức ăn 55% protein mặc dù cho kết quả tỷ lệ sống (93,1%) thấp hơn nghiệm thức cho cá ăn thức ăn 46% protein (97,6%) nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). \

Hình 4: Tỷ lệ sống của cá căng cát

       4. Kết luận

       Thức ăn có ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá căng. Ương nuôi cá căng với loại thức ăn chứa 55% protein sẽ cải thiện được tốc độ tăng trưởng về trọng lượng, chiều dài và tỷ lệ sống của cá nuôi. 

Ths. Võ Thị Trường An - Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau

       TÀI LIỆU THAM KHẢO
       - Boyd, C. E. 1990. Water quality in ponds for aquaculture. Ala. Agr. Exp. Sta., Auburn University, Ala, 462 pp.
Chen, J.C. and C.Y. Lin, 1991. Lethal effects of ammonia and nitrite on Penaeus pencillatus juveniles at two salinity levels. Comparative Biochemistry Physiology, 100C: 477-482.
       - Huey, D.M., M.C. Wooten., L.A. Freeman. and T.L. Beitinger, 1982. Effect of pH and chloride on nitrite induced lethality in bluegill (Lepomis macrochirus). Bulletin of Environmental Contamiation Toxicology, 28: 3-6.

       - Russo, R.C., R.V. Thurston. and K. Emerson, 1981 Acute toxicity of nitrite to rainbow trout (Salmo gairdneri): Effects of pH, nitrite species and anion species. Canadian Journal of Fisheries and Aquatic Sciences, 38: 387-393.

       - Russo, R.C., R.V. Thurston. and K. Emerson, 1981 Acute toxicity of nitrite to rainbow trout (Salmo gairdneri): Effects of pH, nitrite species and anion species. Canadian Journal of Fisheries and Aquatic Sciences, 38: 387–393.

     - Khan, M.S., K.J Ang and M.A. Ambak, 1996. The effects of varying dietary protein levels on the growth, food conversation, protein utilization and body compostion of tropical catfish Mytus nermurus cultured static pond water system. Aquaculture research, vo.27, No.11, 823-829 pp.
       - Lê Quốc Việt, Trần Ngọc Hải và Nguyễn Anh Tuấn, 2010. Ảnh hưởng mật độ ương và thức ăn có hàm lượng protein khác nhau lên sự tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá đối (Liza subviridis) từ giai đoạn cá hương lên cá giống. Tạp chí khoa học trường Đại học Cần Thơ, 15a: 189 - 197.
       - Lê Thị Như Phương*, Nguyễn Văn Khanh, Võ Văn Phú, Nguyễn Quang Linh. 2018. Đặc điểm sinh trưởng và dinh dưỡng của cá Ong căng - Terapon jarbua (Forsskal, 1775) ở vùng ven biển Thừa Thiên Huế. 23 trang.
Lý Văn Khánh, Cao Mỹ Án và Trần Ngọc Hải., 2010. Ảnh hưởng của các loại thức ăn lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá chẽm  (Lates calcarifer Bloch, 1790). Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ.2010: 16a: 81-89.
       - Trần Ngọc Hải, Lê Quốc Việt, Lý Văn Khánh và Cao Mỹ Án, 2011. Ảnh hưởng của các loại thức ăn khác nhau lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá ngát giai đoạn giống (Plotosus canius Hamilton, 1882). Tạp chí khoa học trường Đại học Cần Thơ, 18b: 254 - 261. 
       - Trần Ngọc Hải, Lê Quốc Việt, Lý Văn Khánh và Nguyễn Thanh Phương, 2017. Giáo trình Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi cá biển. Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ. 139 trang.