Ngỡ ngàng U Minh

       Trong những ngày cuối mùa khô này chúng tôi lại có dịp trở lại khu vực lâm phần rừng tràm U Minh Hạ, tuy vẫn còn những khó khăn nhất định, song sự đổi thay diện mạo nông thôn, trong cách nghĩ, cách làm của những người dân một đời gắn bó với rừng khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, phấn khởi.

       Chiếc ô-tô của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (công ty) rẽ vào tuyến lộ T29. Tuy mới nâng cấp được một đoạn khoảng 4 cây số nhưng đoạn lộ bê-tông thẳng tắp rộng 4,5 m đã làm khu vực này bừng sáng.

       Ông Trần Văn Hiếu, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc công ty, tâm đắc: "Có thể ngồi ô-tô đi len lỏi trong rừng là điều trước đây ít ai có thể ngờ đến".

       Chỉ tay về hướng những vạt rừng phía sau khu vực T29, ông Hiếu nói tiếp: "Giờ đây, để mua được phần đất ở khu vực này (5-7 ha) phải bỏ ra từ 2-3 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 2011. Giá đất khu vực này tăng nhanh một phần do có lộ, có điện, nước sinh hoạt, nhưng phần lớn là do kinh tế rừng đã phát triển mạnh".

       Từ năm 2011, cây keo lai, cây tràm lá dài được đưa vào thử nghiệm và phát triển đại trà trên đất rừng U Minh Hạ, đến nay nó đã làm thay đổi lớn nền kinh tế lâm nghiệp nơi đây. Đặc biệt nhất là ý thức của người dân trong trồng, bảo vệ và phát triển rừng. Điều này hoàn toàn có thể khẳng định khi ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh, thông tin, trên lâm phần rừng U Minh Hạ hiện nay đã có hơn 1.000 ha đất sản xuất kết hợp (30%) được người chuyển sang trồng rừng thay vì như trước kia họ tìm cách phá rừng để sản xuất kết hợp (lúa, rau màu...).

       Không riêng cây keo lai mà cây tràm cũng tương tự. Còn nhớ trước đây (trước năm 2011), khi cây tràm còn trồng theo kiểu quảng canh truyền thống, người dân phải đợi đến 10-12 năm mới có thể thu hoạch. Mặc dù thời gian dài nhưng trữ lượng rất thấp (chỉ khoảng 60-70 m3/ha). Hiện nay, với kỹ thuật trồng thâm canh kê liếp, chọn giống tốt, thay thế giống rễ trần sang giống trong túi bầu… không chỉ rút ngắn chu kỳ khai thác xuống còn một nửa (5-6 năm) mà sản lượng đạt khoảng 200 m3/ha, tăng gấp 3 lần trước đó. Đây là bước phát triển khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc.

       Một trong những mục tiêu hiện nay trên lâm phần rừng U Minh Hạ là chuyển từ hình thức trồng rừng bán gỗ băm dăm sang bán gỗ lớn, gỗ xẻ xuất khẩu. “Quyết tâm để khu vực rừng tràm U Minh Hạ được chứng nhận phát triển bền vững để từ đó tiến dần vào thị trường gỗ quốc tế là mục tiêu hướng tới của công ty”, ông Hiếu khẳng định.

       Cũng như bao loại cây trồng khác trong nông nghiệp, tình trạng cung vượt cầu khiến giá cây rừng giảm thấp là điều khó tránh khỏi. Một giải pháp mà ông Hiếu khá tâm đắc thời gian qua và đang tiếp tục triển khai thực hiện là liên kết với những công ty xuất khẩu gỗ tại TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh khác để tìm hiểu nhu cầu thị trường, cả trong nước và thế giới, thị trường cần loại gỗ gì và kích cỡ thế nào thì trồng gỗ đó. 

Do hạ tầng còn hạn chế nên chi phí vận chuyển lâm sản hiện nay khá cao, chiếm khoảng 30% giá trị cây rừng.

       Có thể thấy, kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế lâm nghiệp hiện nay là khá khả quan. Tuy nhiên, nhìn lại điều kiện hạ tầng để phục vụ sự phát triển này là điều khiến không ít người băn khoăn. Hiện tại tất cả các kinh mương trong khu vực lâm phần chỉ đủ sức cho phương tiện vận chuyển từ 10-15 tấn hoạt động. Đồng thời, phải qua đập để đưa lên phương tiện lớn từ 100-120 tấn, từ đó không chỉ làm mất thời gian mà còn tiêu tốn thêm khoản chi phí khá lớn của người dân.

       Nói về chi phí vận chuyển do điều kiện hạ tầng, ông Hiếu tính toán: "Nó chiếm khá lớn, khoảng 30% giá bán hiện nay. Như vậy, với sản lượng khai thác hằng năm của toàn lâm phần rừng U Minh Hạ khoảng 430.000 m3 thì đã mất trên 80 tỷ đồng phí vận chuyển. Đây là khoản chi phí quá lớn trong điều kiện hiện nay của người dân trong lâm phần".

       Cụ thể, hiện nay chỉ riêng công chuyển qua đập mỗi tấn gỗ từ 25.000-30.000 đồng thì một hộ khai thác 100 tấn đã mất 25-30 triệu đồng. Ông Hiếu nhận định, nếu kết cấu hạ tầng được đầu tư tốt thì kinh tế lâm nghiệp sẽ phát triển nhanh hơn nữa và người dân sẽ được hưởng lợi lớn hơn.

       Với vai trò là đầu tàu trong phát triển kinh tế rừng, ông Hiếu chia sẻ, thời gian tới, công ty sẽ tiến hành hợp tác toàn diện với những đối tác mạnh về chế biến gỗ. Đồng thời, phấn đấu để diện tích rừng của công ty cũng như trong lâm phần rừng tràm U Minh Hạ được tham gia vào thị trường gỗ thế giới. Bằng mọi cách xây dựng được thương hiệu cây keo lai U Minh trên nền tảng chất lượng gỗ, kích cỡ gỗ lớn…

       Theo đó, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật kê liếp, giống, mật độ trồng, kỹ thuật tỉa thưa hằng năm… để phát triển rừng của công ty cũng như chuyển giao cho người dân để thúc đẩy kinh tế rừng phát triển nhanh và bền vững hơn./.

Nguyễn Phú-baocamau.com.vn