Nhân rộng mô hình nuôi cá nâu xen canh trong tỉnh Cà Mau

       Đa dạng đối tượng thủy sản nuôi là một xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới. Ưu điểm của xu hướng này là giảm áp lực khai thác nguồn lợi tự nhiên và độc canh một vài loài nhằm tránh những rủi ro do dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và quá tải thị trường. Trong nghề nuôi thủy sản, chỉ một số loài giáp xác như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua,… hiện là đối tượng nuôi chính, vì thế đưa thêm nhiều đối tượng nuôi mới, nhất là đối tượng bản địa để có thể luân canh, thay thế hay đa dạng mô hình nuôi nhằm cân bằng sự phát triển kinh tế thủy sản là rất cần thiết. Đối với tỉnh Cà Mau, để từng bước mở rộng diện tích, đa dạng hóa mô hình, đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao hiệu quả của nghề nuôi thủy sản thì mô hình nuôi cá nâu xen canh với một số loại thủy sản khác được đánh giá có nhiều triển vọng trong thời gian tới.

Cá nâu thu hoạch mô hình nuôi xen canh. Ảnh tác giả

       Cá nâu sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường nước ngọt, lợ, mặn, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại tỉnh Cà Mau. Đây được xem là đối tượng triển vọng nuôi chuyên canh hoặc nuôi xen với các loại khác. Hiện nay người dân đã bắt đầu chú trọng đến các mô hình nuôi cá nâu, đặc biệt là các mô hình nuôi cá nâu trong ao nuôi tôm được nhiều người dân quan tâm tìm hiểu. Cá nâu có thể nuôi đơn hoặc nuôi ghép với các loài cá khác hoặc với cua, tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh trên các loại thủy sản nuôi chính thì cá nâu đang góp phần làm đa dạng đối tượng nuôi, tạo thu nhập ổn định cho người nuôi. Trước đây nguồn cung cấp giống cá nâu hoàn toàn tự nhiên còn hiện nay con giống cá nâu được sản xuất nhân tạo thành công và đang triển khai nuôi ở một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đây cũng là điều kiện thuận lợi có thể phát triển mô hình này.

       Cá Nâu có tên tiếng Anh Spotted scat – Scatophagus argus (Linnaeus, 1776) thuộc giống Scatophagus, họ cá Nâu (Scatophagidae), bộ cá Vược (Perciformes), là loài cá phổ biến trên thế giới do màu sắc sặc sỡ với các chấm tròn trên cơ thể và giá trị dinh dưỡng rất cao. Trên thế giới cá Nâu có hai giống là Scatophagus và Selenotoca (Barry và Fast, 1992). Ở Việt Nam, giống chỉ có một loài duy nhất là loài Scatophagus argus (Nguyễn Văn Huy và cộng sự, 2021). Đặc tính của cá nâu thường sống ở độ sâu 1 – 4 m nước, nhiệt độ 20 - 28 °C. Ở cùng độ tuổi, cá đực có khối lượng lớn hơn cá cái, cá sống theo bầy đàn nơi có giá thể. Cá ngoài tự nhiên thường đánh bắt được cỡ 70 - 300 g/con, cá có thể lớn tối đa đến 1,2 kg/con.

       Theo Võ Thành Tiếm (2004) thì cá nâu có thân cao và dẹp bên, thân nhìn ngang gần như vuông, viền trước của vây lưng dốc đứng xuống và có một vết lõm sâu sau mắt. Mõm tù, miệng nhỏ có nhiều răng nhọn, không kéo dài đến viền trước của mắt, cơ thể và đầu phủ vảy nhỏ cho tới gốc của vây lưng và vây hậu môn. Đường bên hoàn toàn phía trước cong lên theo viền lưng. Phần trước có gai của vây lưng tương đối ít phát triển, ngoại trừ tia thứ ba và tia thứ tư. Ngược lại, phần của vây lưng cấu tạo bởi các tia mềm cũng như vây hậu môn khá phát triển và tách rời với vây đuôi chỉ có một khoảng ngắn, cuốn đuôi ngắn vây đuôi không chia thùy. Không có dấu hiệu hình thái phân biệt rõ đực cái. Tuy nhiên, theo Trần Ngọc Hải và Nguyễn Thanh Phương (2006) thì ở con đực xương trán phát triển nhô cao hơn xương trán của con cái, con đực thường ốm và dài hơn con cái. Cá nâu có thân màu nâu xám, nửa trên của thân cá có rất nhiều chấm đen, tròn, các đốm này nhạt dần về phía bụng, số lượng và hình dạng thay đổi tùy từng cá thể, vi ngực có màu trắng trong, màng da giữa các tia vi còn lại có nhiều sắc tố đen (Ngô Thanh Toàn, 2004).

        Món ăn yêu thích của cá nâu là các loại tảo, rong rêu, thực vật dưới nước nên luôn giữ được độ ngọt thịt, mùi thơm béo và dinh dưỡng. Cá nâu có giá trị dinh dưỡng cao, thịt chứa hàm lượng các amino axit thiết yếu và không thiết yếu cao, đặc biệt trong thịt không phát hiện thấy có sự xuất hiện của các loại kim loại nặng (Pb, Cd) như các loài cá biển khác (Nguyễn Văn Huy và cộng sự, 2021), cá nâu là loài thủy sản cung cấp thực phẩm an toàn cho nhu cầu của con người.

       Tại tỉnh Cà Mau, năm 2018 đã triển khai 01 dự án nuôi tôm sú cải tiến kết hợp với cá nâu trong ao nuôi tôm 02 giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học tại huyện Ngọc Hiển với quy mộ 30ha/15 hộ, kết quả cho thấy tôm và cá đều phát triển tốt, ao nuôi ít dịch bệnh, cá nâu có thể được nuôi đơn hoặc nuôi ghép – lợi nhuận kép có thể ứng phó với thiên tai, khai thác tiềm năng của một số vùng ở nhiều địa phương mở ra hướng phát triển mới trong nuôi trồng thuỷ sản. Ưu điểm của mô hình nuôi cá nâu là cá nâu thuộc loại thủy sản khá dễ nuôi, ít dịch bệnh, có vốn đầu tư tương đối thấp, phù hợp với trình độ quản lí và tài chính của người dân. Quá trình nuôi cá nâu xen ghép với tôm sú rất thuận lợi, môi trường không bị ô nhiễm bởi vì cá nâu ăn sạch lượng thức ăn thừa của tôm và rong rêu trong ao đầm, không xảy ra dịch bệnh gây hại tôm, cá lớn nhanh, đem lại cho nông dân hai nguồn lợi cá nâu và tôm sú trên một diện tích, cùng thời gian. Với ngoại hình khá bắt mắt nên cá nâu còn được nuôi làm cảnh. Tuy nhiên để mô hình mang lại hiệu quả, các hộ nuôi cần lưu ý chuẩn bị ao nuôi chắc chắn, không bị rò rỉ, nguồn nước trong ao phải luôn sạch, không bị ô nhiễm do chất thải nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt. Ngoài ra, nguồn thức ăn cũng phải đảm bảo đủ lượng đạm, đồng thời cần theo dõi để cân đối lượng thức ăn hàng ngày sao cho phù hợp, giúp cá phát triển tốt.

       Cá nâu là một trong những loài cá có giá trị kinh tế, giá trị dinh dưỡng cao và thị trường tiêu thụ tốt, được biết giá thành cá nâu khá cao giao động từ 150 đồng đến 350 đồng tùy theo kích cỡ của cá, cá được bán rộng rãi từ các chợ đến siêu thị và được đưa vào các nhà hàng trở thành món ăn đặc sản. Hiện nay, mô hình nuôi cá nâu xen canh với nuôi các loại thủy sản khác được người dân áp dụng rộng rãi trong toàn tỉnh Cà Mau, tuy cá nâu không phải là loại thủy sản nuôi chính mà thường được kết hợp với các loại thủy sản khác nhưng hiệu quả kinh tế của sản phẩm cá nâu mang lại cho người dân rất cao. Mô hình nuôi cá nâu kết hợp với các loài thủy sản khác là một mô hình triển vọng nhân rộng bởi tính hiệu quả, an toàn và bền vững cho phát triển kinh tế và xã hội của địa phương.

NTM