Thời gian qua, trên địa bàn huyện Cái Nước đã có rất nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo, phục vụ cộng đồng được hình thành, không đơn thuần chỉ có mục tiêu lợi nhuận, họ đã tạo ra những giá trị tốt đẹp, góp phần cải thiện đời sống cộng đồng và xã hội, điển hình như các mô hình của các chị em hội viên hội Phụ nữ xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước. Với bản tính cần cù, chịu khó và ham học hỏi nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước đã thực hiện nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình.
Hơn một năm trước, trong thời gian dịch bệnh bùng phát dữ dội, cũng như nhiều gia đình khác, vợ chồng chị Trần Kim Tài cũng phải ở nhà để thực hiện Chỉ thị 16 để phòng chống dịch. Trong thời gian ở nhà, vợ chồng chị suy nghĩ cần phải làm một cái gì đó để giảm bớt thời gian nhàn rỗi và vừa có thêm thu nhập. Vốn có niềm đam mê với mô hình trồng rau thủy canh nên vợ chồng chị đã lên mạng tìm hiểu xem cách trồng và thực hiện mô hình như thế nào. Sau khi tìm hiểu, vợ chồng chị đã bỏ ra gần 70 triệu đồng để đầu tư thực hiện mô hình, giống rau mà chị chọn trồng chủ yếu là các loài cải. Theo chị Tài, cải là loại rau thích hợp với điều kiện tại địa phương, thời gian thu hoạch ngắn và được nhiều người ưa chuộng.
Để rau phát triển tốt và đạt hiệu quả, chị lên mạng và tìm đến những cơ sở chuyên cung cấp giống tốt thích hợp để trồng thủy sinh, sau đó đặc về và bắt đầu ươm giống. Thời gian ươm giống khoảng 10 ngày, để rau phát triển tốt sau đó chị mới mang lên giàn trồng, thời gian từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch từ 30 đến 35 ngày. Để đảm bảo nguồn rau cung cấp quanh năm, chị trồng theo kiểu xen canh, nhờ đó mà hiệu quả kinh tế cũng nâng lên. Trung bình mỗi tháng, chị có nguồn thu nhập ổn định từ 4 triệu đồng trở lên từ mô hình trồng rau thủy canh.
Mô hình trồng rau của chị Trần Kim Tài ấp Tân Hòa, xã Thạnh Phú
Hiện tại, vợ chồng chị cũng đang có dự định sẽ mở rộng thêm diện tích trồng rau thủy canh ở phía sau nhà, đồng thời cũng sẽ chọn trồng thêm nhiều giống rau mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Còn đối với chị Nguyễn Thị Lượm, ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú thì chị chọn mô hình làm cơm cháy chà bông để khởi nghiệp. Chị Lượm đi nhiều nơi thấy mô hình làm cơm cháy chà bông mang lại hiệu quả và cũng được nhiều người ưa chuộng, nên chị cũng tìm hiểu và bắt đầu làm. Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn do chưa biết các làm nên bánh không ngon, cũng như không biết cách bảo quản nên bánh dễ bị bễ nên bị hao hụt rất nhiều. Qua nhiều lần làm và rút kinh nghiệm đến nay sản phẩm cơm cháy chà bông của chị đã đạt chất lượng và được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Cơm cháy chà bông chị Nguyễn Thị Lượm, ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú
Theo chị Lượm, cái khó nhất của việc làm cơm cháy chà bông là ở khâu chọn nếp, nếu nếp không ngon, không dẻo thì bánh chiên ra sẽ bị chai và không phồng điều, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hương vị bánh. Cơm cháy sau khi làm thành phẩm chị sẽ mang bỏ vào bọc sau đó hút chân không, làm như vậy sẽ đảm bảo được hương vị bánh và hạn chế bị bễ trong quá trình vận chuyển.
Mong muốn lớn nhất của chị là có thêm được nguồn vốn để nhập thêm nguyên liệu về để làm, vì khi nhập số lượng nguyên liệu nhiều thì giá thành sẽ giảm xuống, từ đó lợi nhuận sẽ được tăng lên. Nếu mô hình làm ăn có hiệu quả, tôi sẽ mở rộng quy mô làm, đồng thời cũng vận động các chị em trong ấp cũng làm để giúp các chị có việc làm để tăng thêm thu nhập cho gia đình, giảm bớt thời gian nhàn rỗi cho chị em phụ nữ ở nông thôn.
Nếu như trước đây, khi nhắc tới cây bồn bồn bồn người dân chỉ nghĩ đến các món ngon được chế biến từ cây bồn bồn nhưng ít ai nghĩ đến việc sử dụng lá bồn bồn phơi khô để đan thành những chiếc túi xách xinh xắn để bán ra thị trường. Sau nhiều năm mài mò thử nghiệm, chị Phạm Thị Hồng Nguyên, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước đã thành công với mô hình đan giỏ bằng bồn bồn, mô hình của chị hiện đang được nhiều chị em trong xã đến để học hỏi cách làm.
Trước đây, chị đi làm công nhân tại Bình Dương, ở đây chị thấy nhiều người sử dụng lục bình để đan thành túi xách trông rất đẹp mắt. Nhận thấy tại địa phương mình cây bồn bồn được người dân trồng rất nhiều, nhưng chỉ sử dụng phần thân non, còn lá già thì bỏ đi rất nhiều, nên chị nảy sinh ra ý tưởng sử dụng lá bồn bồn phơi khô để đan giỏ. Nghĩ là làm, hai năm trước chị nghĩ việc tại Bình Dương và trở về quê bắt tay vào khởi nghiệp với mô hình đan giỏ bằng bồn bồn.
Để làm ra được một chiếc túi bằng bồn bồn phải trãi qua nhiều công đoạn. Trước tiên, phải đi cắt lá bồn bồn về phơi nắng, trong quá trình phơi phải đảm bảo độ nắng vừa phải, để bồn bồn được khô, đảm bảo độ dai và màu sáng thì khi đan lên mới đẹp mắt. Để làm ra được một chiếc túi xách, phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Theo đó, chị Nguyên đã lên mạng học hỏi các người ta tạo khuôn cho túi, cách để quét keo cho bóng để túi xách được mềm, đảm bảo được màu sắc và có thể sử dụng được lâu dài hơn.
Trong hai năm đầu tiên khởi nghiệp với mô hình này, chị phải bỏ ra rất nhiều công sức, những sản phẩm làm ra nếu không đảm bảo chị sẽ mang đi bỏ chứ không bán cho khách. Qua hai năm miệt mài với mô hình đan túi xách, qua nhiều lần thất bại đến nay, sản phẩm của chị Nguyên đã thành công và được mang đi bán ở nhiều nơi. Chị đã thành lập một trang Fanpage riêng trên Facebook để bày bán những sản phẩm của mình trên đó và được nhiều người ủng hộ. Vừa qua, tại lễ hộ bánh dân gian Nam Bộ tổ chức tại Cà Mau, chị được Hội liên hiệp phụ nữ huyện Cái Nước hỗ trợ chổ để trưng bài và bán sản phẩm của mình, nhờ đó sản phẩm túi xách từ bồn bồn của chị được mọi người biết đến và ngày càng nhận được nhiều đơn đặc hàng hơn.
Mỗi chiếc giỏ sau khi làm thành phẩm sẽ bán với giá bán dao động từ 200 đến 400 ngàn đồng/chiếc giỏ, tùy vào mẩu mã và kích thức của từng chiếc. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, hiện nay nhiều chị em phụ nữ trong ấp Sở Tại cũng tìm đến để học hỏi cách làm. Sau khi thành thạo các khâu, chị sẽ giao nguyên liệu về cho các chị em mang về đan phần thô, với giá gia công giao động từ 50 đến 70 ngàn đồng/chiếc. Sau khi đan xong những phần còn lại từ trang trí đến làm keo, may khóa kéo thì chị sẽ tự làm. Tất cả túi xách của chị đều được làm bằng thủ công nên sẽ đảm bảo về chất lượng, mẩu mã và giá thành hợp lý. Nhận thấy mô hình của chị Nguyên hiệu quả, nhiều chị em trong ấp Sở Tại và các ấp lân cận cũng tranh thủ thời gian nhàn rỗi đến để học hỏi cách làm để kím thêm thu nhập.
Túi xách làm từ bồn bồn của Chị Phạm Thị Hồng Nguyên ấp Sở Tại xã Thạnh Phú
Mong muốn lớn nhất của chị hiện nay là sản phẩm làm ra ngày càng được nhiều người biết đến và đặc mua, từ đó sẽ giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em ở địa phương mà gia đình tôi cũng có thêm nguồn thu nhập.
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Phú với nhiều cách làm hay, sáng tạo đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn hội viên thực hiện những công trình, phần việc thiết thực mang lại hiệu quả và rất đáng được nhân rộng. Các mô hình kinh tế của Hội viên Hội phụ nữ xã Thạnh Phú đã và đang góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho hội viên phụ nữ cũng như người dân tại địa phương. Qua đó khẳng định vai trò, vị thế và những đóng góp quan trọng của phụ nữ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương.
Tô Thảo Đang - Trung tâm thông tin và Ứng dụng KHCN tỉnh Cà Mau