Từ những năm 80, nghề nuôi tôm ở Cà Mau hình thành và phát triển tập trung ở nam Cà Mau, vùng có rừng ngập mặn huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và một phần huyện Đầm Dơi, Phú Tân. Thời gian đầu, tôm chủ yếu được nuôi dưới hình thức quảng canh truyền thống: phá rừng, đào kênh, bao ví thành “vuông nuôi” và lấy nước ra vào qua “cống xổ” để lấy giống tự nhiên nên sản phẩm chủ yếu là tôm thẻ đuôi xanh, đuôi đỏ (Penaeus merguiensis, Penaeus indicus), tôm bạc, tôm đất và một số loài thủy sản khác (cua, cá…). Khi nguồn tôm giống tự nhiên dần bị cạn kiệt, tôm sú giống được nhập về từ các tỉnh miền Trung để thả nuôi (sau đó mới hình thành các trại sản xuất tôm sú giống trong tỉnh), bằng cách thả thẳng hay ương lại bằng “giai”, ao đất…, một số hộ có bổ sung thêm phân bón gây màu nước, tạo thức ăn tự nhiên cho tôm mau lớn… Từ đó, dần hình thành nên loại hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT).
Sau khi có chủ trương chuyển dịch, đặc biệt từ khi Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP ngày 15/6/2000 của Chính phủ về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ngành Nông nghiệp Cà Mau đã tập trung rà soát diện tích bị nhiễm mặn để chuyển sang nuôi trồng thủy sản (NTTS), diện tích sản xuất 2 vụ lúa kém hiệu quả để chuyển sang sản xuất 1 vụ tôm, 1 vụ lúa, đầu tư hạ tầng thủy lợi… tạo điều kiện để mô hình sản xuất lúa - tôm được triển khai và nhân rộng ở những nơi có điều kiện vùng bắc Cà Mau.
Như vậy, từ năm 2000 trở đi, loại hình nuôi tôm quảng canh và QCCT (trong đó bao gồm chuyên tôm, tôm - rừng, tôm - lúa) là loại hình sản xuất của phần lớn bà con nông dân ở Cà Mau.
Trong những năm đầu nuôi tôm, đất đai còn giàu dinh dưỡng, nguồn nước chưa bị ô nhiễm và con giống có giá cao nhưng chất lượng tốt… nên phần lớn nghề nuôi tôm đều cho năng suất, sản lượng khá cao.
Tuy nhiên, trải qua nhiều năm nuôi tôm, đất bị thoái hóa, bạc màu, môi trường nuôi ngày càng xấu đi (do nước thải sinh hoạt từ khu dân cư vốn ngày càng đông đúc, từ các nhà máy chế biến xuất khẩu tôm nguyên liệu, từ các khu, hộ nuôi tôm công nghiệp… thiếu ý thức hay cố tình không xử lý mà xả thẳng ra môi trường tự nhiên) và đặc biệt dưới tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, dịch bệnh… nên những năm gần đây, năng suất, sản lượng tôm nuôi ngày càng giảm sút. Đây là vấn đề lớn đặt ra cho lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp Cà Mau cần phải giải quyết, vì thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh mà con tôm là ngành hàng chủ lực.
Trong nuôi tôm, một trong những vấn đề quan trọng là việc quản lý tôm giống thả nuôi. Trong quy trình kỹ thuật nuôi tôm QCCT, có khâu ương tôm giống để đạt kích cỡ lớn. Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sẽ nâng cao tỉ lệ sống tôm giống trong giai đoạn ương, quản lý, kiểm soát được số lượng và chất lượng tôm thả nuôi, từ đó giảm chi phí đầu vào. Sau thời gian ương, tôm được chuyển ra “vuông”, ruộng nuôi. Ngoài khâu cải tạo vuông, ruộng nuôi ban đầu tốt thì trong quá trình nuôi phải định kỳ xử lý nước bằng chế phẩm sinh học (men vi sinh) để tạo môi trường nước tốt, phân hủy các chất khí độc tích tụ ở nền đáy, hạn chế dịch bệnh… giúp cho tôm sinh trưởng thuận lợi và định kỳ sử dụng phân bón nhằm tạo chuỗi thức ăn tự nhiên bổ sung cho tôm phát triển. Chính 3 yếu tố con giống, môi trường nước, chuỗi thức ăn tự nhiên được tác động bằng cách ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như thế sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong nuôi tôm, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của bà con nông dân. Hiện nay, mô hình nuôi tôm áp dụng đúng kỹ thuật như trên được gọi là mô hình nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn.
Trung tâm Khuyên Nông phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn và các hộ THT thực hiện Mô hình hỗ trợ thiết bị ương tôm giống phục vụ ương tôm 2 giai đoạn.
Từ năm 2017, UBND tỉnh Cà Mau, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn. Tạo điều kiện phát triển KT-XH của các huyện, thành phố nói riêng, của tỉnh Cà Mau nói chung.
Trong năm 2018, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Cà Mau và UBND một số xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai Mô hình hỗ trợ thiết bị ương tôm giống phục vụ nuôi tôm 02 giai đoạn, với quy mô 54 bể (diện tích 80 m2/bể) để hỗ trợ các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) thực hiện việc ương tôm sú giống (theo công nghệ Biofloc) trước khi thả vào vuông nuôi. Trong đó mỗi huyện, thành phố là 02 điểm, mỗi điểm có 3 THT (HTX), mỗi THT (HTX) là 01 bể.
Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT Năm Căn và các hộ trong THT thực hiện Mô hình hỗ trợ thiết bị ương tôm giống phục vụ nuôi tôm 02 giai đoạn
Từ hiệu quả của việc triển khai lắp đặt và vận hành thành công 54 bể ương tôm hai giai đoạn, Trung tâm Khuyến nông đã đúc kết và xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn để chuyển giao cho bà con nông dân, tạo điều kiện nhân rộng mô hình nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn trên địa bàn các huyện, tp. Cà Mau.
* Giai đoạn 1: ương tôm giống bằng công nghệ sinh học (biofloc):
Tốt nhất và phổ biến nhất là bể ương bạt nổi và ao đất lót bạt.
- Bể ương bạt nổi: được thiết kế hình tròn, lắp khung sắt và lót bạt hoàn toàn. Diện tích từ 30 - 100m2 (tùy vào nhu cầu ương và mật độ ương), chiều cao từ 1,0 - 1,2m.
Bể ương tôm
- Ao đất lót bạt: được thiết kế hình vuông hay chữ nhật. Diện tích có thể từ 15 - 50m2 (tùy vào nhu cầu ương và mật độ ương), chiều cao từ 0,8 - 1,0m.
Ao ương tôm 2 giai đoạn
Bể ương được trang bị hệ thống sục khí đáy, hệ thống đảo nước để đảm bảo lượng oxy, duy trì hạt floc giúp tôm phát triển.
Mật độ ương giao động từ 2.000 - 6.000 con/m2. Hàng ngày đều phải cho tôm ăn theo định lượng. Trong quá trình ương phải định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học.
Sau thời gian ương từ 13-15 ngày thì chuyển tôm sang nuôi giai đoạn 02.
* Giai đoạn 2: nuôi tôm thương phẩm sử dụng chế phẩm sinh học và phân bón:
Sau khi chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho vuông, ruộng nuôi thì tiến hành chuyển tôm từ bể ương ra để thả nuôi.
Trong quá trình nuôi phải định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường để xử lý kịp thời. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học (15 ngày một lần) để làm sạch nền đáy và ổn định môi trường.
Quản lý thức ăn tự nhiên: trong nuôi tôm QCCT chủ yếu là thức ăn tự nhiên (Nguyên sinh động vật, động vật thân mềm, giun nhiều tơ, ít tơ, giáp xác nhỏ,…). Trong quá trình nuôi phải quản lý, bổ sung phân bón để duy trì mật độ thức ăn tự nhiên cho tôm.
Sau một tháng thả nuôi (ở giai đoạn 02) thì tiến hành bổ sung phân bón (vô cơ, hữu cơ, vi sinh hữu cơ) hay cám, rơm rạ, lá, cỏ khô… Định kỳ lập lại sau 30 ngày một lần để duy trì chuỗi thức ăn tự nhiên cho vuông nuôi.
Kết quả nhân rộng: Cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có 38.164 ha nuôi tôm sú QCCT 2 giai đoạn, tăng 31.624 ha so với năm 2017.
Năm 2019, từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục hỗ trợ các huyện và thành phố Cà Mau:
- Tổ chức lớp học tại hiện trường: 38 lớp/760 hộ tham gia, về kỹ thuật ương tôm sú giống phục vụ nuôi tôm 02 giai đoạn (20 lớp, quy mô 01 ha/điểm/lớp), kỹ thuật ương tôm sú giống và nuôi tôm QCCT 02 giai đoạn (18 lớp, quy mô 01 ha/điểm/lớp).
- Thực hiện mô hình nuôi tôm QCCT 02 giai đoạn: Quy mô: 01 ha/điểm; tổng số: 09 điểm.
- Triển khai, nhân rộng mô hình nuôi tôm sú QCCT 02 giai đoạn:
Cho xã nghèo, ấp nghèo: Quy mô: 29 mô hình (03 ha/03 hộ/mô hình); Cho nông thôn mới ở địa bàn đồng bằng: Quy mô: 20 mô hình (03 ha/03 hộ/mô hình).
Năng suất bình quân 250 - 300 kg/ha/vụ, kích cỡ thu hoạch 30 - 40 con/kg, tỉ lệ sống đạt khoảng 60 %.
Đến cuối năm 2019, mô hình nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn được nhân rộng là 14.688 ha (cuối năm 2018 là 38.164 ha, cuối năm 2019 là 52.852 ha, đạt 100,8% so kế hoạch nhân rộng, tăng 38% so với cùng kỳ). Năng suất bình quân từ 500 - 600 kg/ha/năm.
Đây là mô hình nuôi tôm sú QCCT hiệu quả nhất hiện nay, được áp dụng cho nhiều vùng nuôi như: Chuyên tôm, tôm - lúa, tôm - rừng,... Mô hình kiểm soát được số lượng và chất lượng tôm giống, chi phí thả giống thấp, nâng cao tỷ lệ sống, chủ động bổ sung chuỗi thức ăn tự nhiên, tạo môi trường tốt cho tôm nuôi... hiệu quả cao so với QCCT (thả tôm giống không qua ương) và bền vững, được người dân đánh giá cao và đồng tình ủng hộ.
Vì vậy, để góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (tôm là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh), tăng cao năng suất, sản lượng tôm nuôi, từ đó tăng thu nhập cho người nuôi tôm, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương, thì cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể cấp huyện, cấp xã và bà con nông dân cần quan tâm, chỉ đạo sâu sát và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng để tiếp tục tuyên truyền, phát triển, nhân rộng mô hình nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn sâu rộng hơn và đạt hiệu quả ngày càng tốt hơn trong thời gian tới.
Tác giả: Nguyễn Bửu San - TTKN