Nuôi tôm sú (Penaeus monodon) quảng canh cải tiến 02 giai đoạn kết hợp với rong câu chỉ (Gracilaria sp.) trên địa bàn huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

       I. Khái quát

       Đầm Dơi sau hai lần chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản từ đó tiềm năng và lợi thế của vùng đất ngập mặn ven biển Đầm Dơi được khơi dậy, đến nay toàn huyện có 62.059 ha nuôi trồng thủy sản và thật sự trở thành nền kinh tế mũi nhọn của huyện trong những năm qua, với nhiều loại hình nuôi khác nhau, Trong đó, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến của huyện hơn 43.000 ha năm 2021. Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi tôm đang phải đối mặt với những bất lợi về biến đổi khí hậu gây ra ngày càng gia tăng, nhiệt độ tăng cao, mưa trái mùa, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước; dịch bệnh trên tôm nuôi ngày càng diễn biến phức tạp chưa có biện pháp phòng trị hiệu quả. Mặt khác, do nuôi quanh năm không có thời gian phơi đầm ngắt vụ; rong tạp phát triển rất nhiều như: rong mền, rong đuôi chồn, rong nhớt,… khi các loại rong này chết tích tụ dưới kênh, mương và trên mặt trảng, sinh ra khí độc NH3, H2S,... làm ảnh hưởng đến tôm dẫn đến năng suất tôm đạt thấp hoặc không đạt, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc áp dụng quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến 02 giai đoạn kết hợp với rong câu chỉ giúp môi trường ổn định, hạn chế rong tạp phát triển, kiểm soát được tỷ lệ sống của tôm ở giai đoạn đầu, môi trường ít ô nhiễm, nên năng suất và sản lượng tăng so với nuôi truyền thống trước đây.

       II. Quy trình kỹ thuật

       Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến có thể thả giống quanh năm khi độ mặn thích hợp. Tuy nhiên, nên tuân thủ lịch thời vụ trong năm ở Hình 1.

       1. Hệ thống vuông nuôi:

       - Diện tích ao nuôi: Tùy theo điều kiện thực tế của nông hộ: Diện tích 1 - 2 ha.

       - Diện tích mương: Từ 20 - 25% diện tích vuông nuôi, chiều rộng mương bao 3 - 5 m, sâu trên 1-1,3 m.

       - Trảng: 75 - 80% diện tích, mực nước trên trảng từ 0,5 m trở lên.

       2. Chuẩn bị vuông nuôi

       - Sên vét mương bao, gia cố bờ bao chống rò rỉ.

       - Bón vôi: CaCO3 với liều lượng 500-600 kg/ha hoặc sử dụng CaO: 200-300kg/ha.

       - Phơi trảng vuông nuôi: 10-15 ngày (tùy theo điều kiện thời tiết) đến khi mặt trảng nứt chân chim.

       - Diệt tạp: Dây thuốc cá 7-10kg/1.000m3 nước hoặc diệt bằng Saponin (10-15kg/1.000m3. Độ mặn vuông nuôi nhỏ hơn 15‰ nên dung dây thuốc cá và cao hơn 15‰ nên dùng Saponin. Diệt tạp nên thực hiện vào buổi trưa trời nắng tốt. Mực nước dưới kênh, mương bao để diệt cá tạp từ 20-25cm.

       3. Cấp nước và xử lý nước trong vuông nuôi

       Nước được cấp vào vuông, xử lý nước trước khi thả giống như sau:

       - Ngày thứ 1: Diệt khuẩn bằng Iodine, với liều lượng 1-2 lít/ha.

       - Ngày thứ 3: Rải rong câu chỉ vàng vào vuông nuôi, rải theo luống, với tỷ lệ 1 - 1,5% diện tích vuông nuôi.

       - Ngày thứ 4: Gây màu nước: Sử dụng phân NPK hoặc DAP; Ure: 2 - 3 kg/1.000 m3 hòa tan trong nước tạt đều khắp vuông nuôi vào buổi sáng (8 - 9 giờ), có thể lặp lại 2 lần liên tục đến khi màu nước đạt yêu cầu (độ trong 30 - 40 cm).

       Ngày thứ 7: Sử dụng chế phẩm sinh học 10 lít/1 ha để ổn định môi trường, làm sạch nền đáy, kiểm tra các yếu tố môi trường trong vuông nuôi nằm trong khoảng thích hợp:

       - pH: 7.5 - 8.5;

       - Độ mặn: 10 - 30‰;

       - Độ kiềm: 100 - 150 mgCaCO3/L

       - Màu nước: Xanh vỏ đậu hoặc màu nâu nhạt.

       Ngày thứ 9: Tiến hành thả tôm giống vào vuông nuôi

       Cấp nước khi lượng nước trong vuông bị cạn do bị bốc hơi hay bị thẩm thấu (sau khi cấp nước xử lý chế phẩm sinh học để ổn định môi trường).

Hình 2: Chế phẩm sinh học

       4. Chọn tôm giống

       Tôm sú thả nuôi được mua từ trại giống có uy tín trong tỉnh Cà Mau. Đồng thời, tôm được trại giống ương 02 giai đoạn từ tôm sú Post 15 lên thêm 15 ngày, đạt chiều dài từ 2 - 3 cm. Thả vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Hình 3: Tôm sú giống 02 giai đoạn

       5. Quản lý thức ăn

       Đến tháng thứ 2 bổ sung thức ăn công nghiệp có độ đạm 40%. (thời gian cho ăn ngày 02 cử sáng và chiều).

       6. Quản lý môi trường

       Thường xuyên theo dõi các yếu trường vuông nuôi như: pH, kiềm, độ mặn,...

TT

Chỉ tiêu

Khoảng thích hợp

Dụng cụ kiểm tra

1

Độ mặn (‰)

15 - 30

Khúc xạ kế

2

Nhiệt độ (oC)

25 - 32

Nhiệt kế

3

pH

7,5 - 8,5

Máy đo pH (AD 11  pH meter)

4

Độ kiềm (mg/l)

80 - 160

Test kiềm (Sera)

       - pH: Độ pH trong vuông thích hợp từ 7,8 - 8,2 và dao động trong ngày không quá 0,5 đơn vị.

       + Khi pH nhỏ hơn 7,5: Sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite 20 - 30 kg/1.000 m3 hoặc vôi đá 10 - 15 kg/1.000 m3 nước.

       + Khi pH cao hơn 8,5: Sử dụng 1 lít men gốc + 3 - 5 kg rỉ đường/1.000 m3 để ổn định môi trường nước và thực hiện đến khi pH ổn định (trong khoảng 7,5 - 8,5).

       + Khi pH dao động vượt quá 0,5 đơn vị/ngày: Tăng cường bón Dolomite 15 - 20 kg/1.000 m3 kết hợp với chế phẩm sinh học + 3 - 5 kg rỉ đường/1.000 m3.

       - Kiềm: Độ kiềm thích hợp cho tôm từ 100 - 150mg/l. Độ kiềm liên quan đến độ pH, độ kiềm tạo nên hệ đệm trong nước giúp cho pH nước ổn định, ít biến động. Khi độ kiềm tăng cao tôm tăng cường trao đổi chất, tiêu hao nhiều năng lượng làm tôm chậm lớn, hao hụt nhiều. Khi độ kiềm thấp (< 80 mg/l): Sử dụng vôi dolomite 5 - 10kg/1000m3 vào ban đêm hoặc vôi CaCO3. Lập lại nhiều lần cho đến khi độ kiềm ổn định.

       - Độ mặn: Ao nuôi có độ mặn thích hợp nhất từ 15 - 25‰. Khi mưa nhiều xả bớt nước mặt để hạn chế giảm độ mặn, trong vuông nuôi luôn duy trì độ mặn trên 5‰.

       - Mực nước trên trảng luôn giữ tối thiểu 0,5 m để hạn chế nhiệt độ tăng quá cao vào buổi trưa nắng, môi trường vuông nuôi ổn định đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tôm hoạt động trên trảng.

       - Định kỳ 15 ngày sử dụng chế phẩm sinh học để phân hủy đạm và vi sinh phân hủy H2S để kiểm soát nền đáy vuông nuôi và chất lượng nước.

       7. Quản lý sức khỏe tôm

       - Thường xuyên quan sát tôm nuôi hoạt động bắt mồi và sức khỏe của tôm trong vuông, quan sát biểu hiện bên ngoài của tôm như: Màu sắc, phụ bộ, đường ruột,... để nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường để xử lý kịp thời.

       - Trong thời gian nuôi định kỳ 1 tháng 02 lần kiểm tra tốc độ tăng trưởng khối lượng của tôm để đánh giá tình trạng sức khỏe của tôm thông qua quan sát cá thể tôm để kịp thời xử lý khi thấy có các dấu hiệu nhiễm bệnh và tăng cường quản lý tốt chất lượng nước và thức ăn.

       8. Quản lý rong câu chỉ vàng

       Sau 2-3 ngày thả rong giống chỉ vàng bị dồn tụ phải điều chỉnh cho mật độ rong phân bổ điều trên diện tích mặt trảng.

       Hàng tuần, quan sát sự phát triển của rong, nếu thấy có nhiều rong tạp (rong mềm, rong nhớt,...) xuất hiện cần loại bỏ bằng cách thu gom thành từng đống và đưa ra khỏi ao hoặc nâng mực nước trảng lên >60cm để hạn chế rong tạp phát triển lấn át rong câu chỉ vàng.

       Khi rong phát triển nhiều trên 50% diện tích vuông nuôi, tiến hành thu bớt rong, chỉ chừa lại khoảng 20% diện tích là thích hợp.

Hình 4: Rong câu chỉ vàng

       9. Một số bệnh thường gặp trên tôm như

       - Nhóm bệnh do vius: Bệnh đốm trắng, đầu vàng, bệnh còi,... hiện chưa có thuốc đặc trị, chỉ áp dụng phương pháp phòng bệnh tổng hợp. Dấu hiệu bệnh lý như: Tôm bơi lội lờ đờ, tấp mé; tôm bỏ ăn và chết hàng loạt trong 3 - 7 ngày.

       + Bệnh đốm trắng: Trên vỏ đầu ngực và đốt cuối cùng xuất hiện nhiều đốm trắng.

       + Bệnh đầu vàng: Tôm thường bơi gần tầng mặt hoặc gần bờ. Gan tụy chuyển màu vàng nên phần giáp đầu ngực có màu vàng nhạt, mang tôm có màu trắng, vàng nhạt hay nâu.

       + Bệnh còi: Khi tôm nhiễm bệnh thường có dấu hiệu không rõ ràng, khi bệnh nặng thướng có các dấu hiệu như: Tôm kém ăn, hoạt động yếu, tăng trưởng chậm lớp vỏ có màu tối hoặc xanh đậm, tỷ lệ phân đàn rất cao và tôm chết rải rác.

       - Nhóm bệnh do nhiễm khuẩn: Bệnh phát sáng, hoại tử phụ bộ, đỏ thân, đốm nâu,... dấu hiệu bệnh lý như:

       + Các chỗ tổn thương trên vỏ có màu nhạt sau đó chuyển sang đốm đen, đặc biệt ở chân bơi, chân bò, chân đuôi, râu và vỏ tôm.

       + Cơ thể phát sáng khi quan sát trong bóng tối.

       - Nhóm nguyên sinh động vật: Tôm bị đóng rong, đen mang,... dấu hiệu bệnh lý:

       + Bệnh đóng rong: Vỏ tôm bị rong bám bên ngoài nhất là trên các đốt của chân bơi, chân bò, chân đuôi và râu.

       + Bệnh đen mang: Mang tôm có màu đen hay nâu, nếu bệnh nặng mang tôm tiết dịch có mùi hôi.

       Phòng trị bệnh: Áp dụng phương pháp phòng bệnh tổng hợp. Trị bệnh: Nếu nhẹ kích nước cho tôm lột xác bằng cách thay nước 30% lượng nước trong vuông. Nếu nặng, xử lý Iodine, BKC trong điều kiện cho phép.

       - Nhóm do môi trường và dinh dưỡng: Tôm bị cong thân, mềm vỏ,...dấu hiệu bệnh lý:

       + Tôm chậm lớn, cơ thịt không đầy vỏ, vỏ mỏng, nhăn nheo, gợn sóng.

       + Tình trạng tôm mềm vỏ kéo dài dẫn đến tôm bị nhiễm các loại bệnh khác.

       Phòng trị bệnh: Áp dụng phương pháp phòng bệnh tổng hợp. Bón vôi canxi (CaCO3) vào vuông nuôi, liều lượng 100 - 200 kg/ha.

       * Phương pháp phòng bệnh tổng hợp

       - Thiết kế và xây dựng vuông nuôi cho phù hợp;

       - Chuẩn bị vuông nuôi, xử lý đúng quy trình kỹ thuật;

       - Quản lý tốt các yếu tốt môi trường nước vuông nuôi;

       - Chọn giống tốt đã có xét nghiệm PCR;

       - Không nuôi mật độ quá dày;

       - Thường xuyên kiểm tra các hoạt động, sức khỏe tôm trong vuông nuôi;

       - Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học thích hợp để cải thiện môi trường nước và nền đáy vuông;

       10. Thu hoạch

       Sau 4-5 tháng nuôi tiến thu tỉa tôm đạt kích cỡ thương phẩm bằng lú thưa. Sau đó thu hoạch hàng tháng theo hai đợt triều cường (con nước 15 và 30 âm lịch).

 

Lê Thanh Đăng- Phòng Nông nghiệp huyện Đầm Dơi