- Sự cần thiết của pháp luật về an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Do lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển, mỗi dân tộc không chỉ gắn kết với nhau mà còn gắn liền với từng vùng đất cụ thể. Đặc biệt, sự chuyển dịch của các thành viên các dân tộc thiểu số ít ra khỏi vùng mà chủ yếu là chuyển dịch nội vùng. Điều đó đã hình thành nên những vùng dân tộc thiểu số (DTTS) “Vùng dân tộc thiểu số là địa bàn có đông các dân tộc thiểu số cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tạo nên những vùng dân tộc thiểu số như vậy là thuận lợi nhưng cũng là khó khăn trong thực hiện pháp luật về an sinh xã hội và phát triển mọi mặt cho đồng bào ở những vùng này.
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm gần ¾ diện tích tự nhiên của cả nước ta, vẫn là vùng còn nhiều khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, kinh tế chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, vẫn là “lõi nghèo” của cả nước; vùng dân tộc thiểu số và miền núi có địa hình hiểm trở, thường xuyên chịu ảnh hưởng và tác động lớn của thiên tai, lũ lụt; nhiều nơi môi trường sinh thái tiếp tục bị suy thoái; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao so với mức bình quân chung của cả nước, khoảng cách chênh lệch về mức sống, trình độ phát triển KT-XH giữa các dân tộc, giữa các vùng ngày càng gia tăng; chất lượng hiệu quả giáo dục còn thấp, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn; tình trạng du canh, du cư, di cư tự do vẫn còn diễn biến phức tạp; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một...
Trên quan điểm Mac-xit và tiếp thu những tinh hoa nhân loại về vấn đề dân tộc, từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên đề ra nhiều chính sách và giành nhiều nguồn lực phát triển toàn diện KT-XH, cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực,... và đảm bảo pháp luật về an sinh xã hội đối với đồng bào DTTS.
Thực tiễn, qua nhiều năm thực hiện pháp luật về an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhận ra bảo đảm an sinh xã hội là giải pháp cơ bản để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân và góp phần ổn định an ninh, chính trị xã hội cho đồng bào các vùng DTTS. Nhà nước Việt Nam đã đầu tư nhiều cho vùng đồng bào DTTS, các huyện nghèo, ấp, xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, hải đảo; thực hiện toàn diện các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Hệ thống pháp luật về an sinh xã hội đối với đồng bào DTTS đã được ban hành khá đầy đủ và toàn diện, bao quát các lĩnh vực an sinh xã hội gồm hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội, trợ giúp xã hội và đảm bảo tiếp cận ở mức tối thiểu các dịch vụ xã hội như (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin và môi trường...) đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số trên khắp mọi miền đất nước.
Nói khác đi, trong pháp luật về an sinh xã hội đối với đồng bào DTTS thì an sinh xã hội không chỉ đơn thuần thực hiện các chức năng của nó mà chính sách này còn tạo những chuyển biến tích cực trong đời sống đồng bào DTTS, đặc biệt là đồng bào các dân tộc có sự phát triển chậm hơn so với các dân tộc khác, nhằm góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh cho địa phương.
- Cơ sở lý luận của của pháp luật về an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc và thực tiễn lịch sử đấu tranh cách mạng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam cũng như dựa vào tình hình thế giới của từng giai đoạn, Nhà nước Việt Nam luôn luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc có tầm quan trọng đặc biệt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, đồng bào các dân tộc đều là anh em ruột thịt, là con cháu một nhà, thương yêu đoàn kết giúp đỡ nhau là nghĩa vụ thiêng liêng của các dân tộc. Người còn khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Nhà nước Việt Nam coi việc giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là nhiệm vụ có tính chiến lược nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, cũng như tiềm năng và sức mạnh riêng của từng dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta đã nêu rõ: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng”. Trên cơ sở đó, Đảng ta đã vạch ra đường lối về công tác dân tộc đó là: thực hiện tốt chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển; xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, phát triển sản xuất hàng hoá, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đi đôi với “giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống, tiếng nói, chữ viết và tập quán truyền thống tốt đẹp của các dân tộc” và thực hiện tốt chiến lược phát triển KT-XH ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... cùng với kiên quyết “Chống kỳ thị, chia rẽ dân tộc; chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan; khắc phục tư tưởng tự ti, mặc cảm dân tộc”. Đây là tư tưởng chủ đạo và xuyên suốt các giai đoạn cách mạng của Đảng ta về vấn đề dân tộc. Trong Cương lĩnh (bổ sung và phát triển 2011) Đảng ta tiếp tục xác định tám đặc trưng trên cơ sở kết hợp, bổ sung, phát triển những đặc trưng của CNXH trong hai Văn kiện nêu trên. Trong đó có đặc trưng thứ sáu đã chỉ rõ: “Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Đặc trưng này thể hiện tính ưu việt trong chính sách dân tộc, giải quyết đúng các quan hệ dân tộc (theo nghĩa hẹp là quan hệ giữa các tộc người) trong quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Thực hiện 25 năm đổi mới đất nước đã và đang chứng minh tính ưu việt trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, chứng minh tính ưu việt của CNXH trong giải quyết các quan hệ dân tộc ở Việt Nam. Nhờ đó đã và đang phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tính đồng thuận trong cộng đồng 54 dân tộc, chống lại âm mưu chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch”.
Đường lối công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước ta biểu hiện như sau:
- Có chính sách phát triển KT-XH ở các vùng DTTS phù hợp với điều kiện và đặc điểm từng vùng, miền và từng dân tộc, bảo đảm cho đồng bào các dân tộc khai thác được thế mạnh của địa phương để làm giàu chính đáng và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng để khắc phục sự chênh lệch về kinh tế, văn hoá - xã hội , bảo đảm sự bình đẳng thực sự giữa các dân tộc. Đi đôi với phát huy tiềm lực KT-XH của các vùng dân tộc cần chú trọng bảo vệ môi trường thiên nhiên, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc, phát huy mối quan hệ tốt đẹp, gắn bó giữa đồng bào tại chỗ và người dân từ nơi khác đến, chống tư tưởng dân tộc ích kỷ, hẹp hòi.
- Phải tôn trọng lợi ích, các văn hóa truyền thống, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc; cần có chính sách đặc thù để từng bước nâng cao dân trí đối với đồng bào các dân tộc, nhất là các dân tộc ở vùng miền núi, vùng cao và hải đảo. Đây là vấn đề quan trọng và rất tế nhị, cần lắng nghe ý kiến của đồng bào và có chính sách thật cụ thể, phù hợp với ý kiến chung của đồng bào từng vùng, miền và từng dân tộc nhằm làm cho nền văn hoá chung của nhân loại vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc, ngày càng phong phú và rực rỡ.
- Tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết và đấu tranh kiên cường của các dân tộc vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, chống tư tưởng dân tộc lớn và dân tộc hẹp hòi, nghiêm cấm mọi hành vi miệt thị và chia rẽ dân tộc.
- Cần quan tâm và tăng cường bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ DTTS; đồng thời giáo dục tinh thần đoàn kết, hợp tác cho cán bộ, công chức, viên chức các dân tộc, trong đó chú trọng dân tộc Khmer. Bởi vì, chỉ tinh thần đó mới phù hợp với đòi hỏi khách quan của công cuộc phát triển dân tộc và xây dựng đất nước. Trong công cuộc đó, không dân tộc nào có thể chỉ sử dụng đội ngũ cán bộ xuất thân từ dân tộc mình, mà ngược lại, cần phải có sự hỗ trợ lẫn nhau giữa đội ngũ cán bộ thuộc mọi dân tộc (54 dân tộc) trong cả nước.
Từ ý nghĩa như vậy, pháp luật về an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc của Đảng và Nhà nước mang tính toàn diện, tổng hợp, quán xuyến tất cả các lĩnh vực của đời sống, văn hóa, xã hội, liên quan đến từng dân tộc và quan hệ giữa các dân tộc trong cả nước. Phát triển KT-XH của các dân tộc là nền tảng để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, là cơ sở để từng bước khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc. Vì vậy, pháp luật về ASXH đối với dân tộc cần phải có tính cách mạng và tiến bộ, đồng thời còn mang tính nhân đạo, bởi vì, nó không bỏ xót bất cứ dân tộc nào, không cho phép bất cứ tư tưởng miệt thị, xem thường, kỳ thị và chia rẽ dân tộc; nó luôn tôn trọng quyền làm chủ của mỗi con người và quyền tự quyết của các dân tộc. Mặt khác, nó phát huy nội lực của mỗi dân tộc kết hợp với sự giúp đỡ có hiệu quả của các dân tộc khác.
Nhận thức đúng đắn về bản chất, nội dung và tính chất của chính sách dân tộc có ý nghĩa quyết định đến việc định hướng, đổi mới các biện pháp thực hiện pháp luật về ASXH đối với dân tộc, làm cho pháp luật về ASXH đối với dân tộc đi vào cuộc sống, góp phần phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Để thực hiện tốt đường lối của Đảng về công tác dân tộc, thực hiện pháp luật về ASXH đối với đồng bào các DTTS vừa là mục tiêu cốt lõi, vừa là động lực, vừa là giải pháp căn cơ và lâu dài. Bởi vì:
- Thực hiện pháp luật về ASXH đối với đồng bào các DTTS là điều kiện tiên quyết để phát triển KT-XH các vùng DTTS; từ đó khắc phục sự chênh lệch về kinh tế, văn hoá, bảo đảm sự bình đẳng thực sự giữa các dân tộc đồng thời bảo vệ môi trường thiên nhiên, ổn định đời sống của đồng bào, phát huy quan hệ tốt đẹp, gắn bó giữa đồng bào tại chỗ và đồng bào từ nơi khác đến.
- Trên cơ sở phát triển kinh tế từ pháp luật về ASXH mà có những điều kiện để bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc để từng bước nâng cao dân trí đối với vùng đồng bào các dân tộc, nhất là các dân tộc ở vùng núi cao, hải đảo cũng như có những nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số.
- Pháp luật về an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam qua các thời kỳ
Chính sách dân tộc ở Việt Nam được đánh giá như là một vấn đề xã hội mang tính đặc thù, thể hiện rõ quan điểm giai cấp của Đảng và các cơ quan cầm quyền. Văn kiện Hội nghị Trung ương 7, khóa IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam”.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc (54 dân tộc). Phần lớn các DTTS sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đây là những địa bàn có vị trí chiến lược về KT-XH, chính trị, quốc phòng, an ninh, giao lưu quốc tế. Nhận thức được điều đó nên từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi việc hoạch định và thực hiện đúng chính sách dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược.
Vì vậy, trên cơ sở kế thừa những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc và xuất phát từ thực tế đặc điểm, tình hình dân tộc ở nước ta như hiện nay, Đảng ta đã đề ra chính sách dân tộc đúng đắn qua từng thời kỳ cách mạng nhằm củng cố tình đoàn kết các dân tộc, thống nhất lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc - quốc gia.
3.1. Thời kỳ Đảng Cộng sản được thành lập đến khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (1930 - 1945).
Ở thời kỳ này nước ta phải sống trong cảnh một cổ hai tròng, chịu số phận của một dân tộc thuộc địa nửa phong kiến. Vấn đề dân tộc - quốc gia là mục tiêu hàng đầu có ý nghĩa rất quan trọng, nó tác động chi phối đến vấn đề tộc người và vấn đề giai cấp. Tư tưởng gắn độc lập dân tộc với CNXH đã trở thành tư tưởng chủ đạo trong chính sách dân tộc.
Tháng 3 - 1935, trong văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ I, đưa ra nghị quyết nhấn mạnh: “Đảng Cộng sản thừa nhận cho các dân tộc được quyền tự do hoàn toàn. Đảng chống chế độ thuộc địa, chống hết các hình thức trực tiếp đem dân tộc này vào đàn áp bóc lột dân tộc khác”. Trong hội nghị này, Đảng ta cũng đã khẳng định: “Sự liên hợp huynh đệ phải lấy nguyên tắc chân thật, tự do và bình đẳng cách mạng mà làm căn bản”.
Nhờ những chính sách ASXH nói chung và chính dân tộc đúng đắn đó, đã động viên được khối đại đoàn kết toàn dân tộc tích cực tham gia vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước. Cách mạng tháng Tám thành công và sự ra đời của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tạo ra một bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam, đưa dân tộc ta bước vào một kỷ nguyên mới: độc lập, dân chủ và tiến bộ. Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 chỉ rõ: “Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo” và “đảm bảo các quyền tự do dân chủ”.
3.2. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954).
Đây là thời kỳ đánh dấu bằng việc thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Cả nước lại một lần nữa bước vào trường kỳ kháng chiến. Tháng 2 - 1951, Đảng ta tiến hành Đại hội lần thứ II. Tại đại hội này, Đảng ta đã khẳng định: Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, phải đoàn kết giúp đỡ nhau để kháng chiến và kiến quốc, kiên quyết chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đánh đổ âm mưu gây thù hằn, chia rẽ dân tộc của đế quốc và lũ Việt gian. Đồng thời, cải thiện đời sống cho các DTTS, giúp đỡ họ tiến bộ về mọi mặt, đảm bảo để họ tham gia chính quyền và dùng tiếng mẹ đẻ trong giáo dục ở các địa phương có đông đồng bào DTTS.
Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng đưa ra Nghị quyết về “Chính sách dân tộc thiểu số của Đảng”. Đại đoàn kết dân tộc và bình đẳng giữa các dân tộc là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình thực hiện các chính sách dân tộc dù miền xuôi hay miền ngược, dù là DTTS hay đa số đều một lòng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
3.3. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (1955 - 1975).
Trong thời kỳ này, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta có sự khác nhau ở hai miền Nam - Bắc.
Miền Bắc, vấn đề dân tộc và công tác dân tộc đặt ra lúc này gắn liền với cuộc cải cách dân tộc, cuộc cải cách dân chủ và xây dựng CNXH.
Ở miền Nam, đã tiến hành cuộc vận động đoàn kết các dân tộc, tổng hợp sức người, sức của cùng nhau đánh thắng kẻ thù xâm lược và thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc.
3.4. Thời kỳ từ năm 1976 đến nay.
Đây là thời kỳ đất nước ta được hoàn toàn được giải phóng, cả nước chung sức bắt tay vào công cuộc kiến thiết đất nước.
Từ sau năm 1975, cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên CNXH. công tác dân tộc một lần nữa được khẳng định và bổ sung cụ thể hóa trong nghị quyết Đại hội IV của Đảng (1976): “Thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt các dân tộc đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”. Đây là thể hiện sự nhất quán trong đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta luôn lấy sự đoàn kết và bình đẳng dân tộc làm kim chỉ nam cho mọi hành động, tạo những điều kiện cần thiết để xóa bỏ tận gốc sự chênh lệch về trình độ, kinh tế và văn hóa - xã hội giữa các dân tộc (54 dân tộc), đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp đồng bằng.
Năm 1986, đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới. Quan điểm về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc trong thời kỳ này được tập trung vào nhiệm vụ phát triển KT-XH, vùng đồng bào DTTS và miền núi… Vấn đề phát triển KT-XH được coi trọng trong công tác dân tộc là một trong những yếu tố tiên quyết có ý nghĩa trước mắt và lâu dài, là cơ sở để thực hiện các mục tiêu và nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc. Có phát triển KT-XH chúng ta mới có điều kiện để đảm bảo cuộc sống cho nhân dân các dân tộc, mới tạo được động lực để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm giàu đẹp.
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều Dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm bảo đảm thực hiện các chính sách dân tộc như: chính sách định canh, định cư, đào tạo nghề, giải quyết việc làm,... phủ xanh đất trống đồi trọc, xóa đói giảm nghèo… Nhờ những chính sách dân tộc đúng đắn đó, đã làm cho vùng đồng bào DTTS đạt được những thành tựu rất quan trọng.
Hiện nay, trên cơ sở vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã nghiên cứu và vạch ra đường lối, xác định chủ trương và hoạch định các chính sách đối với đồng bào dân tộc về cơ bản vừa phù hợp với tình hình phát triển đất nước vừa gắn với đặc điểm của từng vùng, từng dân độc thiểu số. Tuy nhiên, khi triển khai, thực hiện đường lối, chủ trương và các chính sách đó, ở một số vùng, một số dân tộc trong những thời điểm nhất định đã bộc lộ không ít những thiếu sót. Triển khai và thực hiện pháp luật về ASXH đối với đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng không nằm ngoài nhận định này. Vì thế, đánh giá thực trạng và phát hiện những ưu điểm, hạn chế và đề xuất các giải pháp cho việc triển khai, thực hiện pháp luật về ASXH đối với đồng bào Khmer tại Cà Mau là nhiệm vụ quan trọng của những người làm công tác dân tộc ở địa phương. Góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về ASXH đối với đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Khmer nói riêng là thực hiện nhiệm vụ đó trong giai đoạn hiện nay (2017 - 2020) và giai đoạn năm 2021 - 2030.
- Vai trò, ý nghĩa của pháp luật về an sinh xã hội đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Về cơ bản, hệ thống pháp luật về ASXH đối với đồng bào DTTS khá toàn diện, bao quát các lĩnh vực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng triển khai hàng loạt các Chương trình, dự án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, cơ bản, toàn diện vùng có đông đồng bào DTTS. Các pháp luật về ASXH dành đối với đồng bào DTTS và miền núi từ tập trung hỗ trợ trực tiếp (như chính sách trợ cước, trợ giá và cấp không thu tiền một số mặt hàng thiết yếu cho người dân) chuyển sang vừa đầu tư phát triển và vừa hỗ trợ trực tiếp cho người dân (như hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đời sống văn hóa của người dân “xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng (Salatel)” và đào tạo cán bộ cơ sở, y tế, giáo dục, đào tạo nghề...).
Trong những năm qua, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, Nhà nước ta đã triển khai thực hiện khá toàn diện các pháp luật về ASXH đối với đồng bào DTTS và miền núi, trong nổ lực cải thiện toàn diện điều kiện sống cho đồng bào DTTS và miền núi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, thực hiện kỳ quyết; đã có rất nhiều Dự án, Chương trình, chính sách hỗ trợ được ban hành và triển khai thực hiện rộng khắp trên cả nước. Trong đó, trọng tâm là thực hiện các Dự án, Chương trình tập trung vào việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, tín dụng và giải quyết việc làm..., nâng cao thu nhập cho hộ đồng bào DTTS và miền núi; cụ thể hóa pháp luật về ASXH để triển khai, thực hiện trong những năm qua và giai đoạn hiện nay; pháp luật về ASXH cơ bản đã góp phần tạo thu nhập cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, kinh doanh và thoát nghèo bền vững.
Như vậy, pháp luật về ASXH đối với đồng bào DTTS và miền núi của Đảng và Nhà nước là “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển kinh tế - xã hội”. Đây là nguyên tắc cơ bản trong pháp luật về ASXH đối với đồng bào DTTS của Đảng, Nhà nước ta; phấn đấu tạo điều kiện để các dân tộc cùng bình đẳng trong mọi hoạt động trong cộng đồng quốc gia thống nhất. Pháp luật về ASXH đối với đồng bào DTTS là chủ trương, giải pháp phát triển KT-XH đối với dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo sự thống nhất của cộng đồng quốc gia dân tộc và mở rộng quan hệ cộng đồng quốc tế. Pháp luật về ASXH đối với DTTS là chính sách tổng hợp, nhằm phát triển những mối quan hệ tốt đẹp bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc, là chính sách vì lợi ích con người và vì vận mệnh của cộng đồng các dân tộc ở nước ta, gắn liền với quá trình phát triển KT-XH theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đối với các pháp luật về ASXH khác chỉ mang tính giải quyết tức thời, ngắn hạn, trung hạn, hoặc giải quyết một vấn đề bức xúc của xã hội đang xảy ra như thiên tai, bão lụt..., pháp luật về ASXH đối với đồng bào DTTS bao hàm các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, quan tâm tới các giai tầng xã hội, các dân tộc trong cộng đồng; gắn với từng dân tộc cụ thể, trong điều kiện cụ thể, bối cảnh cụ thể. Xem xét, giải quyết từng vấn đề phải đặt trong mối quan hệ với các vấn đề khác, đảm bảo lợi ích của dân tộc, cộng đồng và quốc gia./.
ThS. Nguyễn Duy Trường