Phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ Mẫu giáo 5-6 tuổi thông qua thể loại thơ.

       I. ĐẶT VẤN ĐỀ

       Ngôn ngữ là công cụ, là phương tiện lĩnh hội, tiếp thu nền văn hóa dân tộc, nền văn minh của nhân loại nên cần phải được coi trọng từ thời thơ ấu và tổ chức hướng dẫn cho trẻ thật khoa học. Phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non là khâu đầu tiên trong việc dạy tiếng mẹ đẻ nhằm hình thành ở trẻ lời nói miệng chính xác, biểu cảm, lời nói và hành vi giao tiếp có văn hóa.

       Phát triển ngôn ngữ cho trẻ là một nhiệm vụ quan trọng trong chương trình giáo dục mầm non. Ngôn ngữ giúp trẻ phát triển trí tuệ. Trong sự tương tác giữa tư duy và ngôn ngữ, tương quan giữa sự phát triển ngôn ngữ và trí tuệ hết sức cần thiết. Có thể nói không thể có tư duy nếu không có ngôn ngữ. Ngôn ngữ còn có vai trò quan trọng đối với việc giáo dục tình cảm, đạo đức, điều chỉnh hành vi, việc làm của trẻ giúp trẻ hình thành và phát triển nhân cách con người. Bằng ngôn ngữ, người lớn giới thiệu cho trẻ những hình ảnh đẹp trong xã hội, trong thiên nhiên... nhằm giáo dục giá trị thẩm mĩ cho trẻ, làm tâm hồn trẻ thêm bay bổng, trí tưởng tượng thêm phong phú, khơi gợi cho trẻ những ước mơ đẹp, lòng ham muốn sáng tạo ra cái đẹp.

       Phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ là phát triển ở trẻ khả năng nghe hiểu ngôn ngữ, khả năng trình bày có logic, có trình tự, có hình ảnh một nội dung nhất định. Đặc biệt, thời kì 5-6 tuổi, nhận thức của trẻ mang nhiều tính chất lí tính nên lời nói của trẻ đã dựa trên cơ sở thông hiểu lời nói. Trẻ phát triển ngôn ngữ tốt là nền tảng để phát triển các hoạt động khác. Trong thực tế, có nhiều trẻ ngôn ngữ phát triển tốt, nhưng diễn đạt lời nói rõ ràng, dễ hiểu, biểu cảm để người khác dễ hiểu và gây ấn tượng tình cảm của trẻ còn rất nhiều hạn chế. Đa số trẻ chưa phân biệt được sự khác nhau trong cách phát âm đặc biệt là các âm khó: n – l, x – s, r – d, ch – tr, v – d, và âm cuối như ếch - ất, úc – ít… Kinh nghiệm sống của trẻ còn nghèo nàn, dẫn đến tình trạng trẻ dùng từ không chính xác, câu lủng củng, vốn từ còn hạn chế. Một số trẻ nói, phát âm sai do ảnh hưởng ngôn ngữ của người lớn xung quanh trẻ (nói tiếng địa phương) như: vàng (dàng), xanh (xăn), anh (ăn),… Một số phụ huynh ít thời gian trò chuyện với trẻ và nghe trẻ nói cũng là nguyên nhân hạn chế sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Giáo viên hướng dẫn các hoạt động cho trẻ tại lớp học

       Ý thức được vai trò quan trọng của ngôn ngữ trong sự hình thành nhân cách cho trẻ nói chung, việc nâng cao chất lượng giáo dục trẻ nói riêng. Tôi chọn đề tài “Phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi thông qua thể loại thơ” để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ một cách mạch lạc.

       II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:

          Xuất phát từ những khó khăn trên bản thân tôi đã ngày đêm trăn trở tìm ra những biện pháp giúp trẻ phát triển ngôn ngữ mạch lạc cụ thể như sau:

       1. Tìm hiểu đặc điểm phát triển ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi:

       Để có biện pháp phù hợp giúp trẻ phát triển ngôn ngữ mạch lạc, trước hết chúng ta cần phải tìm hiểu đặc điểm phát triển ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi. Qua một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, bản thân nhận thấy rõ đặc điểm phát triển ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi nói chung, trẻ lớp tôi phụ trách nói riêng, cụ thể như sau:

       - Đặc điểm phát âm: trẻ bắt chước ngữ điệu câu nói một cách dễ dàng, tiếp thu học từ mới nhanh, nghe hiểu và trả lời được nhiều loại câu hỏi. Hoàn thiện về mặt phát âm. Tuy nhiên, vẫn còn một số cháu phát âm chưa đúng phụ âm đầu hoặc âm cuối.

       Ví dụ: âm “k” được cháu phát âm thành âm “t”: cơm – tơm, cá – tá…

       - Đặc điểm vốn từ:

       + Ở lứa tuổi này số lượng từ tăng lên không chỉ phụ thuộc vào tháng tuổi mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác.

       + Số lượng và tỉ lệ các loại từ phát triển theo qui luật: trẻ càng lớn thì tỉ lệ danh từ, động từ càng giảm, tỉ lệ các từ loại khác tăng lên.

       - Đặc điểm ngữ pháp: trẻ không còn sử dụng câu 1 từ mà sử dụng các loại câu: câu cụm từ, câu đầy đủ 2 thành phần, câu đơn mở rộng các thành phần, câu phức (đẳng lập và chính phụ). Mặc dù đã có những tiến bộ lớn trong việc tiếp nhận và sử dụng các loại câu trong hệ thống câu Tiếng Việt, song trẻ còn mắc một số lỗi sau: trật tự câu chưa đúng, thiếu từ trong, từ dùng thiếu chính xác …

       2. Khi thiết kế bài dạy lồng ghép, tích hợp nội dung các bài thơ vào các lĩnh vực khác:

       Ví dụ: Lĩnh vực giáo dục phát triển thẩm mỹ

       Đề tài: Thơ “Hoa cúc vàng” chủ điểm thế giới thực vật

       - Tôi cho trẻ hát bài “Màu hoa” cho trẻ ngồi hình vòng cung, sau đó cho trẻ quan sát một số hình ảnh các loài hoa trên màn hình.

       Ví dụ: Lĩnh vực giáo dục phát triển nhận thức

       - Đề tài: Thơ “Ong nâu và bướm vàng” chủ điểm thế giới động vật (một số loài côn trùng)

       + Trẻ biết tên, đặc điểm, lợi ích, nơi sống của một số loài côn trùng

       - Đề tài: Thơ “Đồng lúa” chủ điểm nghề nghiệp

       + Trẻ áp dụng được sự so sánh chiều cao của cây lúa qua các giai đoạn (còn non và trổ bông).

       3. Dùng câu hỏi đàm thoại:

       - Với từng bài dạy tôi đưa ra hệ thống câu hỏi đã chuẩn bị có tính lôgic, để đàm thoại với trẻ một cách sôi nổi theo phương châm: “lấy trẻ làm trung tâm” để phát huy trí tưởng tượng, những cảm xúc của trẻ, tính liên hệ thực tiễn, sáng tạo phù hợp với từng nội dung của bài mà trẻ không bị áp đặt một cách gò bó.

       - Câu hỏi đàm thoại vừa hiểu được nội dung bài thơ vừa phát triển ngôn ngữ mạch lạc.

       Ví dụ: Khi dạy bài thơ “Đồng lúa” chủ điểm nghề nghiệp.

       + Cô đưa ra hạt gạo: đố các con đây là hạt gì? Theo các con hạt gạo được làm ra từ đâu?

       + Cô đưa ra hạt thóc: hạt thóc có từ đâu? Các con đã thấy cây lúa chưa?

       + Cô đưa ra cây lúa và hỏi cây lúa này do đâu mà có?

       + Cô vừa đọc bài thơ gì? Của tác giả nào?

       + Đố các con cây lúa được trồng ở đâu?

       + Người trồng cây lúa được gọi tên là gì?

       + Để cho cây lúa ra nhiều hạt, bác nông dân phải làm gì?

       + Nhớ ơn bác nông dân các con sẽ làm gì?

       - Khi trẻ trả lời cô giáo hướng dẫn trẻ trả lời trọn câu, câu có đủ chủ ngữ, vị ngữ:

       Ví dụ: Cây lúa này do đâu mà có? (Thưa cô, cây lúa này do các bác nông dân trồng đấy ạ.)

       4. Tổ chức cho trẻ đọc thơ thông qua hoạt động chung:

       Để một tiết dạy thơ đạt kết quả tốt, tôi tiến hành dạy trẻ theo trình tự sau:

       Ví dụ: Dạy bài thơ “Ước” chủ điểm nghề nghiệp

       * Hoạt động 1: Ổn định

       - Cho trẻ hát bài: “Cháu yêu cô chú công nhân”

       - Cô và các con vừa hát bài hát nói về ai? (Cả lớp trả lời)

       - À! ngoài nghề công nhân, trong xã hội có rất nhiều ngành nghề.

       - Vậy các con hãy chú ý lên màn hình xem có những nghề gì nhé!

       - Các con ơi, chúng ta vừa xem xong đoạn phim, vậy bạn nào cho cô biết trong đoạn phim có những hình ảnh gì? (Trẻ kể đồng thanh: nghề bác sĩ, giáo viên, đánh cá…)

       - Hôm nay cô có một bài thơ nói về em bé mơ ước lớn lên sẽ làm thật nhiều nghề để giúp ích cho xã hội và cho mọi người.

       Đó là bài thơ “Ước” được sưu tầm trong tuyển tập Thơ truyện dành cho trẻ mầm non. Các con hãy chú ý lắng nghe xem em bé trong bài thơ ước những điều gì nhé!

       * Hoạt động 2: Đọc thơ trẻ nghe – đàm thoại

       - Đọc thơ trẻ nghe:

       + Cô đọc diễn cảm lần 1 kết hợp cử chỉ điệu bộ.

       + Lần 2 đọc trích dẫn kết hợp tranh.

       + Giải thích từ khó:

       F Con Hạc – chính là khi ta ước một điều gì đó sẽ xếp nhiều con Hạc để ước mơ của mình trở thành sự thật. Đây là con Hạc nè các con (cô cho trẻ xem con Hạc xếp bằng giấy).

       F Ước thầm: có nghĩa là chúng ta ước điều gì đó trong tâm tưởng của mình, không nói ra bên ngoài.

       F Quê hương: là nơi chúng ta sinh ra và lớn lên ở đó, nơi chôn nhau cắt rốn.

       - Đàm thoại:

       + Các con vừa đọc bài thơ có tên là gì?

       + Bạn nhỏ trong bài thơ ước lớn lên làm nghề gì?

       + Bạn ước bác sĩ để làm gì?

       + Ước cô giáo để làm gì?

       + Còn ước Bác đưa thư thì sao?

       + À! Bây giờ các con hãy nhắm mắt lại và ước thầm khi lớn lên mình sẽ làm một nghề có ích cho xã hội. Nào chúng ta cùng ước! Bạn nào đứng lên cho cô biết con vừa ước lớn lên con sẽ làm nghề gì?

       - Giáo dục trẻ biết yêu quý các nghề trong xã hội, quý trọng lao động, sản phẩm lao động làm ra.

       * Hoạt động 3: Trẻ đọc thơ

       - Cả lớp đọc

       - Ba tổ lần lượt đọc

       - Nhóm bạn trai đọc

       - Nhóm bạn gái đọc

       - Cá nhân đọc (gọi 3-4 trẻ)

       - Đọc đối (bài thơ “Ước” với nhiều hình thức đọc: đọc theo nhóm, theo tổ, cô còn có cách đọc đối nửa. Hai bạn đọc, một bạn đọc câu trước, một bạn đọc câu sau, cứ như thế cho hết bài thơ)

       * Hoạt động 4: Trò chơi “Thi ai chọn đúng”

       - Cô chia lớp thành hai đội A và đội B, mỗi đội có một bài thơ “Ước” gắn trên bảng, đội nào lên gạch chân đúng và nhiều chữ cái đã học sẽ là đội thắng cuộc, đội nào thua sẽ nhảy lò cò quanh lớp, thời gian chơi là một bài thơ “Ước”.

       - Nhận xét và đếm kết quả chơi của 2 đội.

       III. KẾT QUẢ VÀ PHỔ BIẾN ỨNG DỤNG:

       1. Kết quả:

       Trong thời gian áp dụng các biện pháp trên. Qua các tiết học, trẻ rất hứng thú tham gia vào các hoạt động học tập, ngôn ngữ của trẻ trở nên mạch lạc hơn, trẻ nói lưu loát và biết nhiều từ mới hơn so với trước. Kết quả khảo sát được trình bày trong bảng dưới đây:

Kết quả

Số lượng trẻ

Khi chưa áp dụng các biện pháp trên

Sau khi áp dụng các biện pháp trên

- Hứng thú đọc diễn cảm thơ

37

20/37 (54%)

26/37 (70,3%)

- Trẻ thuộc nhiều, nhanh

37

16/37 (43,2%)

28/37 (75,7%)

- Trẻ mạnh dạn giao tiếp với cô

37

32/37 (86,5%)

35/37 (94,6%)

- Phát triển ngôn ngữ mạch lạc

37

17/37 (45,9%)

27/37 (73%)

       2. Phổ biến ứng dụng:

       Từ những biện pháp trên và kết quả thực tế của lớp, tôi rút ra được những bài học kinh nghiệm để phổ biến cho các bạn đồng nghiệp nâng cao chất lượng phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ thông qua bộ môn văn học thể loại thơ trước hết:

       - Xây dựng môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học, làm phương tiện cho trẻ phát triển ngôn ngữ.

       - Chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu cho trẻ hoạt động.

       - Dùng câu hỏi mở giúp trẻ trình bày ý tưởng của mình một cách rõ ràng, mạch lạc, hướng dẫn trẻ nói trọn câu, câu có chủ ngữ, vị ngữ.

       - Tạo cơ hội cho trẻ học mọi lúc, mọi nơi, chú trọng sửa cách phát âm sai, nói ngọng, nói lắp cho trẻ.

       - Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh trong quá trình dạy trẻ.

       - Giáo viên tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, từ đồng nghiệp, các phương tiện thông tin, rèn luyện kỹ năng đọc diễn cảm thơ.

       - Tạo bầu không khí trong lớp thoải mái làm cho trẻ tiếp thu bài một cách hiệu quả.

       - Khi cháu đọc thơ, giáo viên phải theo dõi, sửa lỗi kịp thời và cho các cháu nhận xét, tập phê bình cách đọc của bạn.

       - Điều quan trọng là khi dạy trẻ đọc diễn cảm thơ là không kìm hãm sự phát triển tự nhiên của trẻ trong việc bộc lộ cảm xúc của mình trước tác phẩm.

       Từ những kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm đã được tích lũy, tôi đã áp dụng và có hiệu quả rất tốt ở lớp mình nhằm hình thành ở trẻ những yếu tố để phát triển nhân cách hài hòa về thẩm mỹ, đạo đức, trí tuệ và thể lực góp phần đào tạo thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện, vì trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai.

Tác giả: Mai Thị Thắm - Trường Mầm non Thị trấn Năm Căn