Phát triển qui trình sản xuất giống tôm sú (Penaeus monodon) theo công nghệ biofloc tại tỉnh Cà Mau.

       I. ĐẶT VẤN ĐỀ

       Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm sú lớn nhất cả nước, số trại giống trong tỉnh Cà Mau cuối năm 2018 là 841 trại gồm 498 cơ sở sản xuất giống, 209 cơ sở kinh doanh giống, 143 ngưng hoạt động, nhu cầu giống tôm sú cung cấp cho người nuôi rất lớn khoảng 15 tỷ tôm post mỗi năm, số lượng tôm sú giống sản xuất trong tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của người nuôi, số còn lại phải nhập ngoài tỉnh, và dự báo nhu cầu con giống sẽ tăng khi tôm sú sinh thái Cà Mau dần khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và thế giới. (Chi Cục Thủy Sản Tỉnh Cà Mau, 2018). Trong những năm qua, nghề nuôi tôm sú gặp rất nhiều trở ngại về dịch bệnh. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do con giống chất lượng kém (do trại sản xuất sử dụng thuốc kháng sinh quá nhiều trong suốt quá trình ương), môi trường ngày càng ô nhiễm. Vì vậy, để nghề nuôi tôm sú phát triển bền vững rất cần có con giống đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng và chất lượng. Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Theo đó, tổ chức/cá nhân sản xuất giống phải được cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống thủy sản, trong đó có điều kiện bắt buộc phải áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học. Do đó tìm giải pháp cho nghề sản xuất giống tôm sú theo hướng an toàn sinh học thì việc ứng dụng công nghệ biofloc trong ương ấu trùng tôm sú để tạo ra con giống tốt, an toàn sinh học phục vụ cho nghề nuôi là rất cần thiết. Công nghệ biofloc trong nuôi trồng thủy sản được xem là công nghệ sinh học theo hướng mới. Theo Avnimelech (2006) và Ray et al. (2012) cho thấy trong hệ thống nuôi trồng thủy sản thâm canh khi có bổ sung nguồn carbohydrate cho thấy nhiều lợi ích (i) cải thiện chất lượng nước, giảm áp lực của nghề nuôi đến môi trường, (ii) do vậy có thể tăng mật độ nuôi và cho năng suất cao (iii) ít bùng phát dịch bệnh do vi khuẩn có khả năng tạo chất kháng khuẩn poly-β-hydroxybutyrate (PHB), (iv) nhờ đó giúp tôm tiêu hóa tốt và lớn nhanh điều này giúp tiết kiệm thức ăn cũng như giảm chi phí thuốc hóa chất phòng trị bệnh. Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ đã ứng dụng công nghệ biofloc để ương ấu trùng và giống nhiều đối tượng như tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh và tôm sú từ năm 2015 cho đến nay. Đối với ương ấu trùng tôm sú có các nghiên cứu về các nguồn cacbon khác nhau, tỷ lệ C/N khác nhau, bổ sung cacbon ở các giai đoạn khác nhau, mật độ ương khác nhau (Châu Tài Tảo và ctv, 2016; 2017; 2018; 2019). Do vậy, việc ứng dụng công nghệ biofloc trong ương ấu trùng tôm sú để tạo ra con giống sạch bệnh, an toàn sinh học là nhu cầu cấp thiết. Song song đó, quy trình công nghệ sản xuất giống tôm sú theo công nghệ biofloc đã được nghiên cứu, hoàn thiện trong điều kiện trại sản xuất giống tại tỉnh Cà Mau, mang lại hiệu quả kinh tế, không gây ô nhiễm môi trường; là cơ sở khoa học để ứng dụng, chuyển giao và phát triển quy trình, mang lại hiệu quả thiết thực cho cho sơ sở sản xuất giống, kết nối doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất giống an toàn sinh học cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, cho thấy dự án “Phát triển qui trình sản xuất giống tôm sú theo công nghệ biofloc tại tỉnh Cà Mau” cần thiết phải thực hiện, triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

       II. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

       2.1 Thời gian và địa điểm

       Dự án được thực hiện từ tháng 07/2021 đến tháng 06/2022 tại 06 cơ sở sản xuất giống tôm tại huyện Ngọc Hiển, huyện Năm Căn và huyện Phú Tân tỉnh Cà Mau.

       2.2. Vật liệu

       2.2.1. Nguồn nước nuôi tôm mẹ và ương ấu trùng

       Nước mặn nuôi tôm mẹ và ương ấu trùng được các trại giống bơm từ sông có độ mặn dao động từ 26 đến 30‰, bơm lên bể lắng 2 ngày để lắng phù sa, sau đó nước được bơm qua bể xử lý, nước được xử lý bằng chlorine 50 g/m3 và sục khí mạnh từ 2 đến 3 ngày cho hết lượng chlorine trong nước, sau đó nước được bơm qua lọc cơ học trước khi sử dụng.

       2.2.2. Nguồn tôm mẹ:

Tôm sú mẹ có nguồn gốc từ tự nhiên được đánh bắt ngoài biển và được mua ở Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tôm sú mẹ có chất lượng tốt với khối lượng từ 220 – 250 g/con và được kiểm tra sạch bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh hội chứng gan tụy cấp tính (EMS) và bệnh còi (MBV) theo phương pháp PCR. 

       2.2.3. Bổ sung đường cát để tạo biofloc:

       Biofloc được tạo bằng nguồn cacbon từ đường cát có hàm lượng C là 55,54%. Đường cát được hòa vào nước 60 oC theo tỷ lệ 1 rỉ đường, 3 nước rồi ủ 24 giờ với vi sinh SUPER EMS (1 g/m3) có thành phần:  Bacillus subtilis (2*105 CFU/kg), Lactobacillus acidophilus (2*105 CFU/kg), Saccharomyces cerevisiae (2*105 CFU/kg), Nitrosomonas sp (2*105 CFU/kg), Nitrobacter sp (2*104 CFU/kg), chất mang vừa đủ (1 kg). Sau đó bổ sung trực tiếp vào bể ương. Lượng đường cát được bổ sung mỗi ngày được tính theo lượng thức ăn nhân tạo cho tôm ăn trong ngày dựa theo công thức của Avnimelech (2015) tỷ lệ C/N = 25, thời điểm bổ sung đường cát từ giai đoạn Mysis-3 (Châu Tài Tảo, 2019).

       2.3. Phương pháp nghiên cứu

       2.3.1. Bố trí thực nghiệm 

     Thực nghiệm sản xuất giống tôm sú theo công nghệ biofloc tại 06 cơ sở sản xuất giống tôm qui mô lớn tại tỉnh Cà Mau để nhân rộng qui trình này gồm Công ty TNHH MTV SX, TM&DV Hảo Cà Mau và Công ty TNHH MTV Mũi Cà Mau thuộc huyện Ngọc Hiển. Công ty cổ phần giống thủy sản Sú Chân Đỏ và Công ty TNHH MTV SX, TM&DV Giống Thủy Sản Thảo Nguyên thuộc huyện Năm Căn. Trại Giống Tấn Cường và Trại giống Thanh Trung thuộc huyện Phú Tân tỉnh Cà Mau, các trại này có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn sinh học và trình độ chuyên môn để tiếp nhận qui trình. Mỗi trại bố trí từ 15 đến 18 bể, mỗi bể có thể tích từ 7 đến 8 m3. Các trại sản xuất tôm giống này đảm bảo an toàn sinh học, và có khu nuôi vỗ tôm mẹ, khu ấp Artemia, khu ương ấu trùng riêng biệt

       Sau khi tôm sú mẹ kiểm tra sạch bệnh được nuôi riêng và cho ăn rươi,  sò và mực, Khi tôm sú mẹ ăn mạnh tiến hành cắt mắt cho tôm sinh sản. Sau khi tôm sinh sản chọn lựa ấu trùng khỏe, hướng quang mạnh và tắm bằng formol 200 ppm trước khi bố trí vào bể ương. Mật độ ương ấu trùng tôm sú dao động từ 150 - 200 con/L.

       2.3.2. Chăm sóc ấu trùng và hậu ấu trùng

       Khi ấu trùng Nauplii chuyển sang giai đoạn Zoea-1 hoàn toàn, tảo tươi (Chaetoceros sp hoặc Thalasiosira sp) được bổ sung vào bể, hoặc cho ăn tảo khô (Spirulina) với liều lượng từ 0,4 - 0,6 g/m3/lần, mỗi ngày cho tôm ăn 8 lần. Ở giai đoạn Zoea-2 và Zoea-3 cho ăn thức ăn nhân tạo (50% Lansy ZM + 50% Frippak-1) với lượng từ 0,6 - 1,5 g/m3/lần, mỗi ngày cho tôm ăn 8 lần. Giai đoạn ấu trùng Mysis cho ăn thức ăn nhân tạo (50% Lansy ZM + 50% Frippak-2) với lượng thức ăn từ 1,5 - 2,5 g/m3/lần, mỗi ngày cho tôm ăn 4 lần, và 2 - 3 g Artemia/m3/lần, mỗi ngày cho tôm ăn 4 lần (Artemia được ấp nở đến giai đoạn bung dù), thức ăn nhân tạo và Artemia cho ăn xen kẽ nhau. Từ giai đoạn PL1 đến PL12 cho ăn thức ăn nhân tạo (Frippak-150 và Lansy PL) từ 3 - 5 g/m3/lần, mỗi ngày cho tôm ăn 4 lần và Artemia mới nở từ 3 - 5 g/m3/lần, mỗi ngày cho tôm ăn 4 lần, thức ăn nhân tạo và Artemia cho ăn xen kẽ nhau.

       2.3.3. Các chỉ tiêu theo dõi và thu mẫu phân tích

       Các chỉ tiêu theo dõi biofloc: Thể tích biofloc được thu ở giai đoạn PL5, và PL12 bằng cách đong 1 L nước mẫu cho vào bình nón imhoff và để lắng khoảng 30 phút, ghi nhận thể tích lắng theo đơn vị ml/L.

       Các chỉ tiêu theo dõi tôm: Thu ngẫu nhiên 30 mẫu tôm đo chiều dài tổng ở giai đoạn PL12 bằng kính hiển vi có trắc vi thị kính. Tỷ lệ sống và năng suất của tôm được xác định ở giai đoạn PL12 bằng phương pháp định lượng.

       Đánh giá chất lượng của tôm PL-15:

       - Phương pháp đánh giá chất lượng tôm sú giống PL-12 theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8398: 2012 (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2012). Phương pháp gây sốc bằng formol 100 ppm: Thu ngẫu nhiên 100 tôm bột PL-15 cho vào cốc chứa 1 L nước, cho formol vào cốc chứa tôm với nồng độ 100 ppm, sau 30 phút. Nếu tỉ lệ tôm sống là 100% là tôm có chất lượng tốt. Phương pháp gây sốc bằng cách giảm 50% độ mặn: Thu ngẫu nhiên 100 tôm bột PL-15 cho vào cốc 1 L có chứa 500 ml nước bể ương, thêm vào cốc 500 ml nước ngọt, sau 30 phút. Nếu tỷ lệ tôm sống 100% thì tôm có chất lượng tốt.

       - Kiểm tra bệnh tôm bằng phương pháp PCR: Mỗi trại thu ngẫu nhiên 10 mẫu PL12 ở 10 bể để kiểm tra các bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh hội chứng gan tụy cấp tính (EMS) và bệnh còi (MBV).

       2.3.4. Phương pháp xử lý số liệu:

       Các số liệu thu thập sau đó được tính toán giá trị trung bình, độ lệch chuẩn bằng phần mềm Excel của Office 2013.

       III. Kết quả đạt được

       3.1. Kiểm tra bệnh tôm sú mẹ

       Tôm sú mẹ có nguồn gốc từ biển mua ở Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, chất lượng tốt, khối lượng từ 220 – 250 g/con và được kiểm tra sạch bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh hội chứng gan tụy cấp tính (EMS) và bệnh còi (MBV)

Bảng 1. Kết quả kiểm tra bệnh tôm sú mẹ

Trại

Tôm sú mẹ sạch bệnh

Tôm sú mẹ bệnh

Số lượng (con)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (con)

Tỷ lệ (%)

1

12

57,1

9

42,9

2

13

76,5

4

23,5

3

12

63,2

7

36,8

4

12

100

0

0,00

5

12

92,3

1

7,69

6

12

80,0

3

20,0

Tổng

73

75,3

24

24,7

 

       Mặc dù tôm sú mẹ chọn mua được dựa trên đánh giá cảm quan về màu sắc và hình dáng bên ngoài đạt chất lượng tốt nhưng kết quả kiểm tra bệnh cho thấy tỷ lệ tôm mẹ bệnh khá cao chiếm gần 25%. Tỷ lệ tôm mẹ bệnh cao vào thời gian khoảng cuối năm.

       3.2. Thể tích biofloc trong bể ương tôm ở các trại

       Ở giai đoạn PL5 thể tích biofloc trung bình cao nhất ở trại 4 và thấp nhất ở trại 2, tuy nhiên sự dao động này là không lớn. Đến giai đoạn PL12 thể tích biofloc trung bình ở các trại dao động từ 0,91 ± 0,18 ml/L đến 1,08 ± 0,34 ml/L.

Bảng 2. Thể tích biofloc trong bể ương tôm ở các trại

 

Trại

Thể tích biofloc ở PL5 (ml/L)

Thể tích biofloc ở PL12 (ml/L)

1

0,38 ± 0,13

1,02 ± 0,23

2

0,26 ± 0,14

1,03 ± 0,28

3

0,38 ± 0,15

0,96 ± 0,27

4

0,49 ± 0,21

1,08 ± 0,34

5

0,34 ± 0,12

0,91 ± 0,18

6

0,27 ± 0,11

0,96 ± 0,24

TB ± Std

0,35±0,08

0,99±0,06

Ghi chú: TB ± Std: Trung bình và độ lệch chuẩn

       3.3. Chiều dài, tỷ lệ sống và năng suất của tôm ở giai đoạn PL12

       Chiều dài của tôm PL12 ở các trại dao động không lớn, cao nhất là ở trại 2 và thấp nhất là ở trại 3 và 4. Tỷ lệ sống của tôm PL12 ở các trại tương đối cao dao động từ 73,4 ± 4,69 % đến 79,2 ± 3,87 %.

Bảng 3. Chiều dài, tỷ lệ sống và năng suất của tôm ở giai đoạn PL12

 

Trại

Chiều dài (mm/con)

Tỷ lệ sống (%)

Năng suất (con/m3)

1

11,5 ± 0,10

76,9 ± 3,39

117.143 ± 7.869

2

11,7 ± 0,51

73,4 ± 4,69

121.982 ± 11.741

3

11,3 ± 0,21

79,2 ± 3,87

140.873 ± 9.369

4

11,3 ± 0,19

78,7 ± 7,37

111.905 ± 9.061

5

11,6 ± 0,10

74,7 ± 7,11

112.698 ± 15.798

6

11,4 ± 0,13

74,8 ± 6,18

109.921 ± 12.348

TB ± Std

11,5 ± 0,14

76,3 ± 2,24

119.087 ± 10.981

       Các hạt biofloc giúp cải thiện chất lượng nước và là nguồn dinh dưỡng tự nhiên, giàu protein, lipid và kích cở hạt biofloc phù hợp cho ấu trùng và hậu ấu trùng tôm. Do môi trường trong bể ương được quản lý tốt nhờ các hạt biofloc và tôm ăn được các hạt biofloc có đầy đủ thành phần dinh dưỡng thức ăn tự nhiên nên tôm có tỷ lệ sống rất cao ở các trại.

       Năng suất tôm PL12 ở các trại từ 109.921 ± 12.348 con/m3 đến 140.873 ± 9.369 con/m3, cao nhất là ở trại 3 và thấp nhất là ở trại 6.

       3.4. Đánh giá chất lượng tôm ở giai đoạn PL12

       Khi tôm đạt đến giai đoạn PL12 tiến hành gây sốc bằng formol 100 ppm và giảm 50% độ mặn, tất cả các bể ở các trại đều có tỷ lệ tôm sống đạt 100%, kết quả này đạt được tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8398: 2012.

       Mỗi trại thu ngẫu nhiên 10 mẫu PL12 ở 10 bể để kiểm tra các bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh hội chứng gan tụy cấp tính (EMS) và bệnh còi (MBV) bằng phương pháp PCR. Kết quả cho thấy tất cả các mẫu đều âm tính với các loại bệnh trên, do nguồn tôm mẹ được kiểm sạch bệnh, sản xuất theo qui trình biofloc an toàn sinh học nên PL12 ở các trại đều có chất lượng tốt và sạch bệnh.

       IV. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

       4.1. Kết luận

       Thể tích biofloc trong bể ương ở tất cả các trại đều nằm trong khoảng thích hợp cho ấu trùng và hậu ấu trùng tôm phát triển tốt.

       Kết quả cho thấy 6 trại tôm ở giai đoạn PL12 có chiều dài trùng bình là 11,5 ± 0,14 mm, tỷ lệ sống 76,3 ± 2,24 % và sản lượng 119.087 ± 10.981 con/m3, chất lượng tôm tốt và sạch bệnh đốm trắng, hội chứng gan tụy cấp tính, bệnh còi. Cho thấy qui trình ương rất ổn đinh và kết quả đạt được rất tốt.

       4.2. Đề xuất

       Tiếp tục phát triển qui trình sản xuất giống tôm sú theo công nghệ biofloc cho các trại sản xuất giống tôm sú ở tỉnh Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung.

Lý Văn Khánh và Châu Tài Tảo - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ